RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 9]: Dự thảo Kế hoạch ‘năng lượng cơ bản’ có khả thi? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 12:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 9]: Dự thảo Kế hoạch ‘năng lượng cơ bản’ có khả thi?

 - Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tóm tắt Dự thảo Kế hoạch năng lượng cơ bản (lần thứ 6) - đây là phương châm chính sách năng lượng của Chính phủ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Những kế hoạch năng lượng cơ bản trong trung, dài hạn của quốc gia này có khả thi?


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbon

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhân

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 7]: Cập nhật diễn tiến tái khởi động điện hạt nhân

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 8]: Điện than ‘công nghệ mới nhất’ cũng gặp khó

 


Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu cao là vào năm 2030 sẽ giảm 46% lượng khí nhà kính so với năm 2013. Để đạt được mục tiêu này, theo Dự thảo cần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, hạn chế nhu cầu sử dụng điện, tổng sản lượng điện năm 2030 sẽ giảm khoảng 10% so với Kế hoạch năng lượng cơ bản hiện tại. Hơn nữa, để hướng tới việc khử cacbon, trong cơ cấu nguồn điện năm 2030, năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời) sẽ được mở rộng và chiếm tới gần 40% tổng sản lượng điện, nguồn điện hóa thạch (như điện than, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG v.v...) cần giảm xuống còn khoảng 40%. Tỷ lệ điện hạt nhân sẽ duy trì mức 20% như Kế hoạch cơ bản hiện tại.

Cụ thể Dự thảo đã đưa ra tầm nhìn cung cầu năng lượng năm 2030 - "Giả định tham vọng khắc phục những thách thức ở hai mặt cung, cầu". Tổng sản lượng điện năm 2030 (đã hoạch định năm 2015) từ khoảng 1065 tỷ kWh giảm khoảng 13% còn khoảng 930 tỷ kWh. Trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 36~38% (hoạch định năm 2015 là 22~24%), Hydro/Amoniac 1% (trước đây là 0%), điện hạt nhân 20~22% (như cũ), LNG 20% (trước đây là 27%), điện than 19% (trước đây là 26%), điện dầu 2% (trước đây là 3%).

 


Biện pháp cụ thể là tận dụng các nguồn điện khử cacbon đã áp dụng được vào thực tế như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân v.v... tìm kiếm sự đổi mới trong sản xuất nhiệt điện (phát điện bằng Hydro/Amoniac, lưu trữ/tái sử dụng CO2...), lên kế hoạch "Điện khí hóa bằng điện đã được khử cacbon" trong lĩnh vực công nghiệp, dân sinh, vận tải.

Về điện hạt nhân, vẫn theo kế hoạch hiện tại (thiết kế kịch bản năm 2050), khi mở rộng năng lượng tái tạo, sẽ giảm mức độ phụ thuộc vào điện hạt nhân xuống mức có thể. Việc tái thiết và xây mới điện hạt nhân không được đề cập, mà chỉ được ghi "tiếp tục tận dụng trong quy mô cần thiết". Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường nhân lực - kỹ thuật - cơ sở công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tìm kiếm lò có tính an toàn - tính kinh tế - tính cơ động ưu việt, đồng thời tiếp tục phát triển công nghệ để giải quyết vấn đề giai đoạn sau (back-end).

Ngoài ra, việc tái khởi động đặt an toàn làm ưu tiên hàng đầu, biện pháp đối với nhiên liệu đã qua sử dụng, thúc đẩy chu trình nhiên liệu hạt nhân, thực hiện khảo sát để chọn nơi xử lý cuối cùng cho chất thải phóng xạ mức độ cao, nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến vận hành lâu dài. Mặt khác, nỗ lực thúc đẩy không trì hoãn các biện pháp như nâng cao sự thấu hiểu của người dân (bao gồm cả khu vực tiêu thụ), đồng thời tăng cường nghiên cứu phát triển, xây dựng mối quan hệ tin tưởng với người dân - cộng đồng địa phương - cộng đồng quốc tế cũng được đặt ra.

Câu hỏi đặt ra là: Những điều này có khả thi không?

Trong thực tế có nhiều rào cản lớn. Chúng tôi sẽ trình bày theo từng mục sau: (1) điện mặt trời, (2) điện gió, (3) điện hạt nhân.

(1) Điện mặt trời:

Nhật Bản dự kiến có công suất điện mặt trời tương đương với diện tích một đồng bằng lớn nhất trên thế giới. Chi phí sản xuất điện mặt trời trong công nghiệp đang giảm dần. Tuy nhiên, tại Nhật Bản - nơi có nhiều vùng núi, diện tích đất phù hợp để sản xuất điện mặt trời vô cùng ít. Việc sản xuất điện mặt trời quy mô lớn tại các địa phương cũng phát sinh nhiều vấn đề; việc đảm bảo một diện tích đất phù hợp mà nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương đang là một bài toán rất khó.

Ngoài ra, điện mặt trời phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên việc đảm bảo năng lực điều tiết để đáp ứng với sự biến động của công suất cũng là một thách thức. Cụ thể là cần sử dụng pin lưu trữ và kiểm soát tốt việc phát điện bằng công nghệ kỹ thuật số, nhưng hiện nay chưa có ví dụ nào về việc sử dụng pin lưu trữ hiệu quả ở các nước phát triển. Nguyên nhân là chi phí quá tốn kém.

(2) Điện gió:

Ở Nhật Bản - nơi có ít diện tích phù hợp để phát triển điện gió, cần đặc biệt thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi như một con át chủ bài trong việc biến năng lượng tái tạo trở thành nguồn điện chủ lực. Quy mô dự án điện gió ngoài khơi lên đến hàng trăm tỷ Yên, số lượng linh kiện lên tới hàng chục nghìn chiếc, được cho là sẽ có hiệu quả tác động kinh tế đối với các ngành liên quan như "ngành sản suất có ngành công nghiệp phụ trợ lớn". Tuy nhiên, thách thức là chi phí.

Trường hợp ở châu Âu thường sử dụng điện gió "loại đáy cố định" - điện được tạo ra bằng cách lắp đặt cối xay gió ở vùng biển nông. Nhưng ở Nhật Bản do có ít vùng biển như vậy, nên cần áp dụng điện gió "loại nổi" - lắp đặt cối xay gió trên các phao lớn trên biển. Dù là phương pháp nào, dự kiến chi phí cũng sẽ cao.

(3) Điện hạt nhân:

Bài toán khó nhất là liệu có thể khôi phục lòng tin của xã hội hay không? Ngay cả bây giờ, đã 10 năm trôi qua (kể từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1) vẫn có khoảng 22.000 người đang là đối tượng được chỉ thị sơ tán, những nỗ lực xoa dịu hậu quả sự cố vẫn còn dang dở. Tuy nhiên, để thực hiện hóa mục tiêu tham vọng năm 2030, nếu chỉ có 10 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động hiện nay là không thể, cần tái khởi động thêm các lò phản ứng đã được xác nhận tính an toàn (dù chỉ 1 lò).

Hiện nay, trong số 27 lò phản ứng được đăng ký tái khởi động sau thảm họa động đất phía Đông Nhật Bản, chỉ có 10 lò được tái khởi động. Để hoàn thành mục tiêu 20% vào năm 2030, cần khởi động toàn bộ 27 lò. Chính phủ cần có trách nhiệm và hỗ trợ việc tái khởi động.

Giống như lần trước, lần sửa đổi này cũng có những yêu cầu mạnh mẽ từ Đảng dân chủ Tự do (LDP) và chính quyền địa phương - nơi đặt các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng trong Dự thảo Kế hoạch năng lượng cơ bản mới, trọng điểm kiến thiết và xây mới các nhà máy điện hạt nhân cũng không được ghi rõ.

Trong Dự thảo chỉ ghi "giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân hết mức có thể", nhưng lại "tiếp tục tận dụng trong quy mô cần thiết". Về vị trí của điện hạt nhân trong tương lai cũng sẽ được đề cập trước cuộc tổng tuyển cử mùa Thu, nhưng có vẻ không được rõ ràng.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động