RSS Feed for Về ‘ý kiến phản biện’ của tác giả ‘Khi cái ác ở trên cao’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 08:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Về ‘ý kiến phản biện’ của tác giả ‘Khi cái ác ở trên cao’

 - Bạn đọc thân mến, sau khi Tạp chí Năng lượng Việt Nam xuất bản phản biện lại bài viết "Khi cái ác ở trên cao" của TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím) đề cập về mối liên hệ của ung thư phổi và nhiệt điện than... chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận, trong đó có ý kiến của chính tác giả. Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích rõ thêm những vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm. Rất mong nhận được ý kiến thảo luận, phản biện của quý vị.




PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

 

Xin trích nguyên văn ý kiến phản biện lại bài báo Ý kiến phản biện về bài viết ‘Khi cái ác ở trên cao’ của TS. Nguyễn Hồng Vũ:

"Chào anh Nam! Đầu tiên rất cám ơn anh về những chia sẻ và phản biện, cung cấp thêm các góc nhìn đa chiều cho người đọc. Đọc bài của anh xuyên suốt tôi không nghĩ đây là một bài phản biện theo cách có sự nghiên cứu kĩ càng mà ngôn ngữ dùng cũng hết sức đời thường. Hiện tôi không làm việc trong ngành năng lượng, nhưng dựa trên những dữ liệu và ý kiến của anh trong bài, tôi cũng muốn đưa ra một vài góc nhìn để phản biện ngược lại nhằm làm rõ hơn các vấn đề. 

Thứ nhất: Anh đang là người cộng tác với tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam nên tôi thấy khó mà đi ngược lại các ý kiến và mục tiêu chung của tổ chức và đây chính là nguyên nhân gốc rễ khiến cho các ý kiến đưa ra sẽ không được khách quan. 

Thứ hai: Lối tư duy anh đưa ra là anh chọn những quốc gia sử dụng nhiệt điện than nhiều, tỷ trọng phát điện từ nhiệt điện thế giới vẫn cao và lượng điện sử dụng từ nhiệt điện than trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp cho nên Việt Nam được phép xây thêm nhà máy điện. Hàm lượng khí thải, khói bụi và các chất gây ô nhiễm, gây hại tới sức khỏe còn trong mức độ cho phép cho nên có ô nhiễm thêm chút nữa cũng không sao. Những lập luận này cũng chẳng có cơ sở và nghiên cứu khoa học thực tiễn nào đáng thuyết phục nhưng tôi để ý thấy a lập luận rằng Mỹ có “bổn phận” phải cắt giảm còn Việt Nam phải phát triển để đáp ứng nhu cầu. Thật là logic hơi “buồn cười” vì anh nhìn lại trình độ khoa học, công nghệ của họ so với mình thì Việt Nam chúng ta sao có thể so được. Nói vậy không khác nào mình đang đi vào lối mòn của họ đã đi qua và chúng ta chấp nhận bị phụ thuộc để đáp ứng nhu cầu. Như ý kiến của anh giống như là việc phát triển thì cần đi kèm với các đánh đổi về mặt môi trường xã hội vậy. Tôi không bàn tới góc độ kinh tế nhưng rõ ràng những điều này không thuận theo tự nhiên. 

Thứ ba: Tại sao anh không dẫn chứng các nước không sử dụng hoặc sử dụng ít nhiệt điện than và vì sao lại như vậy? 

Thứ tư: Tôi không phải là chuyên gia nhưng tôi có những suy nghĩ riêng về môi trường. Bất kỳ tài liệu nước ngoài nào mà tôi đọc qua đều khẳng định nhiệt điện than ô nhiễm hơn các loại hình khác như nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo rất nhiều. Vấn đề nằm ở việc hệ quả của sự phụ thuộc, không nên tư duy sự phụ thuộc là kết quả tất yếu để rồi trong các phương án có hại thì lại cố gắng chọn ra phương án ít có hại nhất là đầu tư thêm và nâng cấp nhiệt điện than với công nghệ cao hơn. Anh chưa hề nhắc tới các chi phí phải xử lý về mặt môi trường sau đó, không phải tự nhiên mà các nước lại đánh thuế Carbon rất mạnh khiến giá thành sản xuất của nhiệt điện than lên rất cao. 

Cuối cùng, một điều mà đám đông đang làm không nhất thiết là điều đúng đắn. Thời đại công nghệ thông tin phổ cập rộng khắp, rồi người dân họ tự ý thức và tự tìm hiểu thông tin rất nhanh. Phản biện của anh cuối cùng lại theo hướng gần như là ủng hộ, tôi nghĩ rằng việc nhận thức cái gì tốt so với mình đang bị phụ thuộc vào điều gì đôi lúc có thể đồng hành nhưng anh không nên hiểu lầm ý đầu tiên, cái gì mới thực sự là tốt để hướng tới những suy nghĩ lâu dài cho nhiều thế hệ sau. Xin cám ơn anh và chúc anh một ngày mới vui vẻ".

Ý kiến phản hồi:

1/ Về ý kiến: Thứ nhất: Anh đang là người cộng tác với Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam nên tôi thấy khó mà đi ngược lại các ý kiến và mục tiêu chung của tổ chức và đây chính là nguyên nhân gốc rễ khiến cho các ý kiến đưa ra sẽ không được khách quan.

Phản hồi:

Mục tiêu chung của Tạp chí Năng lượng Việt Nam là cung cấp kịp thời, đầy đủ cho bạn đọc, dư luận xã hội nói chung các thông tin chính xác, có cơ sở khoa học, có căn cứ thực tế và có trách nhiệm; phản đối các thông tin thiếu chính xác, sai trái, thiếu cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tế, thiếu trách nhiệm nhằm đánh lừa, lôi kéo bạn đọc và dư luận theo ý đồ của mình. Tôi chỉ ủng hộ và tuân thủ mục tiêu đó của Tạp chí.

Thú thực với bạn, tôi không thể ngờ rằng là một trí thức trên đất Mỹ mà lại có sự suy diễn theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”, rằng tôi “khó mà đi ngược lại các ý kiến và mục tiêu chung của tổ chức” nên “các ý kiến đưa ra sẽ không được khách quan” với hàm ý tôi phải “ăn theo, nói leo”. Mong bạn chưa biết gì về tôi thì đừng suy diễn lung tung. Ngược lại đối với bạn, qua cách phản ánh thông tin trong bài viết của bạn tôi có cảm giác rằng bạn chỉ là người đưa thông tin hời hợt, mượn danh khoa học, không nắm rõ bản chất vấn đề, ngộ nhận, quy chụp. Điển hình là thông tin về mối liên hệ giữa điện than và các làng ung thư ở Trung Quốc trong bài “Khi cái ác ở trên cao” mà tôi đã có ý kiến.

2/ Thứ hai: Lối tư duy anh đưa ra là anh chọn những quốc gia sử dụng nhiệt điện than nhiều, tỷ trọng phát điện từ nhiệt điện thế giới vẫn cao và lượng điện sử dụng từ nhiệt điện than trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp cho nên Việt Nam được phép xây thêm nhà máy điện. Hàm lượng khí thải, khói bụi và các chất gây ô nhiễm, gây hại tới sức khỏe còn trong mức độ cho phép cho nên có ô nhiễm thêm chút nữa cũng không sao. Những lập luận này cũng chẳng có cơ sở và nghiên cứu khoa học thực tiễn nào đáng thuyết phục nhưng tôi để ý thấy a lập luận rằng Mỹ có “bổn phận” phải cắt giảm còn Việt Nam phải phát triển để đáp ứng nhu cầu. Thật là một logic hơi “buồn cười” vì anh nhìn lại trình độ khoa học, công nghệ của họ so với mình thì Việt Nam chúng ta sao có thể so được. Nói vậy không khác nào mình đang đi vào lối mòn của họ đã đi qua và chúng ta chấp nhận bị phụ thuộc để đáp ứng nhu cầu. Như ý kiến của anh giống như là việc phát triển thì cần đi kèm với các đánh đổi về mặt môi trường xã hội vậy. Tôi không bàn tới góc độ kinh tế nhưng rõ ràng những điều này không thuận theo tự nhiên. 

Thứ ba, tại sao anh không dẫn chứng các nước không sử dụng hoặc sử dụng ít nhiệt điện than và vì sao lại như vậy?

Ý kiến phản hồi:

Thứ nhất: Vì rằng, chủ đề chính trong bài của bạn là khẳng định điện than có mối quan hệ với các làng ung thư ở Trung Quốc và vì thế các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đang ruồng bỏ nó. Do vậy, tôi phải viện dẫn điện than đã có từ lâu đời tại nhiều nước, kể cả ở Việt Nam, hiện nay tại nhiều nước có quy mô nhiệt điện than rất lớn, nhưng tại các nước đó cũng như của đất nước chúng ta không hề có thông tin, báo cáo, hay nghiên cứu nào nói rằng có các làng ung thư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời chứng minh điện than trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc còn tiếp tục có xu thế gia tăng chứ không phải “các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đang ruồng bỏ nó” như bạn đưa tin.

Hơn nữa, bạn nêu tại Trung Quốc có một số làng ung thư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than với các bằng chứng khoa học không thể chối cãi được, nhưng không nêu cụ thể tại vùng nào, làng nào và quanh các nhà máy điện than nào?

Chưa kể, tại sao chỉ là một số làng mà không phải là hàng trăm làng, vì tại Trung Quốc có tới 935 GW (935.000 MW) điện than cơ mà? Qua đó để minh chứng rằng thông tin bạn nêu là không chính xác, đội lốt khoa học!

Còn câu hỏi “tại sao anh không dẫn chứng các nước không sử dụng, hoặc sử dụng ít nhiệt điện than và vì sao lại như vậy?” Tôi không nêu, vì lý do như tôi đã nêu trên. Còn nếu bạn muốn biết thì mời bạn đọc bài của tôi “Than, điện than tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu” trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam [Kỳ 1] 05:53 |25/09/2019; [Kỳ cuối] 06:13 |01/10/2019, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin mà bạn hỏi.

Kể ra, để cho đầy đủ hơn, tôi phải nêu thêm bằng chứng tại các nước không sử dụng, hoặc sử dụng ít nhiệt điện than cũng có nhiều người bị ung thư và chết vì ung thư chứ không tránh được ung thư, nhưng điều kiện không cho phép vì cần phải nghiên cứu, điều tra cẩn thận, chứ không thể nói bừa. Song, có một bằng chứng xác thực cho điều đó là tại quê tôi nửa miền núi, nửa trung du chỉ có đồi núi, ruộng vườn, sông suối, chủ yếu là nghề nông, không hề có nhà máy nhiệt điện than nào và các nhà máy khác cũng rất ít, không đáng kể, song bệnh ung thư cũng không tha thứ cho nhiều người dân quê tôi, kể cả người nhà của tôi đã mất vì bệnh ung thư cách đây gần 40 năm. Điều đó chứng tỏ rằng, bệnh ung thư do nhiều nguyên nhân và do nhiều loại ô nhiễm môi trường gây ra, chứ không riêng do ô nhiễm từ điện than, vì vậy không được “trăm dâu đổ đầu tằm” để đánh lạc hướng dư luận chỉ chăm chăm soi mói nhiệt điện than mà mất cảnh giác với các nguồn ô nhiễm khác và các nguyên nhân khác.

Thứ ba: Bạn cho rằng, ý kiến của tôi về trường hợp Việt Nam vẫn được phép phát triển nhiện điện than trong giới hạn mức phát thải cho phép là “chẳng có cơ sở và nghiên cứu khoa học thực tiễn nào đáng thuyết phục”“thật là logic hơi buồn cười” khi tôi “lập luận rằng Mỹ có bổn phận phải cắt giảm còn Việt Nam phải phát triển để đáp ứng nhu cầu” và bạn cho rằng: “Nói vậy không khác nào mình đang đi vào lối mòn của họ đã đi qua”.

Ý kiến phản hồi như sau:

a- Về “cơ sở và nghiên cứu khoa học thực tiễn” của vấn đề nêu trên: 

Về mức phát thải: Năm 2018 Mỹ có tổng phát thải CO2 là 5.145,2 triệu tấn, chiếm 15,2% tổng phát thải toàn cầu, tính theo bình quân đầu người là 15,69 tấn CO2/người, đứng thứ 3 thế giới. Việt Nam tương ứng là 224,5 triệu tấn CO2 (chiếm 0,7%) và 2,37 tấn CO2/người. So với Mỹ, tổng phát thải CO2 của Việt Nam chỉ bằng 4,37% và bình quân đầu người chỉ bằng 15,11%.

Theo bạn, Mỹ hay Việt Nam có bổn phận giảm phát thải CO2?

Để rõ hơn, mời bạn xem 2 bài sau: “Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ - Kỳ 1 [14:09 |08/10/2019], KỲ 2 [06:52 |11/10/2019], KỲ CUỐI [06:25 |15/10/2019] và “Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người” trên NangluongVietnam Online - 14:23 |28/01/2018|.

Về căn cứ pháp lý: Nghị định Kyoto trước đây và Thỏa thuận biến đổi khí hậu Pari COP21 (năm 2015) đều buộc Mỹ giảm phát thải và không hề buộc Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính (CO2). Đối với COP21 Việt Nam tự nguyện cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính bằng nội lực trong nước và nếu có hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế (song phương và đa phương) thì phấn đấu giảm 25%. Mức giảm 8%, hay 25% là so với kịch bản phát triển hiện hành, đang triển khai thực hiện, chứ không phải so với mức phát thải hiện tại.

Theo đó, trong ngành năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 bằng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/Q Đ-TTg ngày 18/3/2016. Ngoài việc tăng cường phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đã điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than xây dựng mới.

Cụ thể, đến năm 2020 giảm tổng công suất từ 36.000 MW và sản lượng điện sản xuất 156 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (trước đây) xuống chỉ còn tương ứng là 26.000 MW và sản lượng sản xuất khoảng 131 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (điều chỉnh); đến năm 2030 tổng công suất giảm từ 75 ngàn MW xuống 55,3 ngàn MW và sản lượng điện giảm từ 394 tỷ kWh xuống 304 tỷ kWh, theo đó nhu cầu than giảm từ 171 triệu tấn xuống 129 triệu tấn.

Như vậy, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cam kết của mình chứ không như Mỹ đã rút khỏi COP21 (mặc dù Mỹ buộc phải giảm phát thải).

Lưu ý rằng, Việt Nam giảm nhiệt điện than so với Quy hoạch chứ không phải loại bỏ hết các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch nêu trên.

Thiết nghĩ rằng, đó là bằng chứng xác đáng, tin cậy, thuyệt phục nhất ở tầm quốc tế và quốc gia về “cơ sở và nghiên cứu khoa học thực tiễn” của việc Việt Nam được tiếp tục phát triển nhiệt điện than trong giới hạn phát thải cho phép và Mỹ có “bổn phận” giảm phát thải, trong đó có việc giảm nhiệt điện than, đồng thời thực sự không phải “thật là 1 logic hơi buồn cười” như bạn nghĩ.

Lưu ý rằng, đừng lẫn lộn giữa trình độ khoa học, công nghệ của Mỹ và của Việt Nam cũng như mức độ phát thải của Mỹ và Việt Nam. Mỹ có mức độ phát thải cao quá mức cho phép thì phải giảm phát thải bất kể trình độ khoa học, công nghệ cao thế nào, còn Việt Nam có mức phát thải quá thấp thì được tiếp tục phát thải trong giới hạn cho phép bất kể trình độ khoa học, công nghệ còn thấp hơn Mỹ.

Tuy nhiên, như tôi đã nói “việc phát triển nhiệt điện than thời gian tới (của Việt Nam) phải ở mức hợp lý, theo cách khôn ngoan trên cơ sở áp dụng công nghệ sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tăng cường sự giám sát chặt chẽ quá trình vận hành nhà máy điện đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường”, chứ Việt Nam không đến nỗi “khờ dại” và vô trách nhiệm cứ thế phát thải thoải mái cho đến mức giới hạn cho phép mà đã có trách nhiệm cam kết giảm phát thải như đã nêu.

b- Về “Nói vậy không khác nào mình đang đi vào lối mòn của họ đã đi qua”. Lưu ý rằng, Việt Nam đã có điện than từ gần 100 năm và nay chỉ tiếp tục phát triển nhiệt điện than cũng như thế giới vẫn tiếp tục phát triển nhiệt điện than. Đó là tất yếu để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao và đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này không đồng nghĩa với cái gọi là “đi vào lối mòn của họ đã đi qua”. Không ai ngây thơ đến nỗi lại đi lại từ đầu trong việc phát triển nhiệt điện than như bạn suy diễn.

Như tôi đã nêu “trong lĩnh vực sử dụng than phát điện, loài người đã có những bước tiến rất xa trong việc cải tiến các thông số của lò hơi và tua bin lần lượt từ cấp: Tới hạn (Subcritical), Siêu tới hạn (Supercritrical), Trên siêu tới hạn (Ultra-supercritrical - USC) và Trên siêu tới hạn tiên tiến (Advanced Ultra-supercritrical - A-USC). Việc phát triển nhiệt điện than sắp tới không những bằng công nghệ mới đã đạt được mà sẽ bằng các công nghệ mới còn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, cùng với các giải pháp giảm thiểu tối đa các chất thải gây ô nhiễm môi trường.      

Bạn thấy đó, thế giới đã bước vào thời kỳ nền kinh tế tuần hoàn - tức là nền kinh tế không còn chất thải trên cơ sở mọi chất thải của quá trình sản xuất đều được tái chế thành sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống con người. Theo đó, các chất thải sẽ không phải là đồ bỏ đi (như lâu nay) mà được coi là nguồn tài nguyên thứ cấp. Như vậy, không có lý do gì để coi than - nguồn tài nguyên thiên nhiên đã góp phần đưa loài người đến nền văn minh ngày nay là thứ “bẩn thỉu”, là đồ bỏ đi. Với trình độ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển hiện đại hơn thì mọi nguồn tài nguyên, trong đó có than sẽ được khai thác, sử dụng ngày càng sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường.

c- Về “ý kiến của anh giống như là việc phát triển thì cần đi kèm với các đánh đổi về mặt môi trường xã hội vậy”. Trên đời này, không có cái gì sạch tuyệt đối, an toàn tuyệt đối. Anh là bác sỹ, thừa biết rằng, trên cơ thể người, trong nhà, mọi nơi, mọi đồ vật và trong không khí đều có vi trùng, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh. Vấn đề là chúng chỉ gây bệnh khi vượt qua ngưỡng giới hạn nhất định và trong những điều kiện nhất định. Ngay việc uống thuốc, hay giải phẫu để điều trị bệnh cũng không phải hoàn toàn vô hại. Trong nhiều trường hợp chữa được bệnh nhưng chắc chắn để lại tác dụng phụ nào đó, chí ít là vết sẹo sau khi giải phẫu, nhưng không vì thế mà không chữa bệnh, phải chấp nhận đánh đổi giữa cái sống và chịu tác dụng phụ nhưng cố gắng giảm thiểu tối đa. Con người phải kiểm soát được điều đó.

Các quá trình sản xuất cũng vậy, không có quá trình nào là sạch hoàn toàn, tức là phi chất thải. Thế giới tự nhiên có thể hấp thụ các chất thải ở một mức độ nào đó mà không bị ảnh hưởng gì, hoặc bị ảnh hưởng, nhưng trong giới hạn chấp nhận được. Khi đó con người phải đánh đổi giữa sự phát triển và tổn hại môi trường ở mức cho phép, chứ không thể nói môi trường hoàn toàn không bị hề hấn gì. Biến đổi khí hậu ngày nay là minh chứng cho điều đó. Biến đổi khí hậu không phải chỉ do một mình nhiệt điện than nói riêng và đốt than nói chung gây ra. Tức là trong các lĩnh vực khác cũng có sự phát thải, đồng nghĩa việc phát triển các lĩnh vực khác cũng có sự đánh đổi về mặt môi trường, xã hội ở mức độ nhất định.

Ngay việc phát triển điện năng lượng tái tạo cũng không phải sạch hoàn toàn, nhất là điện mặt trời hiện còn nhiều vấn đề về xử lý chất thải trong tương lai chưa được xét đến, chưa kể chiếm diện tích đất khá lớn và phải có hệ thống nguồn điện truyền thống khác ổn định hơn đi kèm. Khi đó, phát thải từ các nguồn điện khác đi kèm không thể nói là không liên quan đến điện mặt trời - tức cũng là phải “đánh đổi”.

Tóm lại, quá trình phát triển của xã hội loại người là quá trình đánh đổi với môi trường ở mức độ cho phép. Bạn thừa biết rằng, chất lượng môi trường thời tiền sử khác xa chất lượng môi trường thời nay. Con người không thể không làm gì để cải thiện cuộc sống chỉ vì muốn giữ môi trường nguyên sinh. Vấn đề là trong quá trình phát triển phải kiểm soát sao cho sự đánh đổi về mặt môi trường ở mức chấp nhận được chứ không thể tuyệt đối hóa như bạn nghĩ.

3/ Về ý kiến: Thứ tư, tôi không phải là chuyên gia nhưng tôi có những suy nghĩ riêng về môi trường. Bất kỳ tài liệu nước ngoài nào mà tôi đọc qua đều khẳng định nhiệt điện than ô nhiễm hơn các loại hình khác như nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo rất nhiều. Vấn đề nằm ở việc hệ quả của sự phụ thuộc, không nên tư duy sự phụ thuộc là kết quả tất yếu để rồi trong các phương án có hại thì lại cố gắng chọn ra phương án ít có hại nhất là đầu tư thêm và nâng cấp nhiệt điện than với công nghệ cao hơn. Anh chưa hề nhắc tới các chi phí phải xử lý về mặt môi trường sau đó, không phải tự nhiên mà các nước lại đánh thuế Carbon rất mạnh khiến giá thành xuất của nhiệt điện than lên rất cao.

Ý kiến phản hồi:

Tôi không phủ nhận nhiệt điện than ô nhiễm hơn các loại hình khác như nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo và chưa bao giờ nói điều ngược lại. Tôi cũng ủng hộ phát triển điện khí, điện năng lượng tái tạo cho sạch hơn. Nhưng vấn đề là:

Thứ nhất: Không phải nước nào cũng có thể có điều kiện để phát triển nhiệt điện khí, mà tùy thuộc vào nguồn tài nguyên khí sẵn có trong nước, khả năng tiếp cận nguồn khí nước ngoài và các nguồn tài nguyên năng lượng khác sẵn có trong nước.

Thứ hai: Tài nguyên khí đốt thiên nhiên không phải là vô tận, mà là hữu hạn. Trữ lượng xác minh khí thiên nhiên trên thế giới đến năm 2018 chỉ còn có thể khai thác trong vòng 50 năm với mức sản lượng năm 2018 và chủ yếu tập trung ở 17 nước. Có thể thời gian tới sẽ phát hiện thêm trữ lượng khí đốt mới, nhưng cũng không phải là vô tận và không phải nước nào cũng đủ điều kiện nhập khẩu khí theo ý muốn. Cho nên thế giới nói chung và các nước nói riêng tùy theo điều kiện cụ thể mà chỉ tăng điện khí ở mức độ nhất định để đáp ứng nhu cầu, chứ không thể dựa vào điện khí hoàn toàn, hoặc thay thế hoàn toàn điện than bằng điện khí.

Đến năm 2018 bình quân cả thế giới điện khí chỉ chiếm 23,2%, trong khi điện than 38,0% tổng sản lượng điện sản xuất, và tài nguyên than thế giới có thể còn khai thác trong vòng 132 năm với mức sản lượng năm 2018.

c- Việc phát triển điện năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu song cũng chỉ đến mức độ nhất định và theo lộ trình nhất định chứ không thể thay thế hoàn toàn các nguồn điện truyền thống, chí ít đến năm 2025-2030. Hơn nữa việc phát triển nguồn điện này gặp nhiều khó khăn và tùy thuộc vào hệ thống điện cũng như điều kiện kinh tế của từng nước. Điện năng lượng tái tạo đến năm 2018 bình quân toàn thế giới chỉ chiếm 9,3% tổng sản lượng điện. Chỉ có Đức đạt 32,3%; Anh 31,6%; Tây Ban Nha 25,7%; Ý 22,7% (các nước này có giá điện rất cao, tương ứng là: 33; 21; 25 cent/kWh và có lưới điện liên kết trong khu vực nên tận dụng được tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo); Brazil 17,8% (giá điện 17 cent/kWh) và một số nước trên dưới 10%; còn đa phần chỉ dưới 5%.

d- Việt Nam đã chú ý phát triển điện khí, đến năm 2018 điện khí chiếm 20,8% (gần bằng bình quân của thế giới). Tuy nhiên, hiện nay nguồn khí của Việt Nam đã cạn dần. Việc phát triển điện khí phải dựa vào nhập khẩu khí LNG, nhưng còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn nhập, cơ sở hạ tầng nhập khẩu và điều kiện kinh tế, nhất là giá điện. Việt Nam cũng tăng cường phát triển điện năng lượng tái tạo, đến năm 2019 Việt Nam đã có tổng cộng 5.039 MW công suất điện gió, điện mặt trời (đứng đầu ASEAN) và chiếm 9,2% tổng công suất đặt nguồn điện (bao gồm 274 MW điện gió và 4.765 MW ĐMT). Công suất điện gió, điện mặt trời của Việt Nam chiếm gần 44% của khối ASEAN, vượt xa Thái Lan là nước đứng thứ 2 với 2.715 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển điện gió, điện mặt trời cũng gặp nhiều khó khăn như đã nêu trên và cũng chỉ đến mức độ nhất định chứ không thể thay thế vai trò của các nguồn điện truyền thống, trong đó có nhiệt điện than.

Như vậy, Việt Nam không phải không chú trọng phát triển điện khí và điện năng lượng tái tạo mà “cái khó đang bó cái khôn” nên cần có thời gian và hội tụ đủ điều kiện.

đ- Nhiệt điện than ô nhiễm hơn điện khí, điện năng lượng tái tạo, nhưng đến nay vấn đề bụi, khí NOx, SO2 cơ bản đã được giải quyết, đảm bảo dưới mức cho phép; còn khí CO2 nếu áp dụng giải pháp công nghệ thu giữ và lưu trữ có thể loại trừ phát ra khí quyển tới hơn 90% CO2. Như vậy, ô nhiễm của nhiệt điện than không còn là vấn đề đáng sợ như trước đây.

4/ Về ý kiến: "Cuối cùng, một điều mà đám đông đang làm không nhất thiết là điều đúng đắn. Thời đại công nghệ thông tin phổ cập rộng khắp rồi người dân họ tự ý thức và tự tìm hiểu thông tin rất nhanh. Phản biện của anh cuối cùng lại theo hướng gần như là ủng hộ, tôi nghĩ rằng việc nhận thức cái gì tốt so với mình đang bị phụ thuộc vào điều gì đôi lúc có thể đồng hành nhưng anh không nên hiểu lầm ý đầu tiên, cái gì mới thực sự là tốt để hướng tới những suy nghĩ lâu dài cho nhiều thế hệ sau".

Ý kiến phản hồi:

Thứ nhất: Vấn đề không phải là ủng hộ, hay không ủng hộ, mà phải là phân tích có lý có lẽ và cung cấp cho bạn đọc những thông tin xác thực để có nhận thức đúng chứ không phải cung cấp thông tin mơ hồ để huyễn hoặc, lôi kéo gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, dẫn đến gây hậu quả xấu đến các quá trình phát triển.

Thứ hai: Sinh ra ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà sang, hít thở không khí trong lành, du ngoạn thắng cảnh thiên hạ, song không được hão huyền, viễn vông mà phải thực tế, tùy thuộc vào túi tiền của mình để “liệu cơm gắp mắm” như lời ông cha dạy. Một đất nước cũng vậy, tùy theo điều kiện của nền kinh tế trong từng thời kỳ mà có những bước đi thích hợp trong phát triển năng lượng. Việt Nam đã có "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050" (năm 2007), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” (năm 2016), “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (năm 2015), trong đó đã đề ra định hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên cơ sở từng bước tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điện khí, giảm dần nhiệt điện than một cách hợp lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đặc biệt, hiện nay đang triển khai xây dựng lại Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với yêu cầu mới trong thời kỳ tới. Tương lai lâu dài là như vậy. Tuy nhiên để đi đến tương lai sán lạn đó, trong giai đoạn trước mắt, chí ít đến năm 2030 vẫn phải tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than đã đưa vào quy hoạch và đủ điều kiện thực hiện theo quy định. 

5/ Cuối cùng, mong bạn hãy nắm bắt thông tin đầy đủ và tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi trao đổi để khỏi làm lạc hướng bạn đọc.

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý, xin chúc bạn cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi sự may mắn và tốt lành!

[*] HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động