RSS Feed for Tập trung đầu tư lưới truyền tải đồng bộ với nguồn điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 22:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tập trung đầu tư lưới truyền tải đồng bộ với nguồn điện

 - Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XI) đã nêu định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện, trong đó, phát triển lưới điện truyền tải (LÐTT) đồng bộ, phù hợp tiến độ vận hành các nhà máy điện. Chính phủ cũng đã khẳng định, ưu tiên số một hiện nay là phát triển LÐTT và chỉ có phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn điện thì mới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý...

 

Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc NPT

Nhu cầu bức thiết

Theo thống kê của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tỷ lệ thực hiện phát triển hệ thống LÐTT theo Quy hoạch điện VI chỉ đạt gần 60%. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn đầu từ và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng đã dẫn đến tình trạng lưới không theo kịp nguồn làm cho hệ thống LÐTT hiện nay luôn trong tình trạng quá tải, nhất là hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam, dẫn đến tăng tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ trên hệ thống lưới điện.

Trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt nhà máy điện tiếp tục đi vào vận hành nên LÐTT càng phải tiếp tục vận hành trong tình trang đầy và quá tải. Trong khi đó, tình hình phụ tải tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tăng đột biến, có khả năng thiếu điện do quá tải các hệ thống LÐTT. Đồng thời, trong những năm gần đây, tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Mình vẫn chưa có trạm biến áp (TBA) 220 kV mới nào được đưa vào vận hành mà chủ yếu là nâng công suất các trạm biện có.

Theo Quy hoạch điện VII, phải đầu tư phát triển LÐTT đạt tiêu chuẩn N-1 cho các thiết bị chính (có dự phòng). Phát triển LÐTT phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật các nước trong khu vực. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015: tổng công suất các TBA 220/500 kV phải đạt gần 53 nghìn MVA; tổng chiều dài ÐD 220/500 kV phải đạt gần 14.500 km.

Ðược EVN giao trách nhiệm chính trong việc phát triển LÐTT, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) cho biết, dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư LÐTT cần thu xếp trong năm 2012 là 13.985 tỷ đồng, tăng hơn 30% so năm 2011, trong khi đó tình hình tài chính của NPT cũng như EVN chưa được cải thiện, việc huy động vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu sẽ tiếp tục là khó khăn đối với NPT. Dự kiến, sản lượng điện truyền tải năm 2012 lên tới 99 -100 tỷ kWh, tăng 9,4 - 10,5% so năm 2011, đến năm 2015 sẽ đạt 160 - 180 tỷ kWh (gấp hai lần năm 2010).

Với mục tiêu LÐTT phải đi trước một bước, năm 2012, NPT nỗ lực hoàn thành và đưa vào vận hành 42 công trình LÐTT từ 110 đến 500 kV, trong đó có nhiều dự án quan trọng.


 

"Ðịnh mức chi phí khâu truyền tải 77,51 đồng/kWh là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN đã gây ảnh hưởng các chi phí hoạt động" - (Trần Quốc Lẫm)
 

Nan giải vốn và mặt bằng

Một trong những khó khăn lớn nhất của phát triển LÐTT vẫn là nguồn vốn. Theo Quy hoạch điện VII, mỗi năm trung bình cần khoảng năm tỷ USD đầu tư nguồn và lưới điện, trong đó riêng nhu cầu vốn phát triển LÐTT giai đoạn 2011 - 2020 là hơn 210 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư phát triển điện lực; giai đoạn 2021 - 2030 là 494 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,5%.  

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, NPT phải hoàn thành khoảng 121 dự án điện 220 kV và 500 kV, với tổng vốn đầu tư hơn 116 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần là 84,6 nghìn tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 31,4 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phải cắt giảm đầu tư công thì việc bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện là hết sức khó khăn. Ðịnh mức chi phí khâu truyền tải 77,51 đồng/kWh là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN, làm ảnh hưởng các chi phí hoạt động.

Năm 2011, NPT tiếp tục không đạt đủ tỷ lệ vốn đối ứng 15% cho đầu tư, nguồn thu từ khấu hao không bảo đảm trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Việc thu xếp các nguồn vay mới từ các tổ chức tài chính trong nước không đạt kế hoạch, do lãi suất vay luôn theo chiều hướng tăng cao, các ngân hàng bị hạn chế tín dụng, điều kiện cho vay với NPT đã vượt quá giới hạn cho phép.

Khó khăn hơn nữa, từ ngày 15 - 4 - 2011, gần như tất cả các hợp đồng vay đã được ký kết của NPT bị dừng giải ngân để xem xét lại các điều kiện cho vay. Nhiều dự án đã có hợp đồng vay nhưng bị dừng giải ngân, thiếu vốn tự có để thực hiện giải ngân cho công tác đền bù, các dự án chống quá tải và một số dự án cấp bách đã khởi công nhưng chưa thu xếp đủ nguồn vốn như lưới điện đồng bộ với các dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, Mạo Khê; Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát...

Một vấn đề nan giải nữa là giải phóng mặt bằng (GPMB), làm chậm tiến độ nhiều công trình, đội kinh phí đầu tư. Ðiển hình là ÐD 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa, Hiệp Hòa - Quảng Ninh, Pleiku - Phước Mỹ - Cầu Bông, ĐD 220 kV ĐăkNông - Phước Long - Bình Long… nhằm giải tỏa các công suất của nhà máy thủy điện trên cả nước.

Khó khăn chậm trễ về giải phóng mặt bằng có nhiều nguyên nhân, trong đó cá biệt nhiều địa phương không mặn mà khi phải lo mặt bằng dự án LÐTT Quốc gia đi qua. Thậm chí có lãnh đạo huyện còn nói rằng, dự án đầu tư ÐD hay TBA phân phối (phục vụ trực tiếp địa phương) còn thiết thực hơn là dự án quốc gia (220/500 kV). Chính vì suy nghĩ này mà nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, dẫn đến người dân "chây ỳ", đòi giá đền bù theo thị trường chứ không chấp nhận đơn giá do Nhà nước quy định, gây khó khăn cho NPT.

Chung tay vào cuộc

Dù rất nỗ lực song việc huy động vốn và GPMB vẫn ngoài tầm kiểm soát của NPT, chỉ riêng NPT sẽ không đủ sức giải quyết. Đều đáng mừng là năm 2012 EVN đã chọn là năm truyền tải. Đây chính là thuận lợi cơ bản để toàn ngành vào cuộc đồng bộ, cùng với Bộ Công Thương sẽ có sự quan tâm chỉ đạo cũng như làm việc với các bộ, ngành, địa phương về cơ chế, chính sách đặc thù để giúp NPT có điều kiện đầu tư, xây dựng các dự án truyền tải đúng tiến độ.

Theo Quyết định số 44/2011/QÐ-TTg, LÐTT thuộc danh mục các dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh của Chính phủ, do đó, Bộ Tài chính xem xét, cấp bảo lãnh của Chính phủ và miễn thẩm định cho vay đối với tất cả các dự án LÐTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VII.

Bộ Công Thương cần sớm đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù đối với các dự án đã được phê duyệt và cần bổ sung, tạo điều kiện cho NPT thuận lợi trong hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và huy động vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ NPT trong việc thu xếp vốn cho các dự án để bảo đảm cấp điện cho khu vực miền Nam sau năm 2013, nhất là các dự án ÐD và TBA 500 kV khu vực phía nam...

Với đặc thù LÐTT do Nhà nước độc quyền sở hữu, là cơ sở hạ tầng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, do đó, Chính phủ xem xét việc đầu tư LÐTT là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, do vậy các dự án này được sử dụng các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Nhà nước và nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong nước để đầu tư. Cần có lộ trình và sớm tăng phí truyền tải theo yêu cầu của các tổ chức tài chính, qua đó để NPT đạt các chỉ tiêu tài chính theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho đầu tư và phát triển LÐTT. Ðược biết, NPT đang đề nghị với EVN cho vay lại các khoản vay ODA với lãi suất bằng lãi suất của nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam vay.

Công tác đền bù GPMB, thỏa thuận đầu tư các dự án LÐTT gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, nhất là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ðể thuận lợi bố trí quy hoạch sử dụng đất cho các dự án điện, ngay sau khi quy hoạch điện lực các tỉnh và toàn quốc được phê duyệt, Bộ Công Thương xem xét cho phép NPT được chỉ định các đơn vị tư vấn có năng lực thực hiện công tác cắm mốc hành lang tuyến, chi phí thực hiện được hạch toán vào phí truyền tải.

Các cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố có dự án LÐTT đi qua cần bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương cho các công trình nguồn điện, LÐTT được duyệt trong quy hoạch này và các công trình lưới điện phân phối được duyệt trong các quy hoạch phát triển điện lực địa phương. Chủ trì, quyết liệt vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện đáp ứng tiến độ được duyệt.

NPT sẽ rà soát đánh giá lại toàn bộ quy hoạch lưới điện để ưu tiên đầu tư công trình trọng điểm, đề xuất EVN cân đối công tác quy hoạch, tiết kiệm hành lang tuyến, thay thế bằng nhiều cấp điện áp khi thi công các công trình.

Tiếp tục áp dụng công nghệ mới, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng truyền tải. Tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc và thực hiện các công đoạn trong thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo đúng kế hoạch; tập trung quyết liệt cho công tác GPMB, nhất là các công trình cấp bách, báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tăng cường chủ động bám sát các địa phương, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh nhằm bảo đảm tiến độ công tác bồi thường GPMB dự án.

Trần Quốc Lẫm

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động