RSS Feed for Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ cuối]: Khuyến nghị cho các bên liên quan | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 09:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ cuối]: Khuyến nghị cho các bên liên quan

 - Tất cả các bên liên quan đều có vai trò trong việc làm cho thị trường carbon trở nên hiệu quả, đáng tin cậy hơn, góp phần thúc đẩy việc cắt giảm phát thải CO₂ nhiều hơn và thúc đẩy đổi mới các giải pháp năng lượng tái tạo. Dưới đây là bản tóm tắt các khuyến nghị dành cho từng bên liên quan nhằm tạo dựng niềm tin và tính nghiêm ngặt cho các hệ thống giao dịch carbon trên toàn cầu.
Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 4]: Thị trường carbon tự nguyện Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 4]: Thị trường carbon tự nguyện

Hội nhập thị trường carbon lớn hơn sẽ có lợi cho các thị trường carbon tự nguyện (Voluntary carbon markets - VCM) vốn bị chia cắt, tách biệt, cũng như thường thiếu hụt các tiêu chuẩn chung, thuật ngữ hợp đồng, khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thương mại.

Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 3]: Thị trường carbon tuân thủ Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 3]: Thị trường carbon tuân thủ

Trong năm 2023, có trên 20 thị trường carbon tuân thủ (compliance carbon markets - CCM) đi vào hoạt động trên khắp thế giới và một số thị trường khác dự kiến ​​sẽ ra mắt trong những năm tới tại Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), California (Hoa Kỳ), Québec (Canada) và các quốc gia như: Mexico, Hàn Quốc, New Zealand, cũng như các thực thể siêu quốc gia (như Hệ thống thương mại phát thải ETS của EU).

Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 2]: Điều 6 Thỏa thuận Paris - Những điểm cần lưu ý Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 2]: Điều 6 Thỏa thuận Paris - Những điểm cần lưu ý

Như đã biết, sau 6 năm đàm phán, các quy tắc Điều 6 Thỏa thuận Paris đã được nhiều quốc gia coi là một cột mốc quan trọng giúp phát triển thị trường carbon toàn cầu. Quy tắc này đã đặt nền tảng cho một hệ thống thương mại toàn cầu do Liên hợp quốc điều hành được mô phỏng theo Cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto.

Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 1]: Một số bài học cần quan tâm Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 1]: Một số bài học cần quan tâm

Trong chuyên đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam trân trọng giới thiệu với độc giả “Phân tích của hãng Deloitte về phát triển thị trường carbon toàn cầu” do các nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Dịch vụ Tài chính Deloitte (Deloitte Center for Financial Services) soạn thảo. Đây là những thông tin chuyên sâu về các vấn đề cấp bách nhất mà các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đang phải đối mặt, trong đó có lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

KỲ CUỐI: KHUYẾN KHỊ CHO CÁC BÊN LIÊN QUAN

Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cần làm rõ các hướng dẫn để xây dựng niềm tin:

Do tính chất phức tạp ngày càng gia tăng của hệ sinh thái giao dịch carbon, cũng như sự non trẻ của nhiều mạng lưới, nền tảng giao dịch, chính phủ và các cơ quan giám sát của nhiều nước trên thế giới có thể tăng uy tín cho thị trường carbon bằng cách ban hành hướng dẫn thực thi về phương cách tham gia vào thị trường giao dịch carbon. Cho dù các bên liên quan là nhà phát triển dự án ở cấp địa phương, hay các tập đoàn lớn có sự hiện diện toàn cầu, các bên liên quan cần có sự minh bạch rõ ràng về giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường. Các tổ chức khu vực công, nên hướng tới việc cung cấp hướng dẫn về các sáng kiến ​​lấy cảm hứng từ Điều 6 Thỏa thuận Paris nhằm làm rõ cách thức cấu trúc hợp đồng dành cho các loại tín chỉ carbon khác nhau, giúp các bên liên quan điều hướng các khu vực pháp lý khác nhau và hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các điều khoản, định nghĩa, quy tắc giao dịch tín chỉ carbon.

Những cải cách cần thiết để thúc đẩy thị trường carbon bao gồm:

1. Điều tra và khắc phục các cáo buộc về những hành vi sai trái (có thể bao gồm việc giao dịch các khoản tín chỉ carbon “ma” không còn tồn tại); liệt kê các khoản tín chỉ carbon không có sự thẩm định đầy đủ và các thao túng tín chỉ carbon đã được token hóa.

2. Sự hợp tác với chính phủ các nước và tổ chức siêu quốc gia khác. Chẳng hạn như các cơ quan liên kết của Liên hợp quốc, nhằm mục tiêu thống nhất các quy định về thị trường carbon, qua đó đạt được sự thống nhất cao hơn trên toàn cầu.

3. Thúc đẩy việc thiết lập các sàn giao dịch tập trung cho thị trường carbon tự nguyện. Ví dụ như Australia, Nhật Bản đã phát triển quy định về tín chỉ carbon do chính phủ ban hành nhằm hợp pháp hóa tài sản và thúc đẩy sự hợp nhất.

4. Cho phép giao dịch nhiều tín chỉ carbon chất lượng cao trên các thị trường tuân thủ.

5. Cung cấp hướng dẫn cho các thị trường hàng hóa carbon mới nổi, tương tự như cách mà Ủy ban điều tiết năng lượng Liên bang của Hoa Kỳ tư vấn về thị trường năng lượng và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cung cấp các hỗ trợ cho những sản phẩm nông nghiệp trong tương lai.

6. Thông qua luật thuế thúc đẩy phát triển đổi mới các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm gia tăng nguồn cung tín chỉ carbon dựa trên cơ sở công nghệ đổi mới sáng tạo.

7. Tạo ra các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy tính thanh khoản trong thị trường carbon bắt buộc. Ví dụ như Hàn Quốc bắt đầu cho phép các tổ chức tài chính tham gia ETS của mình và Trung Quốc cũng sẽ cho phép các giao dịch đối với các công cụ phái sinh.

Các công ty, các tổ chức đa quốc gia và liên minh khí hậu cần giải quyết những thách thức chung của lĩnh vực công nghiệp:

Do thị trường carbon toàn cầu thiếu một cơ quan giám sát duy nhất, nên các nhóm công nghiệp và liên minh phải tuân thủ các cam kết, tiêu chuẩn, mục tiêu chung. Các hiệp hội công nghiệp cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng dựa vào kiến ​​thức tập thể và khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, các liên minh cũng có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các hoạt động, cũng như khuyến khích sự tham gia nhiều hơn từ phía chính phủ, các bên trung gian và người mua.

Các hành động nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon bao gồm:

1. Soạn thảo các tiêu chuẩn tự nguyện để làm rõ cách thức các tổ chức và quốc gia có thể sử dụng tín chỉ carbon trong kế hoạch chuyển đổi, đồng thời chỉ định mức độ phù hợp của chúng đối với khuôn khổ khí phát thải CO₂ và cách thức công bố những hành động đó.

2. Làm việc với các sàn giao dịch chứng khoán (cả truyền thống và mới nổi) nhằm hỗ trợ các thị trường carbon (thông qua các sản phẩm, nền tảng, tiêu chuẩn niêm yết mới), đồng thời khuyến khích sự nhất quán trong hợp đồng và sản phẩm trên các thị trường carbon.

3. Phát triển và sử dụng các giấy chứng nhận nhằm nâng cao hiệu quả phát triển bền vững, thúc đẩy tính toàn vẹn cao của môi trường và trao quyền cho người dân bản địa, cộng đồng địa phương.

4. Thống nhất về giá cả carbon toàn cầu, hoặc thiết lập mức giá sàn dựa trên ngưỡng cho phép của các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi (có thu nhập cao) và nền kinh tế mới nổi (có thu nhập thấp).

5. Thiết lập và thực thi ngưỡng toàn cầu một cách dứt khoát để đền bù lượng carbon chất lượng cao. Những bản hướng dẫn này có thể cung cấp cách tiếp cận chung để công bố các tiêu chí đáp ứng đủ điều kiện, các thử nghiệm bổ sung và dữ liệu được kiểm toán của bên thứ ba đối với từng dự án.

Người mua - ưu tiên cắt giảm phát thải CO₂ và áp dụng cách tiếp cận nghiêm ngặt để kiểm tra việc bù trừ: Trách nhiệm của người mua là ưu tiên cắt giảm lượng khí thải CO₂ trong chuỗi giá trị của mình, sau đó sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ lượng khí thải CO₂ còn lại. Người mua cũng có thể tạo ra các khoản tín chỉ carbon chất lượng cao hơn bằng cách áp dụng các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt và công bố các tài sản “rác” (junk). Ngoài ra, họ cũng có thể hỗ trợ các tiêu chuẩn tự nguyện cho các tổ chức theo nhu cầu bằng cách sử dụng các phương pháp mới để tính toán tín chỉ carbon trong kế hoạch chuyển đổi.

Các hành động giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon bao gồm:

1. Phát triển các biện pháp kiểm soát rủi ro, tuân thủ và kiểm toán nội bộ để đánh giá chất lượng tín chỉ carbon, giám sát việc định giá và đánh giá xem tín chỉ carbon phù hợp như thế nào đối với kế hoạch quản lý carbon tổng thể của tổ chức, đơn vị. Đây được coi là một phần của quy trình giám sát chất lượng này, do đó, người mua nên có kế hoạch chuyển từ tín chỉ carbon tránh phát thải sang tín chỉ carbon đại diện cho việc loại bỏ và lưu trữ carbon vĩnh viễn.

2. Đầu tư tài trợ vào giai đoạn đầu cho các dự án carbon để xúc tiến hoạt động mới dựa vào thiên nhiên, hoặc cung cấp khoản đầu tư ban đầu cho các công nghệ non trẻ, ngay cả khi chúng đi kèm với các thỏa thuận bao tiêu tín chỉ carbon dài hạn, hoặc hợp đồng mà người mua vẫn cam kết bất kể giá cả thị trường trong tương lai như thế nào.

3. Cam kết mua sắm ở những khu vực đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng tín chỉ carbon. Ví dụ, liên minh carbon khu vực tư nhân thuộc Liên minh carbon UAE đã đồng ý thu mua khoản tín chỉ carbon trị giá 450 triệu USD được tạo ra ở châu Phi vào năm 2030 và Cơ quan quản lý tài sản khí hậu có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cũng có kế hoạch duyệt chi 200 triệu USD để hỗ trợ các dự án của Sáng kiến thị trường carbon châu Phi.

4. Điều chỉnh các thông tin công bố về tín chỉ carbon sao cho phù hợp với các cơ chế quản lý. Các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng như Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp của EU và Đạo luật số 1305 của Quốc hội tiểu bang California có thể yêu cầu trao đổi thông tin về các khoản đền bù và cách thức chúng sẽ được đưa vào các kế hoạch tài chính.

Người bán và nhà phát triển dự án cần thúc đẩy dòng vốn đầu tư:

Các nhà phát triển dự án đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp tín chỉ carbon góp phần đem lại lợi ích ứng phó với biến đổi khí hậu một cách rõ ràng. Trước hết, họ cần làm việc với các cơ quan chính phủ, tổ chức khí hậu và nhà nghiên cứu để cập nhật những phát triển mới nhất về chiến lược giảm thiểu và loại bỏ carbon, cũng như áp dụng các biện pháp khả thi. Ngoài ra, họ còn có thể khuyến khích các đồng nghiệp tham gia các chương trình tín chỉ carbon, chia sẻ kiến ​​thức, hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn lực để phát triển dự án.

Các hành động nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon bao gồm:

1. Đảm bảo với người mua về tính toàn vẹn của tín chỉ carbon mà họ đang bán bằng cách điều chỉnh các dự án với tiêu chuẩn tín chỉ carbon chất lượng cao. Ví dụ, một trở ngại trong việc có được dán nhãn CCP có thể là do thiếu tài liệu dự án, vì vậy, việc cập nhật các thủ tục và cung cấp bằng chứng có thể là điều rất cần thiết.

2. Các nhà phát triển dự án làm việc không qua trung gian có thể cung cấp các biện pháp bảo hiểm, hoặc pháp lý chống lại các rủi ro thông thường. Chẳng hạn như mất khả năng thanh toán, hoặc đảo ngược việc hấp thụ carbon do các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu (như hỏa hoạn cháy rừng).

Trung gian tài chính (bao gồm sàn giao dịch, nhà môi giới, ngân hàng) cần cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn:

Hiện thị trường carbon toàn cầu đang có nhu cầu cần có cơ sở hạ tầng cơ bản và đáng tin cậy. Các trung gian tài chính hiện đã nỗ lực hết sức để phát triển cấu trúc cho giao dịch carbon toàn cầu và tiếp tục phấn đấu để làm cho các sản phẩm, nền tảng, cũng như các quy trình hoạt động trơn tru nhất có thể. Sự đổi mới có thể dưới nhiều hình thức khác nhau và trong một số trường hợp, các đơn vị này có thể xây dựng cấu trúc mới dựa trên cơ sở cấu trúc hiện có. Ví dụ như Sở giao dịch chứng khoán London gần đây đã mở ra một thị trường mới dành cho tín chỉ carbon nhằm đặt ra các quy tắc niêm yết đối với các công ty tài trợ cho các dự án giảm thiểu và đền bù carbon.

Ngoài ra, các bên trung gian cũng có thể xem xét triển khai các công cụ mới nhằm giúp thị trường carbon tăng trưởng và phát triển. Các ngân hàng và công ty tài chính cũng có thể hợp tác để phát triển các hợp đồng tương lai và chuyển tiếp các nguồn tài chính ngầm cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các hành động nhằm giúp thúc đẩy phát triển của thị trường carbon bao gồm:

1. Tăng tính thanh khoản để thu hẹp khoảng cách giữa giá bỏ thầu và giá chào bán là điều rất cần thiết.

2. Thiết lập các tiêu chuẩn giá tín chỉ carbon giao ngay và các công cụ quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn. Thị trường carbon nên hướng tới các tiêu chuẩn chung để có thể giúp thiết lập mức giá cả thị trường hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp đồng dài hạn và giảm thiểu tình trạng bất cân xứng về mặt thông tin minh bạch.

3. Nghiên cứu những phương cách đem lại hiệu quả cao hơn đối với quá trình thanh toán bù trừ trên thị trường thứ cấp.

4. Yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phát triển các sản phẩm để giảm thiểu rủi ro thị trường cho những người mua tín chỉ carbon. Những khoản đệm này có thể bảo vệ khỏi những rủi ro liên quan đến tổn thất vật chất, hiệu suất kém, rủi ro trong hợp đồng khi có bất ổn địa chính trị.

Mục tiêu tập thể hướng dẫn sự tiến bộ:

Ngoài việc sử dụng năng lực và kinh nghiệm của mình để thúc đẩy thị trường carbon, các bên liên quan cũng nên hướng tới các mục tiêu chung thông qua những nỗ lực để:

1. Mở rộng phạm vi tín chỉ carbon, bao gồm các loại khí nhà kính GHG khác, đặc biệt là khí methane.

2. Khuyến khích mua bán các khoản tín chỉ carbon, bao gồm các lợi ích đồng thời (như đầu tư bổ sung vào phát triển cộng đồng, tạo công ăn việc làm và đa dạng sinh học).

3. Phát triển thị trường carbon theo hướng công bằng, đem lại kết quả công bằng cho cộng đồng bản địa và địa phương.

Đường hướng phía trước:

Thị trường carbon toàn cầu đang trên đà đạt được quy mô, độ sâu và mức độ tăng trưởng cần thiết để huy động dòng vốn đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch và hướng tới Net zero của nền kinh tế toàn cầu. Các bên liên quan cần đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn tín chỉ carbon, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và thúc đẩy tính minh bạch, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình và đưa ra giải pháp đổi mới tài chính.

Hội nghị COP28 vừa qua có thể mở ra cánh cửa hợp tác toàn cầu và các đại biểu, thành viên tham dự sự kiện này cũng đã ưu tiên hoàn thiện các quyết định để triển khai các quy tắc của Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Thế giới đã và đang thể hiện sự sẵn sàng tham gia thảo luận về tham vọng ứng phó với biến đổi khí hậu khi thông qua các quy tắc đó trong cuộc bỏ phiếu mang tính đột phá tại COP26. Đã ba năm trôi qua, nay đã đến lúc thế giới cần phải xem xét vấn đề này./.

QUẢNG AN

Tài liệu tham khảo: https://www2.deloitte.com/xe/en/insights/industry/financial-services/how-to-evolve-carbon-markets-for-decarbonization-to-net-zero.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động