Mục tiêu kép của EU về Net Zero, giảm giá điện - Việt Nam có thể tham khảo được gì?
05:57 | 04/10/2023
Một số câu hỏi còn bỏ ngỏ trong ‘chuyển đổi năng lượng công bằng’ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những cơ chế tài chính cao cấp nhất được thiết kế để chuyển tiền từ các nền kinh tế giàu có sang một số nước đang phát triển, hướng tới mục đích loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Năm 2021, Nam Phi đã ký thỏa thuận đầu tiên và hiện nay đã có một số quốc gia khác đang bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm chạp và đầy rủi ro chính trị. Câu hỏi đặt ra là: Liệu những kế hoạch “hoàn hảo” như vậy có đủ toàn diện, hiệu quả và kịp thời để biến cam kết thành hiện thực? (Tổng hợp của CTV Tạp chí Năng lượng Việt Nam). |
Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhu cầu trong tương lai, nguồn cung cấp nhiên liệu, phát triển nguồn điện và khung pháp lý về năng lượng là các yếu tố chính trong Quy hoạch điện VIII cần xem xét trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. |
Giá điện của châu Âu: “tàu lượn siêu tốc”:
Theo công ty tư vấn, tài chính doanh nghiệp toàn cầu về công nghệ năng lượng của Anh (Alexa Capital): Kể từ Lễ Phục sinh (đầu tháng 4/2023), vào thứ Bảy và Chủ nhật, các máy điện ở châu Âu đều được trả tiền để ngưng phát điện, nhưng một số quốc gia Bắc Âu lại phải đối mặt với giá điện kỷ lục nhằm phục vụ mục tiêu cải cách hệ thống năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch.
Tình huống cực đoan nhất của trường điện châu Âu năm nay xảy ra vào cuối tuần đầu của tháng Bảy. Trong hầu hết thời gian trong ngày, châu Âu chứng kiến giá bán buôn âm (người phát điện phải trả tiền cho lưới điện) trên toàn lục địa (từ Phần Lan đến Tây Ban Nha).
Nghịch lý thay, người tiêu dùng ở các quốc gia như Ireland và Đan Mạch hiện đang phải đối mặt với giá điện bán lẻ cao kỷ lục (gấp hơn 5 lần chi phí trung bình của điện bán buôn). Chính phủ Đức cũng đang xem xét trợ cấp để bảo vệ ngành công nghiệp nặng của mình khỏi sự cạnh tranh quốc tế và giá năng lượng leo thang. Tất cả những trường hợp này cho thấy: Hệ thống năng lượng cần được cải cách nghiêm túc.
Trên khắp châu Âu, giá điện mà người tiêu dùng cuối phải trả (bao gồm chi phí sản xuất, chi phí lưới điện, thuế chính phủ, phí và các loại thuế như VAT...) đang ở mức rất cao. Cách tiếp cận về thuế và phí khác nhau, với các quốc gia bao gồm Malta, Bulgaria và Hungary áp đặt thuế điện nhẹ hơn so với Đan Mạch - quốc gia phạt khách hàng sử dụng nhiều điện.
Cách đối xử với khách hàng thương mại và ngành công nghiệp nặng cũng khác nhau tùy theo từng nước, trong khi Đức rất ủng hộ các nhà sản xuất, thì Ireland lại không. Tuy nhiên, tất cả giá điện bán lẻ đều có hai yếu tố chung là chi phí phát điện và vận hành, bảo trì lưới điện.
Cấu trúc giá cả:
Lấy Đức làm ví dụ, người tiêu dùng trung bình phải trả hơn 0,46 €/kWh ($ 0,50, hay 11.940 VNĐ) trong nửa đầu năm nay. Mức giá này cao hơn gần 50% so với số tiền mà người tiêu dùng phải trả vào năm 2021, nó phản ánh cuộc khủng hoảng nguồn khí đốt từ Nga. Điều thú vị là giá bán buôn hiện đã quay trở lại mức năm 2021, từ khoảng € 0,07/kWh đến € 0,10/kWh (1.816 - 2.595 VNĐ), xu thế này đặt ra câu hỏi: Tại sao người tiêu dùng Đức vẫn trả € 0,24/kWh (6.225 VNĐ) cho phần chi phí sản xuất điện trong cấu thành giá điện của họ?
Câu trả lời là vì nhiều công ty điện lực của Đức đã phòng ngừa rủi ro mua điện của họ ở mức cao nhất thị trường vào năm ngoái, khi giá khí đốt tăng cao và các vấn đề về điện hạt nhân của Pháp khiến giá điện ở châu Âu đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tin tốt là khách hàng sẽ được hưởng lợi trong tương lai từ mức giá bán buôn thấp hơn hiện tại.
Điều tương tự không thể xảy ra đối với chi phí lưới điện, thành phần chính khác trong hóa đơn tiền điện. Theo quy định, chi phí lưới điện trên khắp châu Âu thấp hơn chi phí phát điện, ở mức trung bình là 0,06 €/kWh (1.558 VNĐ) ở EU. Trong nửa đầu năm 2023, chi phí lưới điện của Đức là 0,095 €/kWh (2.466 VNĐ), khiến chi phí của họ ở mức cao nhất trong châu Âu.
Chi phí lưới điện đã tăng 50% trong thập kỷ qua. Các khoản đầu tư đáng kể cần thiết để kết nối các nhà máy năng lượng tái tạo mới và truyền tải năng lượng của chúng phần lớn giải thích cho xu hướng này. Vấn đề phức tạp hơn, chi phí ổn định hệ thống đang tăng theo cấp số nhân, đặc biệt khi hệ thống bị quá tải, hoặc xảy ra tắc nghẽn lưới.
Động lực cung cấp:
Châu Âu hiện đang sở hữu một tổ hợp năng lượng tái tạo được lắp đặt với công suất phát điện là 690 GW, bao gồm 255 GW thủy điện, 225 GW điện gió và 209 GW điện mặt trời. Vào những ngày thời tiết đẹp, lượng điện này đủ đáp ứng nhu cầu điện cho toàn thị trường. Tin tốt là hiện nay có nhiều ngày hơn 50% nhu cầu điện năng của châu Âu được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Nếu thêm điện hạt nhân vào tổ hợp, có nhiều ngày 75% nhu cầu điện của châu Âu được đáp ứng bằng điện có hàm lượng CO2 thấp. Điều này đặc biệt xảy ra vào cuối tuần, khi nhu cầu cao nhất ở châu Âu là khoảng 320 GW và có rất nhiều điện mặt trời trong hệ thống.
Như vậy, cũng có nghĩa là thời tiết hiện nay quyết định giá điện. Khi có nhiều nắng, gió và mưa - như đã từng xảy ra vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7/2023, giá điện sụt giảm. Nhưng khi không có nhiều nắng, gió, giá điện tăng cao. Tất cả các máy phát điện phải theo dõi thời tiết để có thể tối ưu hóa chi phí phát điện của mình.
Cơ sở sản xuất điện tốt nhất là những cơ sở có thể dễ dàng tăng, giảm tốc độ, giống như nhiều loại nhà máy điện sử dụng khí đốt tự nhiên hiện đại. Khi được yêu cầu, những thứ được giảm bớt đầu tiên là những thứ có chi phí nhiên liệu (chẳng hạn như than và khí đốt).
Tài sản phát điện khó quản lý nhất là các nhà máy điện “phụ tải cơ bản” để đảm bảo hoạt động liên tục. Nhiều nhà máy điện hạt nhân, than và khí đốt cũ là nơi tải nền, cùng với hầu hết các nhà máy thủy điện dòng chảy. Chúng rất khó tăng, giảm công suất phát chứ đừng nói đến việc tắt nguồn - đó là lý do tại sao nhiều khi họ (các công ty phát điện) chấp nhận giá điện rất thấp, thậm chí là giá âm trên thị trường.
Trong tương lai, tính kinh tế của các nhà máy điện chạy nền này sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt vì tần suất giá điện âm và biến động sẽ chỉ tăng lên, được thúc đẩy bởi việc bổ sung 70 GW năng lượng mặt trời và năng lượng gió (chỉ trong năm nay), với lượng tương tự, dự kiến vào năm tới và năm sau nữa. Điều này cũng đặt ra thách thức tài chính cho việc sản xuất năng lượng sạch mới, vì các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo cũng có thể không có nguồn thu trong những ngày nắng, hoặc gió.
Điện khí hóa triệt để hệ thống năng lượng để đạt mục tiêu Net Zero?
Quá trình giảm carbon nhanh chóng đòi hỏi phải điện khí hóa sâu rộng hệ thống năng lượng, bắt đầu bằng lĩnh vực vận tải, sau đó sưởi ấm và cuối cùng là làm mát. Các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế tin rằng: Đây là con đường tốt nhất để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - không chỉ về mặt kinh tế, mà còn để đạt được mục tiêu với tốc độ đủ nhanh.
Con đường phía trước là bổ sung đủ năng lượng tái tạo và sản xuất điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đảm bảo tổ hợp điện sạch. Cách tiếp cận này còn có thêm lợi ích là giảm nhu cầu năng lượng tổng thể, vì toàn bộ quá trình tạo ra, vận chuyển và sử dụng điện hiệu quả hơn nhiều so với việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù điện khí hóa triệt để thường được công nhận là cách tốt nhất để khử cacbon, nhưng hầu hết các quốc gia ở châu Âu vẫn còn có cơ chế khuyến khích khách hàng thiên về các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch. Để đáp lại, cuối cùng các chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp để khuyến khích khách hàng mua xe điện và lắp đặt máy bơm nhiệt.
Tuy nhiên, những chính sách như vậy không giải quyết được sự biến dạng lớn hiện có trên thị trường, thể hiện bằng thực tế là ở hầu hết châu Âu, sử dụng nhiên liệu diesel cho ô tô so với sử dụng điện, hoặc sưởi ấm một ngôi nhà bằng khí đốt tự nhiên vẫn rẻ hơn, trái ngược với bơm nhiệt. Nguyên nhân chính là do chính sách thuế ưu tiên sử dụng nhiên liệu hóa thạch hơn là điện.
Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận nhiều mặt và sẽ rất quan trọng nếu chúng ta muốn giảm phát thải carbon.
Sáu giải pháp tình thế ban đầu để đạt mục tiêu kép:
1. Giảm thuế điện: Điều cần thiết là làm cho việc vận tải bằng điện và sưởi ấm trở nên khả thi về mặt kinh tế cho người tiêu dùng bằng cách giảm chi phí điện năng. Điều này có thể sẽ liên quan đến việc xem xét cơ bản những gì tạo nên hóa đơn tiền điện, cùng với việc kiểm tra chặt chẽ về cách tốt nhất để tối ưu hóa các yếu tố phát điện và lưới điện. Quan trọng hơn, các chính phủ cần xem lại chính sách thuế bằng cách lưu ý rằng ở nhiều nước châu Âu, thuế chiếm hơn 50% hóa đơn tiền điện tiêu dùng. Mức thuế đó nên được áp dụng dần dần đối với nhiên liệu hóa thạch dưới hình thức đánh thuế carbon cao hơn.
2. Giảm thiểu lãng phí điện bằng cách tối ưu hóa, khiến nhu cầu trùng với thời kỳ dư thừa điện và giá thấp, yêu cầu đồng hồ đo thông minh và quy định thuận lợi, đặc biệt là xung quanh việc cung cấp biểu giá linh hoạt cho phép người tiêu dùng tận dụng thời gian giá điện thấp. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo rằng các khung pháp lý được áp dụng để cho phép mọi lượng điện dư thừa được chuyển đổi thành các dạng năng lượng khác (chẳng hạn như nhiên liệu tổng hợp) - giúp ích nhiều hơn cho quá trình giảm cacbon. Điều này cũng sẽ khởi động các mô hình kinh doanh mới nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
3. Loại bỏ dần nguồn chạy nền truyền thống: Cần đẩy nhanh việc loại bỏ dần các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch bám theo phụ tải cơ sở, chuyển các địa điểm phát điện linh hoạt nhất thành nguồn dự trữ. Điều này sẽ giảm bớt khoảng thời gian có giá điện bán buôn thấp và âm, từ đó sẽ khuyến khích xây dựng các cơ sở phát điện sạch thay thế, đồng thời cho phép các nhà máy điện chạy nền sạch hơn khác (như điện hạt nhân và thủy điện dòng chảy).
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ năng lượng: Cần loại bỏ tất cả các rào cản đối với việc phát triển lưu trữ năng lượng và cần xem xét đưa ra các biện pháp khuyến khích cho việc phát điện linh hoạt - một số trong đó có thể sử dụng năng lượng hóa thạch - cho những ngày mà người nói tiếng Đức gọi là những ngày “dunkelflaute” (sự ảm đạm đen tối) vào mùa đông khi không đủ năng lượng mặt trời, hoặc gió để sản xuất điện.
5. Đẩy mạnh mở rộng mạng lưới điện: Sửa đổi cơ cấu khuyến khích các đơn vị vận hành lưới điện, nhằm thúc đẩy đầu tư nhanh chóng và tiết kiệm chi phí vào mạng lưới điện, đồng thời tăng cường tận dụng và hiệu quả mạng lưới hiện có bằng các công nghệ, cũng như cơ cấu dịch vụ mới. Ngược lại, điều này sẽ mở ra một loạt mô hình kinh doanh mới, từ sạc thông minh cho xe điện đến các nhà máy điện ảo.
6. Cung cấp sự giám sát: Thành lập một tổ chức châu Âu chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng và để đảm bảo con đường hiệu quả nhất hướng tới quá trình giảm carbon trong hệ thống năng lượng châu Âu. Trọng tâm chính sẽ là tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ, xuyên biên giới - đây là chìa khóa để giữ chi phí ở mức thấp và điều này rất quan trọng cho sự thành công liên tục của doanh nghiệp, ngành công nghiệp châu Âu, cũng như giữ chi phí sinh hoạt ở mức thấp cho mọi công dân trong khu vực này.
Nếu không có những cải cách như trên, con đường giảm phát thải carbon sẽ vô cùng chông gai. Ngược lại, nếu các biện pháp này được thực thi, sẽ cho phép giảm carbon nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
THEO: PVM- 9/2023
Link tham khảo:
https://www.pv-magazine.com/2023/09/21/europes-power-price-rollercoaster