RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 6) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 23:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 6)

 - Tập đoàn kinh tế nhà nước là mô hình kinh tế mang tính "động lực của một quốc gia" cần phải phát triển, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế. Những tập đoàn kinh tế mũi nhọn có tính đặc thù cần phải thiết kế riêng khung pháp lý cho hoạt động bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và nâng cao tính tự chủ.

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 1)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 3)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 4)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 5)

BÀI 6: NHỮNG BẤT CẬP VỀ CƠ CHẾ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ

Xây dựng các tập đoàn kinh tế chủ lực mạnh, tạo đà phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Sau hơn 10 năm phát triển từ khi những tập đoàn kinh tế đầu tiên được hình thành, một số thành tựu được ghi nhận nhưng kỳ vọng ở những "cỗ xe tuấn mã" về tích tụ vốn, hiệu quả kinh tế mang lại từ khối tài sản tập trung, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh trong hội nhập thế giới chưa đáp ứng yêu cầu - đến mức có một số học giả nghi ngờ về tính hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.

Sự yếu kém khách quan và chủ quan đã được mổ xẻ ở nhiều hội nghị, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và trong các phân tích của nhiều học giả về mặt thể chế, về sở hữu, cơ chế chính sách, quản lý, quản trị ở cấp vĩ mô và vi mô, cơ chế giám sát, trách nhiệm người đại diện chủ sở hữu… Trong bài này tác giả muốn nêu một số bất cập về cơ chế đang làm suy giảm sức cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế và đóng góp ý kiến xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của một ngành kinh tế có tính đặc thù.

Đòn bẩy của nền kinh tế

Xây dựng các tập đoàn kinh tế chủ lực nhằm tạo đà phát triển bền vững nền kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Một số lĩnh vực trọng điểm cần phải tập trung phát triển các tập đoàn kinh tế cũng được xác định rõ. Trong các chiến lược phát triển kinh tế ngành, Chính phủ luôn thể hiện quan điểm hình thành các tập đoàn kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tập đoàn kinh tế được hiểu là là tập hợp các công ty ở quy mô lớn, hoạt động trong một, hay nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên (có tư cách pháp nhân) và công ty liên kết, đáp ứng điều kiện: có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia; tạo động lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. (Mô hình này được ghi nhận trong Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ).

Mục đích cơ bản của sự liên kết trong mô hình tập đoàn kinh tế là nhằm tăng cường tích tụ, tập trung các nguồn lực, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên thông hữu cơ trong sản xuất kinh doanh của hệ thống, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa giá trị gia tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đó là xu thế tất yếu để phát triển nền kinh tế quốc gia.

Ở các nước có nền kinh tế phát triển, cũng như mới nổi, để tạo sức mạnh tổng hợp về vốn, đầu tư kỹ thuật công nghệ làm "cú hích" cho nền kinh tế phát triển với nhịp độ nhanh đều hình thành các tập đoàn kinh tế làm đòn bẩy. Ở Nhật Bản có mô hình Keiretsu, Hàn Quốc là Chaebol, Trung Quốc là Jituan Gongsi, mô hình này rất phổ biến ở các nền kinh tế mới nổi như: Bra-xin, Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, và nhiều nước khác.

Sự khác nhau cơ bản giữa các tập đoàn ở các quốc gia là nguồn gốc chủ sở hữu và vai trò chi phối của nhà nước. Nhưng dù là tư nhân, hay tỷ lệ tham gia sở hữu nhà nước khác nhau thì sự "chống lưng" của Chính phủ vẫn đóng vai trò động lực quan trọng cho sự phát triển ban đầu của các tập đoàn.

Ở Việt Nam từ năm 2005 đến 2010, trên cơ sở các tổng công ty 91, đã thành lập 10 tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập từ năm 2006 hoạt động theo mô hình và phương thức công ty mẹ/con gồm công ty Mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên (Tổng công ty) thuộc lĩnh vực cốt lõi là các lĩnh vực (1) thăm dò khai thác dầu khí (upstream), (2) công nghiệp khí (vận chuyển, tàng trữ, chế biến và phân phối khí - midstream), (3) chế biến lọc - hóa dầu (downstream) và phân phối sản phẩm, (4) dịch vụ kỹ thuật cao (xây lắp các công trình dầu khí biển, chế tạo và lắp ráp các giàn khoan khai thác, xây dựng đội tàu thuyền kỹ thuật chuyên dụng, dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí, kỹ thuật địa vật lý thăm dò khai thác dầu khí v.v….) và (5) lĩnh vực công nghiệp điện chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu là khí thiên nhiên. Viện Dầu khí Việt Nam là cơ quan đầu não trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí. (Hình 1)

tap doan kinh te nha nuoc con vuong co che

Hình 1: Sơ đồ liên kết các khâu trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tính đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí

Tính đặc thù của ngành Dầu khí Việt Nam thể hiện ở ba điểm chủ yếu sau.

Thứ nhất, sự phụ thuộc hữu cơ liên kết giữa các khâu có đặc tính chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ trong cung ứng dịch vụ và nguyên liệu đầu vào, sự liên thông trong sản xuất kinh doanh từ khai thác tài nguyên đến chế biến, tạo giá trị gia tăng và phân phối sản phẩm (thể hiện ở hình 1). Sự phát triển ổn định của các khâu phụ thuộc vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò khai thác như nơi sử dụng dịch vụ, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các khâu chế biến và nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện. Hiệu quả toàn chu trình công nghệ (của PVN) là giá thành cuối cùng của sản phẩm phân phối phải cạnh tranh, được thị trường hội nhập quốc tế chấp nhận. Vì thế hiệu quả của Tập đoàn phải là hiệu quả tích hợp của các khâu công nghệ (các đơn vị thành viên), trong đó cốt lõi là khâu thăm dò khai thác dầu khí.

Thứ hai, tính rủi ro cao, đặc biệt ở khâu thăm dò khai thác. Xác suất thành công của công tác tìm kiếm phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích/một quốc gia. Kinh nghiệm ở Việt Nam thường là phải khoan 3-4 giếng mới phát hiện một mỏ có giá trị thương mại (xác suất 25-30%). Tỷ lệ thành công này còn cao hơn bình quân thế giới. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục, hàng trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại ra đi khỏi Việt Nam. Chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công này cần phải được xem là chi phí rủi ro. Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) - đơn vị làm công tác tìm kiếm thăm dò chủ lực của PVN lại không được trích lập quỹ rủi ro thăm dò, nên các chi phí này biến thành nợ xấu, chịu lãi hàng năm.

Thứ ba, sau 20 - 30 năm khai thác, các mỏ lâu nay cung cấp gần 350 triệu tấn dầu quy đổi đã cạn kiệt, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác (tận thu hồi dầu). Các mỏ mới phát hiện thường nhỏ, chi phí phát triển lớn, trữ lượng thăm dò giảm đi theo thời gian, điều kiện thi công càng khó, chi phí đầu tư cho một tấn trữ lượng dầu thăm dò và một tấn dầu khai thác càng cao trong lúc giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp và dự báo còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm. Nghịch lý là để đảm bảo mức sản lượng dầu khí cần phải gia tăng trữ lượng thăm dò nhưng càng mở rộng thăm dò thì nguy cơ tỷ lệ nợ xấu càng tăng, đó là một rủi ro lớn của ngành Dầu khí Việt Nam.

Những bất cập về cơ chế hoạt động

Đầu tiên cần nói đến là mâu thuẫn về cơ chế hoạt động giữa tập trung, tích tụ (PVN/công ty mẹ) và phân tán trong quản lý điều hành và vốn (công ty con thường là công ty cổ phần).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng lại chịu trách nhiệm rất nặng về quản lý vốn, quyết định đầu tư, và tổ chức nhân sự. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty mẹ - công ty một thành viên sở hữu nhà nước) là cơ quan có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn nhưng chỉ là cơ quan với bộ máy làm quản lý, còn hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự nằm ở các tổng công ty thành viên - công ty con. Hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn thực chất được quyết định bởi hiệu quả quản lý và quản trị, tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh ở các công ty con.

Các tổng công ty/công ty con là các đơn vị chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực công nghệ đặc thù (được thành lập là để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong chuỗi công nghệ dầu khí). Nhưng do tính chất sở hữu và mối quan hệ theo cơ chế thị trường thông qua đấu thầu (Luật Doanh nghiệp), nên hạn chế lớn việc sử dụng năng lực tích hợp giữa các đơn vị thành viên, thể hiện rõ nhất trong xây lắp công trình dầu khí.

Nhà đầu tư (một đơn vị thành viên của Tập đoàn) thường đưa ra đầu bài thầu trọn gói ở dạng EPCC (thiết kế - engineering, mua sắm thiết bị - procurement, xây lắp và nghiệm thu - Construction & Commissioning). Cùng một công trình nhưng có đến 3 đơn vị dầu khí tham gia đấu thầu: PVE (Tổng công ty Thiết kế Dầu khí), PVC - (Tổng công ty Xây lắp Dầu khí) và PTSC (Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí). Nghịch lý là không đơn vị nào hoàn chỉnh về chức năng để thực hiện hợp đồng EPCC do phân tán về chức năng công nghệ. Vì không đủ năng lực, kinh nghiệm, vốn nên các đơn vị phải liên kết với một tổ hợp nước ngoài. Thay vì liên kết nội bộ để tạo sức mạnh nội lực tổng hợp cạnh tranh với nước ngoài, thì lại phải liên kết với nước ngoài, để cạnh tranh nội bộ, làm doanh thu dịch vụ bị "chảy ra nước ngoài".

Trong chuỗi công nghệ dầu khí, PVEP là đơn vị thành viên có chức năng về tổ chức và phát triển tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ dầu - khí cũng như quản lý phần vốn tham gia trong các liên doanh về thăm dò khai thác dầu khí. Trong lúc PVEP thiếu vốn trầm trọng để phát triển thăm dò và khai thác dầu khí, nợ ngân hàng cao, thì các đơn vị thành viên dư vốn (từ lợi nhuận) sử dụng nguồn nguyên liệu dầu và khí không thể ứng trước tiền mua nguyên liệu dài hạn cho PVEP vì quy định "không cho phép đầu tư chéo giữa các công ty con".

Một số đề xuất

Tập đoàn kinh tế nhà nước là mô hình kinh tế mang tính "động lực của một quốc gia" cần phải phát triển, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế. Những tập đoàn kinh tế mũi nhọn có tính đặc thù cần phải thiết kế riêng khung pháp lý cho hoạt động bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để các tập đoàn này có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và nâng cao tính tự chủ.

Khung pháp lý phải tạo điều kiện cho sự liên thông sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau, cần có cơ chế tạo điều kiện sử dụng vốn nhàn rỗi để mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực tạo sản phẩm mang hiệu quả kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả, phát huy tối đa nội lực và tận dụng các mặt tích cực của hội nhập quốc tế.

Trong tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế để tăng tích tụ, quy mô tài sản và lượng vốn hóa, tạo sức cạnh tranh lớn khi hội nhập quốc tế, chất lượng quản lý và quản trị doanh nghiệp, cần xem xét khả năng cổ phần hóa ở quy mô toàn tập đoàn, đồng thời tăng vốn sở hữu và quyền chi phối của công ty mẹ ở các công ty con, thay vì cổ phần hóa tối đa các công ty con và nhà nước nắm quyền sở hữu công ty mẹ (một quy trình ngược lại so với quy trình đang thực hiện hiện nay).

TS. NGÔ THƯỜNG SAN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động