RSS Feed for Những bất cập trong hệ thống chiến lược năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 17:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những bất cập trong hệ thống chiến lược năng lượng Việt Nam

 - Ngành năng lượng của Việt Nam có chiến lược chung, nhưng từng phân ngành năng lượng không tuân theo chiến lược chung của ngành năng lượng mà theo chiến lược riêng, hoặc quy hoạch riêng của từng phân ngành được xây dựng theo quy định của các luật chuyên ngành. Có phân ngành có cả chiến lược và quy hoạch (than, điện), nhưng có phân ngành chỉ có chiến lược (dầu khí, năng lượng tái tạo), hoặc có phân ngành chỉ có quy hoạch (urani). Kỳ quy hoạch và kỳ chiến lược của ngay từng phân ngành năng lượng cũng khác nhau, thậm chí kỳ chiến lược của ngành than, ngành điện ngắn hơn kỳ quy hoạch của các ngành này, vv... Đây là những bất cập, hạn chế gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển bền vững các chuyên ngành năng lượng Việt Nam.

Sự thiếu nghiêm túc của Bộ Tài chính khi xem xét thuế than
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 6)
Nhận thức sai lầm về nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân?

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự thảo Luật Quy hoạch dự kiến sẽ trình UBTV Quốc hội trong năm 2017 đang được đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Nội dung Dự thảo Luật gồm 6 chương và 69 điều, trong đó Chương 1. Quy định chung 11 điều; Chương 2. Lập quy hoạch 16 điều; Chương 3. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch 9 điều; Chương 4. Điều chỉnh quy hoạch 4 điều; Chương 5. Quản lý thực hiện quy hoạch 27 điều; Chương 6. Điều khoản thi hành 2 điều.

Để có căn cứ góp ý cho dự thảo Luật, trước hết cần làm rõ những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch hiện hành thông qua thực trạng công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch của ngành năng lượng là một trong những ngành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho nên được sự quan tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư phát triển nói chung và xây dựng chiến lược, quy hoạch nói riêng.

Theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngành năng lượng gồm có các phân ngành: ngành điện, ngành dầu khí, ngành than, ngành năng lượng tái tạo.

Hệ thống chiến lược, quy hoạch hiện hành của ngành năng lượng và từng phân ngành năng lượng như sau:

Toàn ngành năng lượng có “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg.

Ngành Điện có “Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020” phê duyệt theo Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg; “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025” phê duyệt theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg; “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” phê duyệt theo Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg và “Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg.

Ngành Dầu khí có “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 386/2006/QĐ-TTg và “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035” được phê duyệt theo Quyết định số 1748/2016/QĐ-TTg.

Ngành Than có “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 2427/2011/QĐ-TTg; “Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg; “Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg và “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg.

Các loại năng lượng tái tạo có “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt theo Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg.

Quặng urani có “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến 2015, có xét đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 1652/2012/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.

Qua đó cho thấy hệ thống chiến lược, quy hoạch ngành năng lượng có những bất cập, hạn chế chính sau đây:

1/ Ngành năng lượng có chiến lược chung, nhưng từng phân ngành năng lượng không tuân theo chiến lược chung của ngành năng lượng mà theo chiến lược riêng, hoặc quy hoạch riêng của từng phân ngành được xây dựng theo quy định của các luật chuyên ngành. Ví dụ ngành điện theo Luật Điện lực, ngành dầu khí theo Luật Dầu khí, ngành than theo Luật Khoáng sản, ngành khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ vừa theo Luật Khoáng sản vừa theo Luật Năng lượng Nguyên tử, còn ngành năng lượng tái tạo chưa có luật nào quy định.

2/ Có phân ngành có cả chiến lược và quy hoạch (than, điện), nhưng có phân ngành chỉ có chiến lược (dầu khí, năng lượng tái tạo), hoặc có phân ngành chỉ có quy hoạch (urani).

3/ Kỳ chiến lược của toàn ngành năng lượng khác với kỳ chiến lược của từng phân ngành năng lượng.

4/ Kỳ quy hoạch và kỳ chiến lược của ngay từng phân ngành năng lượng cũng khác nhau, thậm chí kỳ chiến lược của ngành than, ngành điện ngắn hơn kỳ quy hoạch của các ngành này.

5/ Các quy hoạch phân ngành năng lượng nói chung vừa phê duyệt xong, thậm chí đang trong quá trình xem xét phê duyệt thì đã bất cập so với thực tế; chỉ sau một vài năm đã bắt đầu tiến hành xem xét, điều chỉnh.

7/ Ngoài ra, còn có sự chồng lấn của các quy hoạch địa phương lên quy hoạch của một số phân ngành năng lượng, ví dụ quy hoạch than ở Quảng Ninh. Điều đó gây cản trở cho việc thực hiện quy hoạch than, thậm chí có nguy cơ phải bỏ lại tài nguyên than.

Các bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, song trong phạm vi bài này chỉ nêu 2 nguyên nhân chính là: (1) Chưa có quy định chung hay có thể gọi là luật khung quy định về công tác kế hoạch hóa nói chung và quy trình kế hoạch hóa nói riêng, trong đó đề cập đến các nội dung và trình tự lập: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (5 năm, 3 năm, hàng năm và tác nghiệp) và mối quan hệ giữa chúng. (2) Cách tiếp cận và phương pháp xây dựng quy hoạch đang theo cách xây dựng kế hoạch hàng năm và không phù hợp với nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập có nhiều sự biến động với mức độ mạnh. Thông thường chỉ xây dựng 3 phương án: cao, trung bình (cơ sở) và thấp; hoặc 2 phương án: cao và cơ sở; giữa các phương án chênh lệch nhau không đáng kể trong dài hạn. Đặc biệt là thiếu các kịch bản ứng phó với các sự biến động tăng lên, giảm xuống trong kỳ chiến lược, quy hoạch.

Có thể nói, việc xây dựng chiến lược và quy hoạch của toàn ngành năng lượng nói chung và của từng phân ngành năng lượng nói riêng chưa tuân theo một thể chế thống nhất, cho nên trong thực tế chiến lược chưa thực sự đóng vai trò là cơ sở định hướng cho việc xây dựng quy hoạch và các quy hoạch của các phân ngành năng lượng chưa có quan hệ mật thiết với nhau vì mục tiêu phát triển ngành năng lượng đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên cơ sở khai thác, phát triển tối ưu các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước. Chính vì vậy, lẽ ra chiến lược làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch và quy hoạch làm cơ sở cho việc định hướng, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện trong thực tế, song ngược lại chiến lược, quy hoạch lại thường xuyên chạy theo thực tế, hợp lý hóa thực tế đã thực hiện. Thậm chí có trường hợp, chiến lược, quy hoạch mới phê duyệt xong đã lỗi thời so với thực tế.

Tình trạng nêu trên không chỉ xảy ra trong ngành năng lượng mà ở cả tất cả các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân.

Đề xuất một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Quy hoạch

Ý kiến chung

Dự thảo Luật Quy hoạch mới chỉ đề cập công tác quy hoạch mà chưa đề cập đến công tác kế hoạch hóa nói chung, bao gồm chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Do vậy chưa thể khắc phục được các bất cập trong công tác kế hoạch hóa nói chung và những bất cập trong công tác chiến lược và quy hoạch như đã nêu trên.

Ý kiến thứ nhất, đề nghị

Phương án 1: Xây dựng và ban hành một luật khung về công tác kế hoạch hóa nói chung đề cập đến toàn bộ nội dung và quy trình kế hoạch hóa từ khâu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Trên cơ sở đó xây dựng các luật cụ thể bao gồm: Luật Chiến lược, Luật Quy hoạch và Luật Kế hoạch.

Phương án 2: Xây dựng và ban hành Luật kế hoạch hóa, trong đó gồm các nội dung: Phần quy định chung; Phần quy định về chiến lược; Phần quy định về quy hoạch; Phần quy định về kế hoạch. Trong trường hợp này không cần xây dựng các luật cụ thể như đã nêu ở phương án 1.

Cho dù thực hiện phương án nào thì để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác kế hoạch hóa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, các ngành, các cấp thì đều cần phải:

1/ Xác định trình tự kế hoạch hóa thống nhất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

2/ Xác định các cấp và loại chiến lược, cấp và loại quy hoạch, cấp và loại kế hoạch.

3/ Xác định nội dung, kỳ hạn của từng cấp và loại: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4/ Xác định mối quan hệ và thứ tự ưu tiên giữa các cấp và loại: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5/ Xác định căn cứ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

6/ Đổi mới cách tiếp cận và phương pháp xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phù hợp với nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Như vậy, nếu có ban hành Luật Quy hoạch thì cũng chỉ để “hoàn thành kế hoạch xây dựng luật” mà thôi chứ chưa thể giải quyết được các bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác quy hoạch nói riêng và công tác kế hoạch hóa nói chung. Do vậy, tốt nhất là nên thực hiện phương án 2 nêu trên vừa đảm bảo giải quyết rốt ráo vấn đề, vừa tránh có quá nhiều luật gây phức tạp hóa và các hệ lụy khác.

Ý kiến thứ hai

Đề nghị đổi mới cách tiếp cận và phương pháp xây dựng chiến lược, quy hoạch theo tinh thần sau:

1/ Tuân thủ quy trình kế hoạch hóa theo trình tự chung gồm các giai đoạn: Chiến lược => Quy hoạch => Kế hoạch 5 năm => Kế hoạch hàng năm => Kế hoạch tác nghiệp.

2/ Tùy theo quy mô, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực và từng cấp mà vận dụng trình tự kế hoạch hóa chung nêu trên một cách phù hợp, ví dụ đối với các ngành, lĩnh vực tổng hợp thì chỉ xây dựng chiến lược chung của từng ngành, lĩnh vực tổng hợp; còn các chuyên ngành, phân ngành, phân lĩnh vực thì xây dựng quy hoạch trên cơ sở chiến lược chung của toàn ngành, lĩnh vực tổng hợp.

3/ Kỳ chiến lược (CL) và kỳ quy hoạch (QH): Kỳ chiến lược 20 năm, tầm nhìn 20 - 30 năm tiếp theo tùy thuộc vào từng cấp và ngành, lĩnh vực (tổng cộng là 40 - 50 năm); kỳ quy hoạch 10 năm, định hướng hay tầm nhìn 10 - 20 năm tiếp theo tùy thuộc vào từng cấp và ngành, lĩnh vực (tổng cộng là 20 - 30 năm). Một số trường hợp có thể có tầm nhìn dài hơn như chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, vv...; khi đó do Chính phủ quyết định.

4/ Về phương pháp xây dựng chiến lược và quy hoạch:

Ta biết rằng, đặc trưng của nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa là luôn có sự biến động và biến động mạnh do tác động của nhiều yếu tố thị trường và phi thị trường. Ngay trong 1 năm việc xây dựng kế hoạch hàng năm đã không thể chính xác mà phải điều chỉnh từ 1 đến 2 lần, thậm chí hơn. Việc xây dựng chiến lược cho 30 - 50 năm và quy hoạch cho 20 - 30 năm thì lại càng chịu nhiều biến động hơn và với biên độ lớn hơn. Cho nên không thể xây dựng CL, QH theo kiểu lập 3 hoặc 2 phương án cứng với các chỉ tiêu sản lượng mang tính “pháp lệnh” như hiện nay (P/a: cao, thấp và trung bình hay cơ sở hoặc P/a cao và P/a cơ sở).

Đề xuất phương pháp xây dựng CL, QH theo nguyên tắc chung là: (1) Xác định miền min - max, tức là xác định giới hạn mức thấp nhất và giới hạn mức cao nhất có thể xảy ra trong tương lai (dạng hình cánh quạt: càng xa trong tương lai thì miền biến động càng rộng hơn). (2) Xây dựng 3 phương án gồm: P/a cơ sở (thường là bằng P/a trung bình giữa min và max hoặc P/a có khả năng xảy ra nhất), P/a max và P/a min, tính toán cụ thể cho 3 P/a này. (3) Dự kiến các tình huống biến động so với P/a cơ sở (tăng lên theo hướng P/a max hay giảm xuống theo hướng P/a min), theo đó xây dựng các kịch bản điều chỉnh thích hợp tương ứng với từng tình huống biến động như đình hoãn, giảm hoặc đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoạt động liên quan, vv... Sau này, khi thực hiện nếu mọi sự biến động nằm trong miền giới hạn min - max đã xác định thì Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện CL, QH được quyền điều chỉnh theo các kịch bản đã định liệu trước. Chỉ khi nào có sự biến động vượt ra ngoài miền giới hạn min -  max đã xác định thì mới kiến nghị xây dựng lại CL, QH.

Các ý kiến cụ thể đối với dự thảo Luật

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

1/ Khoản 1. Quy hoạch: Bổ sung thêm cụm từ “và thời gian” vào đoạn đầu khoản này thành là “Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian và thời gian các hoạt động …” (thêm đoạn gạch chân), vì các hoạt động được sắp xếp, phân bố cả theo không gian và thời gian theo tinh thần: làm gì, ở đâu và khi nào.

2/ Khoản 5. Quy hoạch ngành quốc gia: Vì: từ “ngành” hiện nay đang được hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau như ngành tổng hợp hoặc lĩnh vực tổng hợp và chuyên ngành hay phân ngành. Do vậy, nên có giải thích từ “ngành” tương tự như đã làm đối với từ “vùng”.

3/ Theo Điều 12 thì có thêm 1 loại Quy hoạch là “Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Chưa có giải thích về “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Cần xem xét bổ sung giải thích các cụm từ này.

Điều 6. Thời kỳ quy hoạch:

Khoản 2 quy định: “Thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm”.

Quy định nêu trên có bất cập là: (1) Không rõ “tầm nhìn là 20 năm” kể từ khi nào: bao gồm cả thời kỳ quy hoạch 10 năm hay là 20 năm tiếp theo sau thời kỳ quy hoạch; (2) Các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm nhưng thời kỳ quy hoạch cũng chỉ 10 năm là không cân đối và không phù hợp đặc điểm của ngành này; (3) Chưa đồng bộ, thống nhất với thời kỳ của chiến lược.

Đề nghị: (1) Xem xét trình bày lại thời kỳ quy hoạch như sau “Thời kỳ quy hoạch là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Riêng các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có thời kỳ quy hoạch 20 năm và tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm tiếp theo”. Ngoài ra, thời kỳ quy hoạch cần xem xét quy định đồng bộ với thời kỳ của chiến lược hoặc sẽ quy định lại thời kỳ của chiến lược cho phù hợp với thời kỳ quy hoạch quy định như ý kiến đã đề xuất ở phần trên.

Điều 11. Các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch:

1/ Tại khoản 1 mới chỉ quy định “Quyết định lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...”. Trên thực tế ngoài chiến lược phát triển kinh tế - xã hội còn có chiến lược ngành, chiến lược vùng, v.v. mà việc quyết định lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch có liên quan cũng phải đảm bảo phù hợp với các chiến lược này.

2/ Bổ sung thêm một hành vi bị cấm nữa là “chồng lấn hoặc gây cản trở việc thực hiện quy hoạch có thứ tự ưu tiên cao hơn, nhất là đối với quy hoạch khoáng sản”.

Điều 12. Hệ thống quy hoạch:

Nội dung và thứ tự các cấp bậc của 5 loại quy hoạch nêu trong Điều này chưa thật sự hợp lý và có căn cứ khoa học, chưa thể hiện được nội hàm “hệ thống quy hoạch”, chưa phân biệt giữa quy hoạch chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch theo không gian địa lý.

Đề nghị xem xét sắp xếp lại và tạo hệ thống quy hoạch mở như sau:

1/ Theo ngành, lĩnh vực gồm có: Quy hoạch tổng thể quốc gia => Quy hoạch không gian biển quốc gia + Quy hoạch sử dụng đất quốc gia + Quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên quốc gia => QH ngành QG (và QH các phân ngành, chuyên ngành QG) => Quy hoạch QG hệ thống đô thị và nông thôn => QH QG bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu => QH QG bảo đảm quốc phòng, an ninh => QH hội nhập quốc tế.

2/ Theo không gian địa lý: Quy hoạch tổng thể quốc gia => Quy hoạch không gian biển quốc gia + Quy hoạch sử dụng đất quốc gia + Quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên quốc gia => Quy hoạch vùng  => Quy hoạch tỉnh => Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt => Quy hoạch dưới tỉnh (nếu cần).

Điều 13. Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch:

1/ Tên và nội dung Điều 13 (các loại quy hoạch) chưa tương xứng với tên Điều 12 (hệ thống quy hoạch) theo tinh thần mối quan hệ giữa các phân hệ trong hệ thống.

2/ Cần xem xét bổ sung quy định mối quan hệ của “Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” với các quy hoạch khác có liên quan.

3/ Bổ sung thêm mối quan hệ giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực tổng hợp và quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực hẹp hoặc phân ngành trong từng ngành, lĩnh vực tổng tổng hợp.

4/ Ngoài mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống cần làm rõ vai trò định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và vai trò nền tảng của các loại quy hoạch: Quy hoạch không gian biển quốc gia + Quy hoạch sử dụng đất quốc gia + Quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên quốc gia + QH ngành QG và Quy hoạch vùng, trong đó 3 loại QH đầu là khai thác tài nguyên và lợi thế, trên cơ sở đó hình thành quy hoạch ngành và quy hoạch vùng trên phạm vi cả nước.

Chương 2. Lập quy hoạch:

1/ Điều 20. Căn cứ lập quy hoạch: Còn thiếu các căn cứ: (1) Chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan; (2) Hệ thống các định mức, đơn giá, thông tin liên quan, v.v.

2/ Còn thiếu quy định về “Phương pháp lập quy hoạch”.

3/ Vì các loại quy hoạch khác nhau có căn cứ, nội dung, phương pháp lập khác nhau cho nên “Mục 3. Nội dung quy hoạch” nên sắp xếp lại theo hướng mỗi Điều quy định về một loại quy hoạch hoặc nhóm quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan với nhau, trong đó nêu: Căn cứ lập quy hoạch; Nội dung quy hoạch; Phương pháp lập quy hoạch. Riêng quy hoạch ngành quốc gia tách thành mục riêng là “Quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia” cho phù hợp với phạm vi rộng và sự đa dạng của các ngành, lĩnh vực nêu trong Phụ lục 1, trong đó mỗi loại quy hoạch ngành, lĩnh vực hoặc nhóm ngành, lĩnh vực được quy định bởi 1 điều riêng cho phù hợp với đặc điểm của chúng. Vấn đề không phải nội dung Luật ngắn hay dài mà phải đảm bảo đầy đủ, cụ thể để thực hiện được, hạn chế tối đa các nội dung giao cho Chính phủ cụ thể hóa.

4/ Danh mục các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trong Phụ lục 1:

Đối với ngành năng lượng: Có bất cập là: (1) Quy hoạch lồng trong quy hoạch: Quy hoạch điện đã có trong quy hoạch năng lượng. (2) Quy hoạch năng lượng quốc gia sẽ có nội dung rất rộng, phức tạp và khó có tính khả thi, bởi vì đối tượng cần lập quy hoạch gồm các phân ngành năng lượng và nhiều loại năng lượng trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy, trên thực tế cho đến nay chưa lập được Quy hoạch năng lượng quốc gia.

Đề nghị xem xét sửa đổi danh mục quy hoạch đối với ngành năng lượng như sau:

1/ Thay vì lập “Quy hoạch năng lượng cấp quốc gia” sẽ lập “Chiến lược năng lượng quốc gia” để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch các phân ngành năng lượng nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, cân đối toàn ngành năng lượng.

2/ Các phân ngành năng lượng cần lập quy hoạch gồm có: Quy hoạch điện lực cấp quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên năng lượng không tái tạo (gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo  trừ quặng urani); Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo (gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo).

Đối với ngành khai khoáng: Với hàng chục loại khoáng sản (không kể khoáng sản thuộc tài nguyên năng lượng đã nêu trên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng) và hàng ngàn mỏ phân bố trên cả nước với các đặc điểm khác nhau, công nghệ khai thác, chế biến khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau thì việc lập quy hoạch chung cho các loại khoáng sản là vô cùng phức tạp. Chính vì vậy cho nên mặc dù Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định tại Điều 12 về “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước” nhưng đến nay không những không lập được quy hoạch này mà các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật cũng không hướng dẫn được việc lập quy hoạch này.

Đề nghị xem xét sửa đổi danh mục quy hoạch đối với ngành khai khoáng như sau:

1/ Thay vì lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản cấp quốc gia” sẽ lập “Chiến lược quốc gia thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản” làm cơ sở cho việc lập quy hoạch từng loại khoáng sản hoặc nhóm khoáng sản nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, cân đối toàn ngành khai khoáng.

2/ Tùy theo quy mô trữ lượng, đặc điểm của từng loại khoáng sản mà quy định lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng từng loại khoáng sản hoặc nhóm khoáng sản, ví dụ: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại quặng kim loại màu; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các quặng kim loại đen, v.v...

3/ Vì tài nguyên khoáng sản là không tái tạo và được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa, cho nên để tránh tổn thất khoáng sản phải quy định trên cùng một địa bàn ưu tiên thực hiện Quy hoạch khoáng sản trước, các quy hoạch khác không được chồng lấn hoặc gây cản trở việc thực hiện quy hoạch khoáng sản và chỉ được thực hiện sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.

Chương 5. Quản lý thực hiện quy hoạch:

1/ Để cho phù hợp với nội dung của chương đề nghị nên sửa tên chương này là: “Tổ chức thực hiện và quản lý thực hiện quy hoạch”.

2/ Tại Mục 4. Thực hiện quy hoạch: nên xem xét bổ sung thêm quy định thành lập “Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch” và quy định về “Báo cáo tình hình thực hiện” đối với từng quy hoạch.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động