Thủy điện nhỏ - nguồn năng lượng tái tạo quý giá
06:52 | 07/03/2018
Thủy điện có phải là nguyên nhân chủ yếu chiếm rừng Tây Nguyên?
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ cuối)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu trở nên cấp bách, nhiều quốc gia đã hướng tới việc ưu tiên phát triển nguồn thủy điện, trong đó đã chú trọng thích đáng đến nguồn thủy điện nhỏ (TĐN), một nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) quý giá.
Nguồn TĐN có những lợi ích đặc biệt vì công nghệ đã được phát triển lâu đời ở mức hoàn thiện, khả thi về mặt kinh tế (chi phí lắp đặt thấp), tác động tiêu cực đến môi trường không đáng kể, và góp phần rất quan trọng vào giải quyết vấn đề điện khí hóa nông thôn, nâng cao mức sống và điều kiện sản suất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa tại các nước đang phát triển.
Những điều trên đây chính là lý do để Liên Hiệp Quốc (LHQ) thời gian qua theo chu kỳ ba năm một lần lại xuất bản các báo cáo về tình hình phát triển TĐN trên toàn thế giới. Hiện nay đã phổ biến hai báo cáo về TĐN năm 2013 và 2016, và đang chuẩn bị cho báo cáo năm 2019.
Báo cáo năm 2016 (World Small Hydropower Development Report 2016) là kết quả của một lỗ lực hợp tác to lớn giữa Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO), Trung tâm Quốc tế về thủy điện nhỏ (ICSHP) và hơn 230 chuyên gia, kỹ sư, viện sỹ, quan chức chính phủ về TĐN trên khắp thế giới. Báo cáo (650 trang) đã cập nhật tình hình hiện trạng và tiềm năng phát triển TĐN của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.
Nội dung cơ bản của Báo cáo - 2016 có thể tóm lược như sau: Năm 2016 trên toàn thế giới, tổng công suất các dự án TĐN (< 10MW) đang hoạt động khoảng 78GW, chiếm 6,5% tổng công suất các dự án thủy (kể cả thủy điện tích năng - khoảng 1.200GW), 7% tổng công suất nguồn NLTT và 1,9% tổng công suất tất cả các loại nguồn điện; tăng hơn 4% so với số liệu trong Báo cáo - 2013.
Về thứ hạng trong đội ngũ nguồn NLTT, TĐN đứng ở vị trí thứ 4 sau thủy điện vừa và lớn (54%), gió (22%), mặt trời (11%) và trên sinh khối (5%), địa nhiệt (1%). Năm 2016, tổng tiềm năng TĐN cũng đã được nghiên cứu, đánh giá và bổ sung lên đến 217GW, tăng 24% so với số liệu năm 2013.
Tình hình phát triển TĐN theo theo các châu lục trên thế giới được cập nhật trong bảng 1.
Bảng 1. Tiềm năng và hiện trạng phát triển TĐN của các châu lục
Châu lục | Tiềm năng | Hiện có | Tỷ trọng |
Châu Á | 120.614 | 50.729 | 65 |
Châu Mỹ | 44.162 | 7.863 | 10 |
Châu Âu | 38.943 | 18.684 | 23 |
Châu Phi | 12.197 | 580 | 1 |
Châu Đại Dương | 1.206 | 447 | 1 |
Tổng cộng | 217.122 | 78.003 | 100 |
Các số liệu trong bảng 1 cho thấy châu Á có tiềm năng và hiện trạng phát triển TĐN lớn nhất. Tuy nhiên, sự phân bố tiềm năng không đồng đều - đến 80% tiềm năng TĐN đã được phát hiện tại Trung Quốc, Tajikistan và Ấn Độ. Các nước có tiềm năng thấp là Bangladesh, Timor-Leste và Saudi Arabia. Năm 2016, tổng công suất lắp đặt TĐN của châu Á là 50.729MW, chiếm 42% tổng tiềm năng đã được phát hiện (120.614MW).
Đối với các nước ASEAN, tiềm năng và hiện trạng phát triển TĐN năm 2016 được đánh giá trong bảng 2 dưới đây.
Bảng 2. Tiềm năng và hiện trạng phát triển TĐN của ASEAN:
Tên nước | Tiềm năng | Hiện có | Tỷ trọng |
Campuchia | 300 | 1 | - |
Indonesia | 770 | 229 | 10 |
Lào | 2.200 | 12 | 0,4 |
Malaysia | 500 | 18 | 0,6 |
Myanmar | 197 | 34 | 1,4 |
Philippines | 1.975 | 101 | 4,5 |
Thai Lan | 700 | 108 | 4,6 |
Việt Nam | 7.200 | 1.836 | 78,5 |
Tổng cộng | 13.842 | 2.339 | 100 |
Các số liệu trong bảng 2 cho thấy, tại ASEAN, Việt Nam là nước có tiềm năng TĐN phong phú nhất, với tổng công suất các công trình đang hoạt động chiếm gần 26% tổng tiềm năng đã được phát hiện và chiếm tỷ trọng áp đảo tới 78,5% tổng công suất của toàn ASEAN. Cũng cần lưu ý rằng, con số 1.836MW là tổng công suất các TĐN có công suất đặt dưới 10MW theo quy định của quốc tế, còn theo quy định của Việt Nam, TĐN là các dự án có công suất đặt đến dưới 30MW thì phải là trên 2.000MW (theo Quy hoạch điện VII - hiệu chỉnh, tổng công suất nguồn NLTT (chủ yếu là TĐN) năm 2015 là 2.300MW).
Báo cáo LHQ 2016 cũng đã lưu ý rằng, mặc dù việc phát triển TĐN trong những năm qua đã được quan tâm đáng kể và có những bước tiến đáng khích lệ, nhưng để chương trình phát triển TĐN đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như momg muốn các nước đang phát triển cần tập trung nghiên cứu, xem xét giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu như:
Thứ nhất: Tổ chức nghiên cứu, rà soát lại các bộ dự liệu hiện có để cập nhật, hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại và khung chính sách hiện hành.
Thứ hai: Khắc phục tình trạng thiên vị, chú trọng nhiều đến phát triển các nguồn NLTT khác như gió, mặt trời mà "quên", hoặc ít quan tâm đến TĐN. Ví dụ điển hình về sự đối xử không công bằng với TĐN là tại một số nước như Ai Cập, Dominic các chính sách khuyến khích tài chính đối với nguồn NLTT đã không được áp dụng cho TĐN.
Thứ ba: Có giải pháp huy động tài chính cho phát triển TĐN. Việc thu hút các nguồn tài trợ cho TĐN luôn đóng vai trò then chốt để phát triển loại hình này. Công việc này có thể được thực hiện dưới các hình thức khác nhau theo từng quốc gia, bao gồm: tài trợ cộng đồng, huy động tài chính công, đầu tư cổ phần và tài trợ không hoàn lại, hoặc vay vốn từ các tổ chức tài chính địa phương.
Thứ tư: Ban hành các chính sách và quy định phù hợp. Việc thiếu các chính sách và khung pháp lý liên quan đến NLTT và TĐN chính là những rào cản quan trọng để phát triển loại hình năng lượng này. Một số chính sách có thể nâng cao cơ hội cho phát triển TĐN là: ràng buộc trách nhiệm trong hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn với các chủ dự án, áp dụng các chính sách giá điện trợ cấp (feed in tariff - FIT), bù trừ (net-metering) đối với TĐN.
Ngoài ra, kế hoạch phát triển TĐN cần được kết hợp với với kế hoạch phát triển của các lĩnh vực khác như quản lý nước, bảo vệ môi trường.
Thứ năm: Khắc phục những thủ tục rườm rà, nặng nề của bộ máy hành chính quan liêu với nhiều cấp, ban ngành gây lãng phí tiền của, thời gian và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Thứ sáu: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Mặc dù TĐN không phải gánh chịu các chi phí môi trường nặng nề như các dự án thủy điện vừa và lớn, nhưng vẫn luôn bị ám ảnh bởi một ấn tượng của công chúng về vấn đề tác động môi trường. Vì vậy, kế hoạch phát triển cũng như việc thực hiện các chính sách về TĐN cần tính đến sự ủng hộ cần thiết của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là sự chấp nhận của công chúng tại địa phương để đảm bảo cho kế hoach thành công.
Thứ bảy: Lưu ý tác động của biến đổi khí hậu đến tính chất thất thường và không thể dự báo trước của thời tiết ảnh hưởng đáng kể đến độ tin cậy sản xuất điện của các dự án TĐN. Có thể nói, vấn đề này cũng là một trong những rào cản quan trọng đối với phát triển TĐN mà thời gian qua ít được các nhà đầu tư và các cấp quả lý quan tâm.
Tóm lại: Thủy điện nhỏ với công nghệ đã ở mức độ hoàn thiện, có khả năng hoạt động linh hoạt, tin cậy và hiệu quả (ưu việt hơn so với nguồn điện gió, mặt trời) trong việc tăng cường tiếp cận nguồn năng lượng sạch, bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đối với các nước đang phát triển, thông qua việc phát triển TĐN, nhiều nước đã từng bước đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, gia tăng chỉ số tiếp cận điện năng (electricity access index - EAI) - hai thành phần chủ đạo trong các mục tiêu phát triển bền vững và các chương trình năng lượng bền vững cho tất cả mọi người.
Trong những năm qua, mặc dù TĐN đã được đẩy mạnh phát triển tại nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn còn khá nhiều các rào cản cần được tiếp tục quan tâm tháo gỡ để khai thác hiệu quả nguồn NLTT quý giá này phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ: Cống biến đổi khí hậu toàn cầu và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM