RSS Feed for Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ cuối]: Việt Nam cần lưu ý những gì? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 23:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ cuối]: Việt Nam cần lưu ý những gì?

 - Hiện nay, với xu thế phát triển nền kinh tế tuần hoàn - nền kinh tế phi chất thải, ngay các loại chất thải từ sản xuất và sinh hoạt từng bị coi là thứ độc hại, vô dụng, bỏ đi đã được thế giới xác định là nguồn tài nguyên thứ cấp quan trọng, cần phải tái chế, sử dụng triệt để nhằm phục vụ sản xuất và đời sống. Với tư duy đó, không có cớ gì lại coi nguồn tài nguyên than là đồ “bẩn thỉu” phải bỏ đi. Ngược lại, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Phải tiếp tục tìm cách tốt nhất để khai thác, chế biến, sử dụng chúng phục vụ cuộc sống con người.
Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ 2]: Dấu hiệu nào cần quan tâm? Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ 2]: Dấu hiệu nào cần quan tâm?

Từ tổng quan trữ lượng, sản lượng khai thác, xuất - nhập khẩu, tiêu thụ than năm 2020 của toàn thế giới, khu vực, nhóm nước và các nước đại diện (trong kỳ trước), dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích, nhận xét làm rõ từng nội dung, cũng như lưu ý những dấu hiệu cần quan tâm của ngành than trên toàn cầu.

Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ 1]: Tổng quan từ trữ lượng đến tiêu thụ Một số dấu hiệu của ngành than toàn cầu [Kỳ 1]: Tổng quan từ trữ lượng đến tiêu thụ

Năm 2020 ngành than toàn cầu đã để lại một số dấu hiệu quan trọng cần quan tâm. Với tinh thần đó, trong bảng dưới đây trình bày tổng quan trữ lượng, sản lượng khai thác, xuất - nhập khẩu, tiêu thụ than năm 2020 của toàn thế giới, khu vực, nhóm nước và các nước đại diện.


KỲ CUỐI: LỜI KẾT VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN QUAN TÂM ĐỐI VỚI VIỆT NAM

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Lời kết:

- Trữ lượng than đã xác minh toàn cầu đến năm 2020 là 1.074.108 triệu tấn (bình quân 137,8 tấn/người), có thể khai thác trong vòng 139 năm (với mức sản lượng năm 2020 là 7.727,4 triệu tấn). Tập trung chủ yếu tại 11 nước, chiếm 91,7%.

- Sản lượng than năm 2020 toàn thế giới đạt 159,61 EJ (tương ứng 7.727,4 triệu tấn), giảm 8,3 EJ, tương ứng -5,2% so với năm 2019. Chỉ có một số ít nước tăng sản lượng như Trung Quốc, Ấn Độ, v.v... Trong đó có Việt Nam, còn chủ yếu là giảm sản lượng, đặc biệt giảm mạnh ở một số nước như Mỹ (-3,6 EJ), Indonesia (-1,3 EJ) và Colombia (-1,0 EJ).

- Năm 2020 tiêu thụ than thế giới đạt 151,42 EJ, giảm 6,2 EJ, tương ứng -4,2%. Dẫn đầu là sự sụt giảm ở Mỹ (-2,1 EJ) và Ấn Độ (-1,1 EJ). Đặc biệt mức tiêu thụ than của OECD giảm xuống mức thấp nhất trong chuỗi dữ liệu của Statistical Reviev of the World Energy từ năm 1965. Trung Quốc và Malaysia là những ngoại lệ đáng chú ý nhất, tăng tiêu thụ than lần lượt gần 0,5 EJ và 0,2 EJ.

- Tiêu thụ than bình quân đầu người của thế giới là 19,33 GJ/người, giảm 5,5% so với năm 2019.

- Giá than 2 năm (2019 - 2020) giảm mạnh do tiêu thụ than giảm. Nguyên nhân chính của việc giảm tiêu thụ than chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19.

- Than vẫn giữ vai trò quan trọng trong cán cân năng lượng toàn cầu, khu vực, nhóm nước và của nhiều nước. Trong đó, than chiếm 27,2% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp (NLSC) của thế giới (đứng thứ hai sau dầu 31,2% và trước khí thiên nhiên 24,7%).

- Hiện nay, với xu thế phát triển nền kinh tế tuần hoàn - nền kinh tế phi chất thải, ngay các loại chất thải từ sản xuất và sinh hoạt từng bị coi là thứ độc hại, vô dụng, bỏ đi đã được thế giới xác định là nguồn tài nguyên thứ cấp quan trọng, cần phải tái chế, sử dụng triệt để nhằm phục vụ sản xuất và đời sống. Với tư duy đó, không có cớ gì lại coi nguồn tài nguyên than là đồ “bẩn thỉu” phải bỏ đi. Ngược lại, phải tiếp tục tìm cách tốt nhất khai thác, chế biến, sử dụng chúng phục vụ cuộc sống con người.

Việt Nam cần quan tâm những gì?

Thứ nhất: Khai thác than trong nước:

Ta biết rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước, trong đó có tài nguyên than để nâng cao tính tự chủ trong việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu có nhiều rủi ro và biến động. Vấn đề là:

1/ Nguồn tài nguyên than trong nước có tiềm năng hạn chế, trong khi đã khai thác hơn một trăm ba mươi năm, theo đó, phần tài nguyên than có điều kiện thuận lợi đã khai thác hết, còn lại phần tài nguyên có điều kiện khó khăn, nên giá thành khai thác than tăng cao.

2/ Việc khai thác than chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, nhất là cho sản xuất điện, xuất khẩu than gần như không đáng kể, mỗi năm chỉ vài triệu tấn, là những loại than mà trong nước không hoặc ít có nhu cầu sử dụng, xuất khẩu có giá trị cao gấp nhiều lần so với chế biến chúng để sử dụng cho sản xuất điện.

3/ Chính sách thuế, phí hiện hành của nước ta đối với khai thác than rất cao, đặc biệt là thuế tài nguyên cộng với tiền cấp quyền khai thác. Hiện nay thuế suất thuế tài nguyên đối với than antraxit khai thác hầm lò là 10% doanh thu, than antraxit khai thác lộ thiên là 12% doanh thu, cộng với tiền cấp quyền khai thác 2%... Như vậy, tổng cộng đối với than antraxit hầm lò là 12% và than antraxit lộ thiên là 14%, cao nhất trên thế giới và trong khu vực.

Ví dụ điển hình như Indonesia - nước có tài nguyên than tương đối dồi dào, trước đây khai thác để xuất khẩu là chính nên mức thuế tài nguyên quy định 13%. Nhưng hiện nay, theo Luật khai thác mỏ năm 2009 và chủ trương hạn chế xuất khẩu than để tăng cường sử dụng trong nước theo quy định về trách nhiệm cung cấp than cho thị trường trong nước (Domestic Market Obligation - DMO), chủ yếu cho sản xuất điện, nên mức thuế tài nguyên đã giảm xuống 3% (cho than có nhiệt trị dưới 5.100 kcal/kg), 5% (cho than có nhiệt trị từ 5.100 đến 6.100 kcal/kg) và 7% (cho than có nhiệt trị trên 6.100 kcal/kg), trong đó than có mức thuế 3% chủ yếu để sử dụng trong nước.

Chưa kể, do giá thành tăng cao nên để sản xuất than khỏi bị lỗ, doanh nghiệp không thể khai thác các phần than khó khai thác có giá thành cao bị lỗ mà đành phải bỏ lại trong lòng đất do “lực bất tòng tâm”, dẫn đến làm tăng tổn thất tài nguyên, trái với quy định của Luật Khoáng sản là phải khai thác tận thu tối đa tài nguyên. Chỉ vì tăng thêm một số % thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác mà gây ra thiệt đơn, thiệt kép trong việc khai thác than và sử dụng than, kể cả thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong cả 2 lĩnh vực này.

Vì vậy, để hỗ trợ và khuyến khích tăng cường khai thác than trong nước nhằm nâng cao sản lượng và tính tự chủ trong việc cung cấp than đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện khai thác tận thu tối đa tài nguyên than theo quy định của Luật Khoáng sản, đề nghị Nhà nước xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức hợp lý và bỏ tiền cấp quyền khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản (ban hành đã hơn 10 năm, đến nay cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới).

Trước mắt, đề nghị giảm thuế suất thuế tài nguyên xuống mức tối thiểu theo quy định của Luật Thuế tài nguyên là 4% đối với than antraxit khai thác hầm lò và 6% đối với than antraxit khai thác lộ thiên, đối với các loại tài nguyên than khác cũng vậy. Tiếp theo khi sửa đổi, chỉnh sửa Luật Khoáng sản, đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác, vì bản chất khoản thu này trùng với bản chất thuế tài nguyên: Cùng đánh vào phần giá trị tô mỏ - tức là giá trị thặng dư siêu ngạch do điều kiện tự nhiên thuận lợi sinh ra, trong khi phần giá trị này ngày càng suy giảm do tài nguyên than còn lại có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp hơn như đã nêu trên.

Thứ hai: Nhập khẩu than:

Giai đoạn trước mắt, Việt Nam có thể nhập khẩu than từ Indonesia, Úc, Nam Phi. Tuy nhiên, trong tương lai Indonesia sẽ giảm dần xuất khẩu để cung cấp than đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là cho sản xuất điện. Còn Nam Phi, khả năng tăng sản lượng than xuất khẩu gần như không còn do tiềm năng tữ lượng than không cho phép, trong khi thị phần đã do một số nước chiếm giữ, nhất là Ấn Độ vừa gần, vừa có nhu cầu lớn.

Còn về lâu dài, để đảm bảo nguồn than nhập khẩu ổn định, an toàn với giá cả hợp lý, chúng tôi cho rằng: Cần có chiến lược bài bản, cùng chính sách, giải pháp thích hợp nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở Úc, Nga, v.v... đưa về phục vụ trong nước./.

Đón đọc: Một số nguồn năng lượng được coi là ‘sạch’, liệu có thực sự sạch và bền vững?

[*] Đơn vị công tác: Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Khoa Quản lý Công nghiệp, Năng lượng - EPU


Tài liệu tham khảo: BP Statistical Review of World Energy 2021

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động