RSS Feed for Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam

 - Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhu cầu trong tương lai, nguồn cung cấp nhiên liệu, phát triển nguồn điện và khung pháp lý về năng lượng là các yếu tố chính trong Quy hoạch điện VIII cần xem xét trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Theo tính toán về thời gian đầu tư dự án điện khí, điện gió ngoài khơi: Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành, nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí trên 10 năm, trong khi kinh nghiệm phát triển nguồn điện này ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhưng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 (chỉ còn 7 năm), công suất của 2 nguồn điện nêu trên phải đạt 28.400 MW... Vậy giải pháp nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra? Tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII

Kiểm điểm giai đoạn trên 10 năm phát triển nguồn điện ở Việt Nam vừa qua đã cho thấy: Chậm trễ (thậm chí không thể triển khai đầu tư) nhiều nguồn điện truyền thống do bế tắc về vốn đầu tư, nhiên liệu, quy định pháp luật, công tác điều hành, năng lực của một số chủ đầu tư... Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích nguyên nhân cản trở tiến độ phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII.

Trong Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện năng đến năm 2050 ước tính tăng trung bình 8,8% (giai đoạn 2021 - 2030) và 4 - 4,7%/năm (giai đoạn 2031 - 2050). Đây là một mức độ tăng trưởng rất cao, nhưng phần nhu cầu có 3 yếu tố lại chưa được xem xét kỹ lưỡng.

Thứ nhất: Giá bán điện trong tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải, tiết kiệm điện, hệ số đàn hồi. Với giả thiết giá điện tăng bù đủ chi phí sản xuất và thúc đẩy mạnh mẽ các công cụ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, khả năng tiết kiệm năng lượng có thể lên đến 30%, cao hơn rất nhiều với con số 8 - 10% được dự kiến trong Quy hoạch điện VIII.

Thứ hai: Điện khí hóa giao thông vận tải (EV). Với tốc độ điện hóa giao thông vận tải cao đến 2040, công suất cần riêng cho phương tiện giao thông vận tải có thể lên đến 50 - 80 GW, điện năng tiêu thụ lên đến 40 - 50 tỷ kWh. Điều này, sẽ ảnh hưởng lớn đến phụ tải cả về công suất và điện năng.

Thứ ba: Quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán. Trong tương lai, khi các nguồn điện nhỏ, tự sản tự tiêu không bị ràng buộc hạn chế, được phát triển nhanh và nhiều hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải, cũng như biểu đồ tiêu thụ.

Theo kịch bản phát triển Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá và nhiên liệu sang điện năng, cùng các nguồn năng lượng phát thải thấp khác. Mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn. Mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện.

Đóng góp của nhiên liệu hydro và amoniac vào cơ cấu năng lượng được dự báo tăng trong tương lai để giúp Việt Nam thực hiện được cam kết phát thải ròng bằng 0 đến 2050. Tỷ lệ khí đốt trong cơ cấu nhiên liệu và nguồn phát điện trong tương lai sẽ tăng từ khoảng 15,9% năm 2025 lên 26,7% vào năm 2030. Nhưng sau đó được dự đoán sẽ giảm xuống còn 20,7% vào năm 2045. Xu hướng này thể hiện quan điểm của Việt Nam, với khí tự nhiên được coi là một nhân tố ngắn hạn trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam cần đặt ra các yêu cầu từ sớm trong giai đoạn thiết kế các nhà máy điện để tránh nguy cơ mắc kẹt tài sản trong tương lai và sẵn sàng cho phương án kết hợp với nhiên liệu hydro. Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải có chiến lược hydrogen xanh trong quá trình dịch chuyển. Định hướng xây dựng chiến lược hydrogen Xanh bao gồm: Xác định rõ vai trò của khí hydro trong ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo thực hiện hài hòa giữa phát triển năng lượng tái tạo và tiêu thụ khí hydro. Khí hydro có thể được coi là giải pháp tận dụng năng lượng tái tạo biến đổi một cách hiệu quả, đặc biệt khi nguồn cung dư thừa.

Nghiên cứu “Tương lai ngành điện Việt Nam - Kinh nghiệm của Úc và đối chiếu với chuyển dịch năng lượng Việt Nam” phát hành vào tháng 5/2023 cho thấy: Ngay cả khi tính thêm chi phí để cân bằng hệ thống, năng lượng gió, mặt trời và thủy điện tích năng sẽ là những loại hình phát điện mới giá rẻ. Tương ứng với tình hình Việt Nam, một chính sách phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững.

Ngoài ra, điện địa nhiệt (công nghệ tiên tiến AGS) cũng sẽ có thể thay đổi cán cân cung cấp năng lượng tái tạo cho việc chuyển dịch năng lương trong tương lai mà chúng ta cần phải xem xét (https://nangluongvietnam.vn/danh-gia-tiem-nang-du-bao-phat-trien-dien-dia-nhiet-tren-the-gioi-va-viet-nam-31139.html).

Việc ban hành Luật Năng lượng Tái tạo nên là ưu tiên hàng đầu. Việc cho phép tư nhân đầu tư lưới truyền tải và trực tiếp bán điện đang là những điểm nghẽn pháp lý. Luật Điện lực (sửa đổi, bổ sung) năm 2022 nhấn mạnh các khía cạnh cấp điện ổn định, an toàn, hiệu quả về chi phí, cho phép các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền tải và tự vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư, nhưng đến nay chưa có nghị định và hướng dẫn thực hiện.

Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Hiện nay, các nước theo đuổi chiến lược phát triển các-bon thấp sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển nền kinh tế thịnh vượng mới trong thế kỷ 21. Từ những khuyến cáo này, chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược hạn chế tối đa phát thải các-bon song song với xây dựng hạ tầng năng lượng sạch và tái tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu trung hoà về các-bon vào năm 2050.

Muốn vậy, Chính phủ Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải các-bon trong dài hạn và trung hòa các-bon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội so với một lộ trình các-bon cao. Việc tháo gỡ các rào cản chính sách, tăng cường các nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ để thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải các-bon./.

NGUYỄN ANH TUẤN (B) - THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động