Mục tiêu của G7 về công suất nguồn điện gió, mặt trời vào năm 2030
07:20 | 08/05/2023
Mục tiêu năng lượng tái tạo mới của EU đến năm 2030 (dự thảo tháng 3/2023) Theo thông cáo báo chí công bố ngày 30/3/2023 trên trang web Consilium.europa.eu của Hội đồng Liên minh châu Âu (EC) cho biết: Hội đồng và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận cung cấp 42,5% năng lượng từ các nguồn công nghệ tái tạo (gió, mặt trời) vào năm 2030 trong tất cả các quốc gia thành viên của EU. Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật chi tiết mục tiêu năng lượng tái tạo mới được các nước thành viên EU thống nhất đệ trình lên Nghị viện phê duyệt để bạn đọc cùng tham khảo. |
Điện mặt trời ‘giải cứu’ châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng năm 2022 Mặc dù năng lượng gió và mặt trời đều giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách tạo ra hơn 1/5 sản lượng điện của EU năm 2022, nhưng năng lượng mặt trời mới còn tạo ra tác động cực lớn, lập kỷ lục sản xuất điện, cũng như tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí khí đốt nhập khẩu cho khu vực này. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Theo trang tin điện mặt trời online Đức Taiyangnews: Nhóm quốc gia công nghiệp trên thế giới G7 tham gia hội nghị tổ chức tại Nhật Bản đã cam kết mở rộng năng lượng tái tạo trên toàn cầu, phấn đấu mục tiêu tăng tổng công suất điện mặt trời lên hơn 1 TW cùng với 150 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, đồng thời đưa ra nỗ lực hạ giá thành.
Những cam kết này được đưa ra trong cuộc họp của các Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Môi trường từ các quốc gia thành viên Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Ý, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Cuộc họp cấp bộ trưởng này đi trước chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của G7 được tổ chức vào tháng 5 năm 2023.
Mục tiêu năng lượng mặt trời hơn 1 TW của G7 vào năm 2030 không phải là quá tham vọng vì thế giới đã lắp đặt 1 TW vào năm 2022. Theo các nhà nghiên cứu điện mặt trời toàn cầu, thế giới có thể sẽ đạt thêm 1 TW nữa, sớm nhất là vào khoảng năm 2024. Theo dự báo, để đáp ứng các mục tiêu khử cacbon toàn cầu thì cần phải có hơn 75 TW công suất điện mặt trời vào năm 2050.
Sự đồng thuận về chấm dứt việc xây dựng các dự án phát điện đốt than vẫn chưa cụ thể, nhưng G7 cam kết đẩy nhanh việc loại bỏ dần nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong các nước thành viên 'theo cách phù hợp với quá trình chuyển đổi công bằng' và 'càng sớm càng tốt'. Không có mốc thời gian cụ thể nào được đặt ra để đảm bảo loại bỏ than trong giai đoạn này.
G7 tái khẳng định cam kết đạt được ngành điện khử cacbon hoàn toàn sẽ là trọng tâm vào năm 2035. G7 còn đưa ra các cam kết hỗ trợ nỗ lực phát triển, trình diễn và triển khai các giải pháp năng lượng sạch và tái tạo nhằm đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Năng lượng tái tạo sẽ hướng tới dùng trong các lĩnh vực sưởi ấm, làm mát, giao thông vận tải và công nghiệp, đồng thời khuyến khích sự phát triển của các cộng đồng người sử dụng năng lượng và công dân thông minh.
“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc triển khai các năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió trên bờ/ngoài khơi, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối bền vững, khí mê-tan sinh học, thủy triều bằng các công nghệ hiện đại, cũng như đầu tư vào phát triển, triển khai các công nghệ thế hệ tiếp theo và phát triển an toàn, các chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt” - nhóm các bộ trưởng G7 thống nhất.
Đồng thời, G7 cũng đồng ý thúc đẩy cải tiến các công nghệ tiên tiến như pin mặt trời perovskite và năng lượng gió nổi ngoài khơi, năng lượng sóng và đề ra các tiêu chuẩn quốc tế về phương pháp đánh giá phục vụ cho việc áp dụng các công nghệ mới trên quy mô quốc tế.
Ngoài ra, các bộ trưởng đã nhất trí phân cấp chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng năng lượng không an toàn, hoặc độc quyền, nhằm bảo vệ môi trường và nhân quyền. Các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) cũng đã được kêu gọi tăng quy mô tài trợ và đơn giản hóa việc tiếp cận tài chính khí hậu để giúp đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Mục tiêu về năng lượng tái tạo được G7 thống nhất có thể tóm tắt trong các mục tiêu cụ thể sau:
Thứ nhất: Cam kết đạt mục tiêu hơn 1 TW công suất điện mặt trời vào năm 2030.
Thứ hai: Đồng ý phấn đấu công suất gió ngoài khơi 150 GW vào năm 2030 thông qua các mục tiêu và biện pháp chính sách hiện có.
Thứ ba: Đồng ý loại bỏ dần năng lượng nhiên liệu hóa thạch trong các quốc gia của mình 'càng sớm càng tốt'.
Thứ tư: Khẳng định hướng tới mục tiêu ngành điện khử cacbon hoàn toàn, hoặc chủ yếu vào năm 2035.
Thứ năm: Phấn đấu thúc đẩy cải tiến các công nghệ tiên tiến (pin mặt trời perovskite và năng lượng gió nổi ngoài khơi, năng lượng sóng)./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: TNI - 4/2023)
Link tham khảo: https://taiyangnews.info/markets/g7-commits-to-accelerate-re-deployment/