RSS Feed for Một số nhận định về các dự án thủy điện (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 10:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số nhận định về các dự án thủy điện (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch điện VIII

 - Như chúng ta đã biết, ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Nhân dịp này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số phân tích, nhận định ban đầu về các dự án thủy điện sẽ được triển khai (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Phát triển thủy điện theo Quy hoạch điện VIII và vấn đề cấp phép, chính sách giá điện Phát triển thủy điện theo Quy hoạch điện VIII và vấn đề cấp phép, chính sách giá điện

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch, thủy điện nhỏ, thủy điện cột nước thấp, mở rộng công suất các nhà máy thủy điện đang vận hành, điện thủy triều và thủy điện tích năng. Nhưng để nhanh chóng triển khai, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư. Còn với thủy điện tích năng, cần có chính sách cụ thể về giá mua - bán điện hợp lý để các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển.

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã chỉ rõ: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...). Định hướng năm 2050, tổng công suất thủy điện dự kiến đạt 36.016 MW, sản xuất 114,8 tỷ kWh hàng năm [1].

Tính đến cuối năm 2023 chúng ta đã xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện với tổng công suất là 22.878 MW và sản lượng điện hàng năm đạt 80,904 tỷ kWh. Đặc biệt, năm 2022 do điều kiện thời tiết thuận lợi, con số này là 95,054 tỷ kWh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm xây dựng thủy điện trên thế giới, nước ta với nguồn thủy năng dồi dào có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000 MW đến 38.000 MW và điện năng có thể khai thác lên đến 120 tỷ kWh/năm. Khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao và tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng tăng trong cơ cấu nguồn thì thủy điện là công cụ hoàn hảo, là nguồn điện đáng tin cậy do khả năng phát điện linh hoạt.

Với chi phí vận hành thấp, các nhà máy thủy điện là nguồn điện linh hoạt, hợp lý nhất hiện nay trong hệ thống điện nước ta, trong khi các công nghệ lưu trữ như thủy điện tích năng (TĐTN) và pin lưu trữ điện năng trong tương lai sẽ ngày càng bổ sung cho nhau trong hệ thống điện.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch, xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ và thủy điện cột nước thấp, mở rộng công suất các nhà máy thủy điện đang vận hành, phát triển TĐTN và nhà máy điện thủy triều. Dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 2.836,9 MW thủy điện (mở rộng, xây mới) và 2.400 MW TĐTN. Tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ) dự kiến đạt 29.346 MW, sản xuất 101,7 tỷ kWh [1].

Các dự án thủy điện sẽ xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030:

Theo Quy hoạch điện VIII chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng 13 công trình thủy điện đã được quy hoạch và tiếp tục nghiên cứu phát triển nhà máy thủy điện lòng sông (xem bảng 1).

TT

Dự án

Công suất (MW)

Dự kiến đưa vào vận hành

1

TĐ Nậm Củm 1,4,5

95,8

2024-2027

2

TĐ Yên Sơn

90

Đang thi công

3

TĐ Nậm Mô 1

51

2028

4

TĐ Nậm Củm 2,6

31,0

2024-2037

5

TĐ Thanh Sơn

40

2026

6

TĐ Cẩm Thủy 2

38

2030

7

TĐ Cột nước thấp Phú Thọ

105

2026

8

TĐ Hồi Xuân

102

Đang thi công

9

TĐ Sông Hiếu (Bản Mồng)

45

Đang thi công

10

TĐ Mỹ Lý

120

2028

11

TĐ La Ngâu

46

2026

12

TĐ Đắk Mi 1

84

Đang thi công

13

TĐ Đức Thành

40

2026

Tổng cộng

1.233,6

Bảng 1: Danh mục các nguồn thủy điện vừa và lớn dự kiến xây dựng, đưa vào vận hành giai đoạn 2024 - 2030 [2].

Đối với các con sông có độ dốc không lớn, có thể phát triển loại hình nhà máy thủy điện lòng sông với cột nước thấp. Tuy nhiên, hiện các nhà máy thủy điện cột nước thấp chưa được triển khai xây dựng nhiều, đây có thể xem là tiềm năng để tiếp tục khai thác trong tương lai.

Mở rộng các nhà máy thủy điện đang vận hành:

Việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện đang vận hành sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên nước của con sông. Mặt khác, khi mở rộng, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống. Ngoài ra, khi đưa vào vận hành, dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Đối với tác động môi trường, các dự án thủy điện mở rộng không làm tăng tác động xấu đến môi trường do không thay đổi hiện trạng quy mô đập dâng và phạm vi hồ chứa, các tác động bất lợi là tạm thời, chủ yếu xảy ra trong thời gian hoạt động thi công xây dựng.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN đã mở rộng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ thêm 75 MW (đưa vào vận hành năm 2017) và Thủy điện Đa Nhim mở rộng thêm 80 MW (đưa vào vận hành năm 2018). Còn với dự án Thủy điện Ialy (mở rộng thêm 360 MW) đang thi công, phấn đấu năm nay (2024) đưa vào vận hành và dự án Thủy điện Hòa Bình (mở rộng thêm 480 MW) đang nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất nhằm đưa công trình vào vận hành trong tháng 7/2025.

Hiện chúng ta có 41 nhà máy thủy điện lớn có quy mô công suất từ 100 MW trở lên với tổng công suất lắp đặt là 14.330 MW (nêu ở bảng 2) có khả năng mở rộng, trong đó, các nhà máy thủy điện có ký hiệu * đã hoàn thành mở rộng, ký hiệu ** là đang thi công mở rộng, còn ký hiệu *** là đã đưa vào kế hoạch mở rộng giai đoạn 2021 - 2030.

TT

Nhà máy thủy điện

Tên sông

Công suất lắp máy, MW

Điện lượng, 106 kWh

Năm khởi công

Năm đưa vào vận hành

1

Hòa Bình**

s. Đà

1.920

8.160

1979

1994

2

Sơn La

s. Đà

2.400

9.424

2005

2012

3

Lai Châu

s. Đà

1.200

4.670

2011

2016

4

Pắc Ma

s.Đà

140

530

2016

2019

5

Thác Bà

s. Chảy

120

400

1964

1971

6

Tuyên Quang

s. Gâm

342

1.295

2002

2008

7

Nho Quế 3

s. Nho Quế

110

507

2007

2012

8

Nậm Chiến 1

s. Nậm Chiến

200

791

2007

2013

9

Bản Chát

s. Nậm Mu

220

770

2006

2013

10

Huổi Quảng

s. Nậm Mu

520

1.904

2006

2016

11

Hủa Na

s. Chu

180

717

2008

2013

12

Bản Vẽ

s. Lam

320

1.084

2004

2010

13

Khe Bố

s. Lam

100

442,8

2007

2013

14

Trung Sơn

s. Mã

260

1018

2012

2016

15

Hồi Xuân

s. Mã

102

432

2010

2020

16

A Lưới

s. A Sáp

170

690

2007

2012

17

A Vương

A Vương

210

815

2003

2008

18

Sông Bung 2

s. Sông Bung

100

420

2012

2017

19

Sông Bung 4

s. Sông Bung

156

586

2010

2015

20

Đắc Mi 4

s. Đắc Mi

190

752

2007

2012

21

Sông Tranh 2

s. Thu Bồn

190

680

2006

2010

22

An Khê-Ka Nắc

s. Ba

173

700

2005

2009

23

Sông Ba Hạ

s. Ba

220

835

2004

2009

24

Pleikrông

s. Pô Kô

100

417

2003

2009

25

Yaly**

s. Sê San

720

3.680

1993

2002

26

Sê San 3

s. Sê San

260

1.131

2002

2006

27

Sê San 3A

s. Sê San

108

479

2003

2007

28

Sê San 4

s. Sê San

360

1.042

2004

2009

29

Buôn Kướp

s. Sêrêpôk

280

1.105

2003

2011

30

Sêrêpôk 3

s. Sêrêpôk

220

1.060

2005

2009

31

Thượng Kon Tum

s. Đắk Nghe

220

1.094

2009

2020

32

Đắk ĐRinh

s. Đắk ĐRinh

125

520

2008

2014

33

Thác Mơ *

s. Bé

225

662

1991

1995

34

Đa Nhim*

s. Đa Nhim

240

1.000

1962

1964

35

Đại Ninh

s. Đa Nhim

300

1.178

2003

2008

36

Đồng Nai 3

s. Đồng Nai

180

607

2004

2011

37

Đồng Nai 4

s. Đồng Nai

340

1.100

2004

2012

38

Đồng Nai 5

s. Đồng Nai

150

616

2012

2015

39

Trị An***

s. Đồng Nai

400

1.700

1984

1991

40

Hàm Thuận-Đa Mi

s. La Ngà

475

1.555

1997

2001

41

Đắc RTih

s. Đắc RTih

144

637

2007

2011

Tổng cộng

14.330

57.205,8

Bảng 2: Danh sách các nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam có khả năng mở rộng.

Đối với thủy điện nhỏ:

Cần tiếp tục triển khai xây dựng các công trình có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, ít tác động đến môi trường, có diện tích chiếm dụng đất nhỏ, đặc biệt không được ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Kế hoạch thực hiện phát triển nguồn thủy điện nhỏ để triển khai xây dựng ở 36 địa phương trong giai đoạn 2023 - 2030 là 4.462 MW, nâng tổng công suất từ nguồn thủy điện nhỏ đến năm 2030 là 9.740 MW (xem bảng 3).

TT

Vùng/Tỉnh

Công suất lũy kế 2022 (MW)

Công suất lũy kế 2030 (MW)

Công suất tăng thêm 2023-2030 (MW)

1

Hà Giang

305

562

257

2

Cao Bằng

177

298

121

3

Lào Cai

711

940

229

4

Bắc Kạn

22

74

52

5

Lạng Sơn

35

104

69

6

Tuyên Quang

54

82

28

7

Yên Bái

308

582

274

8

Thái Nguyên

2

2

0

9

Phú Thọ

3

3

-

10

Quảng Ninh

4

4

-

11

Lai Châu

461,8

1.529

1.067,2

12

Điện Biên

160

471

311

13

Sơn La

588

801

213

14

Hòa Bình

38

48

10

15

Thanh Hóa

114

175

61

16

Nghệ An

240

303

63

17

Hà Tĩnh

44

86

42

18

Quảng Bình

14

64

70

19

Quảng Trị

104

197

93

20

Thừa Thiên Huế

118

127

9

21

Quảng Nam

206

407

201

22

Quảng Ngãi

186

459

273

23

Kon Tum

288

716

428

24

Gia Lai

281

352

71

25

Đắc Lắc

104

138

34

26

Đắc Nông

126

202

76

27

Bình Định

82

155

73

28

Phú Yên

37

74

37

29

Khánh Hòa

35

47

12

30

Lâm Đồng

255

401

146

31

Ninh Thuận

90

134

44

32

Bình Thuận

12

52

40

33

Bình Phước

37

73

36

34

Tây Ninh

3

3

-

35

Đồng Nai

-

44

44

36

Bình Dương

18

18

-

Toàn quốc

5.278

9.740

4.462

Bảng 3: Công suất nguồn thủy điện nhỏ theo địa phương [2].

Tận dụng các hồ thủy lợi để bố trí nhà máy thủy điện ở hạ lưu đập:

Việc tận dụng nguồn nước sẵn có từ các hồ thủy lợi để bố trí nhà máy thủy điện phía hạ lưu đập đang là xu thế chung trên thế giới nhằm khai thác triệt để nguồn thủy năng nhân tạo này. Hiện nay nước ta có 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi đang vận hành, trong đó có 419 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước. Đây cũng là lợi thế rất lớn nếu chúng ta tận dụng khai thác, xây dựng các nhà máy thủy điện sau đập từ các hồ thủy lợi hiện đang vận hành.

Để đánh giá tiềm năng này, chúng ta cần tiến hành khảo sát tất cả các hồ thủy lợi, xác định những hồ thủy lợi nào có thể xây dựng các nhà máy thủy điện phía sau đập dâng nhằm tăng thêm nguồn điện linh hoạt cho hệ thống.

Phát triển các nhà máy thủy điện tích năng:

Phát triển các dự án nhà máy thủy điện tích năng không làm tăng thêm sản lượng điện năng cho hệ thống mà nhiệm vụ chính là phủ đỉnh biểu đồ phụ tải, góp phần làm giảm sự chênh lệch (làm phẳng) biểu đổ phụ tải bằng việc huy động công suất bơm tích nước ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm.

Đối với TĐTN ở chế độ phát điện, tua bin - máy phát điện có thể phản ứng rất nhanh với độ lệch tần số, giống như vận hành thủy điện thông thường, do đó làm tăng thêm sự cân bằng và ổn định tổng thể của lưới điện. Lưu trữ bằng TĐTN trên thế giới hiện chiếm hơn 95% tất cả các dạng lưu trữ năng lượng hiện nay.

Kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng TĐTN của nước ta cho thấy có 9 địa điểm có thể xây dựng, khai thác TĐTN với tổng công suất 12.500 MW. Công trình TĐTN Bác Ái công suất 1.200 MW là nhà máy TĐTN đầu tiên đã được khởi công xây dựng đầu năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ có 2.700 MW công suất từ TĐTN và hệ thống pin lưu trữ và con số này sẽ tăng lên 39.700 MW vào năm 2050 (kịch bản cao). Danh mục các dự án TĐTN được xác định trong Quy hoạch điện VIII nêu ở bảng 4.

TT

Dự án

Công suất (MW)

Năm đưa vào vận hành

Ghi chú

1

TĐTN Bác Ái

1200

2028-2029

Đang thi công

2

TĐTN Phước Hòa

1200

2029-2030

3

Các dự án khác

Một số địa phương đề xuất thêm các dự án thuỷ điện tích năng: Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Khánh Hoà, Đắk Nông,... Tuy nhiên, số lượng các dự án, công suất, vị trí, sự cần thiết phải được tiếp tục đánh giá dựa trên nhu cầu hệ thống để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảng 4: Danh mục các dự án TĐTN sẽ phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 [2].

Lời kết:

Trong gần hai thập kỷ (kể từ năm 1994) khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với tổng công suất 1.920 MW đưa vào vận hành, thủy điện đóng vai trò xương sống trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện nước ta. Ngoài việc cung cấp điện năng, các nhà máy thủy điện còn phát huy hiệu quả tổng hợp (như cấp nước, chống lũ, hoặc giảm lũ cho hạ du, tạo thuận lợi cho giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch v.v...).

Ngày nay, khi công suất nguồn điện từ gió, mặt trời tăng mạnh, thì vai trò của thủy điện và TĐTN càng trở nên quan trọng do khả năng vận hành linh hoạt, với vai trò dự phòng công suất, dự phòng sự cố và giữ ổn định cho hệ thống điện bằng dịch vụ phụ trợ.

Hiện nay, các nhà máy thủy điện nước ta đang khai thác theo chỉ tiêu kinh tế của những năm trước đây, với số giờ sử dụng công suất lắp máy khoảng 4.000h/năm và thậm chí năm 2022 con số này rất cao, lên đến 4.216 h/năm. Do cơ cấu nguồn điện, chi phí sản xuất điện năng trong hệ thống điện đã thay đổi, nếu vẫn giữ nguyên số giờ sử dụng công suất lắp máy như cũ, sẽ gây lãng phí nguồn năng lượng sạch hiện có và không phát huy được thế mạnh của thủy điện là cân bằng hệ thống, nâng cao chất lượng điện, mang lại hiệu quả chung cho hệ thống điện.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, số giờ khai thác kinh tế cho thủy điện vào khoảng từ 2.500 - 3.000h/năm (tùy thuộc vào tính chất và cơ cấu nguồn điện).

Việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện (nếu thuận lợi) sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ “Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

3. TS. Nguyễn Huy Hoạch. Lợi thế của Việt Nam khi mở rộng nhà máy thủy điện và phát triển thủy điện tích năng. NangluongVietNam online 06:25 | 03/03/2023.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động