RSS Feed for Mở bể than Sông Hồng: "Thử nghiệm công nghệ, trước khi làm bất cứ việc gì" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 05:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mở bể than Sông Hồng: 'Thử nghiệm công nghệ, trước khi làm bất cứ việc gì'

 - Mở bể than Sông Hồng là một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm mở ra ngành công nghiệp hóa than và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn phát triển mới, tuy nhiên đến nay việc lựa chọn phương án khai thác, giải pháp kỹ thuật - công nghệ, cũng như cơ chế chính sách để thực hiện vẫn còn là một… 'ẩn số'. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh (Ủy viên thường trực Hội đồng phản biện khoa học - Biên tập NangluongVietnam) đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Than đồng bằng Sông Hồng.

- Ông đánh giá như thế nào về nguồn tài nguyên năng lượng nói chung và nguồn than nói riêng (đã được thẩm lượng) của Việt Nam?

Việt Nam thuộc nước nghèo về tài nguyên khoáng sản nói chung, và về tài nguyên năng lượng nói riêng. Nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí, uranium) rất có hạn. Đất nước chúng ta nhỏ và hẹp nên sông ngắn, lưu vực nhỏ, nên tiềm năng về thủy điện không lớn, đã được khai thác gần hết và càng ngày càng tỏ ra không bền vững về mặt sinh thái. Các nguồn năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời không thể khai thác tập trung quy mô lớn và với giá thành rẻ được.

Riêng về than, gần 20 năm qua trữ lượng ngày càng bị giảm đi do khai thác nhiều hơn thăm dò, bây giờ chỉ còn khoảng 2 tỷ tấn. Bình quân đầu người của Việt Nam về trữ lượng than chỉ hơn 20 tấn, trong khi của thế giới gần 150 tấn.

An ninh năng lượng của Việt Nam đang ở mức báo động, và sẽ ngày càng nguy cấp hơn cả an ninh lương thực.

- Theo các nguồn thông tin không chính thức, bể than Sông Hồng có trữ lượng lớn gấp nhiều lần bể than Quảng Ninh. Theo ông, những con số nào đáng tin cậy?

Nói về “tiềm năng” thì than ở đồng bằng Sông Hồng lớn gấp 20 lần ở Quảng Ninh. Nhưng, nếu nói về “trữ lượng” thì chẳng con số nào (về than đồng bằng hay về than Quảng Ninh) tin cậy cả. “Trữ lượng” phải gắn với công nghệ khai thác. Ở bể than Sông Hồng, tiềm năng than rất lớn, nhưng “trữ lượng” đã được thăm dò rất nhỏ, còn “trữ lượng” có thể khai thác được bằng công nghệ mà Việt Nam hiện có gần như bằng 0 vì chúng ta chưa có công nghệ khai thác phù hợp.

- Ông có thể so sánh một cách đơn giản về chất lượng than của 2 bể than này?

Nói đến “chất lượng” thì phải gắn với mục đích sử dụng. Nếu để xuất khẩu, thì chất lượng than Quảng Ninh tốt hơn than Sông Hồng (khoảng 2 lần), còn nếu để phát điện thì than Sông Hồng tốt hơn than Quảng Ninh (khoảng 5 lần).

- Chúng ta nên khái quát quá trình phát hiện ra bể than Sông Hồng như thế nào?

Người Pháp đã tiên đoán, người Nga đã thăm dò, người Nhật đã khẳng định. Còn Việt Nam hiện đang làm một việc thừa là “điều tra, đánh giá”.

- Tại sao việc phát hiện ra mỏ than này từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đến nay, vấn đề này mới được đưa ra để “bàn cãi”?

Việc có rất nhiều than ở Hưng Yên và Thái Bình thì không cần “bàn cãi”. Ai còn nghi ngờ và “bàn cãi” về điều này là không có kiến thức về địa chất. Vấn đề cần được “bàn cãi” là có khai thác được hay không, hay nói cụ thể hơn là liệu có công nghệ nào cho phép chúng ta khai thác có hiệu quả than mà vẫn bảo vệ được đất canh tác lúa và đất thổ cư của bà con nông dân?

Về mặt lý thuyết và thực tế trên thế giới đã chứng minh là có thể lựa chọn được công nghệ phù hợp. Còn lựa chọn như thế nào cho phù thì phải thử nghiệm. Có thử nghiệm thì mới có cái để “bàn cãi”. Thử nghiệm công nghệ là khâu quan trọng đầu tiên cần làm ngay.

- Liệu chúng ta có thể hy sinh bao nhiêu đất trồng lúa ở đồng bằng Sông Hồng cho một triệu tấn than được khai thác?

Không thể khẳng định được con số chính xác nếu không thử nghiệm công nghệ. Còn nếu tính “trên giấy”, thì để có một ngành công nghiệp hóa than ở Hưng Yên và Thái Bình với quy mô (to) như ở Quảng Ninh hiện nay (công suất khoảng 30-45 triệu tấn than/năm) chúng ta phải “hy sinh” mức tối đa tổng số khoảng 1.500ha đất (để xây dựng các mặt bằng sân công nghiệp của các đơn vị khai thác).

Thực ra, diện tích này còn nhỏ hơn diện tích tự nhiên lấn ra biển do bồi lắng của Sông Hồng hàng năm ở vùng Thái Bình - Nam Định.

- Nhiều người lo ngại về việc ô nhiễm môi trường nguồn nước ngầm trong quá trình khai thác. Kinh nghiệm này trên thế giới như thế nào và có thể áp dụng vào việc khai thác bể than Sông Hồng?

Việc canh tác lúa nước và khai thác than sẽ diễn ra ở 2 tầng địa chất rất khác nhau: tầng Đệ tứ (bên trên) và tầng Neogen (nằm sâu cách mặt đất ít nhất 150m). Sự phụ thuộc lẫn nhau về nước ngầm (quan hệ thủy lực) giữa hai tầng địa chất này rất hạn chế. Nước chảy từ cao xuống thấp. Tầng nước ở dưới không thể làm ô nhiễm (nếu có) tầng nước ở trên.

Ngoài ra, công nghệ khai thác than dự kiến chủ yếu là “khí hóa than ngầm” ở độ sâu cách mặt đất ít nhất là 450-1200m. Công nghệ này đôi khi cũng cần có một lượng không đáng kể nước (H2O) để tham gia phản ứng hóa học, nhưng sẽ được bơm từ trên mặt đất xuống dưới dạng hơi nóng. Vì vậy, không nên lo ngại về việc ô nhiễm nguồn nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng.

Còn kinh nghiệm thế giới về hạn chế ô nhiễm nước ngầm (nếu có) trong khí hóa than thực ra rất đơn giản, ta cũng có thể làm được, đó là tận dụng áp lực thủy tĩnh của nước. Như trên tôi đã nói, nước chỉ chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, còn chất gây ô nhiễm chỉ có thể phát tán từ chỗ có áp suất cao ra chỗ có áp suất thấp hơn. Nếu ta duy trì áp suất trong khu vực khí hóa than thấp hơn, hoặc bằng áp suất thủy tĩnh thì chất bẩn (nếu có) trong quá trình khí hóa than sẽ không thể phát tán đi đâu được.

Nhân đây tôi cũng xin lưu ý: hơn 20 năm gần đây, ở đồng bằng Sông Hồng, nước cho canh tác lúa đã và đang ngày càng cạn kiệt chủ yếu là do các nhà máy thủy điện trên thượng lưu và việc khai thác nước ngầm để cấp cho sinh hoạt. Hai yếu tố này có ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ngầm ở đồng bằng Sông Hồng nhiều hơn bất kỳ công nghệ khai thác than nào (nếu có).

- Ông có thể phác họa quy trình kỹ thuật khai thác than theo công nghệ hóa khí và những kinh nghiệm của các nước trên thế giới?

Rất hiện đại nhưng rất dễ hiểu. Đó là biến các mỏ than (nằm sâu dưới lòng đất) thành các mỏ khí, sau đó khai thác (đưa lên mặt đất) giống như khai thác khí.

Để biến than (nguyên tố hóa học có ký hiệu là C) thành khí (thường gọi là khí tổng hợp hay khí nhân tạo có thành phần cháy được cũng tương tự khí thiên nhiên, gồm CO, H2, CH4) chúng ta chỉ cần bơm khí trời (có chứa 19-21% ô xy) kèm theo nhiệt độ (có thể là hơi nước có nhiệt độ cao) xuống nơi có than. Các phản ứng hóa học sẽ xẩy ra trong vỉa than, biến than thành khí và chúng ta chỉ cần hút sản phẩm khí lên để dùng như khí thiên nhiên.

Muốn đưa khí trời xuống và hút khí tổng hợp lên, chúng ta phải khoan ít nhất 2 lỗ khoan từ trên mặt đất xuống tới vỉa than, 1 lỗ để bơm khí trời và hơi nước (nếu cần) xuống, còn lỗ kia để hút khí tổng hợp lên để dùng.

Nói nôm na, chúng ta sẽ có một ngành khai thác than hoàn toàn mới, có thể gọi là ngành “hóa than”.

- Tại sao ông hay dùng từ “nếu có”, “nếu cần”?

Bởi vì chúng ta chưa thử nghiệm công nghệ cụ thể nên không thể khẳng định được có cần đến hơi nước nóng hay không?.

- Có ý kiến cho rằng, để tránh rủi ro và tiết kiệm chi phí nên thử nghiệm công nghệ khai thác trước rồi mới điều tra địa chất, hay thăm dò, qui hoạch. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?

Đúng vậy, đấy là ý của các đối tác nước ngoài khuyên chúng ta. Việc đầu tiên cần làm là thử nghiệm công nghệ (chứ không phải là “điều tra đánh giá tổng thể” như chúng ta đang làm hiện nay). Nếu thử nghiệm công nghệ (khoảng 130 tỷ VND bằng vốn doanh nghiệp) không thành công thì đề án “điều tra, đánh giá tổng thể” than đồng bằng Sông Hồng (có giá trị được phê duyệt lên tới 1320 tỷ VND từ ngân sách) cũng chỉ là mớ giấy lộn.

Chúng ta đã nghèo, ít tiền, đang phải “tái” đầu tư công, nhưng có người vẫn muốn lấy tiền thuế của dân để làm việc chưa cần làm.

- Thế nào thì coi là thử nghiệm công nghệ “thành công”?

Việc thử nghiệm được coi là thành công nếu đạt được cả 3 tiêu chí cụ thể như sau: (i) 1kg than thu được ít nhất 2 m3 khí tổng hợp (tính khả thi về kỹ thuật); (ii) Sự lún sụt theo tính toán sẽ không lan tỏa tới độ sâu cách mặt đất 150m, tức là không lên tới tầng Đệ tứ - tầng chứa nước ngầm, đất canh tác, đất thổ cư (tính khả thi về môi trường - sinh thái); và (iii) Giá thành khí (chưa tính thuế tài nguyên) khoảng 2,7-3,5 U$/triệu BTU (tính khả thi về kinh tế).

- Trăm sự cuối cùng lại quay về vấn đề “đầu tiên” là lấy tiền ở đâu và lợi ích kinh tế khi thực hiện dự án. Ông có thể chứng minh điều này đối với: Lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương, lợi ích Tập đoàn và lợi ích của người dân…?

Trước hết, lợi ích quốc gia: Để tránh rủi ro cho ngân sách, Luật Khoáng sản đã khuyến khích cả các tổ chức và cá nhân đầu tư cho khâu điều tra đánh giá tổng thể. Chỉ cần thay đổi trình tự làm (thử nghiệm công nghệ, trước khi làm bất cứ việc gì) thì ngân sách sẽ tiết kiệm được 1.320 tỷ VND rồi (nếu thử nghiệm không thành công thì ngân sách khỏi phải chi 1.320 tỷ, còn nếu thử nghiệm thành công thì doanh nghiệp, kể cả các đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng chi tiền để làm thay cho ngân sách).

Lợi ích của địa phương: Có thêm ngành công nghiệp hóa than và công nghiệp năng lượng trên địa bàn (về lý thuyết, chắc chắn ngành hóa than sẽ nộp ngân sách nhiều hơn ngành Than).

Lợi ích của doanh nghiệp: Nếu triển khai qui mô công nghiệp (công suất trên 300MWe), sẽ có 2 kịch bản xẩy ra về dùng khí tổng hợp (thu được từ khí hóa than ngầm): để phát điện và/hoặc để chế biến sâu thành dầu diesel. Lợi ích của doanh nghiệp phụ thuộc vào đây. Nếu để phát điện, giá thành sẽ khoảng 60-65U$/MWh, nếu chế thành diessel, thì giá thành khoảng 56-60U$/thùng. Như vậy, kịch bản nào cũng có lợi.

Nhưng để có lợi nhiều hơn, doanh nghiệp nên chọn kịch bản “diesel”.

Về lợi ích của người dân: chúng tôi sẽ không có nhu cầu thu hồi đất để khai thác than (chỉ dùng rất ít đất để xây văn phòng và nhà ở cho công nhân như tôi nói ở trên) nên người dân ở Hưng Yên và Thái Bình sẽ không có gì để “mất”, ngược lại, sẽ “được” nhiều thứ nhờ các dịch vụ đi kèm giống như ngành khai thác khí đốt trong hơn 30 năm qua đã và đang mang lại cho nông dân Tiền Hải.

Xin cảm ơn ông!

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động