RSS Feed for Dự báo giá dầu cuối năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 17:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự báo giá dầu cuối năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút

 - Cuối cùng, các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới đã yên tâm hơn khi dự luật trần nợ công của Hoa Kỳ đã được Tổng thống Joe Biden ký ban hành (ngày 3/6/2023) sau khi được Hạ Viện thông qua (ngày 31/5/2023) và Thượng viện thông qua (ngày 1/6/2023). Đây có thể xem là tín hiệu tốt nhất đối với các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới trong những quý cuối năm 2023 - bởi nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới, nếu dự luật không thể thông qua đúng hạn. (Tổng hợp, phân tích của chuyên gia PVEP dành riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam).
Dự báo diễn biến giá dầu thế giới trong những quý cuối năm 2023 Dự báo diễn biến giá dầu thế giới trong những quý cuối năm 2023

Trước những thông tin không mấy tích cực đối với nền kinh tế thế giới, hầu hết các nhà phân tích và đầu tư đều có những nhận định tình hình thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị tác động do tăng trưởng kinh tế của những quốc gia, khu vực có ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc suy giảm. Vì vậy, trong những quý cuối năm 2023, giá dầu bình quân thế giới có thể giảm theo “sức khỏe” tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, EU và Trung Quốc. Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) dành riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Ngay sau khi dự luật trần nợ công được Tổng thống Mỹ, giá dầu mỏ đã phục hồi và các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường dầu mỏ thế giới, cũng như tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong những quý cuối năm 2023, khi mà hoạt động mua, dự trữ dầu mỏ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới và các hoạt động kinh tế tăng tốc vào cuối năm sẽ làm sôi động trở lại thị trường dầu mỏ.

Nhưng các số liệu kinh tế mới công bố của một số quốc gia, khu vực có tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay EU về tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, xuất, nhập khẩu giảm, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, đồng USD tăng giá, chỉ số giá sản xuất giảm làm cho các nhà đầu tư lo lắng về bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và giá dầu thế giới có thể không ổn định.

Ngày 4/6/2023, các nhà đầu tư chú ý tới tuyên bố của Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng (từ tháng 7/2023) khoảng 1 triệu thùng/ngày sau cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) (1), trong khi sản lượng cung cấp ra thị trường thế giới của OPEC+ chiếm tới 40% và mục tiêu thực hiện cắt giảm sản lượng khoảng 3,66 triệu thùng/ngày (chiếm 3,6% nhu cầu thế giới) kéo dài đến năm 2024.

Ngay sau tuyên bố trên, chốt phiên giao dịch ngày 5/6/2023, giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 76,71 USD/thùng, tăng 0,76%. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,57%, lên 72,15 USD/thùng do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung có thể bị hạn chế. Nhưng theo các nhà phân tích, thì việc tăng giá này không thể kéo dài, bởi sản lượng sản xuất thực tế của Nga vẫn duy trì ở mức cao, mặc dù đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ và EU (2).

Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs: Nguồn cung dầu năm 2024 sẽ tăng lên từ các quốc gia đang đối mặt với lệnh trừng phạt như Nga, Iran và Venezuela lần lượt là 0,4/0,35/0,05 triệu thùng/ngày (3). Như vậy, nguồn cung dầu trên thế giới có thể không bị giảm đi, mà ngược lại có thể vượt nhu cầu.

Bên cạnh đó, hiện đang vào quý 3/2023, những lo ngại về suy thoái kinh tế của những động lực kinh tế đầu tầu thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc đã kìm hãm giá dầu, làm giảm mọi nỗ lực của OPEC+ nhằm giữ giá ổn định ở mức cao.

Theo các nhà phân tích, thị trường dầu mỏ thế giới đã chấp nhận tin tức cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia một cách nhẹ nhàng khiến cho giá dầu chỉ tăng nhẹ trong thời gian ngắn và lại giảm xuống bởi báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 6/6/2023 (bảng1), với những thông tin và số liệu ít lạc quan không thể làm cho nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ của thế giới tăng lên trong những quý cuối năm 2023 và giá dầu sẽ tăng cao.

Bảng 1: Ước tăng trưởng kinh tế thế giới và một số quốc gia, khu vực năm 2023 (đơn vị %):

2022

2023 *

Chênh lệch với dự báo hồi tháng 1/2023

Thế giới

3.1

2.1

0.4

Mỹ

2.1

1.1

0.6

Khu vực đồng Euro

3.5

0.4

0.4

Nhật

1.0

0.8

-0.2

Trung Quốc

3.0

5.6

1.3

Ấn Độ

7.2

6.3

-0.3

* Là ước đạt

Nguồn: https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2023/06/06/global-economy-on-precarious-footing-amid-high-interest-rates?intcid=ecr_hp_headerL_en_ext

Theo báo cáo này, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2023 là 2.1%, giảm so với năm 2022 là 3.1% và tăng hơn so với dự báo hồi tháng 1/2023 là 0.4 %. Đa phần các quốc gia trên thế giới đều giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt những quốc gia được coi là động lực phát triển kinh tế của thế giới như Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và ngoại trừ một số quốc gia như Trung Quốc có ước đạt tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5.6%, tăng cao hơn so với dự báo đã đưa ra trong tháng 1 là 1.3%. Mỹ ước đạt tăng trưởng kinh tế là 1.1% giảm so với năm 2022 là 2.1% và tăng hơn so với dự báo đã đưa ra trong tháng 1/2023 là 0.6%.

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy: Tháng 4/2023, tổng tâm hụt thương mại của Mỹ tăng 23% lên mức 74,6 tỷ USD, là mức tăng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây, nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại trong khi xuất khẩu giảm. Nếu duy trì xu hướng này, thì thâm hụt thương mại trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2 và các quý sau.

Một trong những nguyên nhân gây thâm hụt thương mại lớn là từ đầu năm đến nay, chỉ số đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ khác luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là quý 2, chỉ số đồng USD tăng cao nhất. Từ 18/5 đến 12/6, chỉ số đồng USD luôn duy trì ở mức trên 103 điểm, làm cho đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác và là một phần nguyên nhân gây hàng hóa xuất khẩu của Mỹ giảm, cạnh tranh kém hơn trên thị trường thế giới do đồng USD trở nên đắt hơn so với các ngoại tệ khác (4).

Ngày 13/6/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy: Lạm phát tháng 5 tăng 0,1% so với tháng 4, trong khi tháng 4 tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần là 4%, thấp hơn so với dự báo và là mức thấp nhất trong 2 năm.

Mặc dù, lạm phát đã hạ dần xuống, nhưng theo các nhà kinh tế Mỹ đánh giá thì đó vẫn là mức cao so với mục tiêu và kỳ vọng tăng trưởng ổn định nền kinh tế Mỹ.

Khu vực đồng Euro, ước tăng trưởng kinh tế 2023 là 0.4% do bị tác động mạnh của cuộc chiến tranh Nga - Ukraina khiến lạm phát cao, sản xuất ngưng trệ vì nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. Theo số liệu từ cơ quan thống kê Eurostat (ngày 8/5/2023) cho thấy: GDP của 20 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro trong quý 1/2023 tiếp tục giảm 0,1% so với quý 4 năm 2022.

Trong quý 1/2023, tiêu dùng của hộ gia đình giảm 0,3%, tiêu dùng của chính phủ giảm 1,6%; xuất khẩu giảm 0,1%, nhập khẩu giảm 1,3%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp trong tháng 4 giảm 3.2% so với tháng 3. Nền kinh tế khu vực đồng Euro đã được xem là suy thoái kỹ thuật trong quý 1/2023 (5).

Ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,5% và có thể sẽ tiếp tục nâng trong cuộc họp tháng 7, trừ khi các số liệu kinh tế trở nên tốt hơn. Việc tiếp tục tăng lãi suất của ECB có thể kìm hãm sản xuất của các doanh nghiệp, chi phí sản xuất sẽ tăng cao, mặc dù EU có tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng nền kinh tế trong khu vực đang yếu, thì việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung của các quốc gia trong khu vực.

Với những tín hiệu kinh tế như vậy, việc gia tăng nhu cầu dầu mỏ cho phát triển kinh tế của EU sẽ không cao mà chủ yếu phục vụ cho sưởi ấm trong thời gian mùa đông năm 2023.

Cũng theo báo cáo của WB: Nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng bấp bênh với lạm phát cao, kéo dài ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, buộc những quốc gia này phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát.

Ngoài ra, việc một số ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu rơi vào khủng hoảng, khiến hệ thống ngân hàng đang phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản vay nên các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn không dễ dàng như các năm trước. Điều này sẽ càng khiến các điều kiện phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới cũng chỉ ra: Tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ giảm trong suốt năm 2023, chủ yếu là do tác động trễ của việc tăng mạnh lãi suất chính sách trong hơn một năm rưỡi qua nhằm giảm lạm phát.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc phục hồi trở lại vào đầu năm 2023, do mở cửa trở lại nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, các hoạt động thương mại vẫn trầm lắng, các thị trường phát triển không đồng đều, thương mại quốc tế giảm do các thị trường tiêu dùng lớn ở nước ngoài như Mỹ, châu Âu giảm nhu cầu nên đã ảnh hưởng đến sản xuất trong nước kém phần sôi động.

Tháng 5/2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7.5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 4.3% và thặng dư thương mại chạm mức thấp nhất trong 13 tháng (6).

Báo cáo tháng 5/2023 của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy: Chỉ số lạm phát trong tháng 5 giảm 0.2% so với tháng 4, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 4,6% trong 12 tháng tính đến tháng 5, đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn so với đồng USD do chênh lệch tỷ giá. Các chỉ số này thể hiện hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm so với đầu năm, những động lực, thị trường phát triển kinh tế của quốc gia này đang gặp khó khăn, bất chấp những chính sách hỗ trợ, giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ ban hành sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống Covid vào đầu năm 2023.

Vì vậy, cập nhật dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, một số ngân hàng lớn trên thế giới đều đưa ra dự báo giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2023 (bảng 2). Trong đó, Goldman Sachs và Bank of America cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 2023 nhiều nhất từ 6% xuống còn 5.4% và 6.30% xuống 5.70%.

Bảng 2: Cập nhật tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 2023:

Dự báo giá dầu cuối năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút
Nguồn: https://www.cnbc.com/2023/06/19/goldman-sachs-cuts-chinas-growth-outlook.html.

Ngày 14/6/2023, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, để có thời gian đánh giá tác động của chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ giảm lạm phát. Tuy nhiên, quyết định này đi kèm với dự báo rằng: Trước khi kết thúc năm 2023, Fed có thể sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm mỗi lần.

Theo một báo cáo được công bố ngày 11/6/2023, các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm gần 10% dự báo giá dầu, bởi nguồn cung dầu thế giới tăng lên trong khi nhu cầu dầu thô chậm lại. Theo dự báo: Giá dầu Brent tháng 12 giảm từ 95 USD/thùng xuống 86 USD/thùng. Dầu WTI giao tháng 12 giảm từ 89 USD/thùng xuống 81 USD/thùng. Đây là dự báo điều chỉnh giảm lần thứ ba của Goldman Sachs trong 6 tháng đầu năm 2023 (7).

Còn theo cập nhật của Phòng Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tháng 6/2023: Giá dầu bình quân thế giới trong quý 3 với dầu Brent là 78.32 USD/thùng, dầu WTI là 73.32 USD/thùng, quý 4 với dầu Brent và WTI có giá bình quân lần lượt là 79.97 USD/thùng và 74.97 USD/thùng. Giá dầu quý 4 nhích tăng nhẹ so với quý 3 do nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông của nhiều quốc gia tăng lên dẫn tới giá dầu tăng lên.

Còn theo cập nhật dự báo của Ngân hàng JPMorgan: Giá trung bình của dầu Brent năm 2023 giảm xuống 81 USD/thùng so với dự báo trước đó là 90 USD/thùng, giá dầu WTI giảm xuống 76 USD/thùng so với dự báo trước đó là 84 USD/thùng (8).

Hình 1: Ước giá dầu bình quân giao trong quý 3 và 4/2023 (đơn vị $/thùng):

Dự báo giá dầu cuối năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút
Nguồn: https://www.eia.gov/outlooks/steo/.

Còn tham khảo trên trên sàn giao dịch của CME group: Dầu Brent kỳ hạn chào giá ngày 20/6/2023, lúc 13h57 (giờ Việt Nam), giao tháng 8 đến tháng 12 có giá giao động từ 76.04 USD/thùng - 75.17 USD/thùng. Còn dầu WTI kỳ hạn chào giá giao tháng 7 đến tháng 12 có giá giao động từ 71.03 USD/thùng - 70.57 USD/thùng (9)./.

NGUYỄN ANH TUẤN - BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP


Tài liệu tham khảo:

1/ https://www.cnbc.com/2023/06/05/opec-oil-prices-pop-after-saudi-arabia-pledges-production-cuts.html

2/ https://www.investing.com/news/commodities-news/oil-moves-little-after-wiping-out-opec-gains-3099639

3/ https://www.cnbc.com/2023/06/12/goldman-sachs-slashes-oil-price-forecast-as-russian-supply-recovers.html

4/ https://www.investing.com/news/economic-indicators/us-trade-deficit-widens-sharply-in-april-3100122

5/ https://ec.europa.eu/eurostat/news

6/ https://www.investing.com/news/economy/chinas-exports-tumble-in-may-imports-slow-3099644

7/ https://www.cnbc.com/2023/06/12/goldman-sachs-slashes-oil-price-forecast-as-russian-supply-recovers.html

8/ https://www.reuters.com/business/energy/jpmorgan-cuts-oil-price-outlook-oversupply-concerns-2023-06-14/

9/ https://www.cmegroup.com/markets/energy/crude-oil/light-sweet-crude.quotes.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động