Dự báo diễn biến giá dầu thế giới trong những quý cuối năm 2023
06:11 | 22/05/2023
Nội lực của PVN trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Việt Nam Theo báo cáo của World Bank Group và tư vấn BVG Associates cho thấy: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn toàn có đầy đủ năng lực để thực hiện toàn bộ công việc liên quan đến ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi (ngoại trừ cung cấp tua bin, cáp ngầm, máy biến áp). Đặc biệt, nhờ vào thế mạnh cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, PVN có những lợi thế để tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án điện gió ngoài khơi trong cả vai trò chủ đầu tư và tổng thầu... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Dự báo về nguồn khí trong nước, LNG nhập khẩu trong Quy hoạch điện VIII Qua số liệu trong đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy: Sản lượng khí cung cấp cho điện tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đã, đang giảm dần. Nguồn khí từ Lô B, Cá Voi Xanh, Báo Vàng chỉ đủ cấp cho các dự án điện hạ nguồn đã được quy hoạch. Riêng tiềm năng nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu sẽ được làm rõ hơn sau các khảo sát trữ lượng tiếp theo. Còn nhiên liệu LNG nhập khẩu, cơ quan tư vấn đề xuất cần xác định vị trí khả thi để xây dựng nguồn điện sử dụng LNG nhập khẩu, đặc biệt là tại khu vực Bắc bộ... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết quý 2/2023, thị trường dầu mỏ tiếp tục bị các thông tin tiêu cực tác động khiến giá dầu thế giới từ đầu năm 2023 đến nay ước giảm 8 - 10%. Những thông tin làm giảm giá dầu thế giới tập trung vào lo ngại của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế chậm lại của Mỹ - quốc gia vừa sản xuất, tiêu thụ dầu lớn trên thế giới, có thể tác động mạnh đối với giá dầu thế giới, đặc biệt là trước nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở nước này và tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để giảm lạm phát [1].
Trung Quốc - nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đến nay cũng chưa cho thấy những tín hiệu tăng trưởng kinh tế rõ nét, bởi thương mại quốc tế suy giảm, thị trường bất động sản yếu kém, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 4 và các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh… càng làm cho các nhà đầu tư có cái nhìn ít lạc quan về động lực tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ bị suy giảm.
Tất cả những điều này càng làm cho thị trường dầu mỏ thế giới thêm ảm đạm, cho dù báo cáo tháng 5/2023 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay báo cáo công bố giữa tháng 5/2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo: Năm 2023, nhu cầu dầu thế giới là 102 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng so với năm 2022 và dự báo nhu cầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ tăng lên.
Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trên thị trường thế giới đang chờ đợi kết quả giải quyết trần nợ công giữa Chính phủ, Quốc hội Mỹ và hạn chót là ngày 1/6/2023.
Sau thời hạn trên, vấn đề giải quyết trần nợ công không được giải quyết, thì Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ và hệ lụy của nó có thể khiến không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, hàng triệu người sẽ bị thất nghiệp, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tin rằng: Cuối cùng, Chính phủ và quốc hội Mỹ sẽ tìm được cách giải quyết phù hợp, không để xẩy ra tình trạng bị vỡ nợ, nhưng hậu quả vẫn để lại tâm lý lo lắng, bất ổn cho các doanh nghiệp , cũng như các nhà đầu tư trên thị trường khiến các nhà đầu tư sẽ tìm đến các hàng hóa khác ít rủi ro hơn như vàng, trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Hiện nay, đồng USD đã tăng giá, càng gây áp lực giảm giá dầu mỏ. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất trong vài tuần trở lại đây. (Chốt phiên ngày 17/5/2023 ở mức 102,72 điểm, từ mức 101,48 điểm của phiên ngày 10/5/2023) [2].
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp 13-14/6/2023. Còn quan chức của Fed cho rằng: Chưa bao giờ Fed tuyên bố hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và không thấy bất kỳ lý do nào để cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu lạm phát cao, kéo dài sẽ buộc Fed phải có thêm các đợt bổ sung tăng lãi suất [3]. Fed cho rằng: Cần có đủ thời gian để các chính sách tác động đến các hoạt động kinh tế tạo ra mức cân bằng mới cho nền kinh tế và đưa mức lạm phát của Mỹ trở lại mục tiêu 2%.
Như vậy, có thể hiểu rằng: Fed đang đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế thấp với việc làm và lạm phát. Khi lãi suất tăng, chi phí sản xuất tăng khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ít việc làm được tạo ra, tiền lương giảm, nhu cầu tiêu dùng sẽ được thắt chặt lại và lạm phát sẽ giảm.
Ngày 10/5/2023, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy: Lạm phát trong tháng 4 tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 4.9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021 [4].
Các nhà đầu tư tin rằng: Quá trình giảm lạm phát vẫn đang tiếp tục và khả năng sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới đây, nhưng giảm về ngưỡng mục tiêu 2% sẽ là một việc khó khăn và lâu dài. Giá dầu thế giới rất nhậy cảm với những lần tăng lãi suất của Fed, hay các vấn đề như khủng hoảng ngân hàng kéo dài và hiện giờ là vấn đề trần nợ công của Chính phủ Mỹ… Bởi dầu mỏ là hàng hóa nhiều rủi ro so với vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Các nhà đầu tư và phân tích thị trường hy vọng rằng: Trong bối cảnh kinh tế Mỹ hiện tại thì trong cuộc họp ngày 13-14/6/2023, Fed có khả năng sẽ quyết định ngừng tăng lãi suất và chưa thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm 2023 để các chỉ số kinh tế về việc làm, thu nhập cân bằng ở một mức mới phù hợp với giảm lạm phát. Thế nhưng, nếu Fed giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài sẽ gây áp lực suy giảm nền kinh tế càng lớn và nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm.
Bảng 1: Giá dầu thay đổi trong thời gian Fed tổ chức họp năm 2023 (đơn vị USD/thùng):
Nguồn: Tổng hợp từ https://www.cnbc.com/futures-and-commodities/.
Cùng quan điểm trên, một nghiên cứu của Sevens Report Research của Mỹ cho rằng: Hiện nay, thị trường dầu mỏ thế giới đang bị tác động tiêu cực bởi vấn đề giải quyết trần nợ công, nỗi lo lắng về “sức khỏe” của nhiều ngân hàng Mỹ và kỳ vọng lớn giảm lạm phát của Fed sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế sâu sắc không chỉ của Mỹ mà sẽ lan rộng ra các khu vực. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ thế giới và ảnh hưởng tới giá dầu [5].
Nghiên cứu của Sevens Report Research chỉ ra: Giá dầu WTI năm 2023 sẽ tăng - giảm quanh mức 75 USD/thùng và thấp nhất khoảng 67 USD/thùng. Trường hợp giá dầu WTI xuống tới mức 67 USD/thùng, thì Chính phủ Mỹ sẽ tăng cường mua dầu cho dự trữ [6], điều này sẽ đẩy giá dầu tăng lên.
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ 4 liên tiếp và tăng trở lại ngày 15/5 khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết: Sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Điều này khiến dầu Brent kỳ hạn tăng 0,5% lên 75,94 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn tăng 0,9% lên 71,75 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đều tăng gần 2% vào ngày 15/5/2023 [7]. Đến ngày 18/5/2023, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 0,2% xuống 76,65 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn giảm 0,4% xuống 72,56 USD/thùng khi Chính phủ Mỹ thông tin có thể sớm giải quyết vấn đề trần nợ công.
Tuy nhiên, việc giá dầu tăng và giữ ổn định ở mức cao được bao lâu, trong khi các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu lo lắng không phải thiếu căn cứ về hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ có thêm ngân hàng bị phá sản, dữ liệu sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm sút, doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 4 tăng 0,4% bằng một nửa mức dự báo. Điều đó cho thấy một nền kinh tế đang giảm tốc trong những quý cuối năm 2023.
Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng sắp hết quý 2/2023 cũng chưa có những thông tin tích cực làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Tháng 4, lạm phát tăng 0.1% thấp hơn kỳ vọng về mức tăng 0.4%, tháng 3 lạm phát tăng 0.7%. Chỉ số lạm phát thấp cho thấy người tiêu dùng vẫn có mức chi tiêu thấp và tỷ lệ tiết kiệm ở mức cao.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi không đồng đều trong năm nay, với sự tăng trưởng mạnh về lĩnh vực dịch vụ, trong khi ngành sản xuất gặp khó khăn. Chỉ số giá sản xuất đã giảm 3,6% trong tháng 4, so với kỳ vọng giảm 3,2%, tháng 3 giảm 2,5%. Tháng 4, sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022, tháng 3 chỉ tăng 3,9%. Tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 10,9%. Doanh số bán lẻ tăng 18,4%, tháng 3 tăng là 10,6%, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3 năm 2021, trong khi các nhà phân tích dự kiến doanh số bán lẻ sẽ tăng 21,0% [8].
Dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5 cho thấy: Giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,4% so với tháng 3. Xuất khẩu tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với mức tăng 14,8% của tháng trước.
Những số liệu đưa ra cho thấy lĩnh vực sản xuất, mua sắm, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều có sự sụt giảm trong tháng 4, hoặc tăng không đồng đều trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm sút. Nhu cầu của các nước đối với hàng hóa Trung Quốc cũng giảm bởi bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm nay dẫn tới hạn chế sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất nhiều ngành nghề của Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) - thị trường sản xuất, tiêu dùng lớn trên thế giới, nhưng chưa thoát khỏi những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga - Ukraina với lạm phát cao và sản xuất đình trệ bởi các chuỗi cung ứng hàng hóa chưa được lưu thông thông suốt, các cuộc đình công liên tiếp xẩy ra ở Pháp, Đức, hoặc do tranh chấp thương mại, lệnh cấm vận.
Trong quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro là 0,1% với đầu tàu kinh tế là Đức vẫn rơi vào tình trạng trì trệ, lạm phát cao. Còn kinh tế Anh cũng có tăng trưởng 0,1% trong quý 1 nhưng cả Anh và khu vực đồng Euro tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất để giảm lạm phát vẫn đang ở mức cao và kéo dài.
Trước những thông tin không mấy tích cực đối với nền kinh tế thế giới, hầu hết các nhà phân tích và đầu tư đều có những nhận định tình hình thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị tác động do tăng trưởng kinh tế của những quốc gia, khu vực có ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc suy giảm. Tại thời điểm nhất định, giá dầu có thể tăng lên chỉ là nhất thời mà không kéo dài và thiếu tính ổn định như Chính phủ Mỹ mua dầu dự trữ làm giá dầu tăng lên, nhưng khi Mỹ dừng mua, thì giá dầu giảm xuống.
Giá dầu tăng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới, hoặc của những thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn có sức ảnh hưởng tới nhu cầu dầu của toàn thế giới trong một thời gian dài chứ không phải trong thời điểm nhất định. Vì vậy, trong những quý cuối năm 2023, giá dầu bình quân thế giới có thể giảm theo “sức khỏe” tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo báo cáo của EIA dự báo giá dầu Brent và WTI bình quân của năm 2023 giảm, chỉ còn tương ứng 78,65 USD/thùng và 73,62 USD/thùng, giảm hơn 7% so với năm 2022 [9]./.
NGUYỄN ANH TUẤN - BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP
Tài liệu tham khảo:
[2] https://www.marketwatch.com/investing/index/dxy/download-data?mod=mw_quote_tab
[4] https://www.cnbc.com/2023/05/10/cpi-inflation-april-2023.html
[9] https://www.eia.gov/outlooks/steo/report/global_oil.php