RSS Feed for Bộ trưởng Công Thương trả lời phỏng vấn chuyên gia ‘Năng lượng Việt Nam’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 00:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bộ trưởng Công Thương trả lời phỏng vấn chuyên gia ‘Năng lượng Việt Nam’

 - Công việc những ngày giáp Tết nguyên đán vô cùng bận rộn, lịch làm việc dày đặc, cùng với nhiều kế hoạch, mục tiêu đặt ra cần phải hoàn thành, nhưng người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dành cho chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cuộc phỏng vấn khá thú vị. Những vấn đề nóng mà dư luận quan tâm như: Mục tiêu chiến lược của Quy hoạch điện 8; Cân bằng năng lượng tổng thể quốc gia, cân đối giữa các nguồn điện ‘không tái tạo’ và tái tạo; Chính sách giá điện mặt trời, cũng như phát triển hạ tầng nhập khẩu than, khí quy mô lớn... Đặc biệt là giải pháp nào để vượt qua thách thức an ninh năng lượng (trong giai đoạn sau năm 2021), hướng giải quyết vướng mắc tại một số dự án nhiệt điện đã được Bộ trưởng chia sẻ khá cởi mở và thẳng thắn.

Mười sự kiện nổi bật của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2019


 


 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Zing.vn


Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Lời đầu tiên, thay mặt bạn đọc của “Năng lượng Việt Nam” xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng đã có những động viên và giành thời gian cho lĩnh vực truyền thông về năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương đang triển khai lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu chiến lược cần đạt được trong Quy hoạch này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cảm ơn quý báo, cũng như quý độc giả của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đồng hành và quan tâm đến các hoạt động của ngành Công Thương thời gian vừa qua. Như các bạn cũng thấy, nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII của chúng ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu, nguyên tắc cụ thể, bao gồm 2 mục tiêu chính - mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể.

Về mục tiêu tổng quát: Chúng ta cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Đẩy mạnh phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ nhiện liệu nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cạnh đó là hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo tỷ lệ cao.

Về mục tiêu cụ thể: Chúng ta cần dự báo nhu cầu tiêu thụ điện thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045. Nghiên cứu các phương án phát triển nguồn, lưới điện, lựa chọn phương án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược trong phát triển điện lực. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.

Còn về nguyên tắc lập quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải. Ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng. Phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực. Phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ngành năng lượng của Việt Nam đang dựa trên 3 trụ cột chính là: Điện, than và dầu khí. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, vấn đề cân bằng năng lượng tổng thể trong tương lai của Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Như các bạn đã biết về quan điểm, mục tiêu phát triển ngành năng lượng đang được Đảng, Nhà nước định hướng tại Chiến lược phát triển ngành năng lượng bao gồm 6 nội dung định hướng như sau:

Thứ nhất: Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo tối ưu hệ thống năng lượng tổng thể, đi trước một bước, bền vững, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm cung cấp đầy đủ và ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên xu thế toàn cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Thứ hai: Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước hợp lý, hiệu quả, kết hợp với khai thác, nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba: Phát triển thị trường cạnh tranh, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thỏa mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng.

Thứ tư: Phát triển đồng bộ, hài hòa, hợp lý hệ thống năng lượng (điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo). Phân bố hợp lý hệ thống năng lượng theo vùng lãnh thổ. Cân đối từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, dịch vụ và tái chế. Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sạch.

Thứ năm: Ứng dụng thành tựu của kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để nâng cao hiệu suất, hiệu quả kinh doanh năng lượng, chất lượng cung cấp và dịch vụ năng lượng. Trong đó, coi trọng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.

Thứ sáu: Phát triển năng lượng gắn chặt với bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển năng lượng bền vững.

Về mục tiêu: Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước, mục tiêu tổng quát cũng được Bộ Chính trị chỉ đạo trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 nội dung cơ bản, gồm:

Thứ nhất: Cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, tin cậy với chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh, sẵn sàng trong mọi biến động để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.

Thứ hai: Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước và nguồn năng lượng nhập khẩu.

Thứ ba: Tăng cường đa dạng hóa phương thức đầu tư kinh doanh năng lượng, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh hiệu quả.

Thứ tư: Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới, tái tạo và năng lượng sạch.

Thứ năm: Phát triển ngành năng lượng bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 cũng đang được Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với các định hướng và mục tiêu nêu trên.

Thực tế của năm 2019 cho thấy, có 3 khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là: Trợ giá điện, cân đối giữa các nguồn điện (tái tạo và không tái tạo) cũng như cân đối giữa nguồn điện, lưới điện. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để vượt qua những khó khăn này là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về giá điện của các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Sau một thời gian áp dụng cơ chế giá bán điện cố định đối với các dự án điện gió, mặt trời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án NLTT thấp nhất. Thực hiện cơ chế này, tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án NLTT và lưới truyền tải.

Về cân đối giữa các nguồn điện. Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng tính toán và có các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tính toán cơ cấu các nguồn điện hợp lý. Trong đó, đã chỉ rõ tỷ lệ cần thiết, hợp lý về từng loại nguồn truyền thống, nguồn năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời) nhằm đảm bảo cung cầu điện và an toàn trong cung cấp điện.

Về cân đối giữa nguồn điện và lưới điện, Bộ Công Thương đã có văn bản số 7854/BCT-ĐL ngày 27/9/2018 trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (tại văn bản số 1891/TTg-CN ngày 27/12/2018) để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời. 

Ngoài danh mục các dự án lưới điện truyển tải nêu trên, Bộ Công Thương đã phê duyệt danh mục các công trình lưới 110kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035) tại các Quyết định số 667/QĐ-BCT ngày 1/3/2018 và 4761/QĐ-BCT ngày 24/12/2018).

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng liên tục đôn đốc EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận và lân cận. Các trung tâm điều độ hệ thống điện cũng nghiên cứu các phương thức vận hành nguồn, lưới điện để có thể có phương thức tối ưu hấp thụ tối đa công suất phát của các nhà máy.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu đề xuất của EVN xây dựng một số TBA 220kV (tạm) với mục tiêu đưa vào vận hành trong Quý II/2020 để giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời.

Như chúng ta đã biết, để đảm bảo an ninh năng lượng cần đa dạng hóa nguồn năng lượng trong phát điện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế giúp Bộ Công Thương/Chính phủ trong vấn đề quy hoạch chủ yếu đề xuất tập trung phát triển các nguồn từ mặt trời, gió, điện khí, không xây dựng nhiệt điện than mới và điện hạt nhân. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu kế hoạch ứng phó cấp điện khi gặp biến cố về thời tiết “cực đoan kép” - như thủy điện cạn kiệt nước, các trung tâm năng lượng tái tạo gặp các sự cố về thiên tai khi mưa bão trong thời gian dài?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về các đề xuất, góp ý quy hoạch các nguồn điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu để nghiên cứu trong Quy hoạch điện VIII trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của xã hội, cũng như phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Trong đó, việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo thế nào? Có phát triển điện hạt nhân trong tương lai xa hay không? Sẽ được tính toán, cân nhắc để báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.

Về khả năng xảy ra các biến cố kép. Tính đến cuối năm 2019, lượng công suất NLTT trong hệ thống đã chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong khi điện năng sản xuất từ các nguồn này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (dưới 4% điện năng). Các nguồn hiện nay đủ khả năng bù đắp thiếu hụt trong trường hợp một số thủy điện kiệt nước cũng như các khu vực tập trung nguồn năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng về vấn đề thời tiết.

Các giải pháp trong trung hạn đưa ra trong trường hợp “cực đoan kép”, nếu các nguồn điện than, khí cung cấp thiếu hụt thì sẽ huy động các nguồn điện chạy dầu, có thể xem xét chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện Hiệp Phước. Mặt khác, tiếp tục ký kết hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc (ở mức hợp lý), hoặc xem xét giải pháp thuê các nhà máy điện nổi (fast track) trong ngắn và trung hạn...

Sắp tới, nhu cầu than cho các trung tâm nhiệt điện phía Nam sẽ tăng lên đáng kể, nhưng khí đốt khu vực thềm lục địa Đông Nam bộ và Malay - Thổ Chu đang suy giảm nhanh, do đó rất cần các cảng, kho nhập khẩu than, khí hóa lỏng LNG quy mô lớn cho các trung tâm điện than, điện khí tại khu vực này và sau này là trên cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo xúc tiến đầu tư, xây dựng các cảng, kho than và LNG như thế nào để đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện trong tương lai tới?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện trong tương lai tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo xúc tiến đầu tư, xây dựng các cảng, kho than và LNG.

Về cảng than: Để chuẩn bị cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu, trung chuyển, cung cấp than, đảm bảo nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng mạnh của các nhà máy điện, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016) đã quy hoạch hệ thống cảng nhập than tập trung, quy mô lớn theo từng miền: Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, tại khu vực miền Nam sẽ đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện phía Nam với quy mô công suất đến 40 triệu tấn/năm.

Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than, Quy hoạch phát triển điện lực, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long, các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, nghiên cứu các phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than, lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện đầu tư cảng than nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng phục vụ cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện phía Nam.

Theo đó, ngày 24/7/2019, Bộ Công Thương đã có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Về cảng kho LNG: Tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, mục tiêu phát triển dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam được nêu như sau:

Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu cho từng giai đoạn (Giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1 - 4 tỷ m3/năm, Giai đoạn 2026 - 2035 đạt 6 - 10 tỷ m3/năm).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất bổ sung các các dự án trung tâm điện lực: Long Sơn, Cà Ná và Nhà máy điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch điện VIII. Như vậy, các kho cảng LNG sẽ được điều chỉnh, bổ sung cùng với các trung tâm điện lực nêu trên để phục vụ cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo công tác đầu tư, xây dựng kho cảng LNG và các nhà máy điện sử dụng LNG để có thể hoàn thành chuỗi dự án, bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2022 cho sản xuất điện. Kho LNG Thị Vải với công suất giai đoạn đầu là 1 triệu tấn đã được khởi công ngày 28/10/2019 để cung cấp LNG cho các nhà máy điện khí Nhơn trạch 3 và 4.

Về vấn đề “an ninh năng lượng” phải được dựa trên cơ sở của một thị trường năng lượng bền vững. Hiện ở Việt Nam, các sản phẩm năng lượng (điện, than, xăng dầu, khí đốt) đang được sản xuất và lưu thông phân phối trong thị trường có những khác biệt về mức độ cạnh tranh. Điều này có thể sẽ là rào cản cho sự phát triển của một thị trường năng lượng bền vững. Với tư cách là tư lệnh ngành, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp cho vấn đề nêu trên?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sau hội nghị Trung ương 5, Khóa XII diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-TW/NQ, 11-TW/NQ và 12-TW/NQ ngày 3/6/2017 về: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 2/10/2017, Nghị quyết số 98/NQ-CP và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 3/10/2017 để triển khai thực hiện 3 Nghị quyết trên. Theo đó, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nghiên cứu, xây dựng “Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cho đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét từ tháng 4/2019. Trong đó, đề xuất mô hình, lộ trình phát triển thị trường năng lượng phù hợp các các điều kiện đặc thù của ngành năng lượng Việt Nam.

Việc nghiên cứu, chuyển đổi ngành năng lượng (than, khí, điện) sang cơ chế thị trường cạnh tranh được thực hiện theo các nguyên tắc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành viên tham gia thị trường, xóa bao cấp, xóa độc quyền. Đảm đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các ngành than, khí, điện. Cung cấp đủ than, khí cho nhu cầu sản xuất điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án nêu trên.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động