Đón dòng vốn tỷ USD vào điện gió ngoài khơi Việt Nam - Gợi ý từ đối tác Đan Mạch
09:23 | 12/04/2025
![]() Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số: 2862/VPCP-CN gửi các bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường - theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu và có ý kiến về báo cáo kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, gửi Bộ Công Thương tổng hợp. Nội dung tổng hợp bao gồm các đề xuất (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
![]() |
Ông Stuart Livesey - đại diện Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam. |
Nhà đầu tư cần chính sách đồng bộ, ổn định và chiến lược rõ ràng:
Thực tế triển khai dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, CIP đánh giá ra sao về môi trường pháp lý và các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay?
Ông Stuart Livesey: Ở góc độ chính sách, từ năm 2024 đến nay ngành năng lượng tái tạo (NLTT) có nhiều chuyển biến tích cực nếu so sánh với 4 - 5 năm trước. Trước đây, các dự án thường gặp khó khăn từ địa phương đến trung ương, do chậm trễ và thiếu ổn định trong hoạch định chính sách khiến các nhà đầu tư nản lòng, buộc họ chuyển hướng sang thị trường ổn định hơn.
Nhưng hiện nay, mọi thứ đang dần đi đúng hướng, khi Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua (tháng 11/2024) và có hiệu lực (từ tháng 2/2025). Các nghị định hướng dẫn đang được soạn thảo và ban hành. Đặc biệt, Nghị định 65/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã quy định rõ về việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên biển.
Sau ngày 2/5/2025 - thời điểm Nghị định có hiệu lực, các đơn vị phát triển dự án có thể nộp hồ sơ xin khảo sát đáy biển. Nếu khảo sát được thực hiện trong năm nay, cùng với các bước đấu thầu và ký kết hợp đồng mua bán điện, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện thực hóa cam kết tại COP26 vào năm 2050.
Thưa ông, những chính sách ưu đãi của Việt Nam trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo hiện nay có thực sự đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn không?
Ông Stuart Livesey: Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển NLTT nhưng các chính sách ưu đãi vẫn cần cải thiện để thu hút các nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
Trước đây, Chính phủ có cơ chế giá FIT, ưu đãi thuế và các chính sách tài khóa đã tạo động lực cho điện mặt trời và điện gió trên bờ. Nhưng hiện tại vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho điện gió ngoài khơi (ĐGNK), lưu trữ năng lượng và hydro - những lĩnh vực có tiềm năng lớn, nhưng đòi hỏi đầu tư cao và rủi ro lớn hơn. Các cơ chế ưu đãi này rất cần thiết để thu hút thêm các nhà đầu tư mới trong giai đoạn đầu khi thị trường thiếu sự ổn định. Đáng tiếc là nhiều cơ chế ưu đãi trước đây đã bị thu hồi, hoặc điều chỉnh, khiến nhà đầu tư khó đưa ra quyết định đầu tư dài hạn.
Việt Nam có thể rút ra bài học từ sự phát triển bùng nổ điện mặt trời trước đây - khi công suất đăng ký vượt quá nhu cầu đến gần 20 lần, nguyên nhân chính là do thiếu phối hợp trong quản lý, hệ thống hạ tầng lưới điện không theo kịp và không đảm bảo được sự cân bằng hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ điện.
Chính phủ cần tìm được sự cân bằng giữa ưu đãi và kiểm soát rủi ro. Với các dự án ĐGNK quy mô lớn, Chính phủ có vai trò chủ đạo, then chốt. Để thu hút dòng vốn tỷ USD, bền vững cho NLTT, Việt Nam cần có hệ thống chính sách ổn định, đồng bộ và có chiến lược dài hạn rõ ràng.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đầu tư mạnh cho hạ tầng biển:
Nếu so sánh với các quốc gia CIP đã đầu tư thành công, ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo?
Ông Stuart Livesey: NLTT và các nguồn năng lượng mới hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu điện năng của Việt Nam, từ đó tăng cường an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Dù một số quy định quan trọng đã được thông qua, nhưng nhìn chung chính sách vẫn chưa đủ ổn định để các nhà đầu tư quốc tế yên tâm cam kết dài hạn. Trong khi doanh nghiệp trong nước lại thiếu nguồn lực để tiếp cận các khoản đầu tư lớn cần thiết cho lĩnh vực này.
Ở góc độ là nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới tập trung vào năng lượng tái tạo (với hơn 120 GW dự án điện xanh đang trong giai đoạn phát triển, thi công và vận hành tại hơn 30 quốc gia), CIP cho rằng: Việt Nam cần minh bạch lộ trình đưa dự án ra thị trường.
Cụ thể, Việt Nam cần có kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển dự án (từ khảo sát, thi công đến vận hành). Các cơ chế về đấu thầu, giá mua điện và quy trình cấp phép cần nhất quán, ổn định. Nếu một nhà đầu tư thực hiện khảo sát ngoài khơi trước khi đấu thầu, điều này nên được cộng điểm điểm ưu tiên trong quá trình đánh giá hồ sơ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh về hạ tầng truyền tải và cảng biển. Bởi trong các dự án ĐGNK, hạ tầng điện và logistics là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Các hạ tầng chính bao gồm: Hệ thống truyền tải điện, quản lý lưới điện hiệu quả và cơ sở cảng phù hợp.
Nếu so với các lĩnh vực khác như công nghiệp hay sản xuất - nơi mà nhà đầu tư có thể dễ dàng tính toán lợi nhuận, thì lĩnh vực năng lượng mới, đặc biệt là ĐGNK vẫn chưa có được sự rõ ràng cần thiết. Việt Nam cần chứng minh rằng: Đây là một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Thông điệp này cần được truyền đạt nhất quán từ Chính phủ đến các bộ, ngành cho đến các cơ quan quản lý địa phương để tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ ban đầu, nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy dòng vốn đầu tư dài hạn.
Chính sách năng lượng tái tạo hiện tại của Việt Nam đang tập trung vào phát triển nguồn năng lượng, nhưng theo ông, Việt Nam đã có đủ các biện pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường, trong đó thách thức lớn nhất là việc xử lý chất thải từ các trang trại năng lượng mặt trời, hoặc điện gió?
Ông Stuart Livesey: Phát triển NLTT tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn những lo ngại về tính bền vững lâu dài, nhất là việc xử lý chất thải từ các dự án (sau giai đoạn vận hành). Nguồn NLTT như điện mặt trời và điện gió giúp giảm phát thải, đồng thời tạo ra các loại rác thải đặc thù từ tấm pin mặt trời chứa vật liệu độc hại (như cadmium, silicon… đến cánh quạt tua bin gió) rất khó tái chế. Để giải quyết bài toán này, CIP đề xuất 3 hướng đi cụ thể.
Thứ nhất: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tái chế các thiết bị điện mặt trời và tua bin gió sau khi hết vòng đời sử dụng. Chính phủ nên hợp tác với các công ty tái chế trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu về vật liệu bền vững.
Thứ hai: Xây dựng chính sách rõ ràng về tháo dỡ và tái chế. Việt Nam cần ban hành các quy định cụ thể về thu gom và xử lý thiết bị sau sử dụng; áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ buộc doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm với chất thải do chính họ tạo ra.
Thứ ba: Thu hút đầu tư vào công nghệ tái chế và vật liệu mới để thúc đẩy nghiên cứu phát triển tấm pin mặt trời dễ tái chế, cánh quạt gió phân hủy sinh học... giúp giảm thiểu tác động môi trường về lâu dài.
Ngoài ra, các dự án quy mô lớn phải được yêu cầu thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) toàn diện, bao gồm cả kế hoạch tháo dỡ và hoàn nguyên sau khi kết thúc vòng đời dự án. Bằng việc xây dựng các chính sách mạnh mẽ và thúc đẩy đổi mới trong quy trình tái chế chất thải và phân bổ trách nhiệm, ngành NLTT của Việt Nam sẽ tạo ra những đóng góp tích cực cho cả nền kinh tế và môi trường trong dài hạn.
![]() |
Ông Stuart Livesey tại sự kiện ra mắt Sách trắng (ngày 11/4/2025, tại Hà Nội). |
Yếu tố tiên quyết để thành công phát triển điện gió ngoài khơi:
Từ góc nhìn của nhà đầu tư có kinh nghiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, theo ông, đâu là nút thắt quan trọng nhất mà Việt Nam phải tháo gỡ ngay để khai thác được tiềm năng điện gió, trước mắt là mục tiêu phát điện vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII? CIP có kiến nghị cụ thể nào về chính sách, hạ tầng, hay mô hình hợp tác công - tư trong giai đoạn hiện nay để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?
Ông Stuart Livesey: Mục tiêu đưa vào vận hành 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là rất tham vọng và theo quan sát của chúng tôi, gần như bất khả thi trong bối cảnh hiện tại. Khi một dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7 - 8 năm (từ khi bắt đầu khảo sát, đến khi đi vào vận hành).
Nếu muốn đưa dự án vào khai thác sau năm 2030, Việt Nam cần hành động ngay từ bây giờ. Chính phủ cần sớm cấp phép khảo sát đáy biển và đẩy nhanh quá trình đấu thầu.
Việt Nam cần lựa chọn các nhà đầu tư có kinh nghiệm để hợp tác cùng các doanh nghiệp nhà nước trong các dự án thí điểm đầu tiên, điều này không chỉ giúp chia sẻ kinh nghiệm quốc tế mà còn xây dựng năng lực cho đội ngũ trong nước. Trong các dự án ĐGNK quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp, vai trò của các nhà đầu tư quốc tế có kinh nghiệm là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng, tiến độ và khả năng huy động vốn.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang cạnh tranh quyết liệt trong thu hút đầu tư, nhân lực và chuỗi cung ứng. Nếu Việt Nam không có cơ chế đủ hấp dẫn, sẽ khó giữ chân các nhà phát triển và chuỗi cung ứng chiến lược. Bên cạnh đó, chính sách, hạ tầng truyền tải điện, hệ thống cảng và logistics địa phương cũng cần được nâng cấp đồng bộ. Đây là yếu tố tiên quyết để triển khai thành công các dự án ĐGNK.
Cuối cùng, Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi hợp lý và đảm bảo tính ổn định để giảm thiểu rủi ro. Những bài học từ giai đoạn bùng nổ điện mặt trời trước đây - khi chính sách thay đổi đột ngột gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và hệ thống điện cần được cân nhắc kỹ. Với các dự án ĐNGK hàng tỷ USD, ổn định và minh bạch trong cơ chế, chính sách là điều kiện tiên quyết để huy động vốn và triển khai thành công.
![]() |
Trang trại điện gió ngoài khơi Zhong Neng (Đài Long), với tổng công suất 300 MW, được CIP khánh thành tháng 9/2024. |
“Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có nhu cầu sử dụng điện xanh rất lớn, CIP sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận DPPA với họ, cả theo hình thức trực tiếp lẫn gián tiếp. Nhưng các hợp đồng mua bán điện hiện nay với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các điều khoản chưa đủ minh bạch hoặc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, hệ thống truyền tải có thể cắt tải, hoặc chấm dứt hợp đồng mà không có cơ chế bồi thường thỏa đáng. Điều này khiến các tổ chức tài chính quốc tế khó chấp nhận tài trợ cho các dự án ĐGNK có vốn đầu tư lên tới 4 - 5 tỷ USD cho công suất 1 GW” - ông Stuart Livesey.
Vâng, xin cảm ơn ông!
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM