RSS Feed for Thực trạng, cung - cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát triển [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực trạng, cung - cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát triển [Kỳ cuối]

 - Để đảm bảo phát triển bền vững ngành than Việt Nam - một trong những ngành cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho nền kinh tế (nhất là than cho điện) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cần phải hoạch định chiến lược và có những cơ chế chính sách phù hợp.


Thực trạng, cung - cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát
triển [Kỳ 1]

Thực trạng, cung - cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát triển [Kỳ 2]
Thực trạng, cung - cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát triển [Kỳ 3]


V. Thách thức

Mục tiêu phát triển bền vững ngành than với sản lượng đạt khoảng 42÷55 triệu tấn than thương phẩm vào giai đoạn đến 2035, trong đó, TKV và TCT Đông Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo sản xuất trên 95% sản lượng than toàn quốc. Cơ hội phát triển có, nhưng thách thức phát triển gặp phải không nhỏ:

Thứ nhất: Tổng tài nguyên - trữ lượng than Việt Nam theo QH403 là 48.878 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 3.558 triệu tấn (chỉ đạt 7%); tài nguyên dự tính và tài nguyên dự báo 45.499 triệu tấn (chiếm tới 93%).

Tài nguyên trữ lượng ở bể than đồng bằng sông Hồng lên tới 42,01 tỉ tấn, chiếm tỉ trọng lớn 86% tổng tài nguyên trữ lượng, nhưng chỉ ở dạng tiềm năng. Điều kiện địa chất rất phức tạp, chưa có công nghệ khai thác phù hợp, điều kiện khai thác và vấn đề môi trường phải xử lý quá phức tạp, nên trong quy hoạch chỉ đề cập tới các dự án nghiên cứu thử nghiệm công nghệ và trong tương lai gần không thể huy động vào khai thác.

Khu vực huy động chính của quy hoạch là bể than Đông Bắc có tổng tài nguyên - trữ lượng là 6.287 triệu tấn (chiếm 13% tổng trữ lượng - tài nguyên), trong đó 43,3% (2.723/6.287 triệu tấn) là trữ lượng - tài nguyên chắc chắn và tin cậy. Khoảng 2.085 triệu tấn đang nằm phía dưới diện tích quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, vùng cấm, hạn chế khai thác khoáng sản (QHXD); Khu vực tài nguyên - trữ lượng kém triển vọng khoảng 478 triệu tấn; khu vực vùng trống và trắng chưa thăm dò như Bảo Đài 518 triệu tấn. Như vậy, tài nguyên trữ lượng than của bể than Đông Bắc còn 3.206 triệu tấn, khoảng 51% tổng tài nguyên - trữ lượng của bể than Đông Bắc.

Hình 9 - Trữ lượng-tài nguyên bể than Đông Bắc khu vực khai thác than chính:

 


Tổng tài nguyên - trữ lượng huy động vào quy hoạch là 3.100 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng là 1.223 triệu tấn chiếm 39,5%; tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 308 triệu tấn chiếm 10%; tài nguyên dự tính và dự báo là 1.569 triệu tấn chiếm 40.5% (rủi ro). Trong đó, bể than Đông Bắc huy động 2.173 triệu tấn, bao gồm: trữ lượng 1.201 triệu tấn; tài nguyên chắc chắn, tin cậy 190 triệu tấn và tài nguyên dự tính, dự báo 782 triệu tấn.

Trên cơ sở tài nguyên - trữ lượng tại bể than Đông Bắc, phần trữ lượng đưa vào huy động khai thác. Nếu khai thác bình quân mỗi năm khoảng 45÷50 triệu tấn than thương phẩm thì còn khoảng 40 năm là cạn kiệt. Trữ lượng tài nguyên tin cậy có thể huy động vào khai thác rất hạn chế, độ tin cầy thấp, do đó rất cần đầu tư cho công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng tài nguyên than đảm bảo cho phát triển ngành than theo quy hoạch.

Hình 10 - Phân giao trữ lượng-tài nguyên của bể than Đông Bắc theo quy hoạch:


Thứ hai: Nhu cầu vốn đầu tư lớn cho thăm dò, khai thác, sàng tuyển chế biến và cơ sở hạ tầng, thời gian đầu tư mỏ kéo dài từ 6÷8 năm (tùy theo công suất mỏ lộ thiên hay hầm lò), quá trình đầu tư xây dựng và khai thác có nhiều rủi ro về biến động trữ lượng, sản lượng, chất lượng than, điều kiện mỏ - địa chất khai thác, thời tiết... so với thiết kế và kế hoạch. Điều kiện địa chất mỏ phức tạp, biến động lớn, nhiều phay phá, yêu cầu bảo vệ môi trường chặt chẽ, khai thác ngày càng xuống xuống sâu, gia tăng chi phí. Do đó không thể gia tăng sản lượng đột biến và để đầu tư phát triển bền vững liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng yêu cầu phải có nhu cầu ổn định và cam kết tiêu thụ lâu dài.

Thứ ba: Công nghệ khai thác, chế biến ở mức hạn chế, điều kiện hạ tầng và hậu cần phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nhất là nhập khẩu còn thiếu. Thiếu vốn để đầu tư phát triển mỏ, thiếu công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại, kể cả khai thác và chế biến. Thiếu vốn đầu tư khai thác than ở nước ngoài để có nguồn than nhập khẩu ổn định, đầu tư hạ tầng và hậu cần (logistics) cho nhập khẩu than. Sử dụng nhiều lao động, nhất là trong các khâu phục vụ phụ trợ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt khoảng từ 42÷50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng tăng cao vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện (52÷128 triệu tấn/năm). Do vậy, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu rất cao 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn (2030) và 106 triệu tấn (2035). Do đó phải có chiến lược nhập khẩu và phải triển khai quyết liệt ngay để đảm bảo nhập khẩu than với khối lượng lớn trong thời gian dài. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu giải pháp, kịch bản nguồn năng lượng thay thế như nhiệt điện khí hoặc khí hóa lỏng trong trường hợp than không nhập khẩu được với khối lượng lớn tới trên 100 triệu tấn.

Nhu cầu nhập khẩu than gồm nhiều chủng loại cho nhiều hộ tiêu thụ khác nhau và phân bố theo từng miền. Than nhập cho điện chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, than nhập cho các hộ còn lại chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và một phần nhỏ ở miền Nam.

Với nhu cầu nhập khẩu than như trên, có thể việc nhập khẩu và vận chuyển than đến các hộ tiêu thụ rất phức tạp, cần có các định hướng, phương án cụ thể để tránh chồng chéo, tối ưu các phương án về logistic (hậu cần) và vận chuyển, đảm bảo hiệu quả.

VI. Cơ chế chính sách phát triển bền vững ngành than

Để đảm bảo phát triển bền vững ngành than - một trong những ngành cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho nền kinh tế (nhất là than cho điện) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần phải hoạch định chiến lược và có những cơ chế chính sách phù hợp.

1/ Quy hoach phát triển than:

Tài nguyên than là không tái tạo và được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa, cho nên để tránh tổn thất than phải quy định trên cùng một địa bàn ưu tiên thực hiện Quy hoạch than trước. Các quy hoạch khác không được chồng lấn, hoặc gây cản trở việc thực hiện quy hoạch than, hoặc ưu tiên khai thác tận thu than trước khi xây dựng các công trình kiên cố trên mặt theo các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất khác.

Để định hướng phát triển thị trường than định kỳ 10 năm cần phải lập Quy hoạch phát triển ngành than trong quy ngành quốc gia: Quy hoạch tổng thể thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản hoặc/và trong Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

2/ Chính sách quản lý tài nguyên:

Cần đổi mới chính sách về quản lý tài nguyên, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để các doanh nghiệp mỏ chủ động trong vấn đề phát triển nguồn tài nguyên than. Cụ thể, đề nghị điều chỉnh một số điều trong Luật Khoáng sản liên quan tới cấp phép khai thác như:

- Cho phép khai thác sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhưng không vượt công suất thiết kế.

- Điểu chỉnh chiến lược và quy hoạch than phù hợp với điều kiện thực tế.

- Sửa đổi quy định vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư, theo hướng quy mô đầu tư lớn thì tỉ lệ vốn đối ứng giảm xuống mức min là 15%.

- Cấp phép khai thác xuống đáy tầng than để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động đầu tư thăm dò, khai thác than.

- Tăng cường công tác kiểm soát tổn thất than trong khai thác...

Mặt khác, cần phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than đảm bảo không để xảy ra tái diễn tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh than trái phép.

3/ Cơ chế chính sách tiêu thụ và xuất nhập khẩu than:

Đặc điểm của mặt hàng than là từng chủng loại than được phục vụ cho một số đối tượng khách hàng cụ thể, kể cả các chủng loại than xuất nhập khẩu. Do đó, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, việc xuất nhập khẩu các chủng loại than phù hợp thị trường do doanh nghiệp quyết định. Doanh nghiệp sản xuất than ưu tiên cung ứng than cho thị trường trong nước và tự quyết định lựa chọn các chủng loại mà thị trường trong nước ít có nhu cầu để xuất khẩu. Các cơ quan quản lý nhà nước điều tiết thông qua cơ chế chính sách, không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc xuất, hoặc nhập khẩu than.

Các doanh nghiệp khai thác than như TKV, TCT Đông Bắc và các doanh nghiệp khác chịu trách nhiệm trước khách hàng về hợp đồng đã ký, đặc biệt là các hợp đồng dài hạn cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng. Trên cơ sở hợp đồng dài hạn, các doanh nghiệp chủ động đầu tư thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, chế biến theo giấy phép được cấp đảm bảo cung ứng than đầy đủ, kịp thời theo đúng số lượng, chủng loại và chất lượng theo hợp đồng.

Đối với than cung ứng cho sản xuất điện, thực hiện cam kết bằng hợp đồng kinh tế dài hạn cung cấp cho các nhà máy phát điện ổn định ở mức 80÷90% nhu cầu của các nhà máy phát điện (đối với than trong nước) và ở mức 60÷70% nhu cầu của các nhà máy phát điện (đối với than nhập khẩu). Nhu cầu còn lại thực hiện theo phương thức đấu thầu cạnh tranh và ký kết hợp đồng trung, ngắn hạn tương tự như các đối tượng người mua khác (hộ sử dụng than khác) với giá biến động theo thị trường và thực hiện niêm yết than trên các sàn giao dịch hàng hoá.

Thực tế hiện nay trên thế giới, than được giao dịch theo phương pháp đàm phán trực tiếp, không qua đấu thầu, vì sản lượng giao dịch nhỏ (khoảng ≤ 20 triệu tấn). Giá loại than này thường chỉ được xác định theo giá chào theo phương pháp đàm phán trực tiếp. Với tính chất như trên, nên thế giới không có những nguồn dữ liệu để tham chiếu giá. Do vậy, đề nghị cho phép bên mua được đàm phán giao dịch trực tiếp để nhập khẩu chủng loại than này nhằm phục vụ các yêu cầu của khách hàng.

4/ Chính sách đầu tư:

Về đầu tư phát triển, Nhà nước cần bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật về quản lý tiêu chuẩn phân cấp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than có một môi trường đầu tư thuận lợi, kể cả nước ngoài và trong nước. Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư thăm dò than một cách thích hợp để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên cho phát triển các dự án khai thác than theo Quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, hậu cần (logistics) phục vụ nhập khẩu than và thị trường than.

Để phát triển bền vững ngành than cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng KHCN tiên tiến trong khai thác, nhất là khai thác than trong những điều kiện đặc biệt (dưới hồ nước, dưới các công trình công nghiệp, dân dụng...), và chế biến than cũng như các hoạt động BVMT... Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp các nước để phát triển công nghệ khai thác, sử dụng than theo cách thức thân thiện với môi trường và an toàn, tìm kiếm nguồn cung cấp than dài hạn đảm bảo an ninh lượng cho Việt Nam.

5/ Chính sách nhập khẩu than:

Cần có chiến lược nhập khẩu than và đưa quy hoạch cảng nhập khẩu than vào quy hoạch cảng biển quốc gia. Để có nguồn than nhập khẩu ổn định theo kinh nghiệm của các nước nhập khẩu than như Nhật, Hàn Quốc... phải đảm bảo 50% nhu cầu nhập từ nguồn than đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Nhưng đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro, do đó, cần có sự hỗ trợ thích đáng của Chính phủ thông qua các hình thức thích hợp từ cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao năng lượng...

6/ Cơ chế giá than than:

Giá bán than trong nước sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Giá than sẽ do thị trường quyết định bởi cả cả nguồn cung than trong nước và than nhập vào thị trường than Việt Nam. Giá than trong nước sẽ bị tác động bởi giá than trên thế giới và khu vực theo xu thế hội nhập. Trong tương lai, than nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn 50÷65% than tiêu thu trong nước, như vậy giá than nhập khẩu sẽ chi phối giá than trong nước.

Về nguyên tắc cơ chế giá than: Giá bán than phải đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý, đảm bảo tích lũy đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư đối ứng nhằm duy trì công suất và đầu tư mở rộng tăng sản lượng than. Giá thành khai thác hiện nay đã tiệm cận giá bán than và trong tương lai giá thành than sẽ tiếp tục ở xu thế tăng. Để bù đắp chi phí và đảm bảm sản xuất than có lãi phục vụ cho tái đầu tư phát triển thì giá bán than trong nước sẽ tiệm cận với giá than CIF nhập khẩu về Việt Nam. Than trong nước sẽ phải cạnh tranh với than nhập khẩu và thị trường than nhập khẩu vào Việt Nam có cơ hội phát triển.

Giá than trong nước sẽ được xác định căn cứ vào giá thành tiêu thụ và lãi định mức có tham chiếu với giá than nhập khẩu điều kiện CIF (về đến cảng Việt Nam). Cần có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế.

7/ Chính sách sử dụng than:

Tiếp tục phát triển nhiệt điện than nhưng với công nghệ mới, hiệu suất cao, giảm tiêu hao than và giảm phát thải (cả khí thải, chất thải rắn); tăng cường tái chế sử dụng tro xỉ nhiệt điện than.

Pha trộn than là giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng than cho điện (bao gồm cả than sản xuất trong nước và than nhập khẩu). Để cung ứng cho các NMNĐ sử dụng antraxit: Pha trộn atraxit trong nước với (khoảng 30÷40%) antraxit, bán antraxit và/hoặc than nhiệt năng chất bốc thấp được nhập khẩu từ Nga, Úc, Nam Phi và áp dụng thử nghiệm pha trộn antraxit với than bitum hoặc á bitum nhập khẩu theo tỉ lệ khoảng từ 10% đến 25% than nhập khẩu và 90% đến 75% than antraxit Việt Nam. Để cung ứng cho các NMNĐ sử dụng than nhập khẩu pha trộn đạt hiệu quả tối ưu là 30% than bitum và 70% (tối đa) than á bitum.

Ngoài ra, cần có chính sách sử dụng than tiết kiệm than, tận thu nguồn than chất lượng thấp (nhiệt trị thấp, độ tro cao) đưa vào sử dụng, hoặc chuyển sang sử dụng loại than chất lượng thấp hơn. Cụ thể, than cho sản xuất điện chủ yếu sử dụng than cám 5 và cám 4 sang sử dụng than cám 6, cám 7; sản xuất xi măng sử dụng than cám 3 và 4 sang pha trộn thêm than cám 5; sản xuất phân bón sử dụng than TCN và TCCS, các hộ sử dụng khác như than cho sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt, sinh hoạt chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng khác để dành than cho sản xuất điện;.

8/ Chính sách thuế:

Hoàn thiện chính sách về thuế, phí đối với than sản xuất trong nước để đảm bảo phù hợp với các nước trong cùng khu vực; Thống nhất quy định về phương thức thu cấp quyền khai thác giữa quy định của Luật Khoáng sản và các nghị định liên quan.

Nhà nước cần xem xét gộp thuế tài nguyên và thu tiền cấp quyền khai thác mỏ khoáng sản, cũng như xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức ngang bằng các nước trong khu vực và giá tính thuế tài nguyên là giá FOB của từng chủng loại than trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển từ mỏ ra cảng, để than Việt Nam có khả năng cạnh tranh với than nhập khẩu và khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên.

9/ Chính sách đối với người lao động:

Cần có một cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như công nhân hầm lò về tiền lương, bảo hiểm, thâm niên, nhà ở./.

TS. NGUYỄN TIẾN CHỈNH - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

2. Viện Năng lượng, 2016, “Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035".

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động