RSS Feed for Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 04:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 3)

 - Đập thủy điện không sinh ra nước lũ, nó chỉ là một đập bê tông ngăn dòng chảy tạo nên hồ chứa để tích tụ thủy năng phát điện, điều tiết nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu trên địa bàn. Nếu không có đập Thủy điện Hố Hô, nước của dòng chảy tự nhiên sông Ngàn Sâu, ngoài một lượng nhỏ phục vụ cho việc tưới tiêu hai bên bờ thì hầu như là chảy ra sông La, đổ ra biển vô ích.

Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 1)
Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 2)

BÀI 3: ĐẬP THỦY ĐIỆN HỐ HÔ CÓ LỢI, HAY CÓ HẠI?

Yếu tố thoát nước của lũ Hương Khê - "Nút thắt cổ chai" Phương Mỹ

Lòng sông Ngàn Sâu chạy dọc theo lưu vực Trung tâm Hương Khê có dạng hình thoi, mở rộng ở giữa và thu hẹp hai đầu. Do độ dốc thủy lực nhỏ, sông Ngàn Sâu có nhiều khúc uốn, quanh co, lòng sông lấp đầy vật liệu vụn cuội, sỏi, cát.

Đặc điểm địa hình và mạng sông suối dòng chảy khu vực cho thấy vào mùa mưa lũ nước đổ rất nhanh từ các sườn núi dốc hai bên xuống, thung lũng Hương Khê trở thành túi chứa nước. Cửa thoát lũ duy nhất cho "túi nước" Hương Khê là đoạn lòng sông Ngàn Sâu hẹp chạy uốn khúc theo dải đồi thấp ở Phương Mỹ, với bề rộng lòng sông chỉ khoảng 100m, trước khi đổ ra sông Ngàn Phố ở Vũ Quang.

Bên cạnh đó, mực nước của sông Ngàn Phố dâng cao khi có mưa lũ lớn ở Vũ Quang, Hương Sơn cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc ngăn dòng nước lũ Hương Khê thoát ra từ "nút cổ chai" Phương Mỹ.

Điều này lý giải cho sự "lên nhanh" và "rút chậm" của nước lũ trong thung lũng Hương Khê mỗi khi lũ về.

Với đặc điểm địa hình lòng chảo và phía cuối nguồn thoát của sông Ngàn Sâu là dãy đồi thấp tạo nên những khúc quanh co làm hạn chế nhịp độ của dòng chảy thoát lũ kết hợp với đặc thù khí hậu miền Trung nói chung và Hương Khê nói riêng nên Hương Khê là một địa bàn thường xuyên xảy ra lũ - dù có đập thủy điện hay không có đập thủy điện.

Đập thủy điện Hố Hô có lợi, hay có hại?

Bản thân thủy điện không tạo ra nước. Nếu không có đập Thủy điện Hố Hô, lượng nước vẫn về với khối lượng và lưu lượng đó. Và đương nhiên khối lượng nước này được nhập vào nước lũ Hương Khê.

Quan sát bằng mắt thường khi thủy điện xả lũ thấy "dòng nước đỏ ngầu", "đổ xuống ào ào", "bọt tung trắng xóa", hầu hết mọi người đều nghĩ rằng khi nước đổ xuống từ trên mặt đập thủy điện sẽ gây tác hại hơn so với dòng lũ tự nhiên. Nhưng điều đó là hoàn toàn cảm tính!

Khi thiết kế cửa xả, hầu hết các thủy điện đều thiết kế các cấu trúc tiêu năng, khi xả nước xuống từ trên mặt đập làm giảm bớt động năng và sức phá hoại của dòng chảy và Hố Hô có cấu trúc tiêu năng như thiết kế. Ngoài ra, khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hố Hô, ở phía dưới cửa xả 300m còn có một đai kè bê tông cốt thép hình cánh cung nhằm mục đích khi dòng nước đổ xuống dồn vào nó rồi chảy ngang về phía tay trái, làm giảm sức cuốn của nó đối với hạ lưu. Vì vậy, dòng lũ từ thượng nguồn đổ về, qua đập thủy điện xả xuống đã được giảm bớt mức phá hoại nhiều lần.

Có thể tự làm một thí nghiệm đơn giản, cùng một xô nước nếu đổ dưới chân thì dòng chảy của nó mạnh hơn nhiều là đổ từ trên cao vào một cái máng trượt có phần đuôi làm dòng nước tỏa ra rơi xuống như thiết kế cửa xả của thủy điện.

Nếu không có đập Thủy điện Hố Hô, với sức mạnh của dòng lũ tự nhiên còn có thể cuốn trôi nhà cửa và con người đang sinh sống khu vực La Khê. Cầu La Khê và đoạn đường sắt qua khu vực này đều có thể bị hư hại.

Điều này có thể kiểm chứng với thiệt hại ở khu vực La Khê của cơn lũ ở Hương Khê năm 2002 khi chưa có đập thủy điện Hố Hô.

Một minh chứng cụ thể là ở phía Quảng Bình lưu vực Sông Gianh trong cùng đợt lũ tháng 10 năm 2016, do không có đập thủy điện hay hồ thủy lợi ngăn dòng nước, nên dòng lũ tự nhiên có sức phá hoại lớn đã làm hư hại 11 đoạn của tuyến đường sắt dọc theo sông Gianh, trong khi đoạn ở Hương Khê bên cạnh sông Ngàn Sâu thì chỉ bị ngập chứ không bị hư hỏng.

Trong trận lũ lớn ngày 13-15 tháng 10 năm 2016 ở Hương Khê không có thiệt hại về người, trong khi ở Quảng Bình, có 18 người chết và mất tích, trong số đó có 8 người bị thiệt mạng thuộc lưu vực sông Gianh.

Đoạn đường sắt qua huyện Tuyến Hóa (Hướng Hóa - Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng trong khi ở Hương Khê chỉ bị ngập chứ không bị nước lũ phá hủy.

Điều đó cho thấy, bên cạnh yếu tố may mắn, một phần là sức phá hoại dòng nước lũ qua đập Hố Hô đã bị triệt tiêu bởi các cấu trúc tiêu năng làm giảm bớt tác hại của nó xuống phía dưới hạ du.

Các thiệt hại hàng nghìn gốc bưởi bị bật gốc trong cơn lũ tháng 10/2016 ở khu vực xã Lộc Yên như báo chí phản ánh chắc chắn không phải do ảnh hưởng từ dòng nước xả từ Hố Hô - vì xã Lộc Yên ở phía Đông sông Ngàn Sâu, nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực sông suối và hồ Lộc Yên, trong khi lưu vực Hố Hô nằm ở phía Tây sông Ngàn Sâu (cách Lộc Yên tới 20km đường chim bay)…

Theo chúng tôi, các khu vực khác, thiệt hại khác cần có khảo sát và đánh giá cụ thể nó nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực nào, con suối nào chứ không thể cứ nhìn thấy mỗi cửa xả ồ ạt của hồ thủy điện rồi quy tất cả trách nhiệm do Hố Hô.

Ví dụ, nếu các vị trí thiệt hại ở Hương Trạch nằm ở phía Đông sông Ngàn Sâu thì nó hoàn toàn thuộc ảnh hưởng của lưu vực của 2 con suối chính ở Hương Trạch đổ xuống từ Vườn Quốc gia hồ Kẻ Gỗ. Hay vị trí xung quanh ga Phúc Trạch thì nó nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực Hồ Khe Trôi.

Đập thủy điện không sinh ra nước lũ, nó chỉ là một đập bê tông ngăn dòng chảy tạo nên hồ chứa để tích tụ thủy năng phát điện, điều tiết nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu trên địa bàn. Nếu không có đập thủy điện, nước của dòng chảy tự nhiên sông Ngàn Sâu, ngoài một lượng nhỏ phục vụ cho việc tưới tiêu hai bên bờ thì hầu như là chảy ra sông La, đổ ra biển vô ích.

Hệ thống các hồ chứa nước ở Hương Khê và hồ Thủy điện Hố Hô đang thực hiện rất tốt chức năng trữ nước để điều tiết tưới tiêu, hạn hán cho khu vực Hương Khê.

Bài toán đặt ra là xây dựng phương án tổng thể để quản lý vận hành hiệu quả và an toàn hệ thống hồ đập để hạn chế tác động tiêu cực của mưa lũ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Kỳ tới: Biến đổi khí hậu và giải pháp cho vùng lũ Hương Khê

PHẠM HỒNG PHONG, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo phòng chống lụt bão của Tỉnh Hà Tĩnh 2009,

Báo cáo phòng chống lụt bão của Tỉnh Hà Tĩnh 2010

Báo cáo nhanh Bão số 10 năm 2013

Kế hoạch phòng chống lụt bão Hà Tĩnh 2015

Kế hoạch phòng chống lụt bão Hà Tĩnh 2016-2020

http://floodlist.com/asia/vietnam-deadly-floods-october-2016

http://www.sonongnghiephatinh.gov.vn/category26/Phong-chong-lut-bao.htm

Tài liệu trên internet

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động