RSS Feed for Phản biện bài viết: Cơ cấu nguồn điện cho quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 09:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện bài viết: Cơ cấu nguồn điện cho quy hoạch điện VIII

 - Sau khi Tạp chí Năng lượng Việt Nam đăng tải bài viết "Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho quy hoạch điện VIII" nhiều bạn đọc đã có ý kiến trao đổi, phản biện, góp ý, trong đó có ý kiến của Hoàng Anh Tú thắc mắc về cách hiểu thuật ngữ về "An ninh năng lượng", cách tác giả phân tích số liệu và ví dụ so sánh trong bài viết... Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến từ các bạn để BBT hoàn thiện hơn trong các phản biện tiếp theo.

Ý kiến của bạn Hoàng Anh Tú như sau:

"Thứ 1: Theo tôi thấy bài viết (Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện VIIIchỉ mang tính nêu sự việc, phân tích các số liệu dựa trên các số liệu và tài liệu; đã không có tính thực tế trong bài viết. Đơn cử không có nhận xét về tính thực tế và hiệu quả của các dự án đã và đang thực hiện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), hoặc ví dụ về một số dự án. Việc phân tích tính thực tế, hiệu quả của dự án sẽ là một cơ sở để đánh giá lại kết quả, nhằm đưa ra một hướng đi đúng hơn cho các kế hoạch tiếp theo.

Thứ 2: Về định nghĩa "An ninh năng lượng" tôi không biết định nghĩa này là được trích dẫn từ đâu, hay là định nghĩa dựa trên ý kiến cá nhân của tác giả. Nên việc kiến nghị dựa trên cách hiểu thuật ngữ về "An ninh năng lượng" theo tôi thấy vẫn có phần thiếu sót. Việc lập quy hoạch theo tôi thì không chỉ là chia ra bao nhiêu % cho mỗi loại hình phát điện và phát triển bao nhiêu % cho các giai đoạn. Việc quy hoạch và phát triển còn dựa vào điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý và điều kiện kinh tế của từng vùng miền. Vấn đề này tôi vẫn chưa thấy trong bài viết nêu và phân tích. Việc nắm rõ tiềm năng và điều kiện của các vùng, khu vực mới xác định được tiềm năng và điều kiện của cả nước, qua đó đối chiếu với dự báo về nhu cầu của các vùng nói riêng và cả nước nói chung để đưa ra quy hoạch cụ thể.

Cuối cùng: việc đưa các số liệu về nguồn năng lượng của Đức là hoàn toàn xa lạ với Việt Nam, không có tính so sánh cao, vì Đức và Việt nam khách hoàn toàn về điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế và điều kiện chính trị. Theo tôi nghĩ, nếu so sánh với một đất nước ở trong khu vực sẽ hoàn toàn có căn cứ hơn". (Hết ý kiến)

Về những vấn đề bạn nêu, Lã Hồng Kỳ - Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam trả lời bạn đọc như sau:

Thứ nhất: Bài viết trên của chúng tôi nhằm phản biện lại "Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của việt Nam" do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tiến hành nghiên cứu phân tích tiềm năng đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia và đã công bố tại Hội thảo "Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam" vào ngày 5 tháng 6 năm 2018. Về tính thực tế và hiệu quả của các dự án đã và đang thực hiện theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) mà độc giả nêu do đơn vị xây dựng "Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của việt Nam" không đề cập đến, nên chúng tôi không đưa ra ý kiến phản biện.

Tuy nhiên, hiện tại các cơ quan chức năng đang tổ chức đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007, Nghị quyết được triển khai tại quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Từ kinh nghiệm qua tổng kết, làm cơ sở cho xây dựng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia chu kỳ tiếp theo (vào năm 2019) và làm cơ sở cho xây dựng Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2021.

Thứ hai: Ý kiến của đọc giả về định nghĩa "An ninh năng lượng". Thực ra, mỗi một tài liệu cũng chỉ nói về một khía cạnh của "An ninh năng lượng". Ngay cả đơn vị nghiên cứu xây dựng "Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của việt Nam" qua trao đổi cũng chỉ đưa ra một cách nhìn (theo tôi là chưa được tổng thể) về "An ninh năng lượng".

Trước đây, trong một báo cáo phản biện gửi Thủ tướng Chính phủ, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã định nghĩa thuật ngữ này như sau: "An ninh năng lượng Quốc gia -  được hiểu là đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục các dạng năng lượng cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh với giá cả hợp lý, đồng thời giảm sự tác động khi có biến động năng lượng trên thế giới. Trong đó, đề cập đến việc chủ động hội nhập vào quá trình phát triển năng lượng quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, bảo đảm nhu cầu năng lượng, bảo vệ mội trường".

Còn cách hiểu về thuật ngữ "An ninh năng lượng" như trong bài viết (dưới góc độ đảm bảo cung cấp điện cho quốc gia) do chúng tôi tự tổng hợp. Tuy nhiên, ở độ cá nhân không tránh khỏi thiếu sót nên rất cần bạn đọc góp ý để hoàn thiện thêm cho bài viết.

Thứ ba: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Hoàng Anh Tú về: Việc quy hoạch và phát triển còn dựa vào điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý và điều kiện kinh tế của từng vùng miền. Việc nắm rõ tiềm năng, điều kiện của các vùng, khu vực mới xác định được tiềm năng và điều kiện của cả nước, qua đó đối chiếu với dự báo về nhu cầu của các vùng nói riêng, cũng như cả nước nói chung để đưa ra quy hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, trong bài viết, chúng tôi muốn phản biện là: Việt Nam nên cần các dạng nguồn năng lượng gì và tỷ lệ % các nguồn năng lượng đương nhiên phải căn cứ vào các yếu tố bạn đã nêu trên.

Qua bài viết chúng tôi cũng đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức xã hội chuyên ngành tổ chức các chuyên đề, diễn đàn để tổng hợp các ý kiến góp ý cho Quy hoạch VIII, qua đó tuyên truyền cho người dân hiểu, chia sẻ và tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Thứ tư: Ý kiến của bạn về việc "đưa các số liệu về nguồn năng lượng của Đức là hoàn toàn xa lạ với Việt Nam, không có tính so sánh cao, vì Đức và Việt nam khách hoàn toàn về điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế và điều kiện chính trị". Trong nhiều buổi hội thảo, đơn vị nghiên cứu xây dựng "Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam" thường lấy nước Đức là một ví dụ điển hình trong phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ dần nhiệt điện than và điện hạt nhân trong tương lai, nên trong bài phản biện chúng tôi buộc phải dẫn chứng thực tế phát triển năng lượng của nước Đức nên có cách nhìn đa chiều.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhất trí với ý kiến của bạn là nên lấy thêm số liệu các nước tương đồng với Việt Nam (ví dụ Trung Quốc…).

Rất mong sẽ được gặp bạn để cùng trao đổi thêm.

LÃ HỒNG KỲ - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động