Xem số bắt chữ cho đúng!
08:06 | 28/12/2018
Cắt giảm nhiệt điện than trên thế giới: Nhìn từ thực tế
Thực hư thông tin 4.300 người chết mỗi năm do nhiệt điện than
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
1. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng:
Để minh họa cho chỉ tiêu này trong bảng dưới đây nêu ví dụ về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hoặc NSLĐ là 2 chỉ tiêu phổ biến và được quan tâm hiện nay để cho dễ hiểu:
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Năm 1 |
Năm 2 |
Năm 3 |
Năm 4 |
Năm 5 |
Bình quân 5 năm |
Chủ thể A |
|
|
|
|
|
|
|
1. GDP bình quân, hoặc NSLĐ |
106 USD/người |
5,0 |
6,5 |
8,0 |
9,5 |
11,0 |
8,0 |
2. GDP b/q tăng thêm |
106 USD/người |
- |
1,5 |
1,5 |
1,5 |
1,5 |
1,5 |
3. Tốc độ tăng |
% |
- |
30,0 |
23,1 |
18,7 |
15,8 |
21,78 |
Chủ thể B |
|
|
|
|
|
|
|
1. GDP bình quân, hoặc NSLĐ |
106 USD/người |
100 |
102,5 |
105 |
107,5 |
110 |
105 |
2. GDP bình quân, tăng thêm |
106 USD/người |
- |
2,5 |
2,5 |
2,5 |
2,5 |
2,5 |
3. Tốc độ tăng |
% |
- |
2,5 |
2,44 |
2,38 |
2,33 |
2,41 |
So sánh A với B |
|
|
|
|
|
|
|
- B1/A1 |
Lần |
20 |
15,8 |
13,1 |
11,3 |
10 |
13,1 |
- B1-A1 |
106 USD/người |
95,0 |
96,0 |
97,0 |
98,0 |
99,0 |
97,0 |
Ghi chú: Số liệu ví dụ trong bảng chỉ là giả định để minh họa.
Từ kết quả phân tích ở bảng trên, chủ thể A có thể rút ra một trong 2 kết luận:
Thứ nhất: Theo bệnh thành tích - sai: 5 năm qua chúng ta có tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP bình quân đầu người (hoặc NSLĐ bình quân) là 21,78%/năm, cao gấp hơn 9 lần so với B và nhờ đó GDP bình quân đầu người (hoặc NSLĐ bình quân) của chúng ta từ chỗ thấp hơn 20 lần so với B, sau 5 năm chỉ còn thấp hơn 10 lần. Như vậy chúng ta ngày càng đuổi kịp B.
Thứ hai: Theo thực tế - đúng: 5 năm qua chúng ta có tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP bình quân đầu người (hoặc NSLĐ bình quân) tương đối cao, đạt tới 2 con số là 21,78%/năm. Tuy nhiên, so với B thì GDP bình quân đầu người (hoặc NSLĐ bình quân) của chúng ta ngày càng tụt hậu, từ chỗ thấp hơn B là 95 ngàn USD trong năm 1, sau 5 năm con số đó đã tăng lên 99 ngàn USD. Như vậy, sau 5 năm khoảng cách giữa chúng ta và B doãng thêm 4 ngàn USD.
Để cho dễ hiểu có thể minh họa 2 cách so sánh trên bằng ví dụ: năm nay tuổi bố là 25 và tuổi con là 1, năm sau tương ứng là 26 và 2, tiếp theo là 27 và 3. Theo cách so sánh 1, tuổi con từ chỗ thấp hơn tuổi bố 25 lần, giảm dần xuống 13 lần rồi 9 lần, nhưng không thể nói tuổi con liên tục thu hẹp khoảng cách so với tuổi bố, thực tế khoảng cách đó không đổi, luôn cách nhau 24 tuổi.
Ví dụ nêu trên không chỉ minh họa cho chỉ tiêu GDP bình quân đầu người hay NSLĐ mà cho cả nhiều chỉ tiêu khác. Chẳng hạn tốc độ tăng trưởng nhiệt điện than rất cao của nước A (có quy mô nhiệt điện than còn bé cả về công suất lẫn sản lượng) và tốc độ tăng trưởng rất thấp của nước B (có quy mô nhiệt điện than lớn gấp hàng chục lần nước A) để rồi phê phán nước A tăng nhanh quá mức nhiệt điện than và khen nước B giảm phát triển nhiệt điện than.
Ví dụ, năm 2017 so với năm 2016 nhiệt điện than của Việt Nam tăng 15,2%, cao gấp hơn 3,2 lần so với mức tăng của Trung Quốc 4,7%, nhưng sản lượng tăng thêm của Việt Nam chỉ là 9,8 tỷ kWh, trong khi của Trung Quốc là 197,3 kWh, cao gấp hơn 20,1 lần Việt Nam [1]. Hoặc tốc độ tăng trưởng nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) tuy rất cao tại nhiều nước, nhưng không vì thế mà nói tại nước đó điện NLTT chẳng bao lâu sẽ đuổi kịp, hoặc thay thế nhiệt điện than. Vì rằng, do quy mô sản lượng nguồn điện NLTT còn quá bé cho nên tuy tốc độ tăng trưởng cao (lên tới hàng chục %) song quy mô sản lượng tăng thêm không đáng là bao so với quy mô sản lượng nhiệt điện than cho nên không thể mau chóng chỉ trong vòng dăm mười năm là bằng hay có thể thay thế.
Ví dụ năm 2017 so với 2016 điện NLTT của Trung Quốc tăng 30,7%, cao gấp hơn 6,5 lần mức tăng của nhiệt điện than 4,7%, nhưng sản lượng điện NLTT chỉ tăng thêm 110,8 tỷ kWh, bằng 56,2% sản lượng nhiệt điện than tăng thêm 197,3 tỷ kWh [1].
Chưa kể đi đôi với phát triển điện NLTT thì phải xây dựng nguồn điện truyền thống có tính ổn định cao (gồm một trong các loại nhiệt điện: khí, than, hạt nhân, dầu) dự phòng kèm theo có công suất tương ứng với công suất khả dụng của nguồn điện NLTT phòng khi tắt nắng, lặng gió, đồng thời phải xử lý hàng loạt vấn đề về tính "đỏng đảnh" của chúng để đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống điện. Vì lý do này mà giá thành điện NLTT đã cao lại càng cao thêm.
Một ví dụ điển hình về cách so sánh theo số lần: Bà Shannon Koplitz, đại diện Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard, dự báo năm 2030, lượng khí thải than tại Việt Nam có thể vượt Mỹ. "Nếu tất cả nhà máy nhiệt điện than theo quy hoạch đi vào hoạt động thì các chất thải SO2 và NOx tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay (năm 2015)" [4].
Trên thực tế năm 2015 sử dụng than và tổng lượng phát thải từ ngành năng lượng của Mỹ và Việt Nam như sau: Sử dụng than bình quân đầu người (Toe): Mỹ: 1,23; Việt Nam: 0,24 (bằng 19,5% của Mỹ); Mức phát thải CO2 (tấn): Mỹ: tổng lượng phát thải: 5445,0 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng phát thải CO2 toàn thế giới và tính theo đầu người là 16,94 tấn/người; Việt Nam: tổng lượng phát thải là 166,9 triệu tấn, chiếm 0,5% tổng lượng phát thải CO2 toàn thế giới, tính theo đầu người là 1,82 tấn/người (chỉ bằng 10,7% của Mỹ) [1].
Cứ cho rằng, lượng phát thải của ngành năng lượng Việt Nam, trong đó có nhiệt điện than đến năm 2030 tăng gấp 3 lần so với năm 2015 thì sẽ là 500,7 triệu tấn, tương ứng 4,8 tấn/người; liệu khi đó Mỹ có thể giảm phát thải của ngành năng lượng, trong đó có nhiệt điện than từ mức tổng số 5445,0 triệu tấn và theo đầu người 16,94 tấn năm 2015 xuống mức tương ứng với Việt Nam 500,7 triệu tấn tổng số và 4,8 tấn/người hay không? Chắc chắn là không. Vì rằng, số lần tăng của Việt Nam tuy cao nhưng với quy mô sử dụng than cũng như nhiệt điện than và mức phát thải còn quá thấp so với Mỹ cho nên dẫu đến năm 2030 có tăng đến 3 lần so với năm 2015 thì cũng chẳng thấm tháp gì so với Mỹ, dù đến khi đó Mỹ có giảm sử dụng than và phát thải CO2.
Trên thực tế, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi cam kết COP21-Pari và bỏ quy định hạn chế khai thác, sử dụng than. Qua đó cho thấy việc so sánh "số lần" chỉ là chiêu "đánh lừa" dư luận mà thôi. Vấn đề quan tâm không phải số lần tăng, giảm bao nhiêu mà là mức phát thải đến năm 2030 có vượt quá mức cho phép hay không. Đó mới là điều quan trọng từ góc độ phát thải.
Tóm lại, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng % chỉ để so sánh "sự phát triển" về lĩnh vực, ngành nghề nào đó của chính mình giữa các thời kỳ khác nhau để cho thấy lĩnh vực, ngành nghề đó của mình "phát triển" nhanh hay chậm hơn so với trước bao nhiêu %, chứ không thể dùng để so sánh "sự phát triển" lĩnh vực, ngành nghề đó của mình với người khác để rồi nói mình nhanh hay chậm hơn vì giá trị tuyệt đối mỗi % của mình rất khác so với giá trị tuyệt đối mỗi % của họ. Và càng không thể so sánh theo kiểu ngày trước thấp hơn họ hàng chục lần nay số lần thấp hơn đã giảm đi để rồi nói càng ngày cảng đuổi kịp họ.
Để so sánh với người khác thì phải so sánh giá trị tuyệt đối tương ứng với tỷ lệ % tăng trưởng của mình và của họ thì mới cho thấy "khoảng cách" thực tế giữa mình và họ có thu hẹp dần hay doãng ra. Trong ví dụ nêu ở bảng trên: sau 4 năm A chỉ tăng thêm 6 ngàn USD, bình quân mỗi năm 1,5 ngàn USD, tương ứng mỗi % tăng trưởng bình quân trong 4 năm chỉ là 68,87 USD, trong khi của B là 10 ngàn USD, bình quân mỗi năm 2,5 ngàn USD, tương ứng mỗi % tăng trưởng là 1.037,34 USD. Như vậy, 1% của A chỉ bằng 0,066% của B và khoảng cách giữa A và B đã doãng ra thêm 4 ngàn USD mặc dù A có tốc độ tăng trưởng bình quân (%) cao gấp hơn 9 lần so với B.
2. Chỉ tiêu cơ cấu
Hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế người ta hay nói đến cơ cấu kinh tế theo 3 ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp và Xây dựng - Dịch vụ và trong ngành sản xuất điện là cơ cấu nguồn điện: Nhiệt điện than - Nhiệt điện khí - Nhiệt điện dầu - Điện hạt nhân - Thủy điện - Điện NLTT.
Bức tranh cơ cấu theo tỷ lệ % của một hệ thống là bức tranh thứ cấp (được sinh ra trên cơ sở bức tranh về quy mô) thể hiện tỷ trọng theo % của từng phân hệ (hay phần tử) trong hệ thống (bằng 100%) mà không thể hiện quy mô cũng như bối cảnh của từng phân hệ và toàn hệ thống. Đó chính là con giao 2 lưỡi của cái gọi là cơ cấu nói chung, trong đó có cơ cấu theo tỷ lệ % nói riêng của một hệ thống. Ví dụ một hệ thống có 3 phân hệ: A, B, C với các trường hợp giả định như sau:
a- Cơ cấu giống nhau nhưng không phải là thực trạng và quy mô như nhau. Ví dụ: A=1, B=2, C=2; A=2, B=4, C=4; A=4, B=8, C=8, v.v... khi đó cả 3 trường hợp đều có cơ cấu theo tỷ lệ % là: 20 : 40 : 40 nhưng không thể nói 3 trường hợp đó là có quy mô như nhau và coi đều là hợp lý.
Chẳng hạn, cùng là tỷ trọng 20% nhưng quy mô của A trong trường hợp 3 gấp 4 lần trường hợp 1. Hoặc giả dụ với quy mô: 2 : 4 : 4 là phù hợp với nhu cầu trong nước thì quy mô: 1 : 2 : 2 là thấp so với nhu cầu trong nước và phải nhập khẩu; còn quy mô: 4 : 8 : 8 là vượt quá nhu cầu trong nước và phải xuất khẩu, tương ứng với từng trường hợp đó sẽ có trình độ, chất lượng phát triển khác nhau, chứ không thể lấy trường hợp nào đó làm cơ cấu mẫu để soi xét, đánh giá hai trường hợp còn lại. Hoặc căn cứ vào cơ cấu của 2 trường hợp để đánh giá cơ cấu của trường hợp còn lại là hợp lý vì có cùng cơ cấu như nhau.
b- Cơ cấu thay đổi nhưng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa là có sự phát triển chuyển dịch cơ cấu. Ví dụ đang là: A=2, B=4, C=4 và cơ cấu là: 20% : 40% : 40%; sau đó xảy ra: (1) B và C tăng lên 5 và A giữ nguyên là 2; (2) B và C giữ nguyên là 4 và A giảm còn 1. Trong cả 2 trường hợp, tỷ trọng của B và C đều tăng lên nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau: trong trường hợp 1 có sự phát triển chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng A và B, còn trường hợp 2 không phải như vậy: không có sự phát triển, chỉ có sự suy giảm của A, nhờ đó mà tăng tỷ trọng của B và C. Điều này giống như trường hợp một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chẳng may một năm nào đó hay giai đoạn nào đó mất mùa làm cho GDP của nông nghiệp giảm, kéo theo tỷ trọng của nó giảm, nhờ đó tuy quy mô GDP công nghiệp và dịch vụ không tăng nhưng tỷ trọng lại tăng, khi đó không thể nói cơ cấu kinh tế đã có sự phát triển chuyển dịch theo hướng gia tăng công nghiệp và dịch vụ.
c- Cơ cấu bình quân: Giả dụ cơ cấu A: B: C của cả nước (hay của toàn thế giới) là: 20% : 40% : 40%. Đó là cơ cấu bình quân chung của cả nước (hoặc toàn thế giới). Không thể lấy cơ cấu bình quân chung đó làm cơ cấu mẫu hay cơ cấu hợp lý để đánh giá cơ cấu của một địa phương (hay của một nước) là hợp lý hay không. Vì rằng tiềm năng, điều kiện, đặc điểm và tình hình của mỗi địa phương, mỗi nước là khác nhau, cơ cấu chung đó là bình quân của các địa phương trong nước (hay của các nước trên thế giới): nơi cao bù cho nơi thấp và phản ánh trên bình diện chung của cả nước (hoặc của toàn thế giới). Việc đánh giá cơ cấu của từng địa phương (hay của từng nước) phải căn cứ vào tiềm năng, đặc điểm, điều kiện và tình hình cụ thể của từng địa phương (hay của từng nước).
Tóm lại, con số về cơ cấu theo tỷ lệ % sẽ là vô nghĩa, hoặc không phản ánh đúng bản chất của sự vật nếu không làm rõ nguồn gốc nó được "sinh ra" như thế nào và trong bối cảnh nào.
Từ vấn đề chung về cơ cấu kinh tế trên đây có thể vận dụng để xem xét cơ cấu nguồn điện của một nước nói chung và của Việt Nam nói riêng, điều mà lâu nay trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội đề cập rất nhiều. Chẳng hạn như: "Điện than, nguyên nhân lớn nhất về phát thải tại VN ngày càng được tiếp tục phát triển mạnh, tăng không chỉ về giá trị tuyệt đối mà còn về tỷ trọng (điện than chiếm 37,1%% tổng SL điện năm 2016 lên 55% 2025)" [2]. Hoặc "Xu thế của các nước là cắt giảm tỷ trọng điện than chứ không phải tăng tỷ trọng điện than như VN" [2]. Hoặc "Vào năm 2030 tỷ trọng nhiệt điện than (của Việt Nam) sẽ chiếm 60%, trong khi mức trung bình của toàn thế giới là 24,4% và giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050" [3]. Hoặc nêu câu hỏi: Tỷ trọng nhiệt điện than bao nhiêu là hợp lý?...
Qua những trích dẫn trên đây cho thấy có sự vô cớ buộc tội cho tỷ trọng nhiệt điện than, hoặc chưa hiểu rõ bản chất của con số này, cụ thể là:
1/ Phát thải do nhiệt điện than chỉ tăng lên theo quy mô nhiệt điện than chứ không phụ thuộc vào tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện. Quy mô nhiệt điện than tăng lên nhưng chưa chắc tỷ trọng của nó tăng lên vì có thể quy mô các nguồn điện khác tăng cao hơn làm cho tỷ trọng nhiệt điện than giảm đi nhưng không vì thế mà nói phát thải từ nhiệt điện than không tăng lên. Điều cơ bản là quy mô nhiệt điện than đã tăng đến mức làm cho mức độ phát thải quá giới hạn mức cho phép hay chưa, chứ không phải tỷ trọng nhiệt điện than cao thế nào, thậm chí cả trong trường hợp đạt 100%.
Chẳng hạn, năm 2017 Nam Phi có tỷ trọng nhiệt điện than là 87,7% nhưng mức phát thải CO2 từ ngành năng lượng, trong đó có nhiệt điện than tính theo đầu người chỉ là 7,36 tấn. Hoặc Ấn Độ tương ứng là 76,3% và 1,73 tấn; In-đô-nê-xia 58,5% và 1,94 tấn. Còn Mỹ có tỷ trọng nhiệt điện than là 30,7% nhưng lượng phát thải CO2 theo đầu người là 15,64 tấn; LB Đức tương ứng là 37,0% và 9,19 tấn; Nhật Bản 33,6% và 9,29 tấn; LB Nga 14,1% và 10,39 tấn; Thái Lan 20,2% và 4,52 tấn, v.v... Việt Nam có tỷ trọng nhiệt điện than 39,1% (cao hơn Mỹ, LB Đức và cao hơn nhiều so với Nga, Thái Lan) nhưng mức phát thải CO2 theo đầu người chỉ là 2,02 tấn, bằng 21,9% của Đức, 12,9% của Mỹ, 19,4% của Nga, 44,5% của Thái Lan [1]. Như vậy, đến năm 2030 dẫu cho Việt Nam tăng nhiệt điện than lên gấp 3 lần so với năm 2017 thì mức độ phát thải cũng còn rất thấp so với Mỹ và các nước phát triển hiện nay. Nói như thế chỉ đơn thuần để so sánh và cho thấy quy mô nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay là rất bé so với Mỹ và nhiều nước khác cũng như so với quy mô nhiệt điện than tương ứng mức phát thải giới hạn cho phép của Việt Nam, chứ không phải có ý rằng cứ thế sau này phát triển nhiệt điện than thoải mái theo cách cũ.
Đối với Việt Nam, việc phát triển nhiệt điện than vẫn phải tiếp tục (do nhu cầu điện tăng, tính khả thi và mức phát thải còn rất thấp dưới mức giới hạn cho phép) nhưng phải đổi mới theo công nghệ tiên tiến hơn nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả và giảm thiểu phát thải để tuy quy mô tăng 3 lần nhưng phát thải chỉ tăng ở mức thấp hơn dưới 3 lần. Chưa kể trong trường hợp có cơ hội tốt hơn có tính khả thi thay thế nhiệt điện than thì cũng cần phải thực hiện ngay cơ hội đó.
2/ Giảm tỷ trọng nhiệt điện than không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với giảm quy mô nhiệt điện than. Như ví dụ trên đây đã nêu: trong trường hợp chỉ cần quy mô 1 yếu tố/phân hệ trong hệ thống tăng lên, trong khi các yếu tố khác giữ nguyên thì tỷ trọng của những yếu tố khác cũng sẽ giảm.
Chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, nhiều nước tăng cường phát triển các nguồn điện khác ngoài than như điện: khí, nguyên tử, NLTT, v.v... Do đó, tuy quy mô nhiệt điện than không giảm, thậm chí tăng ít, nhưng tỷ trọng của nó giảm do tỷ trọng của các nguồn điện khác tăng lên bởi quy mô tăng thêm của chúng lớn hơn.
Ví dụ: Nam Phi: sản lượng nhiệt điện than năm 2016 và 2017 là 223,2 tỷ kWh và 223,8 kWh (tăng nhẹ), nhưng tỷ trọng của chúng tương ứng là: 88,3% và 87,7% (giảm); Trung Quốc: sản lượng nhiệt điện than năm 2016 và 2017 là 4.163,6 tỷ kWh và 4.360,9 tỷ kWh (tăng), tỷ trọng của chúng tương ứng là: 67,9% và 67,1% (giảm). Hoặc của Ấn Độ tương ứng là sản lượng: 1.090,4 tỷ kWh và 1.141,4 tỷ kWh (tăng), tỷ trọng là: 76,7% và 76,2% (giảm), v.v... [1].
Qua đó cho thấy, không nên vội vàng cho rằng các nước có tỷ trọng nhiệt điện than giảm đồng nghĩa với việc họ giảm quy mô nhiệt điện than.
3/ Không thể lấy tỷ trọng nhiệt điện than bình quân của thế giới làm thước đo để đánh giá tỷ trọng nhiệt điện than của một nước nói chung và của Việt Nam nói riêng là cao hay thấp và để cảnh báo về mức độ phát thải. Vì rằng, như đã nêu trên mức phát thải không phụ thuộc vảo tỷ trọng nhiệt điện than cao hay thấp mà phụ thuộc vào quy mô nhiệt điện than bé hay lớn. Còn tỷ trọng nhiệt điện than của thế giới là tỷ trọng bình quân của tất cả các nước: nước cao bù cho nước thấp, trong khi tỷ trọng nhiệt điện than của mỗi nước phụ thuộc vào tiềm năng tài nguyên than trong nước; các nguồn tài nguyên năng lượng thay thế than sẵn có trong nước như khí tự nhiên, nguyên tử, thủy điện, điện NLTT; khả năng tiếp cận nguồn than, khí tự nhiên, điện ở nước ngoài.
Chẳng hạn, tỷ trọng nhiệt điện than năm 2017 của thế giới là 38,1%, nhưng của nhiều nước cao hơn nhiều so với số đó như: Nam Phi 87,7%, Ba Lan 78,7%, Ấn Độ 76,2%, Trung Quốc 67,1%, Ka-dắc-xtan 62,4%, Úc 61%, Indonesia 58%, thậm chí như Hàn Quốc, Đài Loan và Malaixia (đều nhập khẩu than) là 46,2, 46,8% và 44,7%, v.v... Ngược lại nhiều nước có tỷ trọng đó rất thấp như: Brazil 4,3%, Vương quốc Anh 6,7%, Mêxicô 9,8%, Ý 11,1%, LB Nga 14%, v.v... [1]. Và con số tỷ trọng này luôn thay đổi trong các năm qua. Cho nên không thể lấy cơ cấu bình quân nhiệt điện than năm 2017 của thế giới để đánh giá rằng: các nước có tỷ trọng nhiệt điện than cao hơn là xấu và các nước có tỷ trọng thấp hơn là tốt xét cả trên góc độ cơ cấu nguồn điện hợp lý và mức phát thải.
Từ đó có thể suy ra là: (1) Trên thế giới không có nước nào giống hệt nước nào về cơ cấu nguồn điện vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". (2) Cơ cấu nguồn điện của từng nước tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm, điều kiện và tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng của từng nước. (3) Trên thế giới, hay trong một nước không có một cơ cấu nguồn điện cố định cho mọi thời kỳ vì mỗi thời kỳ có trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm và điều kiện tài nguyên năng lượng khác nhau, nhất là việc khai thác các nguồn năng lượng mới đi đôi với quá trình phát triển. Hay nói cách khác, do vạn vật luôn luôn thay đổi. Nhưng có một điều không thay đổi là nguyên tắc xác định quy mô, trong đó có quy mô nhiệt điện than và cơ cấu nguồn điện hợp lý của một nước trong mọi thời kỳ như sẽ nêu dưới đây.
Ngoài ra, điều cần lưu ý nữa là, một số nước giảm nhiệt điện than là do cạn kiệt nguồn than trong nước, hoặc do có các nguồn tài nguyên năng lượng khác tốt hơn thay thế, mặt khác do mức độ phát thải đã quá cao nên cần phải giảm. Nhìn chung, các nước châu Á - Thái Bình Dương vẫn tăng cường phát triển nhiệt điện than, kể cả các nước có tài nguyên than và các nước không hoặc có ít tài nguyên than (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, v.v...).
4/ Không có sẵn tỷ trọng hợp lý, hay tỷ trọng tối đa của nhiệt điện than được xác định ngay từ trước cho từng thời điểm mà chỉ có quy mô hợp lý, hoặc quy mô tối đa của nhiệt điện than được xác định căn cứ vào 4 yếu tố tại từng thời điểm:
Thứ nhất: Nhu cầu điện của nền kinh tế.
Thứ hai: Tiềm năng sẵn có của tài nguyên than trong nước, hoặc khả năng tiếp cận nguồn than nước ngoài.
Thứ ba: Tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng khác có lợi thế hơn có thể thay thế than (sẵn có trong nước, hoặc có thể nhập khẩu từ nước ngoài).
Thứ tư: Giới hạn mức phát thải cho phép.
Điều quan trọng không phải là tỷ trọng của từng nguồn điện là bao nhiêu mà là với hệ thống nguồn điện tại thời điểm nhất định cần xem xét đã đạt quy mô công suất đáp ứng nhu cầu điện và tối ưu về mặt kinh tế (chi phí tối thiểu) cũng như đảm bảo các điều kiện ràng buộc hay chưa, đó là đảm bảo: (i) An toàn, ổn định, tin cậy trước mọi rủi ro có thể xảy ra; (ii) Phân bố phù hợp với phân bố các phụ tải; (iii) Mức phát thải không vượt quá giới hạn mức cho phép. Trên cơ sở đó xác định tỷ trọng của từng nguồn điện trong hệ thống đã có và gọi đó là cơ cấu hợp lý thì cơ cấu này cũng chỉ là hệ quả phát sinh của hệ thống với quy mô từng nguồn điện đã được xác định trước chứ không phải cơ cấu này sinh ra trước. Đây là nguyên tắc cần được quan tâm xuyên suốt mọi thời kỳ khi xác định quy mô và cơ cấu nguồn điện của một nước trong từng thời kỳ, trong đó có tỷ trọng nhiệt điện than hợp lý.
Tóm lại, khi xem hoặc nghe con số cần phải xem xét cẩn trọng nguồn gốc, cách thức và bối cảnh "sinh ra" nó nhằm "bắt chữ" cho đúng để khỏi "râu ông nọ cắm cằm bà kia", "nhìn gà hóa quốc", hay cứ "mất mùa đổ tại thiên tai", hoặc bị dẫn dắt, lợi dụng.
Tài liệu tham khảo:
1/ BP Statistical Review of World Energy 2017 & 2018.
2/ Tạp chí Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online ngày 31/01/2018.
3/ Nguyễn Đức Thắng - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là rất có hại cho đất nước.
4/ https://nld.com.vn 29 thg 9, 2015: Chết yểu vì nhiệt điện than.