RSS Feed for Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 07:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)

 - Có thể khẳng định rằng, nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn từ nay đến 2030 luôn đóng vai trò chủ lực của hệ thống điện Việt Nam. Trong điều kiện ấy, chúng tôi đề nghị việc phát triển nguồn nhiệt điện than cần tuân thủ định hướng trong Chiến lược phát triển ngành năng lượng của đất nước, cũng như các giải pháp giảm được tối đa tác động xấu đến môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)

BÀI 6: VAI TRÒ NHIỆT ĐIỆN THAN TRONG HỆ THỐNG ĐIỆN VIỆT NAM

Chúng ta đều biết là việc khai thác và sử dụng năng lượng sơ cấp hóa thạch từ nguồn nhiệt điện than sẽ gây hiệu ứng nhà kính làm ô nhiễm môi trường, tuy nhiên Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII ĐC) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 mặc dù đã dự báo điện sản xuất và nhập khẩu theo kịch bản cơ sở (năm 2020: 265 tỷ kWh, năm 2030: 572 tỷ kWh) thấp hơn QHĐ VII (năm 2020: 330 tỷ kWh, năm 2030: 695 tỷ kWh), vẫn thể hiện rõ xu hướng phát triển tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện than trong Hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 2015-2025. Cụ thể, tỷ trọng này như sau:

(i) Về công suất 2015 (33,3%), 2020 (42,7%), 2025 (49,3%), 2030 (42,5%).

(ii) Về điện năng 2015 (34,0%), 2020 (49,3%), 2025 (55,0), 2030 (53,2%).

Dưới đây cần phân tích các nguyên nhân để thấy được Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC (trong đó có nội dung phát triển nhiệt điện than) của Thủ tướng Chính phủ là đã xem xét thận trọng và cân nhắc đầy đủ các mặt liên quan đến phát triển nguồn lưới điện, đồng thời xử lý tốt những vấn đề tồn tại nhằm đáp ứng được nhu cầu điện của đất nước đến năm 2030.

Một là, Khi xác định mục tiêu cụ thể về điện sản xuất và nhập khẩu cho các năm 2020, 2025 và 2030; Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã đưa ra 9 giải pháp để thực hiện, trong đó giải pháp thứ chín là giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả theo đúng Luật và Chương trình mục tiêu quốc gia của giải pháp này. Ta cần chú ý sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không có nghĩa là tìm mọi cách để tiết giảm nhu cầu điện mà cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội có cường độ điện thấp, áp dụng công nghệ mới, sản xuất các trang bị hiệu suất cao… góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đạt các chỉ tiêu sản xuất điện bình quân đầu người tiên tiến.

Chỉ tiêu này của Việt Nam còn rất thấp, năm 2015: 1788 kWh/người (164,3 tỷ kWh/91,3 triệu người) trong khi đó theo thống kê quốc tế (Website: data.worldbank.org) năm 2010 Thái Lan: 2335 kWh/người, Trung Quốc: 2944 kWh/người, Malaysia 4136 kWh/người, Singapore 8300 kWh/người, Nhật Bản: 8394 kWh/người, Hàn Quốc 9744 kWh/người; năm 2014, sản xuất điện bình quân đầu người của Thế giới là 3100 kWh/người.

Như vậy nếu thực hiện được Đề án QHĐ VII ĐC thì chỉ tiêu sản xuất điện đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2749 kWh/người (265 tỷ kWh/ dự báo 96,4 triệu người) và năm 2050 là 5505 kWh/người (572 tỷ kWh/ dự báo 103,9 triệu người) thấp hơn chỉ tiêu này của nhiều nước vào năm 2010.

Hai là, Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã xác định được định hướng quy hoạch phát triển nguồn điện trên cơ sở rút kinh nghiệm từ quá khứ, đánh giá tình trạng hiện nay và dự báo trong tương lai về khả năng phát triển của từng loại nguồn điện, từ đó đưa ra cơ cấu nguồn điện vào các năm 2020, 2025 và 2030 của Hệ thống điện Việt Nam.

- Nguồn thủy điện, được nhận định là cho đến thời điểm này việc khai thác đã đạt tới giới hạn của tiềm năng kinh tế kỹ thuật. Tại miền Bắc, các dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) lớn cuối cùng: Lai Châu (3x400MW), Huội Quảng (2x260MW) đã đưa vào vận hành; tại miền Trung và Tây Nguyên đã giải quyết cơ bản xong, trong đó các dự án NMTĐ trên sông Sê San và Srepok đã thực hiện hết; tại miền Nam, các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai đều đã triển khai và hoàn thành. Trong giai đoạn 2017-2030, Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC chủ trương tập trung phát triển loại nguồn điện này trên cơ sở mở rộng một loạt các NMTĐ hiện có: Thác Mơ MR (75MW), Đa Nhim MR (100MW), Ialy MR (360MW), Hòa Bình MR (2x240MW), Trị An MR (200MW); tiếp đó là phát triển các NMTĐ tích năng Đông Phù Yên, Đơn Dương… có quy mô công suất tới 4x300MW. Như vậy nguồn thủy điện lớn và vừa (kể cả thủy điện tích năng dự kiến vào vận hành từ năm 2028) có cơ cấu giảm dần: năm 2020, công suất 18.060 MW (30,1%), sản lượng điện 66,780 tỷ kWh (25,2%) đến năm 2030 công suất 21.885,5 (16,9%), sản lượng điện 70,928 tỷ kWh (12,4%).

- Nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT), đây là nguồn năng lượng sạch, bao gồm thủy điện nhỏ không gây tác động xấu đến môi trường, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đặc biệt quan tâm đến loại nguồn điện này, đã nêu rõ trong quan điểm phát triển và mục tiêu là ưu tiên, đẩy mạnh, đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng NLTT. Giải pháp tăng tỷ trọng các nguồn điện sử dụng NLTT được xếp là giải pháp đầu tiên nằm trong nhóm giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cơ cấu nguồn điện từ NLTT của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC tăng dần như sau:

Năm 2020, công suất 5940MW(9,9%), sản lượng điện 17,225 tỷ kWh (6,5%).

Năm 2030, công suất 27.195MW (21%), sản lượng điện 61,204 tỷ kWh (10,7%).

Ngoài thủy điện nhỏ, ba loại nguồn điện từ NLTT được ưu tiên phát triển là:

• Điện gió: năm 2020, công suất 800MW, điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng 0,8%; năm 2030 công suất 6000MW, điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng 2,1%.

• Điện mặt trời: năm 2020, công suất 850MW, điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng 0,5%; năm 2030 công suất 12.000MW, điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng 3,3%.

• Điện sinh khối: Triển khai thực hiện các giải pháp đồng phát điện tại các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm; đốt và đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than; phát điện từ chất thải rắn…

Tỷ trọng nguồn điện sinh khối năm 2020: 1%, năm 2030: 2,1%.

- Nguồn nhiệt điện

• Nguồn nhiệt điện dầu, được đánh giá là do hạn chế về nguồn cung cấp dầu (DO,FO) và giá thành sản xuất điện cao nên trong Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã không đưa dự án nào thuộc loại nguồn điện này trong giai đoạn 2016-2020.

• Nguồn nhiệt điện khí thiên nhiên và khí hóa lỏng (LNG), đây là nguồn điện được đánh giá là sạch hơn so với nguồn nhiệt điện than nên được quan tâm phát triển. Do nhận định nguồn khí thiên nhiên tại khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ suy giảm và khí Lô B tại khu vực miền Tây Nam Bộ vào chậm nên Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã có chủ trương:

(i) Đẩy mạnh hợp tác với Exxon Mobil của Hoa Kỳ triển khai Mỏ khí Cá Voi Xanh ở ngoài khơi miền Trung; (ii) Nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), trước mắt là xây dựng hệ thống kho, cảng nhập tại Sơn Mỹ (Bình Thuận), đồng thời tìm thị trường nhập tối ưu nhất. Tuy nhiên, khi cân đối để xác định cơ cấu thì loại nguồn này cũng chỉ có thể duy trì được tỷ trọng trong cả giai đoạn 2016-2020 cụ thể là:

Năm 2020, công suất 8940 MW (14,9%), sản lượng điện 49,990 tỷ kWh (16,6%); Năm 2030, công suất 19.036,5MW (14,7%), sản lượng điện 96,096 tỷ kWh (16,8%).

• Nguồn nhiệt điện than, trên cơ sở xác định được cơ cấu về sản lượng điện của 3 loại nguồn điện (thủy điện, NLTT, nhiện điện khí) nói trên vào năm 2020 chỉ đạt 48,3% và vào năm 2030 giảm thêm còn 39,9% nên sau khi xem xét về khả năng nhập khẩu điện và lùi tiến độ hai dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (nói thêm ở dưới), Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã lựa chọn nguồn nhiệt điện than để bù đắp công suất và sản lượng điện thiếu hụt; cơ cấu về công suất và điện năng của nguồn nhiệt điện than như sau:

Năm 2020, công suất 26.000 MW (42,7%), sản lượng điện 131 tỷ kWh (49,3%); Năm 2030, công suất 55.300 MW (42,6%), sản lượng điện 304 tỷ kWh (53,2%), đồng thời nêu rõ nguồn than sản xuất trong nước hạn chế nên một số NMNĐ tại các trung tâm điện lực phía nam nước ta phải sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Chú ý là trong Bảng 3 - Phụ lục I Danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2025-230 của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC có nêu 3 dự án NMNĐ than cần được phát triển (đưa vào vận hành vào các năm 2028~2030) là Tân Phước II 2x600MW, Vũng Áng III #3,4 2x600MW và Bạc Liêu I 2x600MW để dự phòng cho trường hợp các nguồn điện từ NLTT không đạt được tiến độ và quy mô công suất như kỳ vọng (27.195MW vào năm 2030).

- Nguồn điện hạt nhân

Theo Quyết định Phê duyệt QHĐ VII (Số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011) hai dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1000MW) và Ninh Thuận II (2x1000MW) được đưa vào vận hành vào các năm 2020-2021, Quyết định phê duyệt QHĐ VII ĐC đã nâng công suất đặt của hai dự án này là Ninh Thuận I 2x1200MW và Ninh Thuận II 2x1100MW nhưng lùi thời gian đưa vào vận hành vào các năm 2028-2030. Như vậy đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 4600MW sản xuất khoảng 32,5 tỷ kWh và cơ cấu về sản lượng điện là 5,7%.

Ba là, Cập nhật một số thông tin, dữ liệu có liên quan đến nguồn nhiệt điện than của Đề án QHĐ VII ĐC khi Quyết định Phê duyệt đã ban hành được 9 tháng (3/2016-12/2016).

• Về nguồn nhiệt điện khí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Văn bản số 195/BC-EVN ngày 15/8/2016 gửi Bộ Công Thương đề nghị cho phép EVN nghiên cứu phương án xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG cho phát điện ở Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang và xây dựng nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp (TBKHH) tại Tân Phước thay thế cho NMNĐ than Tân Phước I và Tân Phước II trong QHĐ VII ĐC, đưa vào vận hành trước năm 2020 nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, đồng thời đảm bảo nguồn khí lâu dài cho các nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn và Phú Mỹ. Đây là đề xuất hợp lý nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại văn bản này, EVN đề nghị được là Chủ đầu tư hai dự án TBKHH tại miền Trung sử dụng khí Cá Voi Xanh (thay thế dự án NMNĐ Dung Quất). Đề nghị này cần được làm rõ vì trong Đề án QHĐ VII ĐC có tới bảy dự án TBKHH tại miền Trung, đó là: Miền Trung I 1x750MW (PVN), Miền Trung II 1x750MW (PVN), Dung Quất I 1x750MW (Sembcorp BOT), Dung Quất II 1x750MW (Semcorp BOT), Sơn Mỹ I 3x750MW (GDFSUEZ/Sojitz-Pacific-BOT), Sơn Mỹ II 3x750MW (PVN) và Miền Trung III 1x750MW (PVN).

•  Về nguồn điện từ NLTT, tuy Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã nêu rõ nguồn điện này được ưu tiên phát triển và có cơ cấu tăng dần nhưng trong Danh mục các dự án đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 chỉ thấy có một số dự án có công suất từ 2x30MW (nhà máy điện sinh khối KCP-2026-2028) đến 300+400MW (Điện mặt trời Thiên Tân I&II-2019-2020) còn trong cả giai đoạn 2021-2030 không thấy xuất hiện nguồn điện NLTT có công suất và điện năng đáng kể nào nữa, loại trừ duy nhất dự án nhiệt điện đồng phát Hải Hà 2x300MW (năm 2028).

• Về nguồn nhiệt điện than có các dữ kiện mới sau đây:

(i) Tại Văn bản số 195/BC-EVN nói trên, EVN đề xuất được giao chức năng Chủ đầu tư hai dự án trong QHĐ VII ĐC chưa xác định hình thức đầu tư và Chủ đầu tư và Long An I 2x600MW và Long An II 2x800MW và hai dự án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang là chủ đầu tư là Quảng Trạch I 2x600MW và Quảng Trạch II 2x600MW. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý chuyển giao chức năng Chủ đầu tư hai dự án Quảng Trạch I và Quảng Trạch II sang EVN.

(ii) Cuối tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của lãnh đạo Tỉnh Bạc Liêu rút Dự án NMNĐ Bạc Liêu I ra khỏi Danh mục nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2016-2030 của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC.

(iii) Giữa tháng 10/2016, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh nâng công suất Dự án NMNĐ An Khánh - Bắc Giang (QHĐ VII ĐC gọi là Dự án NMNĐ Lục Nam) từ 2x50MW lên 650MW do Tập đoàn An Khánh là Chủ đầu tư; Bổ sung Dự án NMNĐ Đức Giang - Lào Cai 2x50MW vào QHĐ VII ĐC để cấp điện cho Nhà máy Hóa chất Đức Giang - Lào Cai do Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang - Lào Cai làm Chủ đầu tư.

• Về nguồn điện hạt nhân, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện hai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận I 2x1200MW và Ninh Thuận II 2x1100MW; tiếp đó trong cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề về vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, việc dừng hai dự án điện hạt nhân này không phải với lý do công nghệ mà là ưu tiên nguồn lực cho các dự án cấp bách hơn.

Nội dung trình bày trên đây đã giải trình minh bạch về phát triển nguồn nhiệt điện than của Quyết định phê duyệt QHĐ VII ĐC và cập nhật các dữ kiện có liên quan đến Quyết định cho tới thời điểm này. Vấn đề cần quan tâm là hiện có nhiều tổ chức, cơ quan tư vấn trong ngoài nước khi nghiên cứu Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã đề xuất với Đảng, Chính phủ Việt Nam cân nhắc đẩy mạnh và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phát triển nguồn điện từ NLTT, nên coi đây là trụ cột chính trong phát triển ngành năng lượng Việt Nam; giảm tối đa nguồn nhiệt điện than vì loại nguồn này gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và việc nhập than sẽ làm mất tự chủ kinh tế, đe dọa an ninh năng lượng; chủ trương dừng xây dựng điện hạt nhân là đúng và nguồn điện thay thế lựa chọn hợp lý là nguồn điện từ NLTT.

Bài viết này muốn đưa ra ba nhận định trung thực về vai trò của hai nguồn điện quan trọng là nguồn nhiệt điện than và nguồn điện từ NLTT trong Hệ thống điện Việt Nam, cùng sáu đề nghị nhằm hoàn thiện Đề án QHĐ VII ĐC để Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi đã bổ sung hoàn chỉnh.

Nhận định 1: Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC nêu trong Quy hoạch phát triển nguồn điện gồm 4 loại là (a) Nguồn điện từ NLTT (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…); (b) Nhà máy nhiệt điện; (c) Nhà máy điện hạt nhân; (d) Xuất nhập khẩu điện. Để phân tích, xem xét, xác định cơ cấu đã tách ra thành sáu loại nguồn điện: (1) Thủy điện lớn và vừa - thủy điện tích năng, (2) Nhiệt điện than, (3) Nhiệt điện khí (kể cả LNG), (4) Nguồn điện sử dụng NLTT (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), (5) Điện hạt nhân (6), Nhập khẩu điện.

Cách giải quyết đưa Thủy điện nhỏ về Nguồn điện sử dụng NLTT và tách Nhà máy nhiệt điện thành Nhiệt điện khí (kể cả LNG) và Nhiệt điện than là hợp lý để phân tích và đánh giá cơ cấu. Trong sáu cơ cấu nguồn điện thì ba cơ cấu dễ thống nhất và đã rõ là Thủy điện lớn & vừa - thủy điện tích năng, Nhiệt điện khí (kể cả LNG), Điện hạt nhân. Cơ cấu về Nhập khẩu điện cần xem xét thêm về tỷ trọng, nếu nhập của Lào và Campuchia từ các NMNĐ trên dòng chính sông Mekong thì phải đảm bảo không gây tác động xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta; như vậy còn lại hai cơ cấu được quan tâm có ý kiến khác nhau là Nguồn điện sử dụng NLTT và Nhiệt điện than.

Nhận định 2: Chủ trương phát triển NLTT của ngành năng lượng nói chung và nguồn điện từ NLTT nói riêng là chủ trương nhất quán của Việt Nam đã được nêu rõ trong Mục tiêu tổng quát tại Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ: “Đẩy mạnh và phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…”. Cách đây hơn bốn năm, người viết bài này đã phát biểu quan điểm của mình triệt để ủng hộ chủ trương này trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam số 87+88 (tháng 6+7/2012) có chủ đề Năng lượng tái tạo Việt Nam và phát triển bền vững với lời khẳng định là “Để giải quyết thiếu điện trong nhiều năm tới, Việt Nam phải tích cực phát triển NLTT”. Tuy nhiên bài báo đã đưa ra nhận định là: một trong những nội dung quan trọng nhất để hoàn thành tốt chiến lược và quy hoạch phát triển NLTT ở Việt Nam thì cần phải xác định được tiềm năng NLTT cho từng dạng năng lượng đạt mức độ chính xác nhất có thể được thì chưa làm được. Ở nước ta thời gian qua, việc thực hiện nội dung này chủ yếu dựa vào thu thập tư liệu từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài, chưa có chủ trương hợp tác quốc tế để xác định tiềm năng từng dạng NLTT; việc thực hiện xác định tiềm năng NLTT ở trong nước rất phân tán, tự phát, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau (địa nhiệt, thủy triều, sóng biển), thiếu kinh nghiệm và vốn; một số dạng NLTT chưa được điều tra xác định tiềm năng, đặc biệt là chưa có một tổ chức có chức năng, trách nhiệm được giao đứng ra tập hợp, xử lý, thẩm định, tổng kết trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ban hành tạo cơ sở để lập Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch phát triển NLTT. Chính vì lý do này, đồng thời với những công bố của nhiều tổ chức, cơ quan trong ngoài nước về tiềm năng NLTT của Việt Nam rất khác nhau nên để khẳng định nguồn điện từ NLTT là nguồn điện chủ lực có thể thay thế nguồn nhiệt điện than và nguồn điện hạt nhân là không thuyết phục.

Nhận định 3: Chúng ta đều biết việc sử dụng nguồn nhiệt điện than sẽ đem lại nhiều tác động tiêu cực, trước hết phải giải quyết được vấn đề nan giải là tiếp cận được nguồn cung để nhập khẩu than nêu trong Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC là 63 triệu tấn vào năm 2020 và 129 triệu tấn vào năm 2030 trong khi theo Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (QHT60ĐC) chỉ đạt được vào năm 2020 là 59,1 triệu tấn và năm 2030 là 70,2 triệu tấn. Mặt khác việc chấp nhận lựa chọn sử dụng than là nhiên liệu hóa thạch cho các NMNĐ chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường; diện tích chiếm đất cũng lớn do phải xây dựng cảng than, trang bị hệ thống cấp than, đặc biệt là bãi thải tro xỉ (nếu không có giải pháp sử dụng lại tro xỉ). Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận các tác động tích cực của nguồn nhiệt điện than là Việt Nam đã sẵn có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo thiết bị, xây lắp và vận hành; công suất của tổ máy lớn phổ biến 300~1000MW (có thể lên tới 1300~2000MW); việc lựa chọn loại than thích hợp cho phép trang bị lò hơi có thông số hơi siêu và cực siêu tới hạn nên hiệu suất của nhà máy điện đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hấp dẫn. Đặc biệt là số giờ sử dụng công suất đặt hàng năm của nguồn nhiệt điện than có thể đạt tới 6500~7000h rất thích hợp với vận hành phủ đáy đồ thị phụ tải hệ thống điện.

Theo Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC số giờ sử dụng công suất đặt trung bình của Nguồn nhiệt điện than năm 2020 là 5038h (công suất 26.000MW, điện năng 131 tỷ kWh) và năm 2030 là 5497h (công suất 55.300MW, điện năng 304 tỷ kWh), như vậy chưa tận dụng hết khả năng vận hành của nguồn điện này (6500~7000h). Trong khi đó số giờ sử dụng công suất đặt trung bình của Nguồn điện từ NLTT chỉ đạt vào năm 2020 là 2900h (công suất 5940MW, điện năng 17,225 tỷ kWh) và năm 2030 là 2250h (công suất 27.195MW, điện năng 61,204 tỷ kWh). Để kiểm tra dữ liệu này, người viết bài đã trực tiếp liên hệ với Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Phong điện Bình Thuận 1 2x1,5=30MW (Bình Thuận là nơi được đánh giá có tiềm năng gió vào loại cao nhất Việt Nam, tháp gió cao hơn 85m, nhà máy sử dụng tuabin gió hiện đại của Đức do hãng Fuhrlander chế tạo, đưa vào vận hành từ ngày 22/8/2009) thì được biết sản lượng điện sản xuất hàng năm đạt khoảng 70 triệu kWh, tức số giờ sử dụng công suất đặt hàng năm chỉ khoảng 2300h. Chú ý rằng điện gió phụ thuộc vào mùa gió, thủy điện nhỏ phụ thuộc vào mùa mưa - mùa khô, điện mặt trời phụ thuộc số ngày có nắng trong năm… cho nên Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC đã tính số giờ sử dụng công suất đặt trung bình của nguồn điện từ NLTT (gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) trong khoảng 2250~2900h là thiên cao.

Từ các phân tích cập nhật các dữ liệu mới và nhận định trên đây người viết bài đã tính toán đưa ra dự báo cơ cấu sản lượng điện các loại nguồn điện năm 2030 của Hệ thống điện Việt Nam như sau: Thủy điện lớn & vừa - thủy điện tích năng giảm từ 12,4% còn 12% (thủy điện tích năng có thể vào chậm); Nhiệt điện khí (kể cả LNG) tăng từ 16,8% lên 20% (các nhà máy điện Tân Phước I, Tân Phước II chuyển sang chạy LNG nhập); Điện hạt nhân dừng xây dựng (mất 5,7%); Nhập khẩu điện giảm từ 1,2% còn 1%, đẩy mạnh phát triển Nguồn điện từ NLTT lên gấp rưỡi từ 10,7% đạt 16%; tính ra Nguồn nhiệt điện than vẫn phải đảm nhận hơn một nửa tức 51% (giảm từ 53,2% xuống còn 51% do loại bỏ được dự án NMNĐ Bạc Liêu, hai Dự án NMNĐ Tân Phước I và Tân Phước II chuyển sang chạy khí nhưng bổ sung thêm 650MW nhiệt điện than tại miền Bắc). Với dự báo này, ta có thể khẳng định rằng nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn từ nay đến 2030 luôn đóng vai trò chủ lực của Hệ thống điện Việt Nam; trong điều kiện ấy dưới đây nêu sáu đề nghị về phát triển nguồn nhiệt điện than cần tuân thủ định hướng trong Chiến lược phát triển ngành năng lượng của đất nước và các giải pháp giảm được tối đa tác động xấu đến môi trường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đề nghị 1: Chiến lược Phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 cần được xây dựng trình Bộ Chính trị thông qua ban hành thành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Phê duyệt là cơ sở pháp lý để các phân ngành năng lượng (Dầu khí, Than, NLTT, Điện) lập, điều chỉnh lại (nếu đã lập) với cùng một khung thời gian đảm bảo được tính trình tự, tính đồng bộ và tính thống nhất. Đề án Điều chỉnh QHĐ VII (trong đó có đề cập đến quy hoạch phát triển nguồn nhiệt điện than) cần được bổ sung hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra Quyết định ban hành sau cùng thì mới đảm bảo được độ tin cậy cao.

Riêng về Nguồn điện từ NLTT, đề nghị rà soát và đối chứng với Đề án Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) vì cơ cấu của nguồn điện này vào năm 2030 không giống như của Đề án QHĐ VII ĐC, có liên quan đến xác định cơ cấu Nguồn nhiệt điện than và khả năng tiết giảm nhiệt điện than nhất là sau năm 2030 khi Nguồn điện từ NLTT ngày càng tiến bộ về khoa học công nghệ, suất đầu tư giảm, số giờ sử dụng công suất đặt hàng năm tăng có thể cạnh tranh được với nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lại thân thiện với môi trường.

Đề nghị 2: Đối với các dự án NMNĐ sử dụng than nhập khẩu (độ tro thấp, chất bốc cao, nhiệt lượng khá) đã có chủ đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư và các dự án chưa xác định chủ đầu tư, chỉ chấp nhận cho thực hiện đầu tư nếu dự án được áp dụng công nghệ mới: trang bị lò than phun kiểu trực lưu, tái sấy trung gian, thông số hơi quá nhiệt siêu tới hạn (24-26 MPa/560~6000C) hiệu suất nhà máy đạt khoảng 43% và cực siêu tới hạn (31 MPa/≥ 6000C) hiệu suất nhà máy đạt tới 45~50%. Việc sử dụng lò than phun kiểu trực lưu ở các NMNĐ than thông số hơi siêu tới hạn là giải pháp hợp lý, thực hiện nhanh và hiệu quả, nhằm tăng hiệu suất nhiệt cho nhà máy, tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường. Chú ý là từ ngày 01/01/2017, các tổ chức tài chính của các nước OECD sẽ chỉ tài trợ các dự án NMNĐ than sử dụng công nghệ USC (Ultra Super Critical) nhằm khuyến khích áp dụng giải pháp này và góp phần giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường.

Đề nghị 3: Tất cả các NMNĐ than của QHĐ VII ĐC đang và sẽ xây dựng bắt buộc phải được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến nhất ở các công đoạn thải khí, thải chất lỏng, thải chất rắn, thải chất độc hại đạt được tiêu chuẩn theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 22:2009/BTNMT, QCVN 40: 2011/BTNMT); Nghị định, Quyết định của Chính phủ (38/2015/NĐ-CP, 1696/QĐ-TTg), Thông tư của Bộ Tài nguyên & Môi trường (36/2015/TT-BTNMT). Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường rà soát lại đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn, Tiêu chuẩn có cùng chức năng của quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Đề nghị 4: Thúc đẩy chủ trương sử dụng nhiên liệu sinh khối cho các NMNĐ than; trước mắt cải tạo NMNĐ Ninh Bình (4x25MW), Uông Bí # 5,6 (50+55MW), Phả Lại I (4x110MW) là các nhà máy điện cũ đã vận hành trên 40 năm (Ninh Bình, Uông Bí # 5,6) và trên 30 năm (Phả Lại I) có hiệu suất thấp từ đốt than sang đốt sinh khối rắn. Nếu thực hiện được giải pháp này hàng năm sẽ tiết kiệm được khoảng 2 triệu tấn than nội địa mà vẫn duy trì được sản lượng điện khoảng 3,5 tỷ kWh của 3 nhà máy nhiệt điện này.

Ngoài ra, nên triển khai ngay Chương trình nghiên cứu áp dụng công nghệ đồng đốt sinh khối với than tại các NMNĐ than hiện có và đang xây dựng, đặc biệt là các NMNĐ xây dựng tại các khu vực giàu nhiên liệu sinh khối vì đây là giải pháp góp phần làm giảm cacbon trực tiếp bằng cách giảm khối lượng than sử dụng.

Đề nghị 5: Việc nhập khẩu than phải được xây dựng thành Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tập trung vào một đầu mối là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Mục tiêu của Chiến lược này là đảm bảo cho các dự án NMNĐ đặt tại nam Trung Bộ và miền Nam có được nguồn cung cấp than ổn định để sử dụng trong suốt đời dự án, với giá than chấp nhận được. Hai nội dung quan trọng của Chiến lược là xây dựng được cơ sở hạ tầng (cảng, kho bãi, hệ thống trung chuyển than từ cảng về nhà máy… không gây ô nhiễm môi trường) và duy trì được sự kết hợp bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất than trong nước, hộ tiêu thụ than, doanh nghiệp nhập khẩu than thành một tổ hợp để tránh tranh mua tranh bán và tránh đối tác nước ngoài ép giá.

Đề nghị 6: Hiện có nhiều quan điểm không tán thành giải pháp phát triển Nguồn nhiệt điện than của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC, thậm chí đưa lên công luận ý kiến của nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard “số người chết trẻ liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là khoảng 4.300 người/năm, nếu các dự án nhiệt điện than trong QHĐ VII đều được đưa vào vận hành thì có thể dẫn đến cái chết của 25.000 người mỗi năm” (Báo Thanh Niên số 273-7221, thứ 4 ngày 30/9/2015); do đó Bộ Công Thương nên tổ chức hội thảo khoa học có mời đầy đủ các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước quan tâm cùng dự và phản biện tiến tới đồng thuận tạo điều kiện hoàn thiện đồng tâm thực hiện tốt Quyết định quan trọng này.

TÔ QUỐC TRỤ, CHUYÊN GIA NĂNG LƯỢNG

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động