Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 3]: Thị trường carbon tuân thủ
07:54 | 01/04/2024
Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 2]: Điều 6 Thỏa thuận Paris - Những điểm cần lưu ý Như đã biết, sau 6 năm đàm phán, các quy tắc Điều 6 Thỏa thuận Paris đã được nhiều quốc gia coi là một cột mốc quan trọng giúp phát triển thị trường carbon toàn cầu. Quy tắc này đã đặt nền tảng cho một hệ thống thương mại toàn cầu do Liên hợp quốc điều hành được mô phỏng theo Cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto. |
Phân tích thị trường carbon toàn cầu [kỳ 1]: Một số bài học cần quan tâm Trong chuyên đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam trân trọng giới thiệu với độc giả “Phân tích của hãng Deloitte về phát triển thị trường carbon toàn cầu” do các nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Dịch vụ Tài chính Deloitte (Deloitte Center for Financial Services) soạn thảo. Đây là những thông tin chuyên sâu về các vấn đề cấp bách nhất mà các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đang phải đối mặt, trong đó có lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. |
KỲ 3: THỊ TRƯỜNG CARBON TUÂN THỦ
Để thúc đẩy hội nhập thị trường tín chỉ carbon tốt hơn, chính phủ nhiều nước hiện đã bắt đầu liên kết các thị trường carbon tuân thủ.
Việc liên kết các thị trường tín chỉ carbon cũng có thể dẫn đến sự hội tụ về giá cả. Việc thiết lập một mức giá carbon chung giữa các hệ thống có thể giúp giảm thiểu biến động giá và gia tăng tính thanh khoản. Ngoài ra, các mối liên kết trên còn có thể giảm chi phí phát thải CO₂ bằng cách cho phép các doanh nghiệp ở các khu vực có chi phí giảm ô nhiễm cao hơn mua giấy phép từ các khu vực có chi phí giảm ô nhiễm rẻ hơn. Ngược lại, điều này cũng có thể thúc đẩy các quốc gia đặt ra các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đầy tham vọng hơn cho khu vực công và tư nhân.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy: Mối liên kết quốc tế của các ETS trên toàn thế giới có thể cắt giảm tổng chi phí để đạt được đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) xuống 32% trước năm 2030 và 54% trước năm 2050.
Trong khi đó, mối liên kết năm 2014 giữa các hệ thống cap-and-trade (thu hồi và giao dịch carbon) của tiểu bang California (Hoa Kỳ) và tỉnh Québec (Canada) là một yếu tố quan trọng trong chiến lược nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) khi tiểu bang này bổ sung các biện pháp khác để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải GHG một cách hiệu quả về mặt chi phí. Đây là mối liên kết quốc tế đầu tiên được coi là một ví dụ về mối quan hệ mang lại giá trị cho các địa phương bằng cách cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO₂ trong khi vẫn tạo ra trong doanh thu trị giá hàng tỷ USD. Sáng kiến này thành công đến mức tiểu bang Washington (Hoa Kỳ) cũng đang phải cân nhắc việc tham gia gần một thập kỷ sau đó.
Hiện các tiểu bang ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cũng đang tán thành lợi ích của các mối liên kết quốc tế đó. Ví dụ như tiểu bang New York đã là một phần của Sáng kiến khí nhà kính khu vực (regional greenhouse gas initiative-RGGI) bao gồm 12 tiểu bang, cũng đã đặt ra giới hạn mức lượng phát thải CO₂ từ các nhà máy điện. Chương trình “thu hồi và đầu tư” (cap-and-invest) sắp tới của 12 tiểu bang trên nhằm tìm cách hoàn trả 1/3 doanh thu cho người tiêu dùng, trong khi phần doanh thu còn lại sẽ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tại khu vực này. Mô hình xử lý khoản doanh thu này tương tự như hệ thống mua bán phát thải khí CO₂ của tiểu bang California tài trợ cho Quỹ giảm thiểu khí phát thải nhà kính đã tạo ra ngân quỹ trị giá 9 tỷ USD dành cho các khoản đầu tư vào hiệu quả năng lượng, giao thông công cộng và nhà ở với giá cả phải chăng. Thống đốc tiểu bang New York đã từng phát biểu chỉ ra rằng: Chương trình trên sẽ được thiết kế để dễ dàng liên kết với các khu vực pháp lý khác.
Ngoài ra, hiện cũng còn có nhiều mức độ liên kết khác nhau mà các địa phương có thể cùng theo đuổi, song tùy thuộc vào khả năng của mỗi nơi và mức độ họ mong muốn được liên kết chặt chẽ với nhau. Các mối liên kết trực tiếp, hoặc “đầy đủ” cho phép các địa phương khác nhau mua và bán các khoản chiết khấu trên các hệ thống giao dịch tín chỉ carbon. Ví dụ như hệ thống ETS Thụy Sĩ và ETS EU có mối liên kết trực tiếp với nhau, góp phần tạo ra một mức giá carbon duy nhất, đồng thời cho phép các nước thành viên sử dụng định mức trong cả hai hệ thống trên.
Trong khi đó, ETS của Vương quốc Anh được thiết lập từ năm 2021( hậu Brexit) lại có thể tìm kiếm mối liên kết trực tiếp với ETS EU, hoặc có thể là một thỏa thuận đa phương mới hoàn toàn. Mặt khác, các liên kết gián tiếp mang tính chất ít chính thức hơn song lại có thể liên quan đến việc chia sẻ các yếu tố thiết kế, hoặc kinh nghiệm và thông tin về thị trường carbon.
Trong khi Trung Quốc đang thiết lập thị trường carbon mới, thì tiểu bang California cũng đã đưa ra lời khuyến cáo về các quy trình thiết kế, báo cáo và xác minh, cũng như cơ chế thực thi. Kết quả là thị trường carbon California - Québec và ETS Trung Quốc đều có ngưỡng phát thải CO₂ và yêu cầu báo cáo tương tự như nhau, đồng thời các công ty kinh doanh ở Trung Quốc và tiểu bang California có thể hoán đổi, hoặc trao đổi tín chỉ từ thị trường carbon này để nhận lấy tín chỉ carbon ở thị trường kia thông qua các thỏa thuận tài chính đã được hình thành. Cuối cùng, chính phủ nhiều nước có thể tìm kiếm một mối liên kết trực tiếp trong thị trường carbon mới.
Hiện các chương trình giao dịch phát thải khí cấp quốc gia cap-and-trade cũng có thể đưa các nguyên tắc tài chính kế toán theo Điều 6.2 vào các thỏa thuận liên kết nhằm thay đổi về dòng phát thải được phản ánh trong các tính toán NDC của họ. Mặc dù các điều khoản trong Điều 6.2 Thỏa thuận Paris không phải là điều kiện tiên quyết cho mối liên kết trên, song chúng lại có thể giúp giảm thiểu nguy cơ tính toán trùng lặp và giúp các quốc gia đi đúng hướng dễ dàng hơn trong việc hướng tới NDC.
Khi đàm phán các hình thức hợp tác tự nguyện mới, các nhà lãnh đạo có thể kết hợp Điều 6.2 Thỏa thuận Paris thông qua các biên bản ghi nhớ, hiệp ước, hoặc thỏa thuận phi chính thức tương tự như Singapore đã kết thúc đàm phán với các quốc gia khác là Bhutan, Campuchia, Colombia, Kenya, Peru và Sri Lanka về bộ tiêu chí đủ điều kiện thực thi tín chỉ carbon có thể được sử dụng để bù đắp thuế carbon.
Do vậy, mối liên kết có thể dễ dàng được thiết lập hơn giữa các quốc gia ở gần nhau, đặc biệt nếu họ có chung mục tiêu môi trường, nền tảng kinh tế và lịch sử của các hiệp định thương mại song phương. Mối liên kết giữa thị trường carbon của EU với thị trường carbon của Thụy Sĩ là một ví dụ điển hình về mối quan hệ đã được hưởng lợi xuất phát từ các mối quan hệ hợp tác hiện có. Điều này cho thấy thị trường carbon cũng dễ hội tụ hơn khi chúng có cấu trúc thị trường và thiết kế tương thích, bao gồm các phương pháp tương tự để chứng nhận tín chỉ carbon, nền tảng lưu trữ dữ liệu đăng ký và hình phạt thích hợp trong trường hợp nếu không được tuân thủ đầy đủ.
Hơn thế nữa, các mối liên kết tập trung vào các khu vực trung tâm có thể kết hợp hài hòa các khuôn khổ thiết kế và quản trị tương tự như một số địa phương của Hoa Kỳ và Canada đã phối hợp thực hiện khi xây dựng Sáng kiến khí hậu phương Tây (western climate initiative-WCI). Việc thiết kế chương trình sáng kiến trên không những chỉ đặt nền móng cho quan hệ đối tác giữa tiểu bang California và tỉnh Québec mà còn được sử dụng làm mô hình cho thị trường carbon ở các tỉnh khác của Canada như: British Columbia, Manitoba, Ontario, cũng như các tiểu bang khác của Hoa Kỳ là New Mexico, Washington. Một số quốc gia và địa phương khác ở khu vực Mỹ Latinh hiện cũng đang xem xét gia nhập WCI, điều này có thể mở ra cánh cửa cho nhiều mối liên kết Liên - châu Mỹ hơn, và thậm chí có thể là một thị trường carbon toàn bộ Tây bán cầu thuộc châu Mỹ.
Bên cạnh đó, các khu vực khác trên thế giới cũng đang có những động thái tích cực để trở thành điểm nóng giao dịch tín chỉ carbon. Ví dụ như Singapore đang đầu tư mạnh vào năng lực của đất nước, xây dựng thị trường carbon dựa trên kinh nghiệm trong giao dịch hàng hóa với kỳ vọng sẽ trở thành một đầu mối trung tâm thương mại ở khu vực châu Á.
Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu châu Phi, Kenya đã phát đi tín hiệu với ý định trở thành cường quốc giao dịch phát thải carbon của lục địa này. Đạo luật về biến đổi khí hậu của quốc gia Kenya (9/2023) đã chỉ định cơ quan đăng ký tín chỉ carbon quốc gia và giúp các cơ quan quản lý khác hướng dẫn việc tham gia vào thị trường carbon toàn cầu, bao gồm thông qua các cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Tuy vậy, những nỗ lực này có thể bị cản trở bởi các quốc gia áp đặt các hạn chế rào cản thương mại nhằm duy trì lợi ích xã hội của các dự án cắt giảm phát thải CO₂ trong phạm vi biên giới quốc gia của mình. Ngoài ra, Malawi, Zambia và Zimbabwe cũng đang chuyển hướng doanh thu từ các dự án cắt giảm phát thải CO₂ sang cho các bên liên quan ở địa phương, trong khi Ấn Độ và Papua New Guinea cũng đã ban hành lệnh cấm tạm thời hoàn toàn việc bán carbon ra bên ngoài quốc gia mình.
Thiết lập các thị trường carbon khu vực mới, hoặc tạo điều kiện cho sự hội nhập tốt hơn giữa các thị trường bằng cách sử dụng các phương pháp hợp tác theo Điều 6.2 Thỏa thuận Paris có thể tạo ra cơ sở hạ tầng chung, điều chỉnh cơ chế định giá và thu hút những người chơi mới. Những thị trường khu vực này có thể đóng vai trò là nền tảng cho cơ chế thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo các quốc gia được chuẩn bị tốt hơn cho sự hội tụ thị trường carbon lớn hơn. Yêu cầu đặt ra là chỉ cần một số quốc gia hợp tác cùng nhau để thiết lập mức giá carbon tối thiểu thì có thể đem lại sự thúc đẩy rõ rệt cho thị trường carbon.
Các nền kinh tế G20 hợp tác cùng nhau sẽ chiếm 85% lượng khí thải CO₂ của thế giới vào năm 2030, vì vậy mà sự liên kết trên sàn giá carbon có thể thúc đẩy một cách công bằng về ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên mức kỷ lục về lượng phát thải CO₂ lịch sử của họ.
Đón đọc kỳ tới...
QUẢNG AN
Tài liệu tham khảo: https://www2.deloitte.com/xe/en/insights/industry/financial-services/how-to-evolve-carbon-markets-for-decarbonization-to-net-zero.html