RSS Feed for An ninh điện lực và kiến nghị bổ sung Luật Điện lực | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 18:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh điện lực và kiến nghị bổ sung Luật Điện lực

 - Nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng ở hầu hết các quốc gia, trong vòng nửa thế kỷ qua tăng nhanh, thế giới trải qua nhiều cuộc khủng hoảng năng lựợng, như giai đoạn 1973-74; 1986-87; 1991-92; 2008-09; nguồn năng lượng khoáng sản khan hiếm dần, năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế. Thị trường năng lượng biến động theo tình hình chính trị. Thực tiễn cho thấy hoạt động năng lượng có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia của mỗi nước. Nội dung an ninh năng lượng (ANNL) nói chung và an ninh điện lực (ANĐL), một bộ phận quan trọng của ANNL đã được đề cập đến từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Hiện có một số định nghĩa về ANNL và ANĐL, tuy có khác nhau về câu chữ, nhưng tựu trung có thể hiểu An ninh điện lực là sự đảm bảo cung cấp điện năng liên tục, an toàn về số lượng, chất lượng cho mọi nhu cầu ở mọi nơi với giá cả hợp lý.

PGS, TS Bùi Huy Phùng,                                                                                     Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

>> Quy hoạch phát triển điện lực và một số kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực Việt Nam (Kỳ 1)
>> Quy hoạch phát triển điện lực và một số kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực Việt Nam (Kỳ 2)

Một số sự kiện mất ANĐL điển hình đã xảy ra ở nhiều nước, sự kiện mất điện, rã hệ thống ở Mỹ; sự cố Chec-nô-bưl ở Nga cuối thế kỷ trước là thảm hoạ cho cả Châu Âu. Vừa qua, tháng 3-2011, thảm hoạ sóng thần và sự cố điện hạt nhân ở Fukusima - Nhật Bản đã làm khoảng 25.000 người thiệt mạng, tổn thất khoảng 45 tỷ USD, quá trình khắc phục còn phải kéo dài nhiều năm. Mới đây  30-7-2012, tại Ấn Độ đã xảy ra sự cố mất điện ở các hệ thống điện miền Bắc và Đông, lan toả ra 20 bang trong tổng 28 bang của Ấn Độ, làm cho 670 triệu dân không có điện (dân số Ấn Độ hiện nay là 1,2 tỷ người).

Hành khách bị kẹt do mất điện chờ tàu hoạt động trở lại ở ga Sealdah, thành phố Kolkata (Ấn Độ) hôm 31/7 - Ảnh: AP

Sự cần thiết phải có quy định an ninh điện lực trong Luật Điện lực

Trong Luật Điện lực (LĐL) 2004 [1], chỉ mới đề cập tới vấn đề an toàn điện đối với con người, trang thiết bị, vận hành điện - Chương 7. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy chưa đầy đủ. Với tình hình hiện nay và trong thời gian tới, LĐL cần được bổ sung những nội dung “An ninh điện lực”. Tuy nhiên cho tới nay còn không ít ý kiến chưa muốn bổ sung! Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập một số ý kiến bổ sung nội dung An ninh điện lực.

Một số tình huống có khả năng dẫn tới mất ANĐL:

Khách quan

- Tài nguyên năng lượng nghèo, thiếu nguồn

- Thiên tai bất khả kháng.

Chủ quan

- Những sự cố nghiêm trọng (do sai sót từ thiết kế, xây dựng, vận hành) kéo dài, vượt quá giới hạn an toàn điên lực, mất điện diện rộng, khó khôi phục trong thời gian ngắn, dẫn tới rã hệ thống, gây thảm hoạ.

- Phát triển quá nóng dẫn tới mất cân đối về tiêu thụ điện, dự phòng không thể đáp ứng.

- Các công trình điện lực (nhà máy điện, đường dây tải điện, đường ống dẫn dầu, khí...) bị phá hoại do kẻ xấu, chiến tranh...

- Trong bang giao điện lực, khi gặp những tình huống bất ổn chính trị, chiến tranh, hợp đồng cung cấp điện năng, nhiên liệu có thể đơn phương bị huỷ bỏ.

Chúng tôi đồng tình với một số ý kiến [3,4] về sự cần thiết phải có những quy định về ANĐL, vì những lý do chính như sau:

- Hệ thống điện Việt Nam hiện nay đã phát triển rộng khắp cả nước, đồng thời đã kết nối với hệ thống điện của các nước láng giềng, hệ thống điện nước ta đã bao gồm đủ các loại nhà máy điện: Nhiệt điện, thủy điện, đường dây và trạm siêu cao áp, điện từ năng lượng tái tạo và tương lai gần còn có các nhà máy nhiệt điện thông số hơi siêu cao áp, điện hạt nhân, sẽ được phân bố khắp mọi miền đất nước.

- Hiện nay Nhà nước ta đã có Pháp lệnh và Nghị định về: Công bố tình trạng khẩn cấp, nhưng chưa đề cập cụ thể những sự cố lớn dẫn tới thảm họa điện lực [2].

- Thời gian qua trên thế giới đã từng xảy ra những sự cố, thảm họa điện lực gây mất an ninh quốc gia, thảm họa môi trường và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội như tại Nga, Mỹ và mới đây tại Nhật Bản, Ấn Độ... như đã nói trên.

- Thực tế ở nước ta, thời gian qua đã xuất hiện những tình huống, sự cố mất điện trên diện rộng, những nguy cơ đe dọa về an toàn, an ninh về đập thủy điện và cũng đã dẫn tới những tổn thất về kinh tế và an sinh xã hội.

Sự cố hạt nhân Fukushima do con người gây ra

Sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản)

Một số ý kiến đề nghị bổ sung về ANĐL

Chương 7 về An toàn điện, nên được đổi tên thành: An toàn, An ninh và Môi trường điện lực, bố cục lại gồm 3 mục, Mục 1: An toàn điện; Mục 2: ANĐL; Mục 3: Môi trường điện lực.

Về mục ANĐL, chúng tôi đề nghị nên có 3 điều với một số nội dung sau:

Điều 1: Những tình huống dẫn tới mất ANĐL

Tình huống mất an ninh, gây mất điện trên diện rộng, thời gian dài, có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và không thể khôi phục được theo tiêu chuẩn vận hành an toàn, có thể kể tới là:

- Vận hành vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hệ thống điện, gây sự cố phân rã hệ thống điện.

- Các công trình điện không đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật do thiết kế, xây dựng.

- Các sự cố do thiên tai bất khả kháng như bão, lụt, động đất, sóng thần...

- Các hành vi phá hoại gây sự cố nghiêm trọng hệ thống điện.

Điều 2: Trách nhiệm xử lý ANĐL

+ Trách nhiệm của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực:

- Bảo đảm hệ thống điện được vận hành theo các chỉ tiêu định mức quy định, đảm bảo khả năng huy động các dự trữ công suất, điện năng theo các tiêu chuẩn về an ninh, tin cậy của hệ thống điện lực.

- Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng làm hệ thống điện vận hành ở tình trạng mất an ninh, cơ quan điều hành thị trường điện lực phải tiến hành tất cả các bước hợp lý và nhanh nhất để đưa hệ thống điện trở về trạng thái bảo đảm an ninh và báo cáo Bộ Công Thương.

+ Trách nhiệm của các cơ quan khi xảy ra tình trạng khẩn cấp:

Cơ quan điều hành:

- Tư vấn cho Nhà nước ra chỉ thị cho Bộ Công Thương

- Thực thi những biện pháp nhanh nhất để chuyển hoạt động của hệ thống điện từ tình trạng khẩn cấp về an toàn.

- Chuẩn bị tất cả các hồ sơ, tư liệu liên quan và lập báo cáo về các sự cố dẫn đến các tình trạng khẩn cấp, thảm hoạ, đồng thời hoạch định các kế hoạch hành động khôi phục an ninh hệ thống điện trình Bộ Công Thương.

+ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chuẩn bị tất cả các hồ sơ và tư liệu có liên quan tới sự cố để trình Chính phủ. Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chủ tịch nước để ban bố tình trạng khẩn cấp.

Điều 3. Chế tài đối với hành vi vi phạm an ninh điện lực

Các hành vi vi phạm an ninh điện lực sẽ bị xử phạt theo pháp luật, tương ứng trong các luật đã có.

- Bộ luật hình sự

-  Luật bảo vệ môi trường

-  Các Nghị định liên quan

Những nội dung kiến nghị trên mới chỉ là gợi ý, nếu được đồng thuận, Ban soạn thảo sửa đổi Luật sẽ xem xét, bổ sung và biên tập thành Điều luật.

NangluongVietnam.vn

 

Tài liệu tham khảo

  1. Luật Điện lực - 2004.
  2. Pháp lệnh (3-2000) và Nghị định (7-2002) về Công bố trình trạng khẩn cấp.
  3. Báo cáo Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực - UBKHCN và MT của QH, Ninh Thuận 28-7-2012.
  4. BC Một số ý kiến góp ý sửa đổi LĐL - Nhóm chuyên gia độc lập, TT Phát triển xanh - LH Các hội KHKTVN, 8-2012.
  5. Bùi Huy Phùng - Tiêu chí an ninh năng lượng quốc gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số 51-52, 5-2009.
nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động