RSS Feed for Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 04:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

 - Chuỗi sự kiện webinar Kinh nghiệm quốc tế trong Đấu thầu dự án năng lượng tái tạo 2021 (“IEREA 2021”) do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 và Trung tâm hỗ trợ đấu thầu (Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức trực tuyến (từ ngày 17-21/8/2021) để các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm quốc tế về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo (để lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo) nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Khi nào thích hợp cho đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Việt Nam? Khi nào thích hợp cho đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Việt Nam?

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng để quyết định lựa chọn các nguồn năng lượng đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Đề xuất của WB về đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam Đề xuất của WB về đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về "Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam" đã kiến nghị chúng ta 2 phương án triển khai dự án điện mặt trời: (1) Đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và (2) Đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp. Theo WB, các phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát, cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Đề xuất của EVN về cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời Đề xuất của EVN về cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, EVN đề xuất theo 3 phương án: Đấu thầu cho từng dự án; đấu thầu đại trà và đấu thầu khu vực.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

IEREA 2021 là chuỗi sự kiện kéo dài năm ngày, mỗi ngày tập trung vào kinh nghiệm đấu thầu dự án năng lượng tái tạo từ một quốc gia, bao gồm Đan Mạch (17/8), Ấn Độ (18/8), Vương quốc Anh (19/8), Đức (20/8) và Hoa Kỳ (21/8).

Nền công nghiệp năng lượng tái tạo non trẻ của Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng để chuyển qua giai đoạn phát triển tiếp theo. “Thế giới thường khắc nghiệt với những điều mới mẻ. Những điều mới mẻ luôn cần những người bạn” - như Anton Ego viết trong bộ phim Ratatouille. Chính vì vậy, IEREA 2021, với tinh thần “Chia sẻ là yêu thương” (Sharing is caring), là cầu nối mang nhiều người bạn chân thành đến với Việt Nam, để hỗ trợ nền công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam, để không chỉ chia sẻ những thành công, mà quan trọng hơn, là thẳng thắn thảo luận những sai lầm trên chặng đường phát triển của các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Bài học điện gió ngoài khơi Đan Mạch - Chặng đường 25 năm phát triển:

Mở đầu bài tham luận của mình, bà Camilla Holbech - Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi (Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội) đưa tất cả các đại biểu của IEREA 2021 ngược dòng lịch sử về năm 1991 - năm Vindeby - dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Đan Mạch và của thế giới được xây dựng. Chặng đường phát triển của điện gió ngoài khơi Đan Mạch, bao gồm việc phát triển cơ chế đầu thầu, không chỉ là nỗ lực của Chính phủ Đan Mạch, mà còn là nỗ lực đối thoại từ phía doanh nghiệp và cộng đồng các nhà khoa học. Không hề dễ dàng trong việc xây dựng cơ chế đấu thầu, nhưng Đan Mạch đã bắt đầu hành trình của mình bằng các cuộc đối thoại, như bà Camilla Holbech chia sẻ chân thành “Đối thoại, đối thoại, và đối thoại nhiều hơn nữa”.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Đối với đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi, cuộc đối thoại quan trọng đầu tiên chính là về quy hoạch không gian biển quốc gia. Đồng ý với bà Camilla Holbech, ông Sebastian Hald Buhl - Giám đốc Orsted tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược quốc gia để kiến tạo quy hoạch không gian biển quốc gia, đặc biệt là các vấn đề liên ngành.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Những người bạn Đan Mạch đã mở đầu cho cuộc đối thoại IEREA 2021 với sự chân thành và nhiệt huyết, như lời phát biểu khai mạc tại IEREA 2021 của Ngài Malte Möller - Christensen - Phó đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội: “Đan Mạch là người bạn thân thiết của Việt Nam, luôn sẵn sàng đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và phát triển bền vững”. Và chắc chắn cuộc đối thoại về xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ được tiếp tục thảo luận với sự hỗ trợ từ phía Đan Mạch.

Bài học điện mặt trời Ấn Độ - Giải quyết tranh chấp trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo:

Bà Poonam Vẻma - Luật sư thành viên J. Sagar Associates nhấn mạnh rằng, công suất điện mặt trời của Ấn Độ đã tăng 15 lần từ 2,6 GW năm 2014 lên 42,64 GW năm 2021. Một trong những lý do đóng góp vào việc bùng nổ điện mặt trời chính là cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả (như hệ thống tòa án chuyên biệt), góp phần gia tăng niềm tin các nhà đầu tư.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Một trong những kênh đối thoại hiệu quả góp phần giải quyết tranh chấp trong đấu thầu dự án điện mặt trời tại Ấn Độ chính là Liên đoàn Năng lượng Mặt trời Quốc gia của Ấn Độ (NSEFI). Gần đây, sau khi Cơ quan Phát triển Năng lượng Tái tạo và Mới bang Uttar Pradesh (UPNEDA) hủy thầu dự án điện mặt trời 500 MW, NSEFI đã đệ trình lên Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo Ấn Độ việc UPNEDA hủy thầu và yêu cầu Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo Ấn Độ can thiệp khẩn cấp vì việc hủy thầu này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài hết sức thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Những người bạn Ấn Độ đã không ngần ngại chia sẻ những trở ngại trên chặng đường phát triển việc đấu thầu dự án điện mặt trời tại Ấn Độ, nhưng quan trọng hơn, những trở ngại đó không thể cản bước Ấn Độ nhờ vào “cam kết mạnh mẽ phát triển năng lượng tái tạo”, như lời phát biểu khai mạc tại IEREA 2021 của bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất đặc trách kinh tế thương mại Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Bài học Vương quốc Anh - Hành trình 20 năm phát triển năng lượng tái tạo:

Bắt đầu từ năm 2002, Vương quốc Anh áp dụng chính thức các cơ chế hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Vương quốc Anh đã có những bước chuẩn bị bài bản cho việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có cơ chế đấu thầu.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Bộ Thương mại, Năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh là cơ quan chịu trách nhiệm chính xây dựng cơ chế đấu thầu dự án năng lượng tái tạo. Công ty truyền tải quốc gia Anh là bên chịu trách nhiệm nhận hồ sơ đấu thầu và Công ty quản lý hợp đồng phát thải thấp là bên đàm phán và ký kết các hợp đồng liên quan. Thêm vào đó, Ủy ban giám sát thị trường điện và khí là bên hỗ trợ trực tiếp toàn bộ quy trình.

Việc “bộ ba quyền lực” Bộ Thương mại, Năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh, Công ty quản lý hợp đồng phát thải thấp và Ủy ban giám sát thị trường điện và khí cùng tham gia tham luận tại IEREA 2021 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp năng lượng tái tạo, như lời phát biểu khai mạc tại IEREA 2021 của Ngài Sam Wood - Phó Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại Tp. Hồ Chí Minh kiêm Đại diện thương mại và đầu tư: “Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam như một người bạn thân thiết.”

Bài học nước Đức - Lộ trình chuyển đổi chính sách từ trợ giá FiT sang đấu thầu dự án năng lượng tái tạo:

Ông Thomas Krohn - Giám đốc chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của GIZ tại Hà Nội chia sẻ hành trình hơn 20 năm phát triển năng lượng tái tạo của nước Đức từ những năm 2000:

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Trong lộ trình chuyển đổi chuyển đổi chính sách từ trợ giá FiT sang đấu thầu dự án năng lượng tái tạo, nước Đức đối mặt không ít những thách thức trong việc thiết kế cơ chế đấu thầu.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Một trong những vấn đề được các đại biểu IEREA 2021 quan tâm chính là tính toán chi phí liên quan đến việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Đức, cụ thể như chi phí liên quan khi tham gia chính sách trợ giá, hay khác biệt trong biểu giá và chính sách giá trần tại Đức. IEREA 2021 chính là khởi đầu cho cuộc đối thoại dài hạn về xác định/tính toán giá điện năng lượng tái tạo (đặc biệt là giá điện mặt trời và giá điện gió) tại Việt Nam, với cam kết hỗ trợ từ những người bạn Đức, như lời phát biểu khai mạc tại IEREA 2021 của Ngài Weert Börner Phó Đại sứ đặc trách kinh tế, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam: “Nước Đức sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển năng lượng tái tạo.”

Bài học Hoa Kỳ - Từ lý thuyết đấu thầu đến thực tiễn áp dụng:

Như lời phát biểu khai mạc tại IEREA 2021 của bà Anna Shpitsberg - Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách chuyển dịch năng lượng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng và thu hút đầu tư hỗ trợ các mục tiêu này lả một trong những mục tiêu hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, IEREA 2021 đã mời ông James Bennett - Giám đốc Chương trình, Văn phòng Chương trình Năng lượng Tái tạo (Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm đấu thầu điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ (mà Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ là cơ quan chính phủ trực tiếp quản lý việc đấu thầu).

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Đồng thời, PGS, TS. Carlos Batlle Lopez - nhà nghiên cứu tại Viện năng lượng của Massachusetts Institute of Technology (một trong những đối tác lâu dài cam kết hỗ trợ quá trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam) và Phó giáo sư tại Đại học Comillas Pontifical (Tây Ban Nha) chia sẻ việc thiết kế cơ chế đấu thầu dự án năng lượng tái tạo cần cân nhắc tổng hợp nhiều yếu tố.

Khởi đầu cuộc đối thoại về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

IEREA 2021 khép lại nhưng mở ra cuộc đối thoại mới vì một Việt Nam hùng cường, như ông Trần Quốc Điền - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 (Trưởng ban tổ chức IEREA 2021) chia sẻ tại IEREA 2021: “Hiện chúng ta đang ở năm thứ hai của đại dịch toàn cầu đã giết chết hơn bốn triệu người. Các hiện tượng khí hậu cực đoan thường xuyên tàn phá các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, hãy nhớ thế giới này đầy ắp những điều diệu kỳ. Cùng nhau chúng ta có thể xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn.”

Với kinh nghiệm và uy tín trong tư vấn xây dựng các công trình năng lượng tái tạo tại Việt Nam, PECC3 mong muốn sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chuỗi sự kiện thiết thực, hữu ích, góp phần vào sự phát triển chung của ngành năng lượng tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp. Xin chân thành cảm ơn đơn vị đồng tổ chức Trung tâm hỗ trợ đấu thầu (Cục quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị tài trợ đã đồng hành cùng sự thành công của IEREA2021./.

NGUYỄN TUẤN PHÁT (LUẬT SƯ NỘI BỘ - PHÒNG PHÁP CHẾ PECC3)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động