RSS Feed for 8 đề xuất hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 20:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

8 đề xuất hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII

 - Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận như: giai đoạn 2011-2014 công suất nguồn điện đưa vào vận hành đạt trên 13.000 MW nâng công suất điện của cả nước tại thời điểm này trên 37.000 MW; sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân gần 11%. Từ chỗ phải tiết giảm điện trong các năm 2010-2011 do thiếu điện đến nay ngành điện không những đã cung cấp được đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân mà còn có dự phòng. Bên cạnh đó, chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi cũng đạt được kết quả cao, trên 98% hộ dân tại đây có điện.

Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Năng lượng trong tương quan phát triển kinh tế

TÔ QUỐC TRỤChuyên gia năng lượng

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện QHĐ VII đến nay đã nhận định được một số bất cập. Những bất cập này đã được Thủ tướng kết luận tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 10/3/2015, về Đề án điều chỉnh QHĐ VII. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương và các tập đoàn báo cáo, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm khắc phục những thiếu sót sau đây:

- Phân bổ công suất nguồn điện không đồng đều: miền Bắc và miền Trung có công suất dự phòng cao, trong khi miền Nam dự phòng thấp.

- Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của nền kinh tế chưa đạt yêu cầu; năng suất lao động của ngành năng lượng nói chung và của phân ngành điện nói riêng còn thấp.

- Nhu cầu điện thực tế thấp hơn dự báo của QHĐ VII (kịch bản cơ sở); Cơ cấu nhiên liệu cung cấp cho sản xuất điện thay đổi.

- Một số nguồn điện triển khai chậm, một số hủy bỏ (Formosa Đồng Nai #2, An Khánh II, Lục Nam); dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lùi tiến độ.

Là một chuyên gia năng lượng được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phân công điều hành Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) trong 11 năm qua (2004-2015), một trong các chức năng của VECC là lập và thẩm tra các dự án năng lượng, hỗ trợ các dự án năng lượng phát triển, đặc biệt từ năm 2011 đến nay đã bám sát các diễn biến thực hiện QHĐ VII, tôi hoàn toàn tán thành các kiến nghị của Bộ Công Thương và các tập đoàn cũng như các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành địa phương để hoàn thành tốt Đề án điều chỉnh QHĐ VII; Tôi xin nêu tóm tắt những nội dung chính sau đây:

- Công tác quy hoạch: Rà soát lại việc thực hiện Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương triển khai việc lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam và ngành Dầu khí Việt Nam. Đối với ngành Than chú ý đến nguồn than Đồng bằng sông Hồng; đối với ngành Khí chú ý nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh, mỏ Sư Tử Trắng và các Lô PM3…

- Công tác phát triển nguồn điện: Tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các dự án nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Thái Bình I, Vĩnh Tân IV, Duyên Hải III và Duyên Hải III mở rộng; Trung Sơn; của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu I, Quảng Trạch I; của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Na Dương II, Cẩm Phả III và các dự án đầu tư theo hình thức BOT và IPP: Mông Dương II, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Vĩnh Tân III, Quảng Trị I, Thăng Long, Công Thanh và Formosa Hà Tĩnh.

- Xây dựng các cảng than chuyên dùng: Đảm bảo đưa vào hoạt động đúng tiến độ Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Cảng Sơn Dương Hà Tĩnh (Formosa); hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi cảng trung chuyển than Đồng bằng sông Cửu Long.

- Phát triển lưới điện: Đảm bảo phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ với nguồn điện, đặc biệt là các trung tâm điện lực lớn; bổ sung các dự án lưới điện cấp bách theo đề nghị của EVN và PVN.

Để hoàn thành Đề án điều chỉnh QHĐ VII sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tôi xin đưa ra 8 đề xuất sau đây:

Một là, dự báo nhu cầu điện: Với các nghiên cứu và thông tin cập nhật đến thời điểm này (tăng trưởng GDP, tình hình khai thác các dự án nguồn và lưới điện, khả năng nhập khẩu khai thác than và khí hóa lỏng LNG, triển vọng phát triển năng lượng tái tạo…) đề nghị Đề án điều chỉnh QHĐ VII đưa ra một cách chính xác dự báo nhu cầu điện của Việt Nam trước mắt là đến năm 2020 trên cơ sở một kịch bản khả thi nhất của nền kinh tế xã hội nước ta vào năm đó. Dự báo nhu cầu điện điều chỉnh có thể thấp hơn so với QHĐ VII nhưng cần giải trình vẫn đáp ứng được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chỉ trong trường hợp dự báo nhu cầu điện năm 2020 đảm bảo là chính xác thì dự báo nhu cầu điện dài hạn (năm 2030) mới có đủ độ tin cậy.

Cũng cần chú ý là theo tính toán của tôi, riêng nguồn nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện điều chỉnh theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg tính đến năm 2020 có tổng công suất là 31.510 MW thấp hơn 410 MW so với QHĐ VII có tổng công suất là 31.920 MW.

Hai là, Đề án điều chỉnh QHĐ VII nên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau các Quy hoạch phân ngành năng lượng khác. VEA đã có kiến nghị cần sớm xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng nhưng trong trường hợp không thể thực hiện được nhiệm vụ này thì các phân ngành than, dầu-khí, điện hạt nhân phải rà soát điều chỉnh quy hoạch của mình đồng bộ với thời gian của QHĐ VII, tức có xét triển vọng đến năm 2030 để Viện Năng lượng - Bộ Công Thương có cơ sở triển khai lập QHĐ VII điều chỉnh. Riêng phân ngành năng lượng tái tạo hiện chưa có quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương khi lập Đề án điều chỉnh QHĐ VII cần có một chương trong Báo cáo Thuyết minh quy hoạch giải trình về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch than điều chỉnh và Quy hoạch khí điều chỉnh trước khi phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh.

Ba là, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là quốc sách thể hiện trong Đề án điều chỉnh QHĐ VII. Để có phương hướng cụ thể trong các hoạt động của ngành năng lượng đáp ứng yêu cầu của quốc sách, ngày 14/4/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 79/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015, tiếp đó ngày 02/10/2012 là Quyết định số 1427/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015. Văn kiện pháp lý cao nhất là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011; ngoài ra có nhiều văn bản về luật này cũng đã được Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành.

Dựa vào cơ sở pháp lý nói trên, Báo cáo Thuyết minh QHĐ VII điều chỉnh cần có một Chương riêng về nội dung này, đề ra các chính sách và biện pháp quyết liệt sử dụng hiệu quả năng lượng nói chung và điện nói riêng, nâng cao hiệu suất sản xuất và sử dụng điện; thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả, đặc biệt là điện năng nhằm mục tiêu giảm dần hệ số đàn hồi điện bảo đảm được chỉ tiêu tiêu thụ điện kWh/đầu người của Việt Nam là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Bốn là, phát triển năng lượng tái tạo: Thủ tướng Chính phủ sớm đưa ra các chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Trước mắt là hợp tác quốc tế và đầu tư vào việc xác định tiềm năng của từng dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối-khí sinh học, địa nhiệt, thủy triều…) của nước ta, từ đó xây dựng mục tiêu khai thác hiệu quả, đưa danh mục nguồn điện năng lượng tái tạo vào QHĐ VII điều chỉnh.

Việc thay thế một phần phụ tải từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo trên cơ sở bỏ dần trợ cấp giá cho năng lượng hóa thạch, áp dụng cơ chế phí cacbon, phí môi trường đối với nhiệt điện than để năng lượng tái tạo đủ sức cạnh tranh với nhiệt điện từ năng lượng hóa thạch; dự kiến có thể thay thế khoảng 12% năm 2020 và nhiều hơn trong tương lai đến 2030.

Trong khi chờ đợi các chính sách khuyến khích cụ thể, Đề án điều chỉnh QHĐ VII cần dựa vào các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, về sử dụng công nghệ sạch, về cơ chế phát triển sạch CDM mà Chỉnh phủ đã ban hành để giải trình về giải pháp phát triển năng lượng tái tạo.

Năm là, về các dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG và than nhập khẩu: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức nghiên cứu so sánh toàn diện trên một mặt bằng chung các nội dung bao gồm, thị trường, vận chuyển, cảng biển-kho bãi, địa điểm xây dựng nhà máy điện, sử dụng công nghệ phát điện (nhà máy điện chu trình hỗn hợp, nhà máy điện ngưng hơi thuần túy truyền thống), đường dây truyền tải điện, phương thức vận hành nhà máy điện trong hệ thống điện quốc gia, bảo vệ môi trường… để tìm ra giải pháp tối ưu giữa 2 phương án nhập khí LNG và than; từ đó xác định lại cơ cấu nguồn nhiệt điện đảm bảo độ tin cậy cho việc xác định loại nguồn nhiệt điện cho giai đoạn 2021-2030.

Riêng giai đoạn đến năm 2020 để bù công suất thiếu hụt cho Hệ thống điện quốc gia cần khôi phục những vấn đề tồn tại như: quy hoạch sử dụng đất, bổ sung đường dây truyền tải để giải tỏa công suất nhằm đưa Trung tâm điện lực Sơn Mỹ, gồm 2 nhà máy điện chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ I (5x390=1950MW) và Sơn Mỹ II (5x390=1950MW) sử dụng khí LNG vào vận hành. Cần rà soát và khẳng định hai dự án này có khả thi như QHĐ VII đã xác định hay không: Dự án Sơn Mỹ I là dự án BOT, chủ đầu tư là Liên doanh IP_Sojizt_Pacific đưa vào vận hành các năm 2018-2019; Dự án Sơn Mỹ II đưa vào vận hành các năm 2021-2022.

Sáu là, khai thác Bể than Đồng bằng sông Hồng: Thủ tướng Chính phủ có chính sách khuyến khích và ưu đãi đặc biệt để ngành than đẩy mạnh tiến độ đầu tư, hợp tác quốc tế, triển khai nhanh công tác thăm dò đưa Bể than Đồng bằng sông Hồng vào khai thác sử dụng sớm hơn quy định tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Sản phẩm khai thác được đến đâu phải áp dụng ngay các công nghệ phát điện tiên tiến nhất, có hiệu suất cao nhất và đảm bảo môi trường như: Chu trình tích hợp quá trình khí hóa than với phát điện (IGCC), công nghệ khí hóa than đa mục tiêu (EAGLE), chu trình tích hợp khí hóa than trên mặt đất kết hợp phát điện (IGFC), chu trình tích hợp hiệu suất cao giữa khí hóa than với phát điện (A-IGCC/A-IGFC), công nghệ đốt than hiệu suất cao Hypen-coal…

Bảy là, phát triển hệ thống truyền tải và phân phối điện đồng bộ với phát triển nguồn điện. Ngành điện áp dụng công nghệ hiện đại, cải tiến công tác vận hành, nhằm nâng cao chất lượng lưới điện truyền tải và phân phối điện, giảm tổn thất điện năng, góp phần giảm vốn đầu tư và cải thiện hệ số đàn hồi.

Tám là, giá điện cần được xây dựng trên cơ sở chính sách giá năng lượng theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Kinh tế thị trường được hiểu là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau để trao đổi mua bán bằng hàng hóa hoặc dịch vụ dưới tác động bởi quy luật cung cầu và giá cả. Ở nước ta hiện nay, đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng kinh tế xã hội có sự quản lý của Nhà nước. Theo lộ trình của phát triển thị trường năng lượng, nhà nước có những chính sách giá phù hợp cho từng giai đoạn đối với từng loại sản phẩm năng lượng. Một chính sách đúng đắn, một cơ chế định giá và quản lý giá phù hợp, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường năng lượng thành công.

Kiến nghị định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng như sau:

- Chính sách giá năng lượng phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và chính sách năng lượng quốc gia.

- Định giá năng lượng phải kết hợp với hài hòa giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính.

- Chính sách giá năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước và thế giới.

- Đề cao vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sách giá năng lượng, đặc biệt đối với dạng năng lượng là điện năng hiện còn mang tính chất độc quyền.

Trên đây là một số nhận định và đề xuất liên quan đến Đề án điều chỉnh Quy hoạch Điện VII mà Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đang triển khai trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động