RSS Feed for Than đá và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 16:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than đá và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ

 - Than đá, bất chấp màu đen của nó, có thể giúp chúng ta thấy rõ nó có ý nghĩa như thế nào trong các cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Và không chỉ ở Hoa Kỳ, trước đây, chiếc “ghế” của L. Brezhnev ở Liên Xô (trước đây) và của B. Yeltsin ở nước Nga (sau này) cũng bị “lung lay” bởi những người thợ mỏ.


Các mục tiêu của năng lượng t​ái tạo có thể làm suy yếu tính bền vững (?)

Phát thải CO2 từ ngành năng lượng: Vấn đề của Việt Nam và thế giới


Than - “Hoàng đế đen” của nền kinh tế - năng lượng thế giới

Trong nhiều năm qua, báo chí đã đưa tin hàng ngày về những tiến bộ mới trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), về các tấm pin mặt trời trên mái nhà, về các nhà máy điện mặt trời lớn, về các tua bin gió trên đất liền và ngoài khơi.

Người ta có ấn tượng rằng, sự phát triển của các nguồn NLTT đang là tâm điểm chú ý không chỉ của những người tò mò bên ngoài, mà còn của các chuyên gia trong ngành năng lượng, nhưng thực tế không phải vậy.

Dữ liệu trong thống kê của BP về Năng lượng Thế giới năm 2018 đã cho thấy: Tỷ lệ sản xuất điện từ các loại nhiên liệu sinh học (1,5%); từ dầu và các sản phẩm dầu (3,5%); từ năng lượng tái tạo (8%); từ hạt nhân (10%); từ các nhà máy thủy điện (16%); các nhà máy nhiệt điện chạy khí (23%), các nhà máy nhiệt điện chạy than (38%).

Trong khi các nhà môi giới chứng khoán đang lãng phí thần kinh của mình để dự đoán giá dầu, các nhà môi trường đang cố gắng chứng minh tác hại của các nhà máy điện hạt nhân, thì trên thế giới, thiết bị của các nhà máy thủy điện đang ngày càng được hoàn thiện và các kỹ sư thủy điện đang tiếp tục chinh phục các dòng sông lớn, nhỏ. Trong khi các nhà cơ khí đang thiết kế ngày càng nhiều mẫu tua bin gió to, nhỏ khác nhau, các nhà vật lý và hóa học đang “chiến đấu” để tăng hiệu suất của các tấm pin mặt trời, thì “ở phía sau sân khấu”, không ồn ào và không khoa trương, ngành than trên thế giới vẫn hoạt động bình tĩnh, tự tin và luôn đóng vai trò là một “hoàng đến đen” trong các nền kinh tế - năng lượng của các nước giàu cũng như nghèo.

Nhiều người không muốn đề cập đến than, nhiều kẻ không hiểu biết luôn cáo buộc cho than mọi tội lỗi môi trường và lớn tiếng kêu gọi từ bỏ nhiệt điện than ngay lập tức. Tất cả những điều này có thể đúng vào sau năm 2100 - khi loài người bước vào “Nền văn minh Số 1”. Còn hiện nay - ở “Nền văn minh Số 0”, loài người đang phải đối mặt với một thực tế kinh tế khắc nghiệt: Than không chỉ rẻ nhất mà còn là nguồn năng lượng dễ tiếp cận, thuận tiện nhất để vận chuyển và lưu trữ. Than dưới lòng đất được phân bổ ở các quốc gia đồng đều hơn nhiều so với khí đốt và dầu mỏ. Than đã và vẫn là nguồn tài nguyên có nhu cầu lớn nhất đối với các nước đang phát triển - nơi các vấn đề môi trường không quá nghiêm trọng so với nguy cơ thiếu điện.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, ít nhất 1 tỷ người trên thế giới, hoặc không có cơ hội sử dụng điện, hoặc phải sử dụng điện từ các nguồn NLTT có chế độ cực kỳ không ổn định. Nhiều nước phát triển tuyên bố từ bỏ nhiệt điện than, nhưng không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền bằng cách bán than cho các nước đang phát triển.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cũng dẫm lên hòn than đen

Đương nhiên, trong “top ten” xuất khẩu than luôn có mặt Hoa Kỳ và Canada. Nhiều người không hiểu và tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định ngay sau khi trúng cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump là rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris. Lý do rất đơn giản: D. Trump là một người có đầu óc thực tế, ông không chỉ nhận ra than đá là “vị hoàng đế đen” của ngành năng lượng thế giới, mà còn “đau đáu kiếm tiền” cho nước Mỹ bằng than đá. Không có gì bí mật khi các công đoàn ngành than Mỹ ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Và cũng không có gì sai nếu nói rằng: Chính Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng than đã được chứng minh trong lòng đất với hơn 250 tỷ tấn (nhiều hơn cả Nga và Trung Quốc).

Theo Cục Quản lý An toàn và Vệ sinh lao động của Mỹ, dưới thời tổng thống B. Obama (2012 - 2016), ở Mỹ, cứ 7 mỏ than thì 1 mỏ bị đóng cửa. Lệnh cấm sử dụng than của Obama năm 2016 khiến 25 - 27% thợ mỏ mất việc (mức thấp nhất kể từ năm 1978), ngành than của Mỹ đã lao dốc không phanh.

Mark Thornton, thành viên cao cấp tại Viện Ludwig von Mises, cho rằng: “Chính quyền Barack Obama đã làm phá sản ngành than của Mỹ - kể từ năm 2012, sản lượng than đã giảm hơn 25%, đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 10 - 15 năm qua”. Trong năm 2015, khoảng 80% công suất phát điện bị đóng cửa là từ các nhà máy nhiệt điện than.

Còn theo IEA, sản lượng than của Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của B. Obama (năm 2016) là 746,5 triệu tấn, giảm so với hơn 1 tỷ trong năm 2014. Năm 2016, lượng than tiêu thụ so với cùng kỳ giảm từ 917 xuống 736,9 triệu tấn, trong khi xuất khẩu than giảm 50% (từ 97 xuống 57,9 triệu tấn). Năm 2016 là năm tồi tệ nhất đối với ngành than của Mỹ kể từ năm 1978.

Năm 2016, khi tranh cử, D. Trump chỉ nói một cách mơ hồ về dầu khí, nhưng đã nói nhiều về sự cần thiết phục hồi của ngành than. Đây là điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của D. Trump. Quan điểm này như một lời kêu gọi cử tri Mỹ ủng hộ của giai cấp công nhân mỏ. Ông quan tâm đến việc phát triển ngành than còn để gây ảnh hưởng đến các thỏa thuận thương mại của Mỹ với Đông Á, đặc biệt là với Trung Quốc. Các nhà sản xuất than tin rằng, các chính sách của D. Trump sẽ giúp họ về lâu dài.

Đồng thời, trong chiến dịch tranh cử 2016, D. Trump đã chỉ trích việc Mỹ tham gia vào các chương trình chống biến đổi khí hậu. Ông tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris (mà theo đó các nước đang phát triển sẽ nhận được từ các nước phát triển 100 tỷ USD mỗi năm vào trước năm 2020 để giải quyết các vấn đề khí hậu). Tuy nhiên, Tổng thống đã lắng nghe lời khuyên của con gái Ivanka và đã quyết định hoãn việc chấm dứt thỏa thuận khí hậu.

John Romstein - một nhà nghiên cứu tại Đại học Nevada giải thích: “Những lời hứa của Trump về việc sẽ khôi phục lại nền công nghiệp vĩ đại trước đây của Hoa Kỳ đã đảm bảo cho ông ấy chiến thắng tại các thủ phủ than ở Tây Virginia và Pennsylvania”.

D. Trump đã giữ lời hứa. Từ năm 2017, Mỹ đã hủy bỏ “Kế hoạch Năng lượng Sạch”- đứa con tinh thần của Barack Obama nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu. Chính quyền D. Trump đã tuyên bố: Việc cắt hỗ trợ NLTT sẽ tiết kiệm cho ngân sách 18% và kích động ngành than Mỹ phát triển. Từ năm 2017, ngân sách của cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cũng bị cắt giảm. Tài trợ cho những nhà hoạt động sinh thái cũng bị cắt 31%, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 40 năm. Sau khi D. Trump dỡ bỏ lệnh cấm phát triển các mỏ than mới (được Barack Obama đưa ra vào tháng 1/2016) sản lượng than năm 2018 của Mỹ đã tăng gần 10%. 

Sau khi D. Trump ký sắc lệnh hủy bỏ kế hoạch “Năng lượng sạch” nói trên, cổ phiếu của các nhà sản xuất than lớn nhất Hoa Kỳ đã tăng vọt. Chứng khoán của Cloud Peak Energy Inc. đã tăng giá hơn 5,5%, của Peabody Energy Corp. tăng 4,9%. và Arch Coal Inc. tăng 6,8%. Kể từ tháng 3/2016, giá than kỳ hạn đã tăng vọt 29 - 31% (từ 37,5 USD lên 52,6 USD/tấn), đây là mức kỷ lục trong vòng 5 năm.

Than và nền dân chủ Hoa Kỳ

Than đá, bất chấp màu đen của nó, có thể giúp chúng ta thấy rõ nó có ý nghĩa như thế nào trong các cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Và không chỉ ở Hoa Kỳ, trước đây, chiếc “ghế” của L. Brezhnev ở Liên Xô (trước đây) và của B. Yeltsin ở nước Nga (sau này) cũng bị “lung lay” bởi những người thợ mỏ.

Theo S&P Global, cuối 2019, lượng than xuất khẩu từ Hoa Kỳ đã giảm 19,7%, xuống còn 84,2 triệu tấn và theo đánh giá của cơ quan xếp hạng này, xu hướng này đang tiếp tục trong năm 2020. Đồng thời, tỷ trọng than trong sản xuất điện của chính Hoa Kỳ cũng đang giảm. Đương nhiên, điều này đã làm khốn đốn các công ty than, vốn là “hậu phương vững chắc” trong cuộc chiến tranh cử của D. Trump. Tổng thống luôn ủng hộ, nhưng ngành than Mỹ vẫn không “ngẩng đầu” lên được. Đó chính là nghịch lý của nền dân chủ kiểu Mỹ. Liên bang Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc, là một cộng đồng các tiểu bang riêng biệt, mỗi tiểu bang đều có mức độ tự do đáng kể trong việc hình thành và vận hành luật pháp.

Trên thế giới, ba quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu than, cạnh tranh với nhau là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Bản đồ địa lý cho thấy, Mỹ là nguồn cung cấp than thuận tiện nhất cho 3 đối tượng này thông qua việc sử dụng các cảng bờ biển phía Tây. Và, bang khai thác than chủ yếu của Mỹ là Wyoming cũng nằm ở phía Tây Bắc Mỹ. Năm 2016, Wyoming đã “vô tư” bỏ phiếu cho Trump, vì lý do ông đã hào phóng đưa ra những lời hứa về nhập khẩu than với những người khai thác than trong chiến dịch tranh cử.

Trong khi đó, năm 2016, Hillary Clinton đã thắng lợi lớn ở các bang nằm án ngữ đường xuất khẩu than trên bờ biển phía Tây của Mỹ là California, Oregon và Washington. Và, không may thay cho những người thợ mỏ, vào năm 2018, ở tất cả các bang này người ta đã cấm sử dụng các cảng biển để xuất khẩu than, làm thiệt hại hàng tỷ đô la cho Wyoming. Không có áp lực nào của D. Trump đối với California, Washington và Oregon mang lại kết quả. Ông đã bị ràng buộc bởi các giá trị dân chủ của Mỹ.

D. Trump đã nhận ra điều đó và cũng đã cố gắng hết sức. Ngày 11/2/2020, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Bruyette tuyên bố: “Mỹ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mexico và Canada thông qua một hiệp định thương mại USMCA mới nhằm tìm đường vận chuyển than từ các mỏ than ở Wyoming và các bang khác để xuất khẩu sang châu Á, và đến các thị trường thế giới khác”.

Năm 2016, Idaho và Montana đã bầu D. Trump, và do đó, họ sẽ không từ chối giúp các công ty than ở Wyoming vượt qua cuộc phong tỏa đường biển của phe “dân chủ”.

Lần này (năm 2020), ở Montana, D. Trump (với 56,9% phiếu bầu) cũng qua mặt J. Biden (với 40,6%). Ở Wyoming, D. Trump còn thắng đậm hơn (đạt 70,4%), trong khi J. Biden chỉ thu được vỏn vẹn 26,7% phiếu. Ở Bắc Dakota (cũng giáp với Canada), D. Trump cũng thu được 65,5% phiếu, trong khi J. Binden chỉ thu được 31,9% v.v...

Cuộc bầu cử Tổng thống (năm 2020) đang dần kết thúc, nhưng hòn than đen vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc của nhiều ứng vên Tổng thống ở Hoa Kỳ./.

Vào ngày ông J. Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, mời quý vị đón đọc bình luận: “Làm thế nào để một nhiệm kỳ Tổng thống, ông Biden sẽ thay đổi bối cảnh năng lượng Hoa Kỳ?”

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (TỔNG HỢP)


Tài liệu tham khảo:

https://lt.sputniknews.ru/columnists/20200217/11380942/Ugol-v-dele-chernyy-imperator-reshit-sudbu-vyborov-prezidenta-SShA.html

https://bcs-express.ru/novosti-i-analitika/mozhet-li-tramp-reanimirovat-ugol-nuiu-promyshlennost-v-ssha

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động