RSS Feed for Vốn cho các dự án điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 18:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vốn cho các dự án điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

 - Theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, kinh doanh gặp nhiều khó khăn tích lũy nguồn vốn tự có. Để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII nhằm vào các giải pháp: Tiết giảm chi phí, tăng doanh thu và vay vốn...

>> Đang trực tuyến Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"

PGS, TS. NGUYỄN MINH DUỆ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng!

1. Sự cần thiết huy động vốn cho các dự án điện

Điện lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, nhu cầu điện tăng khoảng14-15% mỗi năm giai đoạn 2010-2025. Để đảm bảo sự phát triển điện trong những thập kỷ tới, cần thiết huy động nguồn vốn rất lớn. Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch Điện VII, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì để thực hiện được QHĐ VII với kịch bản cơ sở, nhu cầu vốn đầu tư như sau:

- Giai đoạn 2011 - 2020: 929,7 nghìn tỷ VNĐ ~ 48,8 tỷ USD (Bình quân 4,88 tỷ USD/ năm).

- Giai đoạn 2021 - 2030: 1.429,3 nghìn tỷ VNĐ ~ 75 tỷ USD (Bình quân 7,50 tỷ USD/năm).

- Giai đoạn 2011 - 2030: 2359,0 nghìn tỷ VNĐ ~ 123,8 tỷ USD (Bình quân 6,19 tỷ USD/năm).

Trên đây là những số liệu nhu cầu vốn đầu tư theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu vốn này được nhiều chuyên gia đánh giá là cao, cần được xem xét, hiệu chỉnh và chính thức hóa sau khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Điện VII.

Đăc điểm DA Điện: Vốn đầu tư rất lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế; do đó tính hấp dẫn không cao, khó thu hút được nhiều vốn trong và ngoài nước. Phần lớn các DA điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn. 

 2. Thực trạng huy động vốn cho các dự án điện hiện nay

> Dự án EVN đầu tư

Từ trước tới nay, hầu hết các dự án đầu tư phát triển điện đều tập trung vào Tập đoàn Điện lực (EVN). Nguồn vốn các dự án, bao gồm: i/ Vốn tự có trích từ lợi nhuận, quỹ khấu hao. ii/ Vốn vay: trong nước từ các ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng thương mại…; ngoài nước từ ODA đa phương (WB, ADB) và ODA song phương (JICA, AFD, KPF); Vay tín dụng người bán, tín dụng người mua. iii/ Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA); iiii/ Phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

> Dự án ngoài EVN đầu tư

Doanh nghiệp trong nước

Ngoài EVN, các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư phát triển các nhà máy điện, trong đó có doanh nghiệp thuộc tập đoàn Nhà nước (PVN, TKV,…) và một số doanh nghiệp tư nhân (Công ty cổ phần nhiệt điện An khánh, Công Thanh, Thăng Long, Tập đoàn Tân Tạo, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức IPP, BOO…). Nguồn vốn của các doanh nghiệp này cũng bao gồm: vốn tự có và vốn vay.

Doanh nghiệp nước ngoài

Một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện, theo hình thức BOT. Nguồn vốn do doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra, hoặc liên kết đầu tư.

3. Những trở ngại thu xếp vốn cho dự án điện

- Về đầu tư của EVN đối với dự án điện

Theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, EVN gặp nhiều khó khăn về tài chính, nguồn vốn tự có tích lũy từ lợi nhuận bị hạn chế. Để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII, nhìn vào giải pháp: tăng giá điện và vay vốn.

Tuy nhiên, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức chịu dựng của các doanh nghiệp, người dân; ảnh hưởng đến lạm phát.

Về vay vốn, đặc biệt vay vốn nước ngoài cũng rất khó khăn, trong khi số dư nợ của EVN hiện nay khá lớn. Ngoài ra, các khoản nợ của EVN tại các ngân hàng trong nước và các tổng công ty điện lực thuộc PVN, TKV cũng đáng kể. Mặt khác trong điều kiện hiện nay lãi suất huy động lớn hơn lãi suất vay đối với DA điện, đây cũng là khó khăn trong đàm phán vay vốn.

Thấy được những khó khăn trên, để tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu, tạo ra được nguồn vốn cho các dự án điện là rất cần thiết.

- Về đầu tư nước ngoài đối với các dự án điện ở Việt Nam

Theo chủ trương của Chính phủ, việc đầu tư phát triển các dự án đã và đang từng bước được mở rộng sang các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Gần đây, ngành điện đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, thời gian gần đây Thủ tướng Chính Phủ đã cho phép chỉ định một số nhà đầu tư nước ngoài như Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất 2 x 600MW (Sembcorp Singapore ), Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II 2 x 1.000MW (Toyo Ink Malaysia), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 x 600MW (Egati Thái Lan ), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II (Tata Power Ấn Độ). Ngoài ra SamSung Hàn Quốc cũng sẽ bàn giao làm chủ đầu tư một dự án nhà máy nhiệt điện: được phép chọn một trong 5 dự án là Quỳnh Lập II, Vũng Áng II, Quảng Trạch II, Sông Hậu III, Kim Lương.

Về phía Cộng hòa Liên bang Đức: Tập đoàn Công nghiệp Enercon cam kết huy động khoảng 1 tỷ Euro và cung cấp thiết bị đầu tư cho DA điện gió Sóc Trăng 2.600MW.

Việc tăng các dự án nhà máy nhiệt điện BOT nước ngoài cũng là biện pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu về vốn, tuy nhiên thực tế các dự án này triển khai chậm, do VN chưa có khung giá mua điện  công khai và thống nhất. Tất cả DA điện đều phải đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN, gây khá nhiều trở ngại trong thu hút đầu tư nước ngoài nhất là DA BOT, mất nhiều năm đàm phán như DA BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 thời gian đàm phán hợp đồng kéo dài 4-5 năm.

- Về đầu tư của doanh nghiệp trong nước (ngoài EVN) vào dự án điện

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, như PVN và TKV đã có những đóng góp đáng kể trong đầu tư các nhà máy điện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những đầu tư này là do Chính phủ giao trách nhiệm tham gia cung ứng nguồn điện, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong thực tế, toàn bộ điện năng sản xuất ra đều bán cho EVN, việc điều độ sản xuất các nhà máy điện cho một thị trường phát điện cạnh tranh còn nhiều bất cập. Nên hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện thuộc PVN và TKVchưa rõ ràng. Đây là vấn đề cần xem xét nhằm thu hút được nguồn đầu tư này trong tương lai.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần, với các dự án đầu tư vào ngành điện, các chủ đầu tư có nguồn vốn tự có rất hạn chế, nguồn vốn vay nước ngoài đòi hỏi phải có bảo lãnh của Chính phủ nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài. Một số dự án đang gặp khó khăn có thể bị đổ vỡ như: Trung tâm điện lực Kiên Lương (Chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Tạo) không giải quyết được nguồn vốn; còn dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh II (Chủ đầu tư là Công ty CP Nhiệt điện An Khánh) cũng đang gặp những khó khăn.

4. Đề xuất giải pháp và những vấn đề cấp bách

1. Sớm điều chỉnh QHĐ VII nhằm chính xác hóa nhu cầu đầu tư (như Chính phủ đã chỉ đạo).

 Bộ Công Thương cần rà soát, hiệu chỉnh QHĐ VII về dự báo phụ tải, các công trình nguồn, lưới điện; xác định nhu cầu vốn, cân đối tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai, tránh đầu tư dàn trải, dừng các DA không hiệu quả trong thời gian quy họach, đặc biệt giai đoạn 2014 – 2020 .

2. Tạo nguồn vốn bằng các các biện pháp truyền thống:

- Để đảm bảo nguồn vốn tự có, EVN và các doanh nghiệp đầu tư dự án điện phải có lợi nhuận trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết giảm chi phí trong sản xuất các nhà máy điện, giảm tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối điện. Về phía Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất  để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

- Để đảm bảo nguồn vốn vay, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương; các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các DA nguồn và lưới điện nhằm tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ưng điện.   Các doanh nghiệp vay vốn phải tôn trọng các quy định về các hợp đồng vay trả vốn và lãi đúng kỳ hạn, giữ uy tín là khách hàng vay vốn.

3. Thực hiện thị trường điện cạnh tranh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư DA điện

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế xã hội. Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành Điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực (năm 2004) và Luật Điện lực sửa đổi (năm 2013), được cụ thể hóa trong Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định trên, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:  phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và   bán lẻ cạnh tranh.

Qua một thời gian dài chuẩn bị, ngày 1/7/2011, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam bắt đầu vận hành thí điểm và ngày 1/7/2012 đưa vào vận hành chính thức.

Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu tiên trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thực tế, thực hiện giai đoạn1, thị trường phát điện cạnh tranh còn quá chậm về mặt thời gian và chưa đầy đủ về nội dung. Số lượng các nhà máy sản xuất điện tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường tuy có tăng, nhưng vẫn còn hạn chế và nhiều trở ngại.

Do đó, cần thiết thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đích thực mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư DA nguồn điện.

4. Tái cơ cấu EVN, nhân tố quan trọng nhằm thu hút đầu tư DA điện.

Thực hiện Nghị quyết TW3 khóa XI về tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1782/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) giai đoạn 2012-2015”. Mục đích của đề án tái cơ cấu nhằm đảm bảo EVN có cơ cấu hợp lý tập trung vào lĩnh vực SXKD điện, nâng cao    hiệu quả SXKD, cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ độc quyền nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế xã hội. Để tạo sân chơi bình đẳng nhằm thu hút đầu tư DA điện và phát triển thị trường điện cạnh tranh cần xúc tiến ngay tái cơ cấu ngành điện, đặc biệt là EVN.

 Từ kinh nghiệm ở một số nước cho thấy thực hiện tái cơ cấu và phát triển thị trường điện cạnh tranh là rất phức tạp. Tuy nhiên, chỉ có một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả, với cấu trúc ngành điện hợp lý mới thu hút đầu tư vào các DA điện.

Xin trân trọng cảm ơn!

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động