RSS Feed for Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 06/05/2024 14:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách

 - Tại TP Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa tổ chức thành công hội thảo “Triển khai Quy hoạch điện VIII - Những thách thức và gợi ý chính sách”.
Khai thác nguồn thủy năng theo Quy hoạch điện VIII - Những vấn đề cần quan tâm Khai thác nguồn thủy năng theo Quy hoạch điện VIII - Những vấn đề cần quan tâm

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch, thủy điện nhỏ, thủy điện cột nước thấp, mở rộng công suất các nhà máy thủy điện đang vận hành, điện thủy triều và thủy điện tích năng. Nhưng để nhanh chóng triển khai, chúng ta cần đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư. Riêng thủy điện tích năng, cần có chính sách cụ thể về giá mua - bán điện hợp lý để các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển. (Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Theo tính toán về thời gian đầu tư dự án điện khí, điện gió ngoài khơi: Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành, nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí trên 10 năm, trong khi kinh nghiệm phát triển nguồn điện này ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhưng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 (chỉ còn 7 năm), công suất của 2 nguồn điện nêu trên phải đạt 28.400 MW... Vậy giải pháp nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra? Tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII

Kiểm điểm giai đoạn trên 10 năm phát triển nguồn điện ở Việt Nam vừa qua đã cho thấy: Chậm trễ (thậm chí không thể triển khai đầu tư) nhiều nguồn điện truyền thống do bế tắc về vốn đầu tư, nhiên liệu, quy định pháp luật, công tác điều hành, năng lực của một số chủ đầu tư... Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích nguyên nhân cản trở tiến độ phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII.

Đề xuất mô hình và chính sách hiện thực hóa mục tiêu điện LNG theo Quy hoạch điện VIII Đề xuất mô hình và chính sách hiện thực hóa mục tiêu điện LNG theo Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định, an toàn hệ thống điện quốc gia. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn điện này, rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

Phê duyệt Quy hoạch điện VIII - Phân tích một số nội dung mới ‘quan trọng’ và ‘cần thiết’ Phê duyệt Quy hoạch điện VIII - Phân tích một số nội dung mới ‘quan trọng’ và ‘cần thiết’

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Dưới đây là tổng hợp về nội dung chính và phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về một số “điểm nhấn” rất quan trọng, cần thiết trong Quy hoạch lần này.

Quy hoạch điện VIII - Làm rõ những thách thức và thảo luận, gợi ý chính sách mới
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo được chia thành ba phiên. Phiên thứ nhất: Nhận diện thách thức đối với nhà đầu tư nguồn và lưới điện; phiên thứ hai: Những dự án quan trọng, ưu tiên và chính sách, giải pháp triển khai của Nhà nước và phiên thứ ba: Chính sách, giải pháp về vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng dịch vụ.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu mục đích của hội thảo là: Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế triển khai các Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2016 - 2020, có xét đến năm 2030), chuyển sang bắt đầu thực hiện “Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch điện VIII), cần thiết có các góp ý về chính sách và pháp luật cho Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Quốc hội. Cũng là dịp để các bên liên quan trao đổi với nhau về những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII và đóng góp những đề xuất về chính sách và quy định pháp luật cho việc thực hiện tốt và hiệu quả Quy hoạch.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo.

Trong phần dẫn đề, ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam điểm lại những khó khăn trong việc thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Cụ thể, trong các dự án nguồn điện chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch điện VIII, còn 4 dự án/chuỗi dự án đã chậm trễ nhiều năm (bao gồm Nhiệt điện than Long Phú 1; Chuỗi LNG, điện Sơn Mỹ; Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn; Chuỗi khí, điện Cá Voi Xanh). Tổng công suất các dự án này lên tới 12.600 MW, chiếm 20% tổng công suất nguồn nhiệt điện năm 2030 và chiếm 37% tổng công suất nguồn nhiệt điện xây dựng từ năm 2021 đến năm 2030.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Câu hỏi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đưa ra là: Tất cả các dự án nêu trên đều đang có vướng mắc, những vướng mắc này là do cơ chế chính sách, hay do chủ quan trong quá trình thực hiện? Nguyên nhân chậm trễ từ đâu và khả năng tháo gỡ đến đâu?

Cũng trong Quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển tới 22.400 MW các dự án điện LNG từ nay đến năm 2030 có khả thi? Trong khi mới chỉ có 2 dự án (tổng công suất khoảng 2.800 MW) đã khởi công, mà vẫn chưa ký kết được hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN? Chủ yếu các vướng mắc này đều xuất phát từ các quy định của cơ chế chính sách hiện hành, hay nguyên nhân nào khác?

Còn về quy mô điện gió đến năm 2030 lên tới 27.880 MW (trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW) cũng sẽ là thách thức lớn, khi hiện nay mới có tổng cộng hơn 4.000 MW đã vào vận hành. Việc phân bổ công suất các nguồn điện gió theo các địa phương, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu và điều kiện kỹ thuật của toàn hệ thống với nhu cầu các địa phương để từ đó lựa chọn được nhà đầu tư phát triển dự án sẽ là bài toán không dễ dàng.

Vậy để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII có cần thiết bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật hiện hành? Còn thiếu cơ chế gì cho thực hiện? Có cần cơ chế, chính sách đặc thù không? Kế hoạch cho từng giai đoạn đến năm 2030 sẽ được lập ra sao? Vai trò của Quốc hội, các cơ quan quản lý ngành, cũng như vai trò của các doanh nghiệp tham gia đầu tư sẽ như thế nào? v.v...

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Hoàng Đăng Khoa - Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo trình bày tham luận: Thách thức trong triển khai Quy hoạch điện VIII tới năm 2030 và một số nhận định.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), ông Hoàng Đăng Khoa đã giải thích rõ hơn về quá trình phát triển thành công của ngành Điện lực Việt Nam, mà phần lớn là do đã có các quy hoạch đúng hướng và tuân thủ khá tốt. Tuy vậy, kỷ luật thực hiện các quy hoạch gần đây, cụ thể là Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) còn chưa tốt. Nhiều dự án đã lên nằm trong quy hoạch nhưng bị địa phương từ chối, hoặc nhiều dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ nhiều năm.

Kịch bản đặt ra cho Quy hoạch điện VIII là: Theo Nghị quyết 81 của Quốc hội về Quy hoạch quốc gia, GDP từ nay đến 2030 tăng trung bình 7%/năm, nên dự báo nhu cầu điện cũng tăng rất cao, 8,8%/năm. Phụ tải đạt Pmax 90,5 GW vào năm 2030 đòi hỏi tổng công suất các loại nguồn điện đạt đến 150 GW. Đồng thời chúng ta phải thực hiện cam kết Net Zero, cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) rất khắc nghiệt, với nhiều thách thức lớn. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.

Để thực hiện Quy hoạch điện VIII cần số nhu cầu vốn đầu tư trung bình 13,5 tỷ USD/năm, trong đó 12 tỷ USD cho nguồn và 1,5 tỷ USD cho lưới điện trong bối cảnh EVN và các công tynhà đầu tư khác gặp khó khăn trong huy động vốn cho những công trình lớn. Các ngân hàng trong nước cũng đã vượt mức tín dụng cho các dự án điện.

Thời gian còn lại để triển khai Quy hoạch điện VIII không nhiều, tính đến năm 2030 chỉ còn hơn 7 năm. Vì vậy, việc việc thực hiện các dự án trong Quy hoạch là hết sức cấp bách. Tham luận của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành năng lượng.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Trần Anh Khoa - Phụ trách Ban nguồn và Phát triển thị trường (Tổng công ty Khí Việt Nam) trình bày tham luận: Quy hoạch điện VIII - Vai trò, cơ hội và thách thức đối với PV GAS.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đi sâu hơn về các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII. Cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhưng phải đảm bảo phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng truyền tải, giá cả hợp lý. Do đó cùng với các nguồn NLTT, phải kết hợp phát triển nhiệt điện khí trong nước, với nhập khẩu và lưu trữ LNG. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

Ông Trần Anh Khoa đại diện PV GAS nhận định: Nguồn điện LNG đóng vai trò rất lớn trong Quy hoạch điện VIII nhờ tính chủ động và linh hoạt trong vận hành; khả năng giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm khác. Nhưng việc triển khai hạ tầng và dự án điện LNG hiện rất khó khăn. Cụ thể là hiện tại chúng ta vẫn chưa có khung giá điện LNG, chưa có cơ chế chuyển tiếp ngang giá nhiên liệu LNG sang giá điện. Mặt khác, hạ tầng nhập khẩu LNG gần như chưa có gì ngoài kho cảng còn nhỏ bé của PV GAS. Do đó, PV GAS Việt Nam cần xem xét tập trung xây dựng các khu cảng - kho lớn; mua nhập khẩu - tồn trữ và khí hóa LNG tại những đầu mối lớn (hub); sau đó phân phối cho các nhà máy điện trong khu vực, thay vì có 15 cảng, kho, hạ tầng khí hóa cho 15 nhà máy điện LNG rải rác dọc các tỉnh ven biển như trong Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn T&T trình bày tham luận: Những vướng mắc về chính sách và khó khăn trong triển khai Quy hoạch điện VIII - Các đề xuất và kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó tổng giám đốc T&T Group - một Tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam trong đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) nêu hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Cụ thể, khung giá điện mới cho NLTT chưa có, khung giá cho các dự án chậm trễ so với cơ chế FIT và được chuyển tiếp có mức thấp hơn hẳn so với giá FIT. Bên cạnh đó là việc bãi bỏ thỏa thuận giá cố định trong 20 năm, bỏ cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng. Đồng thời không có cam kết sản lượng tối thiểu EVN phải mua. Câu hỏi đặt ra của T&T Group là: Các dự án sắp tới không biết theo cơ chế giá thế nào? Quy định cụ thể về cơ chế để tư nhân tham gia vào truyền tải chưa được ban hành và quy định về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) vẫn chưa có.

“Thực tế cho thấy, miền Bắc có tiềm năng NLTT (gió, mặt trời) thấp hơn các tỉnh miền Trung và miền Nam, nếu ban hành giá đồng nhất sẽ bất lợi cho các nhà đầu tư miền Bắc, trong khi miền Bắc đang thiếu điện. Do đó, nên có khung giá điện riêng cho từng vùng miền. Vấn đề cấp chứng chỉ carbon cho NLTT có thể là một cách để tăng thu nhập cho nhà đầu tư vào nguồn năng lượng, hài hòa lợi ích” - Bà Nguyễn Thị Thanh Bình nêu quan điểm.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Guo Haifeng - Thành viên nhóm chuyên gia của Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (kiêm Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Namtha 1 Lào) trình bày tham luận: Các giải pháp tăng cường an ninh và tính linh hoạt cho hệ thống điện của Việt Nam trong QHĐ VIII.

Công ty TNHH Quốc tế Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) rất quan tâm tới hệ thống điện Việt Nam, do vậy tại diễn đàn này, CSG đã có những chia sẻ kinh nghiệm, có những đề xuất hợp tác và sẵn sàng cùng đầu tư.

Ông Guo Haifeng - Thành viên nhóm chuyên gia của Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (kiêm Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Namtha 1 Lào) cho biết: Trung Quốc đã cải cách giá điện liên tục từ 2014 đến nay, áp dụng điện hai giá (giá công suất và giá năng lượng). Nhờ đó thủy điện tích năng đã phát triển mạnh mẽ. CSG đánh giá nhu cầu về lưu trữ bằng pin hay thủy điện tích năng là rất cần thiết để Việt Nam tích hợp các nguồn NLTT, nhưng vai trò của thủy điện tích năng được cho là có nhiều ưu thế. Truyền tải điện một chiều siêu cao áp HVDC còn hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng CSG đã có kinh nghiệm nhiều năm về đầu tư xây dựng và vận hành đường dây HVDC, sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Anh Tú - Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình bày tham luận: Thực hiện các dự án điện được giao - khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy các dự án điện.

Tham luận của EVN đã làm rõ hơn về hiện trạng hệ thống điện, bối cảnh và tư duy của Quy hoạch điện VIII, các kịch bản và mục tiêu đặt ra cho năm 2030, năm 2050.

Ông Nguyễn Anh Tú - đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Đến cuối năm 2022, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%.

Dù đã đa dạng hóa nguồn điện và một phần nhỏ lưới điện, các dự án EVN đảm nhận trong Quy hoạch điện VII khá nhiều. Trong đó có những dự án có tầm quan trọng quốc gia, dự án tăng sự linh hoạt của hệ thống để có thể hấp thụ nhiều NLTT hơn. Tổng cộng EVN đã hoàn thành 90 công trình và trình chủ trương đầu tư 280 công trình điện.

EVN cho rằng: Cần có những chính sách tháo gỡ các vướng mắc. Ví dụ hai luật (Xây dựng và Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh) đòi hỏi hai cơ quan khác nhau cùng phê duyệt một bộ hồ sơ nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở của một dự án, khiến thời gian phê duyệt kéo dài.

Đến nay, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư các dự án có tính chất quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước thực hiện. Thủ tục PCCC, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng kéo dài. EVN đã đưa ra nhiều đề xuất về việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Stuart Livesey - Tổng giám đốc COP Việt Nam và Điện gió La Gan trình bày tham luận: Thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc khởi tạo các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông Stuart Livesey - Tổng giám đốc COP Việt Nam và Điện gió La Gan giới thiệu về công ty mẹ Tập đoàn, các đối tác hạ tầng Copenhagen (CIP) là công ty phát triển điện gió ngoài khơi giàu kinh nghiệm trên toàn thế giới. Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió tốt, tới 260 GW (chỉ với loại điện gió có móng cố định ở vùng nước nông).

Mục tiêu của Quy hoạch điện VIII có 6 GW điện gió ngoài khơi (không bao gồm xuất khẩu) vào năm 2030 khá tham vọng. Để làm được điều đó, trong kế hoạch triển khai Quy hoạch cần xác định công suất, địa điểm và thời gian của các dự án được chọn để phát triển. Việt Nam cần có phương án cho thuê đáy biển thích hợp và cho phép độc quyền khảo sát tại địa điểm đó. Mặt khác, cần có một mặt bằng giá mua điện hợp lý, thỏa thuận minh bạch, vì điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn lớn nên phải có ngân hàng bảo lãnh dài hạn.

Theo kinh nghiệm của Công ty COP Việt Nam và Điện gió La Gàn: Thời gian khảo sát một dự án điện gió ngoài khơi cần 2 - 3 năm. Từ khi khảo sát đến lúc vận hành dự án cần thời gian mất 6 - 7 năm. Còn về hiệu của kinh tế của điện gió ngoài khơi, công suất tối thiểu phải đạt 500 MW mới có hiệu quả.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Jacques-Etienne Michel - Giám đốc Đại diện Quốc gia Equinor Vietnam trình bày tham luận: Đề xuất cơ chế, chính sách áp dụng cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Equinor đến từ Na Uy với kinh nghiệm phát triển các công trình dầu khí và điện gió qua 5 thập kỷ đã đưa ra những đề xuất cho chính sách phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu cho năm 2030 đã nêu trong Quy hoạch điện VIII. Equinor cho rằng: Nên chia sẻ các dự án ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước khoảng 2 - 3 GW, cộng thêm các dự án xuất khẩu điện. Còn 3 - 4 GW cần phải coi là dự án thí điểm và chọn nhà phát triển có năng lực và kinh nghiệm phù hợp nhất. Trong dài hạn, các quy định liên quan đến điện gió ngoài khơi sẽ dần hoàn thiện dựa trên kinh nghiệm có được từ các dự án thí điểm.

Theo ông Jacques-Etienne Michel - Giám đốc Đại diện Quốc gia Equinor Vietnam: Để phát triển một dự án điện gió ngoài khơi cần 7 - 10 năm, với nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, trước hết cần có quy hoạch không gian biển. Sau đó cần giao khu vực khảo sát độc quyền cho nhà đầu tư theo cơ chế thí điểm. Nhà đầu tư có thể chịu trách nhiệm truyền tải phần ngoài khơi, nhưng phần trên bờ, EVN phải đảm bảo đầu tư và kết nối đúng thời hạn. Cùng với đó, vấn đề giá mua điện phải minh bạch ngay từ đầu, kèm với sản lượng cam kết để hợp đồng mua bán điện có thể được ngân hàng chấp nhận cho vay vốn. Equinor sẵn sàng làm việc với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam để phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp (Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank) trình bày tham luận: Tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tại Việt Nam - Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp (Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank) giới thiệu các gói tín dụng xanh có nguồn vốn từ các quỹ quốc tế cho phát triển NLTT (điện mặt trời và điện gió). Những nguồn vốn này từ HD Bank đã giúp phát triển được 1.198 MW điện NLTT ở Việt Nam.

Tuy vậy, cơ chế giá cho điện NLTT không mang tính lâu dài, nhất quán, trong khi rủi ro về tỷ giá luôn tồn tại. Khoản cho vay NLTT mang tính dài hạn 8 - 12 năm mới hoàn vốn. Nhưng hiện tại, các tiêu chuẩn lắp đặt điện mặt trời mái nhà đến nay chưa được quy định rõ ràng. Các tiêu chuẩn đã có về NLTT lại có khoảng cách so với tiêu chuẩn của các nhà tài trợ quốc tế - chủ nguồn vốn tín dụng xanh.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó chủ tịch Công ty CP Hạ tầng GELEX (Tập đoàn GELEX) trình bày tham luận: Rủi ro trong đầu tư năng lượng tái tạo và đề xuất chính sách.

Trong bài tham luận “Rủi ro trong đầu tư năng lượng tái tạo và đề xuất chính sách, từ góc nhìn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó chủ tịch Công ty CP Hạ tầng GELEX đã bày tỏ sự thông cảm với các nhà làm chính sách, vì chỉ qua các bài trình bày trước cũng cho thấy có quá nhiều thách thức, áp lực trong triển khai Quy hoạch điện VIII, đòi hỏi phải có điều chỉnh hàng loạt các chính sách và phải cân đối rất nhiều yêu cầu, ưu tiên đặt ra.

Nhưng từ góc độ nhà đầu tư (toàn ngành), GELEX cho rằng: Vẫn phải nhìn nhận sự thật là nhà đầu tư nói chung đang thất bại và thiệt hại lớn, với tổng công suất trượt giá FIT là 4,7 GW, với gần 8 tỷ USD tổng mức đầu tư đã bỏ ra không có cơ hội hoàn vốn. Ngay cả các dự án đã đạt COD rất nhiều dự án (nhất là điện gió) hiệu quả thấp, nhiều trục trặc, không dễ có lãi với giá FIT. Do vậy, GELEX cho rằng: Các chính sách thời gian tới nếu không tạo cơ hội cho nhà đầu tư có lợi nhuận, cân bằng giữa mức rủi ro và lợi nhuận, thì rất khó thu hút được nhà đầu tư tham gia, nhất là các nhà đầu tư có quản trị chặt chẽ, bài bản.

Đại diện GELEX cũng nhấn mạnh: Về đề xuất chính sách, việc đưa ra cơ chế giá có lộ trình (thay vì thời hạn cứng và không có kịch bản sau đó) là cực kỳ quan trọng. Điều này giúp nhà đầu tư, ngân hàng và các bên liên quan có thể ra được quyết định một cách có cơ sở, có kịch bản/phương án phù hợp với khả năng và khẩu vị rủi ro thay vì chỉ mạo hiểm. Điều này càng đặc biệt cần thiết cho các dự án lớn, cần nguồn vốn quốc tế. Ngoài ra, cần có quy định về trách nhiệm, chia sẻ rủi ro từ cơ quan chức năng (như trong giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục, vấn đề truyền tải…).

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Koben Calhoun - Giám đốc Vùng, Đông Nam Á (Viện Rocky Mountain - RMI): Tăng cường tính linh hoạt của hệ thống điện Việt Nam để tích hợp năng lượng tái tạo.

Ông Koben Calhoun - Giám đốc Khu vực, Đông Nam Á của Viện Rocky Mountain giới thiệu hoạt động nghiên cứu và tư vấn của Viện trên thế giới. Ông chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế của Viện trong việc tăng cường tính linh hoạt của hệ thống điện để hỗ trợ tích hợp NLTT và cơ hội phát triển các nguồn linh hoạt.

Theo ông Koben Calhoun: Tăng cường tính linh hoạt của hệ thống không chỉ gói gọn trong việc thêm các nguồn điện linh hoạt. Nó bao gồm bốn lĩnh vực cần được nâng cấp: Nguồn phát linh hoạt, truyền tải linh hoạt, quản lý nhu cầu, và vận hành hệ thống một cách linh hoạt. Trong quản lý nhu cầu, Rocky Mountain giới thiệu khái niệm Nhà máy điện ảo, là các nguồn năng lượng phân tán (DER) được tích hợp vào lưới điện (Ví dụ: Các hệ thống pin lưu trữ, xe điện, bộ điều nhiệt thông minh, máy nước nóng...) để lưu trữ điện và giảm nhu cầu phụ tải đỉnh, hoặc đáp ứng nhu cầu phụ tải và nâng cao độ tin cậy của lưới điện. Việt Nam có thể tìm hiểu và lựa chọn những giải pháp tăng tính linh hoạt của hệ thống phù hợp với hệ thống điện và với giá cả thấp nhất đối với thị trường.

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, với đa số ý kiến cho rằng: Mục tiêu Quy hoạch điện VIII đặt ra là hợp lý cho nhu cầu tăng trưởng và giảm phát thải CO2, nhưng việc thực hiện hết sức thách thức. Nếu không có những thay đổi, đổi mới về cơ chế và chính sách thì Quy hoạch không thực hiện được. Vì vậy, cần phải tuyên bố rõ là hệ thống của chúng ta theo quy luật thị trường để nhà đầu tư an tâm. Và cho rằng: Hiện tại quá trình đàm phán các dự án điện LNG ở Việt Nam không có hồi kết cũng là vì vướng mắc thị trường.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Bà Anita H. Holgersen - Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, Equinor tại Việt Nam phát biểu thảo luận.

Các nhà đầu tư vẫn chờ quy hoạch không gian biển. Các đại biểu đề xuất cần phải mạnh dạn thí điểm trước khi có cơ chế lâu dài. Thực tế cho thấy, mỗi việc dự án trạm biến áp có phải đấu giá đất hay không mà hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Quy hoạch điện VIII - Thảo luận làm rõ những thách thức và gợi ý cơ chế, chính sách
Ông Phan Xuân Dương - Chuyên gia năng lượng phát biểu thảo luận.

Việt Nam có muốn đạt mục tiêu của Quy hoạch điện VIII hay không? Nếu muốn, thì điện gió ngoài khơi phải theo cơ chế thử nghiệm, bởi thời gian không còn đủ để làm luật xong mới thực hiện. Mặt khác, cần chọn đúng nhà đầu tư có năng lực thực hiện. DPPA là xu thế bắt buộc, cần đẩy nhanh hơn nữa, nhưng không làm méo tín hiệu thị trường điện.

Kết luận hội thảo, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Quốc hội đang trong quá trình điều chỉnh và hoàn chỉnh nhiều bộ luật. Luật Đất đai dự định thông qua tháng 10 này hy vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế. Về điện gió ngoài khơi, thì ngay cả muốn thí điểm cũng cần quyết định của Quốc hội.

Phát triển năng lượng tái tạo là đúng hướng tới Net Zero mà Việt Nam đã cam kết. Có điều phải đảm bảo khả năng hấp thụ và truyền tải của hệ thống. Nhu cầu vốn rất lớn cho Quy hoạch điện VIII từ cả trong nước lẫn nước ngoài cũng là vấn đề mà Quốc hội cần thảo luận tìm biện pháp khai thông chính sách.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Các tham luận đưa ra rất nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực và chi tiết. Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp lại và đưa vào tài liệu của đoàn Giám sát Quốc hội và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động