RSS Feed for Tham khảo giá điện bậc thang thế giới - Nhìn về Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 07/12/2024 17:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tham khảo giá điện bậc thang thế giới - Nhìn về Việt Nam

 - Phải nói ngay rằng: Điện năng là dạng hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời nên giá cũng biến thiên, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lạm phát, suy thoái chưa có dấu hiệu tích cực. Mục tiêu chính của việc áp dụng giá điện bậc thang là nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về giá điện bậc thang trên thế giới - Nhìn Việt Nam.
Tờ trình mới nhất về Quy hoạch điện 8 và một số đánh giá, nhận định của chuyên gia Tờ trình mới nhất về Quy hoạch điện 8 và một số đánh giá, nhận định của chuyên gia

Theo tinh thần nội dung Tờ trình Chính phủ ngày 13/10/2022 của Bộ Công Thương về hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số đánh giá về vấn đề nhiệt điện than, nguồn điện sử dụng khí trong nước, nguồn điện sử dụng LNG nhập khẩu, nguồn điện gió, mặt trời và chi phí sản xuất điện... cũng như một số nhận định dưới đây.

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, thực thi  Luật năng lượng tái tạo - Hàm ý cho Việt Nam Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, thực thi Luật năng lượng tái tạo - Hàm ý cho Việt Nam

Trong bối cảnh trung hòa carbon đến gần, khủng hoảng năng lượng đang đỉnh điểm, căng thẳng địa chính trị gia tăng, thì đẩy mạnh mục tiêu khai thác năng lượng tái tạo là cần thiết, cấp bách. Tổng hợp dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam là kinh nghiệm xây dựng và thực thi Luật năng lượng tái tạo của một số quốc gia, hàm ý có thể ứng dụng cho Việt Nam khi cơ chế FIT hết hạn.

Kinh nghiệm quốc tế khi chuyển từ FIT sang đấu thầu năng lượng tái tạo Kinh nghiệm quốc tế khi chuyển từ FIT sang đấu thầu năng lượng tái tạo

Để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon nhằm giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, năng lượng tái tạo trở thành ngành “điểm nhấn”. Nhằm hậu thuẫn cho nguồn năng lượng này phát triển, cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ra đời. Nhưng khi FIT hết hạn, đấu thầu rộng rãi từng vòng sẽ được thế chân. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật kinh nghiệm đã được một số quốc gia thực hiện thành công sau khi FIT chấm dứt.


Vài nét về mô hình đặc thù của ngành điện:

Như đề cập, điện năng là một dạng hàng hóa đặc biệt, từ sản xuất đến tiêu dùng đều diễn ra đồng thời và liên tục nên giá cả cũng biến thiên theo, nó tùy thuộc vào nguồn tài nguyên, chi phí sản xuất.

Theo trang tin năng lượng trực tuyến Mỹ Electricrate.com (ERC): Giá điện theo quốc gia cập nhật tháng 10/2022 thì năm 2017, lượng điện tiêu thụ trên thế giới lên tới khoảng 22,3 nghìn tỷ kWh, gấp hơn ba lần lượng điện tiêu thụ vào năm 1980. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về cách tạo ra, sử dụng điện và thậm chí là chi phí điện năng ở các phần khác nhau trên thế giới.

Ví dụ, Iceland là quốc gia phát triển duy nhất sản xuất điện từ 100% nguồn năng lượng tái tạo trong khi điện của Trung Quốc hầu như chỉ đến từ nhiên liệu hóa thạch. Người Ai Cập chỉ tiêu khoảng 2 cent cho mỗi kWh điện, trong khi các hộ gia đình Đan Mạch là con số khổng lồ (34 cent), gấp gần 17 lần.

Nếu tính giá điện trên thế giới, thì giá trung bình toàn cầu áp dụng 14,2 US cent/kWh cho người dùng hộ gia đình và 12,7 US cent/kWh cho doanh nghiệp. Giá điện trung bình của Hoa Kỳ thấp hơn lần lượt là 0,7 xu và 1,7 xu - có nghĩa là điện của Mỹ rẻ hơn một chút so với mức trung bình thế giới.

Theo ERC: Top 10 quốc gia có giá điện đắt nhất thế giới (UScent/kWh) gồm: Đức 39, Bermuda 37, Đan Mạch 34, Bồ Đào Nha 32, Bỉ 32, Quần đảo Cayman 31, Bahamas 31, Cape Verde 30, Ireland 29 và Nhật Bản 29. Top 10 quốc gia có giá điện rẻ nhất thế giới (UScent/kWh): Sudan 0, Venezuela 0, Iran 0, Ethiopia 1, Kyrgyzstan 1, Cuba 1, Libya 1, Zimbabwe 1 và Bhutan 2.

Do ngành điện ở bất kỳ đâu cũng bao gồm 3 công đoạn không thể tách rời nhau là sản xuất, truyền tải và phân phối nên ở hầu hết các nước trên thế giới, ngành điện được coi là xem là độc quyền tự nhiên, nhưng nay khi kinh tế thị trường ra đời, áp lực cung - cầu, đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên cấu trúc quản lý của ngành điện đã “tự nó điều chỉnh”.

Kết quả xuất hiện các hình thái cấu trúc mới. Hiện nay, các dạng sau được xem là thịnh hành:

Một: Mô hình độc quyền liên kết dọc, không có cạnh tranh trong bất kỳ khâu nào như được áp dụng ở Pháp, Bồ Đào Nha, Italy, Malaysia...

Hai: Mô hình cạnh tranh trong khâu phân phối như được sử dụng ở Bắc Ailen, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bỉ.

Ba: Mô hình cạnh tranh trong khâu sản xuất, trong mô hình này công ty truyền tải có quyền lựa chọn nhà cung cấp, còn khách hàng dùng điện không được chọn nhà cung cấp.

Bốn: Mô hình cạnh tranh trong cả khâu sản xuất lẫn phân phối, khách hàng lớn có thể ký hợp đồng trực tiếp mua điện từ công ty truyền tải như ở Chi lê, Argentina, Anh, Đan Mạch, Hà lan… hiện đang áp dụng.

Biểu giá điện bậc thang trên thế giới có gì đặc biệt:

Biểu giá điện bậc thang (Energy Ladder hay Laddered Electricity Tariff) là biểu giá theo hướng tăng dần - tức càng dùng nhiều giá càng cao, được xem là mô hình khá phổ biến trên thế giới hiện nay, khi hiểu rằng: Với nguồn tài nguyên năng lượng ngày càng khan hiếm, chi phí cho mỗi kWh được sản xuất thêm ở đa số các quốc gia sẽ ngày càng tăng. Mục tiêu chính nhằm khuyến khích giảm chi phí sản xuất và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

1/ Cách làm của Đức:

Theo hãng tin Anh Reuters cập nhật trung tuần tháng 10/2022: Chính phủ Đức hiện đang có kế hoạch áp dụng giới hạn giá điện cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp để giảm bớt tác động của chi phí năng lượng tăng cao. Berlin đang xem xét cắt giảm lợi nhuận của một số công ty điện lực. Không giống như đề xuất cứu trợ cho người tiêu dùng khí đốt, dự thảo không bao gồm khoản thanh toán một lần để trang trải hóa đơn tiền điện một tháng trong năm nay. Theo đó, Chính phủ có thể cắt bỏ 90% lợi nhuận từ điện năng mà các công ty điện lực thực hiện trên chi phí sản xuất. Với thông báo trên cổ phiếu của RWE (RWEG.DE), nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức bị giảm hơn 1,5%.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Môi trường Đức (EPRC): Đức áp dụng biểu giá theo 2 thiết kế, 3 bậc thang để khuyến khích tiết kiệm điện, đồng thời đưa ra chính sách thưởng phạt rõ ràng. Nhờ mô hình rõ ràng hơn nên Đức tiết kiệm rất nhiều năng lượng. Với cách tính giá điện bậc thang của Đức, cùng với kinh nghiệm của bang California, một số nghiên cứu của Mỹ về tác động dự đoán của biểu giá bậc thang đã chỉ ra rằng: Đa dạng hơn các mô hình giá khác nhau sẽ mang lại hiệu quả. Đặc biệt, làm giảm tiêu dùng trong các hộ gia đình tư nhân từ 6 ‐ 10% trong trung hạn và tới 20% trong dài hạn; các hộ gia đình có thể giảm đến 25% hóa đơn tiền điện.

“Mức tiêu thụ điện trung bình trong các hộ gia đình tư nhân ở California ~ 6.000 kWh/năm; Đức ~ 3.400 kWh/năm. Như vậy, mức tiết kiệm điện và hiệu quả chi phí liên quan rất quan trọng vào thiết kế biểu giá” - Tiến sĩ Kerstin Tews - chuyên gia năng lượng ở EPRC cho hay.

- Thiết kế A: Mô hình thang giá 3 bậc cố định (các bậc được xác định theo mức tiêu thụ trung bình ở các khu dân cư theo hộ gia đình của Đức (3.400 kWh)/năm:

+ Bậc 1: > 60% (mức tiêu thụ trung bình hàng năm) = 19 €ct/kWh.

+ Bậc 2: 61 ‐ 100% = 30 €ct/kWh.

+ Bậc 3: <100% = 35 €ct/kWh.

- Thiết kế B: Mô hình thang giá 3 bậc có thể thay đổi theo mức tiêu dùng trung bình của mỗi hộ gia đình, có 4 dạng hộ gia đình với mức tiêu dùng trung bình tương ứng, độc thân, cặp vợ chồng, gia đình nhỏ (3 người), gia đình lớn (>4 người).

Định nghĩa chính thức về các bậc thang giá như trong Thiết kế A là > 60%, 61‐100% và > 100%. Ảnh hưởng chi phí so với biểu giá tiêu chuẩn (69 euro €/năm + 19 €ct trên mỗi kWh tiêu thụ) theo phản ứng của người tiêu dùng là (1) tiêu thụ điện không thay đổi và (2) giảm tiêu thụ 10%.

2/ Kinh nghiệm của bang California (Mỹ) và Ý:

Ý và California đã áp dụng giá điện bậc thang từ những năm 1970 do hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ nhằm giảm nhu cầu và vì các lý do xã hội khác. Ngày nay, cơ cấu biểu giá bậc thang là bắt buộc (không có lựa chọn rút lui) cho tất cả các hộ gia đình không phân biệt nhà cung cấp (như ở Ý) và chỉ dành cho khách hàng của các dịch vụ công ích lớn (IOU) ở California (77% tổng số hộ gia đình) nhưng không có quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp (do lãnh thổ dịch vụ công ích) - điều này có nghĩa không có thị trường tự do hóa/không có cạnh tranh cho khách hàng giữa các dịch vụ công ích.

Ý đã thay đổi thiết kế giá điện để làm cho nó tương thích với các điều kiện của thị trường tự do hóa. Chỉ dùng giá điện bậc thang bắt buộc đối với những thành phần của giá điện không có cạnh tranh: Giá lũy tiến 4 bậc cho tất cả các hộ gia đình đều trả tiền đồng nhất cho mạng lưới điện theo bậc. Nhà cung cấp phải chuyển giao cho một quỹ bình đẳng hóa [cassa conguaglio], đơn vị vận hành lưới điện được trả tiền vận hành theo chi phí thực từ quỹ tiền điện (2 bậc lũy tiến).

3/ Nhật Bản và các nước ASEAN:

Tại Nhật Bản, giá điện sinh hoạt tại nước này cũng được áp dụng tương tự cách tính bậc thang ở các nước khác theo công thức chung.

Vì dụ, giá điện được cung cấp bởi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO): Giá cơ bản + Giá lượng điện sử dụng (tính theo bậc thang) + Thuế năng lượng. Phí cơ bản ở Nhật Bản là mức phí cố định phải trả cho dù không dùng (tương tự như khoản 69 euro €/năm của Đức nêu trên). Khoản phí này thường phụ thuộc vào hợp đồng giữa người sử dụng và công ty.

Tại các nước trong khối ASEAN, biểu giá điện của Thái Lan quy định hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng có 7 bậc thang lũy tiến, hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng có 3 bậc, hay tại Malaysia, biểu giá điện lũy tiến 10 bậc, Philippines lũy tiến 8 bậc...

Việt Nam đề xuất biểu giá điện bậc thang mới:

Việt Nam đã từ lâu áp dụng biểu giá điện bậc thang. Mới đây, Bộ Công Thương vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới.

Trong đề xuất đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương dự kiến rút cách tính giá điện xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc (rút gọn bậc 1 và 2); bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước.

Như vậy, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng.

Theo Bộ Công Thương: Sự điều chỉnh này dựa trên cơ sở giá điện phản ánh vào chi phí sản xuất - tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng. Bởi cơ cấu giá điện hiện nay chỉ có một thành phần cho tất cả hộ tiêu dùng, nên dẫn tới việc giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho khối sản xuất (sử dụng nhiều điện năng) để cân bằng doanh thu. Đây là cơ sở để bảo đảm chi phí phát sinh cho từng khâu.

Phương án tính giá điện theo 4 bậc được đánh giá là đơn giản trong áp dụng, phù hợp với xu thế cải tiến thay cho biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện tại được áp dụng từ 2014, chia 6 bậc thang, nhưng đang bộc lộ nhiều bất hợp lý, nhất là khi nhóm khách hàng thấp (50 kWh) đang giảm dần, nhóm trung bình và cao (200 - 300 kWh và trên 301 kWh) đang tăng nhanh chóng./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(THEO: EC/CCU/EG/BGC/CPO/BVN - 10/2022)


Link tham khảo:

1/ https://www.electricrate.com/data-center/electricity-prices-by-country/

2/ https://www.cable.co.uk/energy/worldwide-pricing/

3/ https://www.epa.gov/green-power-markets/power-market-structure

4/ https://www.reuters.com/business/energy/germany-presents-plans-skimming-power-prices-nov-18-2022-10-19/

5/ https://blog.gaijinpot.com/understanding-your-tepco-electricity-bill/

6/ https://baochinhphu.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-cach-tinh-gia-dien-moi-102221005221059432.htm

7/ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-mo-hinh-thi-truong-dien-va-phuong-phap-dinh-gia-2557.htm

8/ http://climatepolicyinitiative.org/wp-content/uploads/2011/12/Tews_Progressive-Tariffs-for-Residential-Electricity-Consumption.pdf

9/ file:///C:/Users/admin/Downloads/energies-15-05980%20(2).pdf

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động