Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [3]
08:41 | 10/10/2017
Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [1]
Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [2]
KỲ CUỐI: OPEC VÀ BÀI TOÁN NÂNG GIÁ DẦU
Giới lãnh đạo ngành dầu mỏ từng thừa nhận sẽ phải mất nhiều năm nữa, giá dầu thế giới mới có thể trở lại biên độ quen thuộc 90-100 USD/thùng trước khi lao dốc không phanh hồi cuối năm 2014. Tuy nhiên, hy vọng đã nhen nhóm khi giá dầu tăng từ mức dưới 30 USD hồi đầu năm 2016 lên hơn 50 USD vào cuối năm khi OPEC (dưới quyết tâm của A-rập Xê-út) đã nhất trí hạn chế sản lượng trong 6 tháng, bắt đầu từ năm 2017. Tổng lượng cắt giảm của OPEC là 1,2 triệu thùng/ngày. Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác ngoài OPEC đã tiếp bước khi đồng ý giảm sản lượng thêm 550.000 thùng/ngày.
Nhiều người đã nghĩ đến kịch bản giá dầu vượt mốc 60 USD/thùng, thậm chí còn cao hơn nữa vào cuối năm nay. Song, lòng tin đã rạn nứt đáng kể khi giá dầu lại giảm sâu hồi đầu tháng 3/2017, và đến nay, dù đã qua đỉnh điểm của giai đoạn nghỉ hè, song giá dầu vẫn chỉ loanh quanh mốc 50 USD/thùng.
OPEC hiện chiếm tới 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, và chắc chắn là một thế lực lớn nếu đoàn kết. Sau khi theo đuổi chính sách tăng sản lượng kỷ lục để xây dựng và bảo vệ thị trường, đặc biệt ở châu Á, cũng như để cạnh tranh với các đối thủ sản xuất dầu từ đá phiến và dầu cọ, rốt cuộc quốc gia Ả-rập này đã phải "đầu hàng" trước áp lực giá dầu thấp và buộc phải hành động.
Quyết tâm của A-rập Xê-út đã nhận được sự ủng hộ của Nga. Đây là sự hợp tác hiếm hoi giữa 2 kình địch trong lĩnh vực dầu mỏ, qua đó thể hiện lo ngại thực sự của các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về tình trạng giá dầu thấp tiếp diễn.
Thậm chí, tháng 5 vừa qua, OPEC và Nga đã lại nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đến tháng 3-2018. Triển vọng của thỏa thuận mới càng vững chắc hơn khi một số quốc gia thành viên OPEC, vốn không duy trì cam kết giảm sản lượng như Vê-nê-xu-ê-la, đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị trong nước nghiêm trọng. Song, sau niềm vui về sự hợp tác với Nga, A-rập Xê-út lại đang đối mặt với thách thức nếu thực sự muốn ổn định giá dầu thế giới.
Theo giới phân tích, nhiều câu hỏi đang cần lời đáp. Chẳng hạn như, liệu quan hệ tốt đẹp giữa Ri-át và Mát-xcơ-va có được duy trì sau khi thỏa thuận hiện nay kết thúc trong năm 2018. Hay việc Mỹ tăng lượng cung dầu đá phiến có khiến các nước thành viên OPEC còn lại, thậm chí ngay cả A-rập Xê-út, tuân thủ cam kết hạn chế nguồn cung. Và quan trọng hơn cả, A-rập Xê-út - đầu tàu của OPEC đã có kế hoạch dài hạn hay một "lối thoát" cho tình hình hiện nay chưa?
Trong cuộc họp mới nhất hồi tháng 7/2017, OPEC đã quyết định không tiếp tục cắt giảm sản lượng, dù theo một số nhà phân tích là cần thiết. Thay vào đó, họ quyết tâm củng cố thỏa thuận đạt được. Có thể hiểu được quyết định của OPEC, bởi tác động "lợi bất cập hại" nếu nguồn cung tiếp tục giảm. Trong khi có thể đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn, động thái này cũng đồng nghĩa OPEC sẽ mất thêm nhiều thị phần vào tay người Mỹ.
Do vậy, theo giới phân tích, vấn đề đặt ra là OPEC cần phải thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của mình.
Victor Shum - chuyên gia về thị trường dầu mỏ ở châu Á - nhận định, nhiệm vụ siết chặt thị trường của OPEC dường như đang trở nên "bất khả thi". A-rập Xê-út đã cam kết hạn chế mức xuất khẩu của mình là 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thấp hơn khoảng 1 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực của riêng Ri-át chắc chắn là không đủ, và họ sẽ phải hành động ra sao nếu các nước OPEC còn lại "sốt ruột", không thực hiện cam kết của mình.
Theo Ebele Kemery - nhà phân tích của JPMorgan Asset Management - động thái duy trì nguồn cung thấp của OPEC hiện không phát đi bất kỳ tín hiệu rõ ràng nào về một kế hoạch dài hạn của tổ chức này. Thậm chí, nó còn báo trước tình trạng dư cung sẽ xảy ra trong năm 2018.
Ông Ronald Smith - nhà phân tích của Citigroup Nga cho rằng, sẽ khó có thể khiến Tổng thống V. Pu-tin duy trì nguồn cung thấp lâu hơn nữa. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Rosneft của Nga đã đầu tư rất nhiều vào các dự án khai thác dầu và rốt cuộc sẽ đến thời điểm Nga buộc phải tăng nguồn cung để lấy lại thị phần của mình.
Chắc chắn phải tính đến vai trò của Mỹ trong nguyên nhân khiến giá dầu mỏ thế giới biến động, bất chấp nỗ lực của OPEC và Nga. Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ từng thống trị thị trường dầu mỏ toàn cầu cho đến trước khi OPEC được thành lập để làm đối trọng hồi thập niên 60 của thế kỷ trước. Việc tăng tốc khai thác dầu đá phiến thời gian gần đây đã giúp Mỹ trở lại cuộc chơi mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi đầu năm nay. Ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp xây dựng thêm các hệ thống dẫn dầu mới, trong đó có đường ống Keystone XL nhằm chuyển dầu nặng từ Ca-na-đa đến các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mê-hi-cô, cho phép khoan dầu mỏ trên bộ và ở khu vực biển sâu.
Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Pa-ri, vốn đặt mục tiêu giảm phụ thuộc của thế giới với nhiên liệu hóa thạch.
Những chính sách này chắc chắn làm tăng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt trên thị trường toàn cầu, khiến giá dầu tiếp tục giảm sâu. Không chỉ có vậy, ở chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ cũng có thể khiến giá dầu tăng, nếu Oa-sinh-tơn khôi phục những biện pháp trừng phạt I-ran đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.
Hiện I-ran đã trở lại là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn và một khi thị trường bớt đi hàng trăm ngàn thùng dầu mỗi ngày từ Tê-hê-ran, chắc chắn giá dầu sẽ tăng. Kịch bản này là khả tín, bởi cả Mỹ và I-ran đều đang đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Ngoài ra, Mỹ cũng chính là nước hưởng lợi lớn nhất từ quyết định tiếp tục hạn chế nguồn cung của Nga và OPEC. Theo giới phân tích, động thái đó sẽ giúp sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vài năm qua. Dự báo trong năm 2018, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 600.000 thùng/ngày trong quý I, và khoảng 500.000 thùng trong các quý còn lại.
Theo ông Simon Flower - chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn Wood MacKenzie - nguồn cung trong năm 2018 như thế là quá lớn. Và những nỗ lực hiện tại của OPEC không cho thấy lời đáp trong tình huống này.
PHAN LƯƠNG - THANH VÂN - THANH NAM