RSS Feed for Một số câu hỏi còn bỏ ngỏ trong ‘chuyển đổi năng lượng công bằng’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 08/09/2024 06:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số câu hỏi còn bỏ ngỏ trong ‘chuyển đổi năng lượng công bằng’

 - Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những cơ chế tài chính cao cấp nhất được thiết kế để chuyển tiền từ các nền kinh tế giàu có sang một số nước đang phát triển, hướng tới mục đích loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Năm 2021, Nam Phi đã ký thỏa thuận đầu tiên và hiện nay đã có một số quốc gia khác đang bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm chạp và đầy rủi ro chính trị. Câu hỏi đặt ra là: Liệu những kế hoạch “hoàn hảo” như vậy có đủ toàn diện, hiệu quả và kịp thời để biến cam kết thành hiện thực? (Tổng hợp của CTV Tạp chí Năng lượng Việt Nam).
Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhu cầu trong tương lai, nguồn cung cấp nhiên liệu, phát triển nguồn điện và khung pháp lý về năng lượng là các yếu tố chính trong Quy hoạch điện VIII cần xem xét trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Nhằm hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu, thế giới cần nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2, không chỉ ở các nước giàu. Để đạt được điều đó, những nước có thu nhập trung bình và thấp sẽ cần hàng nghìn tỷ đô la để thay thế các nhà máy điện sử dụng than bằng nguồn năng lượng sạch hơn, cải thiện lưới điện, đào tạo lại công nhân, cùng các biện pháp khác.

1. Ý tưởng lớn khởi tạo Các đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships, hay JETPs):

“Làm sạch” môi trường của các quốc gia có nền kinh tế thu nhập trung bình là rất quan trọng để thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu. Theo như mô hình JETP, các quốc gia giàu và khu vực vốn tư nhân là một phần của giải pháp.

Lý do là các quốc gia thu nhập trung bình và thấp vừa phải cân bằng các nghĩa vụ chuyển đổi năng lượng với nhu cầu điện ngày càng tăng, vừa phải vật lộn với tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, tài chính của chính phủ chưa mạnh, sự phụ thuộc nghiêm trọng vào than đá, cùng với các ưu tiên nội địa khác. Khu vực “thế giới” đang phát triển cần được hỗ trợ tài chính và khích lệ để tiếp tục ưu tiên khử các bon, song song với phát triển kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, đây lại là những lợi thế lịch sử các nước giàu được hưởng và không bị vướng bận bởi những cân nhắc về môi trường.

JETPs, lần đầu tiên xuất hiện trên tiêu đề các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì ở Glasgow vào năm 2021, với sứ mệnh thực hiện công bằng tất cả những điều trên.

2. Cần bao nhiêu tiền cho ý tưởng?

Số tiền cần thiết dễ gây choáng váng cho bất cứ ai nghe được. Theo BloombergNEF: Đầu tư vào năng lượng sạch ở các thị trường mới nổi chưa bằng 1/10 so với những gì cần thiết để giữ cho thế giới đi đúng hướng nhằm kìm chế nhiệt độ gia tăng nhanh chóng. Chỉ riêng Indonesia, ước tính sẽ cần tới 3,5 nghìn tỷ đô la theo kịch bản cực đoan nhất, mục tiêu là lượng khí thải ròng của nước này được cắt giảm xuống 0 vào năm 2050. Số tiền đó sẽ cần được chuẩn bị trước, với nhiều khoản đầu tư khác nữa trong những năm đầu.

JETPs và các sáng kiến liên quan, như hiện tại, chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng số tiền, nhưng được thiết kế để trở thành chất xúc tác, “thu hút” tài chính tư nhân nhằm gom được số tiền lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là các khoản đầu tư phải tăng nhanh.

Cuối năm ngoái, BNEF ước tính: Các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió ở Indonesia trong thập kỷ trước chỉ chiếm 0,03% trên tổng 3,2 nghìn tỷ đô la toàn cầu.

3. Tại sao than đá là tâm điểm?

Theo Ember - một tổ chức nghiên cứu về khí hậu: Than đá đã tạo ra hơn 36% lượng điện năng của thế giới vào năm 2022, là nguồn điện lớn nhất cho đến nay. Tại châu Âu và Hoa Kỳ, các nhà máy điện than sắp hết tuổi thọ sử dụng sau nhiều thập kỷ hoạt động, còn ở châu Á, tuổi thọ trung bình nhà máy là dưới 15 năm. Nếu những nhà máy này được phép hoạt động, dù chỉ ở phương Tây, lượng khí thải mà chúng tạo ra sẽ nhanh chóng chồng chất vào phần khí thải các bon còn lại của thế giới, từ đó, không giải quyết được vấn đề nóng lên toàn cầu như đã thiết lập trong Thỏa thuận Paris.

4. Diễn biến câu chuyện ra sao?

Tiến độ của gói tài chính JETPs đầu tiên trị giá 8,5 tỷ USD cho Nam Phi, là một câu chuyện cảnh báo điển hình. Các nhà máy đốt than cũ kĩ, ọp ẹp tại đây vẫn “gánh vác trách nhiệm” phải sản xuất gần như toàn bộ năng lượng của nước này, nhưng vẫn không tránh được tình trạng mất điện nghiêm trọng vừa qua, đồng thời biến Nam Phi trở thành một trong những nhà sản xuất khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ kế hoạch quốc gia của Nam Phi vào năm 2022 (bao gồm đóng cửa và tái sử dụng các nhà máy đốt than thuộc sở hữu của Eskom Holdings SOC Ltd. - Công ty điện lực nhà nước, song song với phát triển năng lượng tái tạo và củng cố lưới điện), phục vụ chuyển đổi năng lượng.

Chính phủ ở Pretoria, vốn dĩ phải đối phó với tình trạng thiếu thốn năng lượng - thiếu nguồn cung cấp bền vững, đáng tin cậy, giá cả phải chăng - và là một trong những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, đã ấp ủ ý tưởng về một “chuyển đổi công bằng” (just transition). Tuy nhiên, bất ổn chính trị đã cản trở quá trình này. Tình trạng cắt điện liên miên, làm tê liệt, làm nguội đi sự nhiệt tình của công chúng và đẩy những lo ngại về an ninh năng lượng lên hàng đầu.

5. Câu chuyện này diễn ra ở những đâu nữa?

Kế hoạch của Indonesia có mục tiêu tương tự, nhưng về cấu trúc thì khác với Nam Phi ở chỗ có sự kết hợp các tổ chức thương mại lớn ngay từ đầu. Thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD được nhất trí vào năm 2022 tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 ở Bali đã chia đều cho tài chính công và tư nhân. Kế hoạch đầu tư được hoàn thành vào trung tuần tháng 8/2022 và một số quan chức ở Jakarta bày tỏ lo ngại rằng: Sẽ không có đủ tài trợ, hoặc nguồn tài chính giá rẻ khác, do đó, đất nước sẽ phải chịu gánh nặng nợ nần không mong muốn. Trong khi đó, các ngân hàng lớn đang giằng co với những rào cản như các điều khoản ngăn cản đầu tư vào than. Các nhà hoạt động khí hậu đau đầu với một số kẽ hở dễ bị lợi dụng bởi những “ông lớn” trong ngành công nghiệp nhằm tiếp tục xây dựng các nhà máy than mới cho nhu cầu lợi ích của họ.

Còn tình hình ở các quốc gia khác diễn biến như sau:

- Tháng 12/2022, trong thỏa thuận JETPs, Việt Nam đã nhất trí gói 15,5 tỷ USD từ các nhà tài trợ, dẫn đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, để giúp loại bỏ điện than và trở nên trung hòa các bon vào năm 2050.

- Tháng 6/2023, Senegal trở thành quốc gia thứ tư đạt được thỏa thuận, có khả năng trị giá 2,7 tỷ USD.

- Ấn Độ được đưa vào các cuộc thảo luận tiếp theo của JETPs, nhưng New Delhi đã phản đối các thỏa thuận loại bỏ than, thay vào đó muốn tập trung vào thu hút đầu tư năng lượng tái tạo.

6. Dòng vốn tư nhân có thực sự giải quyết vấn đề khí hậu?

Đáp ứng nhu cầu đầu tư khí hậu của thế giới chắc chắn sẽ cần vốn từ khu vực tư nhân, nhưng ít nhất có hai rào cản đang cản trở các sáng kiến như JETPs thu hút các khoản tiền lớn.

Đầu tiên là rủi ro cơ bản khi đầu tư vào các thị trường mới nổi, thường khó dự đoán hơn so với các thị trường phát triển và có thể thiếu minh bạch. Ngay cả các tổ chức ý thức về môi trường (green-minded institutions) cũng có nghĩa vụ ủy thác đối với các cổ đông, và cổ đông có quyền ngăn cản họ chấp nhận những rủi ro đó.

Thứ hai là nhiều ngân hàng và tổ chức có chính sách hạn chế nghiêm ngặt, hoặc thậm chí cấm đầu tư vào than (bao gồm cả những khoản nhằm đóng cửa sớm các nhà máy than).

Liên minh tài chính Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ) - một nhóm bao gồm các ngân hàng và nhà quản lý tài sản hỗ trợ JETP đã đưa ra cuộc tham vấn cộng đồng vào tháng 6/2023 nhằm cung cấp những chỉ dẫn mới để thay đổi điều này. GFANZ được đồng chủ tịch bởi Mark Carney - cựu Thống đốc Ngân hàng Anh và Michael Bloomberg - người sáng lập Bloomberg LP (công ty mẹ của Bloomberg News). Cả hai đều là đặc phái viên của Liên hợp quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

7. Ngân hàng Phát triển châu Á có những động thái tương tự hay không?

Từ năm 2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã làm việc về Cơ chế chuyển đổi năng lượng nhằm mục đích đẩy nhanh việc ngừng sử dụng các nhà máy nhiệt điện than và phát triển năng lượng tái tạo bằng cách kết hợp tài chính thương mại và tài chính ưu đãi (các khoản vay dưới lãi suất thị trường từ các tổ chức cho vay).

ADB bắt đầu ở Đông Nam Á với Indonesia, Philippines, Việt Nam và hiện đã mở rộng sang Pakistan, Kazakhstan. Kế hoạch này với quy mô nhỏ hơn JETPs, nhưng có thể chạy song song với nhau.

Indonesia ký kết biên bản ghi nhớ vào năm ngoái, xem xét ngừng hoạt động sớm một nhà máy điện chạy bằng than ở Tây Java. Đây là thỏa thuận mang tính thử nghiệm, giúp mở ra những thỏa thuận khác, trong đó có một thỏa thuận dự kiến diễn ra trong năm nay./.

PHẠM THỊ THU TRANG

Tài liệu tham khảo:

https://www.washingtonpost.com/business/energy/2023/08/14/what-are-just-energy-transition-partnerships-jetps-and-how-do-they-work/a7bfb5aa-3b03-11ee-aefd-40c039a855ba_story.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động