Chính sách "hạn chế nhập khẩu than" của Trung Quốc đã thất bại
13:46 | 04/01/2018
Tổng quan trữ lượng và tiêu thụ than trên toàn cầu
Trung Quốc mới đây đã nới lỏng lệnh hạn chế nhập khẩu than bằng việc đẩy nhanh quá trình thông quan, khiến giá than trong nước giảm mạnh từ ngưỡng cao kỷ lục do giá than nhập khẩu rẻ hơn.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thắt chặt nhập khẩu than bằng việc cấm các cảng nhỏ tiếp nhận các tàu chở than từ nước ngoài và trì hoãn tiến trình cấp giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1/7/2017.
Các thương gia cho biết, phải mất tới 40 ngày để thông quan so với 1-2 tuần như trước đây. Giá than giao sau giảm hơn 5% từ ngưỡng cao kỷ lục 641 nhân dân tệ (tương đương 98,77 USD)/tấn hồi 18/12.
Nhiều nguồn tin cho hay, các nhà chức trách tại một số cảng lớn đã cắt ngắn thời gian cấp báo cáo kiểm tra chất lượng đối với các tàu chở than từ nước ngoài và giảm những đợt kiểm tra ngẫu nhiên từ cuối tháng 12/2017.
Một thương lái Bắc Kinh cho biết: "Ngày càng nhiều tàu chở than nước ngoài cập cảng và các thương lái chuẩn bị tích trữ than nhập khẩu".
Một chiến dịch hướng các hộ gia đình chuyển từ sử dụng than sang LNG nhằm bảo vệ môi trường đã khiến nguồn cung khí bị thiếu hụt, buộc nhiều nhà máy nhiệt điện chạy khí phải đóng cửa. Khí LNG giao ngay tại thị trường châu Á cũng ghi nhận đợt tăng giá mạnh kể từ tháng 6/2017 khi tăng gấp đôi lên ngưỡng cao nhất kể từ cuối năm 2014 đạt hơn 11 USD/BTU do nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạng. Do đó, chiến dịch này vô tình khiến nhu cầu than ở các nhà máy nhiệt điện tăng mạnh hơn, nhất là trong mùa đông khi việc sử dụng điện để sưởi ấm tại các hộ gia đình tăng mạnh.
"Các nhà máy điện đã ký một lượng lớn hợp đồng nhập khẩu than trong tháng 1/2018 và giảm tiêu thụ than nội địa giá cao", một thương gia khác cho hay.
Hồi tháng 12/2017, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu bằng cách trì hoãn việc thông quan sau khi khối lượng nhập khẩu than vượt quá mục tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, một số người dự đoán rằng lệnh cắt giảm nhập khẩu sẽ tiếp tục có hiệu lực vào tháng tới khi nhu cầu bắt đầu suy yếu.
NGUỒN: NDH/REUTERS