Đến thời điểm nào Việt Nam sẽ chấm dứt bù chéo giá điện?
05:36 | 25/04/2024
Bế tắc trong đàm phán giá mua bán điện khí LNG - Nhìn từ báo cáo của EVN gửi Chính phủ Do khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án điện khí LNG về lượng bao tiêu điện năng (Qc), trong khi Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện đối với nhà máy điện LNG, mới đây EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các vướng mắc này. Sau khi nghiên cứu nội dung báo cáo và các tài liệu liên quan, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài phân tích, nhận định ban đầu dưới đây. |
Theo đề xuất của Bộ Công Thương: Giá điện sẽ rút xuống còn 5 bậc so với 6 bậc như hiện nay. Cụ thể, các bậc thang 1-5 được tính theo lũy tiến, bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng/kWh (như mức điều chỉnh từ ngày 9/11/2023).
Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) là khoảng 1.806 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Theo đó, giá điện cho 100 kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (con số này chiếm gần 33,5% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện từ số hộ này sẽ được bù từ những hộ dùng từ 401 đến 700 kWh và trên 700 kWh - tức là, giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp. Các chính sách hỗ trợ tiền điện với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì, với mức hỗ trợ tiền điện tương đương mức sử dụng là 30 kWh.
Cũng theo Bộ Công Thương: Cách tính giá lũy tiến nhằm khuyến khích tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa, chênh lệch giữa bậc 1 đến bậc 5 là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, biểu giá như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện. Với cách tính giá điện này, các hộ càng sử dụng điện nhiều thì mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên. Những người có thu nhập cao, họ đã đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, khi sử dụng nhiều điện lại phải trả tiền cao hơn, điều này liệu có phù hợp với thực tiễn hay không?
Vậy thực chất cách tính giá lũy tiến có làm cho người dân sẽ sử dụng điện tiết kiệm hơn và việc bù chéo giá điện như vậy liệu có hoàn toàn hợp lý? Chúng ta hãy phân tích chi tiết để làm rõ vấn đề này.
Chúng ta đã, đang sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?
Một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia là cường độ sử dụng điện được đo bằng số kilowatt giờ (kWh) điện sử dụng để tạo ra 1 đô la Mỹ (USD) tăng trưởng GDP. Cường độ sử dụng điện càng cao, hiệu quả sử dụng điện càng thấp.
Trong giai đoạn 1990-2020 sản lượng điện tiêu thụ cuối cùng (Electricity Final Consumption) của nước ta đã có sự tăng trưởng cao nhất thế giới (tăng đến 3.386,88%) và không có bất cứ quốc gia nào ở bất cứ khu vực nào, ở bất cứ nhóm quốc gia nào có thể so sánh với Việt Nam.
Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu tại bảng (dưới đây), với 18 nước được thống kê tại đây cho thấy: Chúng ta sử dụng điện kém hiệu quả nhất (Việt Nam cần 0,652 kWh, 17 nước còn lại chỉ cần có 0,152 kWh đến 0,544 kWh để đạt được 1 USD tăng trưởng GDP).
TT | Tên nước | GDP 2020, tỷ USD | GDP đầu người năm 2020, USD | Dân số, triệu người | Tổng tiêu thụ điện năng (TWh) | Tiêu thụ điện năm 2020 (người/kWh) | Điện / GDP (kWh/USD) | |||
1990 | 2020 | Tăng TWh | % tăng | |||||||
1 | Việt Nam | 346,31 | 3.549 | 97,34 | 6,48 | 225,95 | 219,47 | 3386,88 | 2.321,2 | 0,652 |
2 | Mông Cổ | 13,4 | 3.965 | 3,28 | 3,25 | 7,27 | 4,02 | 123,69 | 2.216,5 | 0,544 |
3 | Anbani | 12,5 | 5.268 | 2,84 | 1,82 | 6,68 | 4,86 | 267,03 | 2.352,1 | 0,534 |
4 | Trung Quốc | 14.862,6 | 10.525 | 1.410,93 | 579,65 | 7.424,99 | 6.845,34 | 1180,94 | 5.262,5 | 0,499 |
5 | Malaysia | 337,61 | 10.361 | 32,37 | 20,87 | 168,32 | 147,45 | 706,52 | 5.199,9 | 0,498 |
6 | Ấn Độ | 2.671,6 | 1.913 | 1.380 | 234,32 | 1.280,70 | 1.046,38 | 446,54 | 928,0 | 0,479 |
7 | Jordan | 44,1 | 4.336 | 10,20 | 3,33 | 18,93 | 15,60 | 468,47 | 1.855,9 | 0,429 |
8 | Ai Cập | 397,3 | 3.862 | 102,33 | 38.05 | 157,97 | 119,92 | 315,16 | 1.543,7 | 0,400 |
9 | Thái Lan | 500,53 | 7.171 | 69,80 | 40,13 | 193,35 | 153,22 | 381,81 | 2.770,1 | 0,386 |
10 | Paraguay | 40,3 | 4.885 | 7,13 | 2,13 | 14,14 | 12,01 | 563,85 | 1.983,2 | 0,351 |
11 | Hàn Quốc | 1.644,7 | 31.728 | 51,95 | 101,74 | 559,98 | 458,24 | 450,40 | 10.779,2 | 0,340 |
12 | Brasil | 1.749,1 | 6.971 | 212,56 | 217,66 | 540,19 | 322,53 | 148,18 | 2.541,4 | 0,309 |
13 | Ba Lan | 559,5 | 15.783 | 38,35 | 124,73 | 161,34 | 36,61 | 29,35 | 4.207,0 | 0,269 |
14 | Philippines | 361,75 | 3.326 | 109,58 | 22,35 | 92,01 | 69,66 | 311,68 | 839,7 | 0,254 |
15 | Rumani | 208,0 | 13.032 | 19,29 | 42,85 | 52,53 | 9,68 | -22,59 | 2.723,2 | 0,253 |
16 | Indonesia | 1.062,53 | 3.932 | 273,52 | 29,48 | 268,12 | 238,64 | 809,50 | 980,3 | 0,252 |
17 | Băngladesh | 373,9 | 2.270 | 164,69 | 5,14 | 82,01 | 76,87 | 1495,53 | 498,0 | 0,219 |
18 | Singapore | 348,39 | 61.274 | 5,69 | 15,18 | 52,90 | 37,72 | 248,48 | 9.297,0 | 0,159 |
Điện năng tiêu thụ - GDP giai đoạn 1990-2020 của Việt Nam, ASEAN và một số quốc gia trên thế giới (theo số liệu của IEA).
Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD và năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 8.380 USD/1 lao động, tăng 274 USD so với năm 2022.
Theo báo cáo của EVN về kết quả sản xuất - cung cấp điện năm 2023 như sau: Điện sản xuất, nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm trước và điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỷ kWh, tăng 3,52%. Chỉ số điện thương phẩm/GDP năm 2023 là 0,584 kWh/USD, tuy có giảm hơn năm 2020, nhưng vẫn ở mức rất cao so với 17 nước (nêu trong bảng trên) ở thời điểm năm 2020. Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng điện của nước ta rất thấp, mặc dù Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ ngày 17/6/2010 (cách đây gần 14 năm).
Tiết kiệm điện là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu biết tập trung vào những nơi tiêu thụ điện trọng điểm với những chính sách và hành động quyết liệt, triệt để một cách có hệ thống. Và nếu giá điện được tính đúng, tính đủ chắc chắn sẽ tác động đến chi phí đầu vào của những hộ tiêu thụ điện lớn, sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 53-55% lượng tiêu thụ điện năng toàn hệ thống). Khi đó, những hộ tiêu thụ điện này sẽ phải đầu tư, thay thế thiết bị lạc hậu nhằm giảm chi phí sản xuất sản phẩm của mình để cạnh tranh trên thị trường.
Giá điện cho từng ngành tiêu thụ điện được đề xuất ở mức nào?
Theo nghiên cứu của VNCS Research Center trong tài liệu “Báo cáo ngành Điện Việt Nam” (tháng 7/2020), sản lượng điện tiêu dùng được phân theo từng ngành trong năm 2020 như sau:
- Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 55,3%.
- Quản lý tiêu dùng dân cư chiếm 33,3%.
- Dịch vụ thương mại là 5,8%
- Nông, lâm, thủy sản chiếm 1,7% và các hoạt động khác chiếm 4,0%.
Từ thống kê này cho thấy: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là điện cho tiêu dùng và sinh hoạt dân cư chiếm vị trí thứ hai.
Tại dự thảo lần này về cách tính tiền điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất gộp và bổ sung cấp điện áp cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh. Việc tính giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Vì vậy, giá điện giờ bình thường sẽ bằng 78-90% giá bán lẻ điện bình quân; giờ thấp điểm sẽ bằng 52-67% giá bán lẻ điện bình quân và giờ cao điểm sẽ bằng 139-165% giá bán lẻ điện bình quân.
Ngoài ra, theo dự thảo lần này, nhóm cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất áp giá điện như nhóm khách hàng sản xuất - nghĩa là mức thấp hơn hiện tại. Lý do thay đổi này, theo Bộ Công Thương là nhằm khuyến khích cho ngành du lịch phát triển, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, phần doanh thu bị thiếu hụt này sẽ phải được bù đắp, nên cơ quan soạn thảo đang xem xét đề xuất bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất. Điều này có nghĩa là nhóm khách hàng “quản lý tiêu dùng dân cư chiếm 33,3%” phải bù chéo giá cho nhóm “ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm 61,1%” (như nghiên cứu của VNCS Research Center năm 2020).
Rõ ràng cơ chế giá điện đề xuất trên là chưa hợp lý, giá điện sinh hoạt của người dân phải chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp, bởi vì giá điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân trong khi giá điện bán cho hộ nghèo, hộ chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa các vùng, miền. Liên quan đến giá điện, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng: Việc giá điện sinh hoạt vẫn thực hiện bù chéo cho sản xuất là không hợp lý, điều đó khiến người dân phải bù giá cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
Để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện cần sửa Luật Điện lực và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện với giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất. Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thỏa thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện).
Dự thảo sửa đổi Luật Điện lực:
Luật Điện lực (năm 2004), sau gần 20 năm triển khai thi hành, qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, 2018 và 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực… Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi về Luật Điện lực ngày 28/3/2024 (lần hai) tại khoản 4, Điều 57 - Chính sách giá điện vẫn ghi: “Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia mua bán điện trên thị trường điện và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ”. Vậy cấp độ nào của thị trường điện lực hoạt động sẽ chấm dứt bù chéo giá điện?
Kiến nghị việc thay đổi giá điện bán lẻ:
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất, dịch vụ, du lịch - tức là không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ. Giá điện cho sinh hoạt nên quy định theo hướng không yêu cầu khách hàng sử dụng nhiều điện phải bù chéo giá điện cho khách hàng dùng điện ít hơn. Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội, chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay. Bởi “bao cấp” sẽ làm hỏng cơ chế thị trường và đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện “cho đúng, đủ”.
Theo đó, đối với khâu sản xuất điện, phải rà soát quy định, tăng sự cạnh tranh trong sản xuất, còn với khâu phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối.
Đồng thời, ngành điện cần khẩn trương nghiên cứu, thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo công suất và điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp điện áp 110 kV trở lên trước khi áp dụng chính thức. Cuối cùng, các chính sách khi xây dựng phải thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng - đó là tiết kiệm điện và hiệu quả. Theo đó:
Thứ nhất: Tăng cường nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội như tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị: “Việt Nam định hướng xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền. Nhà nước điều tiết thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ và chính sách an sinh xã hội”.
Thứ hai: Khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm toán năng lượng; đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng.
Thứ ba: Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao.
Thứ tư: Đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.
TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Huy Hoạch. Giá điện Việt Nam ở mức nào là hợp lý? NangluongVietNam online 07:45 | 13/11/2023.
- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.