RSS Feed for Chính sách LNG của Trung Quốc, Nhật Bản, hàm ý cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 01:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách LNG của Trung Quốc, Nhật Bản, hàm ý cho Việt Nam

 - Phát triển năng lượng tái tạo là phù hợp với xu hướng của thế giới, nhưng không thể thay thế hoàn toàn điện từ năng lượng hóa thạch, vì vậy để đảm bảo phát triển bền vững, các chính sách đồng bộ thúc đẩy việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là rất cần thiết - điều này được tái khẳng định trong Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị. Đây cũng là xu thế của khu vực khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh theo các hoạt động phát triển kinh tế. Ngoài những chính sách trong nước, bài viết cung cấp thông tin về một số chính sách của Trung Quốc và Nhật Bản với tư cách là những quốc gia có kinh nghiệm trong việc nhập khẩu LNG, qua đó rút ra kinh nghiệm cho một thị trường tiềm năng như Việt Nam.


Phát triển điện khí ở Việt Nam [Kỳ 1]: Tiêu dùng năng lượng trên thế giới

Phát triển điện khí ở Việt Nam [Kỳ 2]: Quy hoạch, quản lý nguồn điện khí LNG

Phát triển điện khí ở Việt Nam [Kỳ 3]: Nguồn cung nhiên liệu trong nước

Phát triển điện khí ở Việt Nam [Kỳ 4]: Lựa chọn thị trường LNG chiến lược

 

Phát triển điện khí ở Việt Nam [Tạm kết]: Một số quan ngại và kiến nghị


1/ Định hướng phát triển thị trường LNG tại Việt Nam:

Sản lượng khí tự nhiên của Việt Nam hiện đạt khoảng 9 - 10 tỷ m3/năm. Trong đó, 80% sản lượng dùng để sản xuất điện, 11% cho sản xuất đạm và 9% là dành cho các loại hình công nghiệp khác. Sản lượng khí có khả năng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tới năm 2022, đặc biệt khi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi sang các dạng năng lượng phát thải thấp để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là nguồn năng lượng sạch hơn các nhiên liệu hóa thạch khác về mặt khí hậu và ô nhiễm không khí, đồng thời có thể làm tăng tính linh hoạt trong vận hành của hệ thống điện khi hệ thống tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ trọng lớn hơn.

Nghị quyết 55 mới ban hành đầu năm 2020 có đề cập tới năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ mét khối (m3) vào năm 2030 và 15 tỉ m3 vào năm 2045 - một trong bảy mục tiêu trọng điểm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam 25 năm tới.

Trong đó, phát triển công nghiệp khí; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng là giải pháp hàng đầu nhằm tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững của hệ thống điện.

Điện khí (bao gồm nguồn nhập khẩu LNG) được định hướng là năng lượng nền tảng đảm bảo phụ tải nền trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ngành điện, dần thay thế cho vai trò của than trong bối cảnh chưa tính tới phát triển điện hạt nhân.

Những bất cập trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta thời gian qua, một mặt chứng tỏ sự lúng túng của cả các nhà quy hoạch lẫn nhà đầu tư dẫn tới lãng phí vốn và tài nguyên, mặt khác tạo áp lực không nhỏ cho các đơn vị truyền tải điện và sự ổn định của hệ thống. Các nguồn năng lượng tái tạo mới trong tương lai gần sẽ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của các dạng năng lượng truyền thống.

Cách đây 5 năm, từ Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí, Việt Nam đã xác định phát triển ngành trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước kết hợp triển khai nhập khẩu LNG bằng cách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, kho chứa, nhập khẩu, phân phối LNG để bổ sung cho các nguồn khí đang suy giảm. Mục tiêu nhập khẩu cho từng giai đoạn là 1 - 4 tỷ m3/năm (2021 - 2025) và 6 - 10 tỷ m3/năm (2026 - 2035).

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EREA & DEA, 2019) chỉ ra: Nếu không có những biện pháp tìm nguyên liệu thay thế, Việt Nam sẽ dễ rơi vào hiệu ứng mắc kẹt với nhiệt điện than, vì vậy phải có hành động cấp bách để giảm phụ thuộc vào (nhập khẩu) than về dài hạn.

Theo Quy hoạch phát triển ngành Than (2016), quy mô cung cấp than cho điện ở mức 39,5 triệu tấn/năm, dự tính chỉ cung cấp được cho khoảng 14 GW nhiệt điện than trong nước; các nhà máy chuẩn bị vào vận hành sẽ phải sử dụng than trộn mà phần lớn là than nhập khẩu.

Nói cách khác, nếu không áp đặt giới hạn nguồn điện than thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiên liệu này với khối lượng lớn, bởi từ năm 2015 nước ta đã trở thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam đang dần mất đi lợi thế so sánh về độ tự chủ nguồn cung.

Trường hợp không xây dựng nhiệt điện than mới, tính toán trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng cho thấy: Mặc dù giá thành cao, nhưng LNG sẽ là lựa chọn khả thi về mặt chi phí để bổ sung cho phát triển năng lượng tái tạo thay cho than.

Ngưng đầu tư vào nhà máy nhiệt điện than mới và tăng sử dụng LNG có thể giúp giảm 53 triệu tấn CO2 năm 2030, nhưng lại làm tổng chi phí hệ thống tăng thêm xấp xỉ 1 tỷ USD.

Một báo cáo nước ngoài đề cập tới ô nhiễm môi trường có thể gây tổn hại khoảng 7 - 9 tỷ USD vào năm 2030. Đây có thể là động lực tốt về mặt lợi ích để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu nguồn điện trong tất cả các ngành sang hướng sạch hơn.

Theo tính toán của dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8, 2021), tỷ trọng nhiệt điện khí trong công suất nguồn, từ 14,7% trong QHĐ 7 điều chỉnh, tăng thành 21 - 22%; tương đương 28 GW năm 2030 và lên tới 24 - 25% vào năm 2045 với phần lớn là từ LNG nhập khẩu. LNG nhập khẩu sẽ có giá trị cho các ngành công nghiệp cũng như cho ngành điện, đặc biệt trong tương lai, khi dừng hoàn toàn việc xây mới các nhà máy điện than. Nhập khẩu LNG có thể đến từ Úc, Qatar, Mỹ, Nga, các nước Trung Đông hay các nước ở châu Á khác (Malaysia, Indonesia…).

2/ Các chính sách liên quan đến LNG của Nhật Bản:

Nhật Bản là một đất nước nghèo tài nguyên năng lượng và những chính sách bảo hộ tài nguyên trong nước cũng không cho phép khai thác quặng mỏ quá mức. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI): Tổng tiêu dùng năng lượng của Nhật năm 2019 là 247 triệu tấn dầu quy đổi (Mtoe), gấp khoảng 4 lần mức tiêu thụ của Việt Nam, với khí tự nhiên chiếm gần 8,7%. Năng lượng tái tạo (ngoài điện) chiếm một phần rất nhỏ, xấp xỉ 0,1% và thậm chí có xu hướng giảm nhẹ qua thời gian.

Những năm gần đây Nhật hầu như không phát hiện mỏ khí tự nhiên có giá trị thương mại nào mới. Trong nước chỉ sản xuất được xấp xỉ 2 triệu tấn (khoảng 2,9 tỷ m3) hàng năm, trong khi để phục vụ nhu cầu nội địa, Nhật đã nhập khẩu 82,9 triệu tấn năm 2018, chủ yếu từ Úc (34,6%), khu vực Trung Đông (21,7%), Malaysia (13,6%) và các nước khác. Nhiều năm liền Nhật và Hàn Quốc giữ vị trí đầu bảng trên thế giới về nhập khẩu nguồn tài nguyên này.

Cũng như Việt Nam, Nhật Bản sử dụng LNG chủ yếu cho phát điện thông qua 37 trạm đầu mối LNG với tỷ trọng cao nhất thuộc về JERA (42%) và sau đó là Tokyo Gas (17%). Tokyo Gas là tập đoàn có nhiều hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khí tự nhiên, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (2020) là nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc, có công suất dự kiến 1,5 GW phối hợp cùng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi) và Tập đoàn Marubeni.

Kể từ sau thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 gây ra sự cố hạt nhân cho Nhà máy điện nguyên tử Fukushima, Nhật Bản chuyển hướng chiến lược phát triển năng lượng, đặt vấn đề an toàn - an ninh năng lượng lên mức cao hơn song song với việc tăng cường hơn nữa hiệu quả năng lượng (APERC, 2019). Điều này được thể hiện trong mục tiêu 3E+S (S là safety).

Nhật Bản thực hiện một loạt chính sách nhằm đa dạng hóa để giảm phụ thuộc và giảm phát thải theo Hiệp định Paris, bao gồm cải thiện hiệu quả năng lượng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả các nhà máy nhiệt điện và các công nghệ thu giữ các bon, giảm tỷ lệ điện hạt nhân, áp dụng công nghệ block chain, AI, IoT trong thị trường điện, nghiên cứu phát triển nhiên liệu tương lai hydro…

Đất nước có quy mô GDP thứ ba thế giới đang tiếp tục đẩy mạnh các công nghệ tận dụng nguồn tài nguyên băng cháy khá dồi dào ở các khu vực duyên hải, đã đầu tư hàng triệu USD cho dự án khai thác băng cháy ở vùng biển Tây Nam Tokyo và từng bước chiết xuất được methane từ băng cháy ở thềm lục địa.

Trong khi tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo còn hạn chế và gặp nhiều bất cập, điện hạt nhân vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức trong nước, tiếp tục nhập khẩu LNG là một trong định hướng không thể thiếu trong nền kinh tế Nhật Bản. Tới 2030, dự tính tỷ lệ LNG trong công suất nguồn phát điện lên tới 27% (hạt nhân 20 - 22%, than 26%, năng lượng tái tạo 22 - 24%, dầu 3%).

Để phát triển thị trường, giảm giá thành khí tự nhiên, đa dạng hóa đối tác cho ngành công nghiệp LNG và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, Nhật Bản rất chú trọng vào việc tạo ra các diễn đàn giữa các doanh nghiệp và Chính phủ; điển hình là Hội thảo LNG Producer-Consumer được tổ chức hàng năm từ năm 2012.

Năm 2017, METI tuyên bố sẽ mở rộng thị trường ở khu vực châu Á, cam kết đầu tư 10 tỷ USD cho các dự án hợp tác khai thác LNG (OGSN, 2019), và tiếp tục bổ sung thêm 10 tỷ vào năm 2019 với mục đích thúc đẩy khiến cho thị trường trở nên linh hoạt hơn, thông qua các tổ chức như JOGMEC (Cơ quan tài nguyên dầu khí và kim loại quốc gia) hay JBIC (Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Liên kết với các công ty năng lượng của Nhật sẽ khiến Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn này.

3/ Các chính sách liên quan tới LNG của Trung Quốc:

Trung Quốc là một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, đứng đầu thế giới về sản xuất điện. Với dân số 1,4 tỷ người và tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm (trước giai đoạn COVID-19), Trung Quốc đóng vai trò quyết định trên bản đồ năng lượng thế giới bởi tốc độ gia tăng sử dụng năng lượng quốc gia. Đối trọng của Mỹ ở châu Á đóng góp vào một nửa quy mô tăng trưởng nhập khẩu LNG vào năm 2018. Do nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp nặng, than vẫn là nguồn cung năng lượng sơ cấp chính (65%), trong khi khí tự nhiên chỉ chiếm 7,3%, sau dầu thô (19%). Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng than đang giảm, dần thay thế bởi khí tự nhiên và điện (APERC, 2019).

Trong kế hoạch phát triển năng lượng 5 năm lần thứ 13 cho giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu chỉ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng 2,5%, so với mục tiêu 3,6% trước đó, tập trung vào các biện pháp hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xi măng, sắt thép.

Bản kế hoạch này cũng nêu rõ an ninh năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua bốn mục tiêu trong việc tăng cường khả năng cung cấp năng lượng (tự cung 80%); phát triển công nghệ hiện đại; đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ năng lượng phi truyền thống, và tạo ra các bước đột phá trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch sạch hơn (LNG2019, 2019).

Cũng giống như Việt Nam, các kế hoạch được đặt ra bởi chính phủ không đơn thuần là cơ chế khuyến khích như ở Nhật Bản, khả năng hiện thực hóa và quyết tâm thực hiện mục tiêu đặt ra là rất cao. Mỗi phân ngành năng lượng đều có luật riêng, như Luật Than (2013), Luật Điện lực (2018), Luật Năng lượng Tái tạo (2009), Luật Tiết kiệm Năng lượng (2007), Luật Bảo vệ Đường ống Dầu khí (2010)…

Cung cấp dầu khí phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài và còn tiếp tục tăng trong tương lai do ảnh hưởng của nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh. Khí tự nhiên trong nước trước đây vẫn được vận chuyển từ phía Tây Đại lục (bao gồm nhập khẩu từ Nga, Trung Á) sang phía Đông là nơi tập trung nhiều đô thị đông dân bằng ba hệ thống đường ống Tây - Đông.

Chính sách “chuyển từ than sang khí” vào thời gian 2015 - 2017 đã chứng kiến sự chuyển đổi mô hình sinh hoạt/kinh doanh của hàng loạt hộ gia đình và dịch vụ, khiến cho giá khí tự nhiên tăng đột ngột, nguồn cung khan hiếm và sau đó thúc đẩy Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu LNG nhiều nhất thế giới chỉ sau Nhật Bản (BP, 2020).

Hàng loạt hệ thống kho cảng, tái hóa khí, trung chuyển được xây dựng dọc theo bờ biển phía Đông và sau đó các chính sách được xây dựng cẩn trọng hơn có tính đến nhu cầu tiêu thụ thực của khí tự nhiên. Hiện tại tiêu thụ khí tự nhiên hàng năm vẫn đang trên đà tăng khoảng 18%/năm, đặc biệt cao điểm trong mùa đông.

CNOOC, PetroChina và Sinopec là ba đơn vị chính trên thị trường nhập khẩu LNG với các nguồn nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Qatar và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bãi bỏ các quy định cứng trên thị trường, việc bán buôn khí trở nên mềm dẻo hơn, giá thành hợp lý hơn, giá cả người tiêu dùng phải trả cũng rẻ hơn. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục kết hợp các biện pháp ngắn hạn - dài hạn bổ trợ lẫn nhau trong chiến lược nhập khẩu LNG để đa dạng hóa nguồn cung quan trọng này.

4/ Hàm ý cho Việt Nam:

Trước đây khi nói tới an ninh năng lượng (yếu tố rủi ro, như thiên tai, tai nạn và căng thẳng địa chính trị) thường đề cập tới việc đảm bảo cung cấp dầu thô trên thế giới đặc biệt kể từ sau khủng hoảng dầu thô năm 1973 bởi các ngành như giao thông vẫn phụ thuộc nhiều vào lượng cung xăng dầu. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng sử dụng điện năng tăng lên cùng với những quan tâm tới môi trường - biến đổi khí hậu, khí đốt và năng lượng tái tạo được quan tâm nhiều hơn. Có rất nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia tích cực hơn vào thị trường xuất nhập khẩu LNG và củng cố an ninh năng lượng quốc gia.

Các hợp đồng LNG thường được ký theo thời kỳ dài hơi (phần lớn là trên 20 năm) và cấm buôn bán lại để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên xuất và nhập khẩu. Điều này tương đối hạn chế các nước thứ ba mới nổi khi muốn tham gia vào thị trường LNG.

Phụ thuộc nguồn cung dầu khí của nước ngoài, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có những chiến lược vừa mềm mỏng vừa vững chắc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bằng cách xây dựng các hợp đồng dài hạn (chiếm hai phần ba) với mục đích tạo nguồn cung bền vững, giá cả ổn định cho tương lai, đồng thời cũng kích thích việc mua bán tại chỗ bằng hợp đồng ngắn hạn (chiếm một phần ba) để tạo sự cạnh tranh, giảm giá thành và đáp ứng kịp thời cho nhu cầu thị trường.

Các mỏ khí thiên nhiên ở miền Nam Việt Nam có thể sớm bị khai thác hết, đây là giai đoạn quyết định để phát triển hạ tầng và thị trường LNG. Để bắt kịp với sự phát triển sôi động trên thế giới, Việt Nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế giá LNG và điện sử dụng LNG, tránh tình trạng tương tự xảy ra như với quy hoạch năng lượng tái tạo những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng hạ tầng nhập khẩu LNG, đánh giá vị trí tối ưu cho kho cảng nhận LNG và các nguồn điện sử dụng LNG có xem xét khoảng cách từ các nhà máy điện tương lai đến các trung tâm phụ tải.

Trong lúc tiềm lực các nước xuất khẩu còn dồi dào như hiện nay, cộng thêm ảnh hưởng tạm thời của COVID-19, cần nắm bắt được thời cơ về giá thành trong hợp đồng mua bán dài hạn. Quá trình đàm phán mua khí và nhập khẩu máy móc thường kéo dài cũng là một trong những nhân tố rủi ro phải tính đến.

Đầu tư vào LNG rủi ro còn vì giá năng lượng tái tạo diễn biến khó lường. Việt Nam đã có kinh nghiệm xương máu về dự án điện hạt nhân tỷ đô bị hủy bỏ sau khi ký kết rất nhiều hợp đồng đầu tư với các chính phủ, tập đoàn trên thế giới, một phần là do giá các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay điện gió trở nên rẻ và hợp lý làm mất đi động lực kinh tế của đầu tư. Bên cạnh việc tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định và có tính cạnh tranh hơn một số khu vực bất ổn chính trị trên thế giới, Việt Nam cần bảo vệ uy tín, lợi ích cho cả hai bên trong hợp đồng mua bán LNG.

Vì lĩnh vực nhập khẩu LNG là khá mới mẻ đối với Việt Nam, cần phải tăng cường trao đổi thông tin trên thị trường trong khu vực và thế giới thông qua các diễn đàn với các chuyên gia lâu năm như JODI, IEA, APEC…; hợp tác nghiên cứu với các cơ quan quốc tế để biết thêm kinh nghiệm các nước, đồng thời phát triển một bộ các cơ chế phản ứng nhanh khi xảy ra rủi ro, hoặc nguy hại tới an ninh năng lượng mà Nhật Bản hay Trung Quốc đã chuẩn bị tương đối kỹ càng./.

TS. NGUYỄN LINH ĐAN - ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI; VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ, BỘ MÔN KINH TẾ CÔNG NGHIỆP


Tài liệu tham khảo:

1/ APERC (2019). Annual Energy Overview của Nhật Bản và Trung Quốc. Đăng tại https://aperc.or.jp/publications/reports/energy_overview.php

2/ BP (2020). Statistical Review of World Energy 1965-2019. Đăng tại www.bp.com

3/ EREA & DEA (2019). Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019.

4/ LNG2019 (2019). Các bài tham luận trong Hội thảo và Triển lãm Quốc tế lần thứ 19 về LNG. Đăng tại https://www.gti.energy/training-events/events-overview/past-events/lng2019-conference/

5/ OGSN (2019). Các báo cáo trong Diễn đàn của Oil and Gas Security Network (OGSN) https://aperc.or.jp/publications/reports/ogsi.php

Và Các tài liệu chính sách các nước do chính phủ ban hành trên trang web chính thức của mỗi quốc gia (MOIT, METI, NDRC), bao gồm các nghị quyết, nghị định, luật và thông tin liên quan.


(BÀI ĐĂNG TRONG KỶ YẾU HỘI THẢO “PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM” DO CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG ĐIỆN 2 TỔ CHỨC, NGÀY 16/4/2021)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động