EVN phản hồi về kết luận Thanh tra Chính phủ
07:15 | 09/10/2013
>> Mối quan hệ giữa đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đã hợp lý?
>> Năm yếu tố khách quan dẫn đến hợp tác chiến lược giữa ba phân ngành năng lượng
>> EVN đưa vào vận hành gần 1.200MW điện trong 9 tháng
>> Đa dạng hóa hình thức đầu tư các công trình điện
Đầu tư ngoài công ty mẹ - EVN
Vốn đầu tư ngoài công ty mẹ - EVN được hiểu rằng: EVN dùng vốn của mình đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, phân phối điện theo cơ chế, quy định của Nhà nước. Trước đây khi còn là Tổng công ty Điện lực Việt Nam thì các đơn vị này đều thuộc Tổng công ty. Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình Tập đoàn thì có sự thay đổi: Công ty mẹ là một pháp nhân; các công ty con, công ty liên kết cũng là pháp nhân như công ty mẹ. Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết thông qua hình thức công ty mẹ đầu tư vốn vào công ty con, công ty liên kết (những đơn vị này trước đây đều thuộc EVN và đều thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện).
Như vậy ở đây chỉ là sự thay đổi mô hình hoạt động, còn bản chất các khoản đầu tư của EVN vào các công ty con, công ty liên kết sản xuất kinh doanh điện, không phải là khoản đầu tư mới ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện. Trong 121.790 tỷ đồng đầu tư ngoài công ty mẹ thì: công ty mẹ đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện 49.634 tỷ đồng (gồm các tổng công ty phát điện, tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các tổng công ty điện lực,..). Công ty mẹ cho các công ty con vay lại 70.049 tỷ đồng (gồm các tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực,..); Công ty mẹ đầu tư ngoài ngành có 2.107 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,7% trên vốn điều lệ).
Đối với khoản cho vay lại: Về thực chất các khoản vay lại là khoản vay mà trước đây do EVN vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước (chủ yếu là vay của nước ngoài) để đầu tư các công trình điện của EVN mà EVN phải trực tiếp nhận nợ. Do quá trình đổi mới doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, một số đơn vị thuộc EVN tách ra thành các đơn vị thành viên của EVN như: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty phát điện 1, 2, 3… Tuy nhiên, do các tổ chức tín dụng không đồng ý việc chuyển đổi chủ thể vay mà vẫn yêu cầu EVN chịu trách nhiệm chủ thể vay, do đó EVN buộc phải chuyển các khoản nợ vay (cho vay lại) về cho các đơn vị trực tiếp sử dụng quản lý các khoản vốn vay đã đầu tư cho các dự án, công trình điện nhưng công ty mẹ - EVN vẫn phải nhận nợ với các tổ chức tín dụng.
Thực chất, việc cho vay lại này là để thu hồi vốn từ các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư các công trình điện về EVN để có nguồn trả nợ chứ không phải là khoản đầu tư ra ngoài EVN.
Về việc đầu tư ngoài ngành số tiền 2.107 tỷ đồng: Do trước đây khi thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn hoạt động đa ngành đa nghề, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương thực hiện thoái vốn ngoài ngành số tiền 2.107 tỷ đồng và hiện EVN đang tích cực triển khai để cố gắng đến năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn này.
Xây dựng các nhà công vụ
Do đặc thù các nhà máy điện có công suất lớn hầu hết được xây dựng ở cách xa khu dân cư, xa thành phố thị xã, các nhà máy điện đều vận hành liên tục ba ca bốn kíp, khi xảy ra sự cố cần phải huy động ngay một lực lượng cán bộ công nhân nhất định để giải quyết khắc phục sự cố, sửa chữa kịp thời ngay để phát điện, khi thay ca đòi hỏi theo nhóm cùng một lúc không có người đi trước người đi sau (khác với đi ca của một số khu ngành công nghiệp khác).
Mặt khác lực lượng cán bộ, công nhân tuyển dụng lần đầu đều là lực lượng trẻ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, không có gia đình ở gần và để thu hút cán bộ công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong các điều kiện khó khăn, nên các nhà máy điện đều phải có khu quản lý vận hành sửa chữa. Trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân, những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu quản lý vận hành/nhà công vụ này. Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong các chuyên gia không ở nữa thì chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc, hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành.
Về việc xây dựng một số công trình thể thao: Do môi trường làm việc của cán bộ công nhân rất đặc biệt, yêu cầu công việc đòi hỏi kỹ thuật có trình độ cao, ô nhiễm cao, điện từ trường, tiếng ồn lớn, công nhân phải thay phiên trực liên tục ba ca bốn kíp, nên sau ca trực cần có hoạt động thể thao để giảm độ căng thẳng nhanh chóng hồi phục sức khỏe để duy trì thực hiện làm ca trực tiếp theo, giảm được các ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, do vậy trong các khu quản lý vận hành qui hoạch có khu thể thao nhỏ.
Hiện nay, trong các Nghị định về Quản lý đầu tư của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành không nêu cụ thể có danh mục Khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ, nhưng với các nội dung nêu trên, việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Chính vì vậy khi lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật các nhà máy điện, đơn vị tư vấn đã xem xét sự cần thiết và nhu cầu thực tế trên cơ sở qui mô của cụm nhà máy đã tính toán và đưa khu Quản lý vận hành, sửa chữa là một hạng mục công trình của dự án. Chủ đầu tư đã báo cáo trình cấp có thẩm quyền thẩm tra và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - TDT trong đó có hạng mục khu quản lý vận hành nêu trên. Các khu quản lý vận hành sửa chữa của năm trung tâm nhà máy nhiệt điện nêu trên đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt qui hoạch, cấp đất cho phép xây dựng theo các qui định hiện hành.
Về nguồn vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao, EVN sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành điện. Các đơn vị thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Hạch toán chuyển nguồn vốn và chi phí sản xuất điện trong năm 2011
Về việc công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành đang hoạt động làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án nêu trên số tiền 223.909.749.578 đồng. Vấn đề này được hiểu như sau:
Do nhu cầu vốn đầu tư các công trình điện của EVN rất lớn, mỗi năm EVN đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, năm 2013 kế hoạch đầu tư của EVN cho các công trình điện là 106.600 tỷ đồng, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư, nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Nguồn vốn khấu hao cơ bản không đủ để trả nợ gốc và lãi vay.
Việc huy động thu xếp vốn cho các công trình điện chủ yếu từ các nguồn vốn vay. Trong quá trình phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công trình, do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu, sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành lúc đó EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn sản xuất trước đây đã ứng.
Cụ thể: Năm 2010 và năm 2011, EVN có hướng dẫn 8 đơn vị hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án đã hoàn thành (từ nguồn vốn sản xuất EVN đã tạm ứng sang nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp) với tổng số tiền là 1.619.340.753.604 đồng (tại 2 thời điểm là ngày 01/9/2010 và ngày 21/10/2010) là thực chất hoàn trả vốn sản xuất mà trước đây EVN đã ứng.
Do việc điều chuyển nguồn vốn các dự án đã hoàn thành nên phần lãi trái phiếu số tiền 223.909.749.578 đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện ngay trong năm tài chính thay vì hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình điện (tăng vốn đầu tư của dự án và cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện thông qua khấu hao TSCĐ), về tổng thể việc hạch toán nêu trên không làm tăng chi phí sản xuất điện.
Giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ năm 2011 cho các tổng công ty
Do năm 2010, 2011 EVN gặp rất nhiều khó khăn như nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng hạn thiếu nước, ngành điện phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện nên 2 năm liên tiếp EVN, lỗ tổng cộng 12.000 tỷ đồng. Theo quy trình xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hằng năm EVN giao các chỉ tiêu cho các tổng công ty, các đơn vị trong Tập đoàn. Năm 2011 do khó khăn nên EVN đã giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với lỗ kế hoạch.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Ý định khó đoán của Trung Quốc và dấu hỏi về sách Mỹ
Vinashin trở về với 'vạch xuất phát'
Những siêu dự án quân sự bí mật của Trung Quốc
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Trung Quốc thay đổi học thuyết phiên bản "made in China"
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc
Nga quyết định cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa