RSS Feed for Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 4] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 08:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 4]

 - Theo nhận định của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, so với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 vẫn còn ở mức thấp, nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Đại Dương, Nhật Bản và một số nước khác giàu tài nguyên than. Điều đó cho thấy nhu cầu than của chúng ta tăng cao là có thể chấp nhận được, xét cả trên phương diện mức độ phát thải CO2 bình quân đầu người. Vấn đề quan trọng đặt ra là liệu có nguồn than đáp ứng đủ nhu cầu hay không?

Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 1]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 2]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 3]

KỲ 4: NHU CẦU VÀ THỰC TRẠNG NHẬP KHẨU THAN CỦA VIỆT NAM (PHẦN 1) 


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM; TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

Nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam

Dự báo nhu cầu than trong Quy hoạch điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" (phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ - sau đây viết tắt là QH 403/2016) được nêu ở bảng 1(triệu tấn):

Bảng 1- Tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước, triệu tấn.

TT

Hộ tiêu thụ

Năm

2018

2019

2020

2025

2030

1

Nhiệt điện

45.714

55.537

64.093

96.460

131.092

2

Xi măng

5.321

5.613

6.173

6.712

6.924

3

Luyện kim

2.520

4.433

5.276

7.189

7.189

4

Phân đạm, hóa chất

4.436

5.023

5.023

5.023

5.023

5

Các hộ khác

5.464

5.628

5.796

6.092

6.403

6

Tổng cộng

63.453

76.233

86.361

121.476

156.631


Nguồn: QH 403/2016.

Bảng 1 cho thấy nhu cầu than của nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng cao so với hiện nay. Cụ thể là đến năm 2020: 86,4 triệu tấn; năm 2025: 121,5 triệu tấn; năm 2030: 156,6 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu than cho sản xuất điện là: năm 2020: 64,1 triệu tấn; năm 2025: 96,5 triệu tấn; năm 2030: 131,1 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 87 triệu TOE (tấn dầu tiêu chuẩn), bình quân đầu người khoảng 0,84 TOE/người (tương ứng với dân số khi đó được dự báo là 104 triệu người).

Theo dự báo trong Kịch bản thông thường của JEEI Outlook 2018 (tháng 10/2017), thì đến năm 2030 nhu cầu than bình quân đầu người của thế giới (TOE/người) là 0,5. Trong đó của Trung Quốc: 1,48; Nhật Bản: 0,93; Hàn Quốc:1,74; Đài Loan: 1,75; Malaixia: 0,86; Thái Lan: 0,35; Mỹ: 0,78; châu Đại Dương: 1,18.

So với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn thấp hơn nhiều, nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Đại Dương, Nhật Bản và một số nước khác giàu tài nguyên than.

Qua đó cho thấy nhu cầu than tăng cao nêu trên là có thể chấp nhận được, xét cả trên phương diện mức độ phát thải CO2 bình quân đầu người. Vấn đề quan trọng đặt ra là liệu có nguồn than đáp ứng đủ nhu cầu than nêu trên hay không?

Theo dự báo trong QH 403/2016, sản lượng than thương phẩm trong nước giai đoạn đến năm 2030 dự kiến là (triệu tấn): năm 2020: 47-50; năm 2025: 51-54; năm 2030: 55-57.

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế quốc dân, ngoài nguồn than khai thác trong nước cần phải nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước với mức sản lượng dự kiến là (triệu tấn): đến năm 2020: 37-40 triệu tấn, năm 2025: 77-80 triệu tấn và đến 2030: trên 100-102 triệu tấn. Trong đó than nhập khẩu cho sản xuất điện khoảng 25,5 triệu tấn năm 2020; 72,5 triệu tấn năm 2025 và tới 90,3 triệu tấn năm 2030.

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật đến nay của Quy hoạch điện, nhu cầu than cho sản xuất điện có một số thay đổi như sau:

Một là: Năm 2020 khoảng 61 triệu tấn (giảm 3 triệu tấn so với Quy hoạch điện VII (QH) điều chỉnh do một số dự án nhà máy nhiệt điện than vào chậm so với dự kiến như: Long Phú 1, Sông Hậu 1, Hải Dương...).

Hai là: Năm 2025 khoảng 108 triệu tấn (tăng 12 triệu tấn so với QH điện VII điều chỉnh do công suất các nguồn điện mặt trời, điện sinh khối dự kiến huy động thấp hơn so với QH điện VII điều chỉnh khoảng 6.025 MW nên phải thay thế, bổ sung bằng nguồn nhiệt điện than).

Ba là: Năm 2030 khoảng 157 triệu tấn (tăng 26 triệu tấn so với QH điện VII điều chỉnh do công suất các nguồn điện mặt trời, điện sinh khối dự kiến huy động thấp hơn so với QH điện VII điều chỉnh khoảng 7.149 MW). Đồng thời, do tạm ngừng dự án nhiệt điện hạt nhân khoảng 4.600 MW nên phải thay thế, bổ sung bằng nguồn nhiệt điện than.

Ngoài ra, việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ sẽ khó có thể đạt được mức sản lượng đề ra trong QH 403/2016. Ví dụ, chẳng hạn sản lượng đề ra cho năm 2016 và 2017 là 41-44 triệu tấn nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn, khi đó lại càng thiếu than cho đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và đòi hỏi sản lượng than nhập khẩu tăng lên. Nguyên nhân chính của tình trạng này gồm là do:

1/ Nguồn tài nguyên than có mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu bước vào thời kỳ suy giảm. Tổng trữ lượng và tài nguyên chắc chắn và tin cậy chỉ chiếm 7,23% tổng tài nguyên than. Trong khi đó, việc đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng có nhiều rào cản từ việc cấp phép, chồng lấn quy hoạch của địa phương nên thực hiện chậm so với tiến độ đề ra trong QH 403/2016.

2/ Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu, đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm và rủi ro ngày càng tăng, theo đó chi phí đầu tư, giá thành than ngày càng tăng cao. Ngoài ra, chính sách thuế, phí đối với than tăng cao cũng làm cho giá thành than được đà tăng vọt. Theo tính toán trong QH than 403/2016 thì giá thành than bình quân toàn ngành đến năm 2020 (ngàn đồng/tấn theo mặt bằng giá tại thời điểm năm 2015): 1.611; năm 2025: 1.718; năm 2030: 1.918. Nếu tính thêm thuế tài nguyên than từ 1/7/2016 tăng thêm 3% so với trước thì còn cao hơn nữa và cao hơn nhiều giá bán than bình quân thực tế của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (năm 2015: 1.522 ngàn đồng/tấn và năm 2016: 1.471,5 ngàn đồng/tấn).

3/ Thời gian tới, than ở Việt Nam được chuyển sang khai thác bằng công nghệ hầm lò là chủ yếu. Đây là công nghệ có chi phí cao, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2-3 năm).

4/ Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách nhà nước, đi ngược lại với chính sách khai thác tận thu tối đa, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên than được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Đón đọc kỳ tới: Nhu cầu và thực trạng nhập khẩu than của Việt Nam (Phần 2)

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động