RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: "Khi cơn đói dầu hoành hành" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 17:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'

 - Vừa mới “nhu nhú” ở vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới thì Trung Quốc đã soán ngay vị trí số 1 về nhập khẩu dầu mỏ. Thông tin này quả là chẳng hay ho gì, bởi lẽ Trung Quốc sẽ ngày càng dễ bị chi phối bởi các quyền lực nằm ngoài biên giới, phần nữa chứng tỏ việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả của nền kinh tế, điều tối kỵ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đầy gian nan trong tương lai.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>>  Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng

>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"

Bình luận tuần thứ 5:

NGUYỄN HOÀNG LINH

Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới

“Đói, đầu gối phải bò”

Chính quyền Bắc Kinh sẽ tỏ ra lo lắng nhiều hơn là tự hào, vì Trung Quốc tăng lượng dầu nhập khẩu, đồng nghĩa với mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường dầu khí toàn cầu - việc độc lập năng lượng của quốc gia này đang bị đe dọa nghiêm trọng, hậu quả là Trung Quốc sẽ ngày càng dễ bị chi phối hơn bởi các thế lực bên ngoài - Trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới: 'Tin vui' của Trung Quốc.

Theo số liệu sơ bộ được Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố, tháng 12/2012, Mỹ nhập khẩu gần 6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1992 - trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc lại vượt lên 6,12 triệu thùng dầu mỗi ngày. Mỹ từng giữ vị trí là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới trong thời gian dài, từ năm 1972, thời điểm xảy ra cơn khủng hoảng dầu mỏ và giá dầu thô toàn cầu xuống dốc không phanh.

Có lời phân bua rằng, thời điểm tháng 12 là giai đoạn mùa đông khắc nghiệt tại miền Bắc Trung Quốc, nên lượng dầu nhập khẩu của quốc gia này lại tăng vọt trong các tháng cuối năm là điều hoàn toàn dễ hiểu. Xin lưu ý một điều rằng, Trung Quốc nhập khẩu cả dầu thô lẫn xăng dầu thành phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng Mỹ lại khác, quốc gia này chủ yếu nhập khẩu dầu thô đều đặn suốt năm và sau đó lọc một lượng lớn thành xăng và dầu thành phẩm để bán kiếm lời. Điều đó có thể giải thích rằng Mỹ đang ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, khai thác những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, còn Trung Quốc thì ngược lại.

Trong năm 2006, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia có lượng khí thải cacbon điôxít lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới. Khả năng “phàm ăn vô địch” của người khổng lồ Trung Quốc khiến quốc gia này luôn trở thành nhà tiêu thụ số 1 tất cả các nguyên, nhiên liệu, và thực phẩm như: than đá, quặng sắt, nhôm, đồng, vàng, lúa mỳ, gạo, thịt …

Trong cơn đói “nhiên liệu”, thời gian gần đây, nhiều sự kiện “rung chuyển thị trường năng lượng thế giới” đều liên quan đến Trung Quốc.

Các cuộc tranh chấp chủ quyền những đảo, vùng biển giàu trữ lượng dầu thô, với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á cũng không nằm ngoài mục tiêu thỏa mãn cơn đói năng lượng của Trung hoa đại lục. Đã từng có Tuyên bố ngông cuồng: Dầu khí ở Biển Đông là "tài sản của Trung Quốc"

Một trong những hợp đồng cung cấp dầu khí lớn nhất lịch sử ngành dầu khí thế giới đã được thực hiện giữa Tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga với Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC về việc cung ứng dầu mỏ trị giá 270 tỷ USD trong thời hạn 25 năm.

Trong khi mọi người chưa quên vụ thâu tóm tài sản nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc vừa diễn ra, thương vụ Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC mua lại tập đoàn Nexen của Canada với số tiền 15 tỷ USD thì được tin, từ ngày 1/7/2013, một đường ống dẫn khí đốt dài 771 km từ bờ biển phía Tây Myanmar, bên Vịnh Bengal, tới Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu đi vào hoạt động. Đường ống này do Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đầu tư xây dựng, với tư cách là cổ đông chính, đã hoàn thành vào ngày 28/5.

Mối quan hệ Nga-Trung được đánh giá đang trong giai đoạn nồng ấm chưa từng có

"Ông Tập Cận Bình đi Nga chỉ với hai từ: Dầu - Khí"

Mới đây, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, chuyến thăm ít có hy vọng tạo ra bước đột phá trong quan hệ song phương. Thay vào đó, vấn đề đáng nói nhất chỉ là những thỏa thuận xuất khẩu dầu khí của Nga sang Trung Quốc, một mặt hàng mà Trung Quốc đang khát hiện nay - "Ông Tập Cận Bình đi Nga chỉ với hai từ: Dầu - Khí".

 

Những “chiếc vòi bạch tuộc” khổng lới

Trở lại phân tích “chiếc vòi bạch tuộc” cắm vào vùng Siberia của nước Nga thông qua một trong những hợp đồng cung cấp dầu khí lớn nhất lịch sử ngành dầu khí thế giới trị giá 270 tỷ USD trong thời hạn 25 năm được thể hiện trong Siêu hợp đồng dầu khí lớn nhất trong lịch sử Nga-Trung.

Các nguồn thông tin cho hay, thời gian gần đây, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã vượt qua ExxonMobil để trở thành nhà sản xuất dầu thương phẩm số 1 thế giới. Rosneft sản xuất ổn định ở mức 10 triệu tấn dầu thương phẩm mỗi tháng, nhiều hơn 1 triệu tấn so với ExxonMobil. Con số trên không lớn, tuy nhiên, điều quan trọng là Tập đoàn 100% vốn nhà nước của Nga đã lên kế hoạch “giữ chặt” vị trí trên, sau khi đã nằm trong top 5 doanh nghiệp sản xuất dầu thương phẩm lớn nhất thế giới từ năm 2004.

Rosneft luôn tự hào vì sở hữu hệ thống 7 nhà máy lọc dầu rộng khắp miền bắc nước Nga, Siberiavà Viễn Đông. Trong năm nay, Rosneft dự kiến sẽ sản xuất khoảng 120 triệu tấn dầu thương phẩm bao gồm: xăng, dầu, dầu hỏa, benzen, xăng, sáp parafin và nhựa đường. Rosneft cũng được đánh giá là thương hiệu có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là nhờ nguồn nhiên liệu và tài chính dồi dào từ chính quyền Moscow.

Theo tờ China Daily, tổng trữ lượng dầu mà Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc theo hiệp định là 365 triệu tấn. Ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí Rosneft, cho biết, dầu sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương. Hệ thống này sẽ được thiết kế để bơm dầu trực tiếp đến khu Mohe, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Một “vòi bạch tuộc” khác vươn xa hơn, sang tận phía bên kia bán cầu, đó là  cuộc thâu tóm tài sản nước ngoài lớn nhất trị giá 15 tỷ USD của Trung Quốc  mua lại tập đoàn Nexen của Canada. Với chính phủ Trung Quốc, thỏa thuận với Nexen xác lập nỗ lực cả một thập kỷ qua của họ khuyến khích những công ty trong nước mở rộng ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cho nền kinh tế đang tăng trưởng rất nhanh.

 “Đó là một cột mốc cho thấy các công ty Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong những thương vụ thâu tóm ở nước ngoài,” Edward Tse, chủ tịch phụ trách Trung Quốc của công ty tư vấn Booz & Company, bình luận. “Vụ này sẽ là tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục mở rộng ở các nước khác, nhất là các nước phát triển”. Sau vụ CNOOC thâu tóm Nexen, thế giới lo ngại ý đồ Trung Quốc.

Cùng với việc đưa đường ống dẫn khí đốt dài 771 km từ bờ biển phía Tây Myanmar, bên Vịnh Bengal, tới Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), đi vào hoạt động, một đường ống dẫn dầu để vận chuyển dầu thô của Trung Quốc mua từ vùng Vịnh Pécxích và châu Phi đang được khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Đây chỉ là một phần của hệ thống “vòi bạch tuộc” dẫn dầu khí trên bộ ở châu Á dẫn tới Trung Quốc…

Tuyến đường ống khí đốt và dầu mỏ của Trung Quốc bắt đầu lần lượt từ đảo Maday và đặc khu kinh tế rộng 120 km2 ở Kyaukpyu. Đặc khu trị giá 2,4 tỷ USD này có một cảng biển nước sâu và được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp vốn.

Những tiến bộ trong quá trình dân chủ hóa tại Myanmar và sự thâm nhập mạnh mẽ của các nước phương Tây vào đất nước một thời đóng cửa này đã thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường ống. Vạn nhất, nếu có sự thay đổi chính quyền tại Myanmar sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2014 thì sự hiện diện của các đường ống đã thành việc đã rồi, tạo nên Ý nghĩa địa chính trị của đường ống dẫn khí Myanmar - Trung Quốc.

Những đường ống này cũng là các dấu hiệu đầu tiên của việc Trung Quốc đang thực hiện mở cửa các tỉnh Tây Nam của họ với Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc thiết lập một “chiến lược hai đại dương”, giành quyền kiểm soát hàng hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng sẽ cho phép 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể tránh được Eo biển Malacca. Bắc Kinh đang coi Eo biển hẹp này là một tuyến đường biển do Mỹ kiểm soát và cho rằng sự phụ thuộc vào Eo biển Malắcca trong việc nhập khẩu các nguồn tài nguyên đang khiến Trung Quốc dễ tổn thương trước một cuộc xung đột. Hiện nay, khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua Eo biển này…

 

Mỹ liệu có là “ kẻ ngoài cuộc”?

 “Chúng ta đã chi ra 1.500 tỉ USD, chúng ta mất đi hàng ngàn sinh mạng (trong cuộc chiến Iraq),… nhưng giờ thì Trung Quốc lại đang lấy hết dầu mỏ ở đó, mà chúng ta thì chẳng được gì…”, tỉ phú Donald Trump bức xúc trên kênh Fox News (Mỹ).

Tuy nhiên, tờ Business Insider đã đưa ra những lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách Mỹ chẳng màng đến vấn đề mà tỉ phú Trump đang lo lắng: Trước hết, các tập đoàn dầu khí của Mỹ đã nắm toàn bộ các gói thầu phát triển ngành dầu mỏ của Iraq.

Thứ hai, Trung Quốc chỉ biết nhắm mắt mua dầu để đáp ứng nhu cầu của mình mà không màng đến lợi nhuận, trong khi luồng tiền khổng lồ này đã trôi vào túi của các tập đoàn của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ đã kịp làm chủ nguồn dầu ở Iraq trước khi có sự xuất hiện của Trung Quốc, do đó, Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ quyền cung cấp hay không cung cấp, đồng nghĩa với việc làm chủ nguồn năng lượng của Trung Quốc.

Thứ tư, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2017 và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020, theo báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới sẽ mang lại một lợi thế chiến lược cho Washington về mọi mặt.

Việc Mỹ giảm lượng dầu nhập khẩu được coi là mốc quan trọng của ngành năng lượng Mỹ trong thập niên vừa qua. Các chuyên gia năng lượng nhận định, nền kinh tế suy thoái khiến người dân Mỹ thận trọng hơn trong chi tiêu, tiết kiệm hơn khi sử dụng các phương tiện đi lại, và doanh nghiệp thì lại cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, nếu không muốn sớm tuyên bố phá sản.

Giá xăng dầu tăng cao là động lực lớn cho chính sách tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nhiên liệu của chính quyền liên bang. Ngoài ra, một nguyên nhân đáng kể khác khiến Mỹ giảm lượng dầu nhập khẩu là sản lượng dầu thô khai thác tại quốc gia này tăng nhanh đến chóng mặt trong những năm qua.

Tiến bộ vượt bậc trong công nghệ khoan thủy lực hay công nghệ hiện đại cho phép khai thác những mỏ đá phiến tại phía Bắc Dakota, Nam Texas, các bang Louisiana, California, Ohio và rất nhiều mỏ dầu khác, góp vai trò đáng kể vào trữ lượng khai thác của ngành dầu khí Mỹ.

Mới đây, Thời báo phố Wall đưa ra quan điểm tranh luận rằng, Mỹ không còn là quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới nữa, vì Mỹ đang hướng đến một “giai đoạn mới” cho ngành năng lượng nước nhà, vượt qua Ả Rập-Xê Út và trở thành quốc gia sản xuất nhiều nhiên liệu thành phẩm nhất thế giới vào tháng 11/2013.

Có lẽ, phán đoán của các chuyên gia năng lượng phố Wall có lẽ vẫn còn mờ mịt, dù chính quyền Mỹ đang rất chú trọng đến ngành công nghiệp nhiên liệu thành phẩm trong nước, nhưng nghiêm túc mà nói, ngành năng lượng Ả Rập-Xê Út vẫn có những lợi thế mà không một quốc gia nào có thể so sánh được, với trữ dầu thô lớn nhất thế giới, điều duy nhất Ả Rập-Xê Út cần làm là xây thật nhiều nhà máy lọc dầu, khai thác, triết xuất và bán kiếm lời.

Còn Mỹ, ngành năng lượng quốc gia này cần phải “tự lực” từ rất nhiều nguồn cung khác nhau để triết xuất thành nhiên liệu thành phẩm, từ dầu thô nhập khẩu thông thường, đến nhiên liệu sinh học, khí gas tự nhiên, đá phiến sét hay khí đá phiến… Có lẽ, công nghệ nổi trội là điểm tự hào nhất của Mỹ trong “cuộc chiến thứ bậc” của ngành năng lượng toàn cầu.

Mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhiên liệu thành phẩm nhất thế giới vào cuối năm 2013 có lẽ hơi xa vời, nhưng mọi thông số phân tích khách quan đều dẫn đến một tin vui rằng, chắc chắn Mỹ sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu nhiên liệu thành phẩm lớn nhất vào năm 2017, trong đó chủ chốt là khí gas hóa lỏng.

Theo ông Ed Morse, chuyên gia phân tích năng lượng của tập đoàn Citigroup, thì ngành năng lượng tái tạo đang có những bước tiến vượt bậc tại Mỹ và Canada khiến hai quốc gia bắc Mỹ này, ngày càng ít phụ thuộc hơn vào dầu thô và hệ quả là vào năm 2020, Mỹ và Canada trở thành những nước xuất khẩu dầu thô ròng của toàn cầu.

Đây là tin vui với ngành năng lượng bắc Mỹ và toàn cầu, vì mô hình phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Mỹ và Canada nếu thành công sẽ sớm được nhân rộng ra khắp thế giới và các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ không phải đau đầu thêm nữa vì vấn đề khí thải cacbon điôxít và hiệu ứng nhà kính.

Vì thế, việc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iraq có thể khiến một số nhà tài phiệt Mỹ lo lắng, nhưng Washington thì lại tỏ ra khá bàng quan với việc này.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động