RSS Feed for Hoàn thiện công cụ quản lý năng lượng bằng quy hoạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 02:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hoàn thiện công cụ quản lý năng lượng bằng quy hoạch

 - Tiếp theo việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã và đang hoàn thiện các công cụ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật thông qua việc nâng cao chất lượng của các quy hoạch. Nhân dịp đầu năm mới 2018, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề quy hoạch của ngành năng lượng Việt Nam.

Năng lượng Việt Nam: Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2016, trong cơ cấu nguồn điện nước ta đến năm 2030 có hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (tổng công suất 4.600 MW, sản lượng điện 32 tỷ kWh/năm). Tuy nhiên, cuối năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân này. Vậy Bộ Công Thương đã nghiên cứu xác định các phương án nguồn điện thay thế như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc tính toán cân đối cung - cầu điện năng theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Bộ Công Thương thường xuyên thực hiện để đưa ra những khuyến nghị nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện cho quốc gia. Từ thời điểm phê duyệt tới nay, Quy hoạch điện VII đã có nhiều hiệu chỉnh phù hợp hơn.

Thứ nhất: Dừng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thứ hai: Bổ sung các nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, Nhiệt điện An Khánh.

Thứ ba: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) ở mức cao hơn.

Thứ tư: Đặc biệt, bổ sung đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 để tăng khả năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng (khoảng 5GW).

Còn trong giai đoạn tới năm 2030, các giải pháp cơ bản trong lĩnh vực năng lượng gồm:

Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện chương trình quốc gia về "Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng"; ưu tiên đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng; phấn đấu đưa hệ số đàn hồi về điện của nền kinh tế về gần bằng 1.

Thứ hai: Hạn chế tối đa những ảnh hưởng của năng lượng đến môi trường bằng việc phát triển các nguồn năng lượng mới sạch/tái tạo. Tiếp tục giảm thiểu phát thải tại các nguồn hiện có. Bổ sung, hoàn thiện và công khai, minh bạch các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với nhiệt điện than. Tạo điều kiện cho các cộng đồng xã hội giám sát quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than và thủy điện. Áp dụng nhiều hơn nữa các công nghệ than sạch (CCT- Clean Coal Technology).

Thứ ba: Về nguồn điện, để tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo (phong điện, quang điện); bổ sung các nguồn nhiệt điện khí (khí đồng hành, khí thiên nhiên, LNG); tiếp tục tìm kiếm vị trí, địa điểm xây dựng các nhà máy nhiệt điện than gắn với các phụ tải lớn và gần biển.

Thứ tư: Về lưới điện, tiếp tục cải tạo để giảm tổn thất và nâng công suất truyền tải của hệ thống điện quốc gia (đường dây và trạm biến áp 220kV, 110kV, 22kV); hoàn thành xây dựng đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, trước năm 2020; bổ sung các công trình đường dây và trạm cho việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo với hệ thống điện quốc gia; bổ sung các quy định về lưới điện thông minh (liên quan đến điều độ hệ thống) để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo.

Thứ năm: Về nhập khẩu năng lượng, sớm nghiên cứu và ký PPA để mua khoảng 3-5GW điện dài hạn từ Lào nhằm làm cơ sở cho việc xúc tiến đầu tư nhanh các dự án thủy điện tại Lào; đàm phán với Trung Quốc về khả năng nhập khẩu điện ở cấp điện áp 500kV; sớm đàm phán với Nga về nhập khẩu LNG dài hạn từ vùng Viễn Đông của Nga. Đặc biệt là đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu các phương án xây dựng các cảng biển nhập khẩu than và LNG (với tổng năng lực thông qua khoảng 100 triệu tấn/năm) theo hướng xã hội hóa.

Năng lượng Việt Nam: Xin Bộ trưởng cho biết những chủ trương của Bộ về phát triển điện mặt trời?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chủ trương phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ, vì đây là nguồn điện không phát thải, giảm tác động tới môi trường, góp phần cho phát triển bền vững, đáp ứng cam kết của Chính phủ đối với Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Ngoài ra, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thay thế việc dừng xây dựng dự án điện hạt nhân.

Như chúng ta đã biết, sự cần thiết về phát triển năng lượng tái tạo thì rõ rồi. Nhưng, việc triển khai phải bài bản, có cơ sở khoa học và kinh tế. Vì vậy, Bộ Công Thương đang phải lập Quy hoạch điện mặt trời toàn quốc (sẽ hoàn thành trong 2018) và đang xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước… (dự kiến trong quý I/2018).

Tính đến cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch của các tỉnh và nhà đầu tư với tổng cộng 169 dự án điện mặt trời, tổng công suất là 15.243 MW (trong đó có 44 dự án, với tổng công suất 4.350 MW đã được bổ sung quy hoạch), gồm: trước 2020 là 10.087 MW (đã bổ sung quy hoạch 2.293 MW) và sau 2020 là 5.156 MW (đã bổ sung quy hoạch 2.056 MW).

Về mặt kỹ thuật, việc phát triển mạnh các dự án điện mặt trời (nếu đấu nối) sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành ổn định và hiệu quả của hệ thống điện quốc gia. Vì vậy, một mặt, chúng tôi đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu tính toán ảnh hưởng của các dự án điện mặt trời đến hệ thống điện quốc gia (về điện áp, tần số, chất lượng điện năng, và ổn định hệ thống cung cấp điện) và đề xuất các giải pháp thực hiện để đảm bảo an toàn ổn định hệ thống điện khi đấu nối các dự án điện mặt trờ vào hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, EVN đang thuê tư vấn nước ngoài để nghiên cứu, tính toán và đề xuất giải pháp theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Mặt khác, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh (theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BCT) để theo dõi việc thực hiện các dự án và xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ như cam kết. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi các địa phương có nhiều dự án điện mặt trời đề nghị báo cáo tình hình thực hiện và đánh giá tiến độ các dự án điện mặt trời trên địa bàn của tỉnh kèm theo các đề xuất xử lý phù hợp.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và đã thống nhất nguyên tắc về việc để WB hỗ trợ 3 dự án liên quan đến năng lượng tái tạo (trong đó có điện mặt trời).

Năng lượng Việt Nam: Để khắc phục các bất cập của công tác quy hoạch về năng lượng (luôn phải bổ sung, hiệu chỉnh) như Bộ trưởng vừa nêu, Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2035 (mới) nghe nói được xây dựng rất công phu. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về công tác quy hoạch này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết về quy hoạch nói chung. Quy hoạch là một chức năng chủ yếu của Bộ quản lý. Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia từ trước đến nay đã được Bộ đặc biệt quan tâm vì đây là một quy hoạch rất quan trọng, nhưng rất khó xây dựng vì nó liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội.

Nền kinh tế của Việt Nam đã từng là một nền kinh tế có kế hoạch. Vì vậy, thuận lợi của chúng ta là đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm của Liên Xô từ thời bao cấp. Đến nay, chúng ta lại đã tiệm cận được với các phương pháp luận và công cụ tính toán quy hoạch tiên tiến của các tổ chức quốc tế và của các nước phát triển. Vì vậy, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong công tác tư vấn quy hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực điện, than, giao thông vận tải, xây dựng, vv…

Tuy nhiên, khó khăn cơ bản trong công tác quy hoạch (năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung) của chúng ta là cơ sở dữ liệu về năng lượng (Energy Data Base) quá ít, đặc biệt là các số liệu thống kê không đầy đủ và có độ tin cậy thấp.

Thứ hai, về cách tiệm cận. Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia lần này được soạn thảo dựa trên khả năng cung cấp trong nước của quy hoạch phát triển ngành than, dầu, khí mới nhất. Từ đó, trên cơ sở cân đối cung cầu và phát triển tối ưu hệ thống năng lượng, Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia xác định mức độ khai thác hợp lý năng lượng trong nước (than, dầu thô, khí tự nhiên, năng lượng tái tạo...) và phần thiếu hụt cần nhập khẩu (than, dầu thô, LNG, sản phẩm dầu...). Kết quả của Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia tái khẳng định việc cần thiết khai thác các nguồn năng lượng trong nước cũng như đánh giá điều chỉnh giảm nhu cầu năng lượng nhập khẩu so với các quy hoạch phân ngành năng lượng.

Thứ ba, về mục tiêu quy hoạch. Quy hoạch lần này đã đánh giá chi tiết các vấn đề quan trọng có liên quan như: khả năng tiết kiệm năng lượng từ các ngành kinh tế, các lĩnh vực dân dụng; tiềm năng phát triển các dạng năng lượng tái tạo và khả năng đáp ứng các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt mức từ 6-10% và mức cắt giảm phát thải CO2 trong khoảng 12-18% trong giai đoạn 2025-2035 so với kịch bản sơ sở. Từ đó, Quy hoạch đã kiến nghị hàng loạt chính sách, giải pháp điều hành tổ chức để thực hiện kịch bản đề xuất cho phát triển chung của ngành năng lượng cũng như các phân ngành riêng.

Thứ tư, liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm. Theo kết quả tính toán trong Quy hoạch, tỷ trọng nhiệt điện than năm 2030 giảm từ mức 53% (304 tỷ kWh) trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) xuống mức 49% (265 tỷ kWh) theo kịch bản cơ sở và 46% (224 tỷ kWh) theo kịch bản đề xuất. Đây là kết quả phát triển tối ưu hệ thống năng lượng trong điều kiện thực hiện tiết kiệm năng lượng và thỏa mãn các mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện thi các cam kết về cắt giảm khát thải phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh và Báo cáo dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).

Năng lượng Việt Nam: Cũng theo các quy hoạch, trong khi nhu cầu than của nền kinh tế vẫn đang tăng, nhưng sản lượng than được quy hoạch lại giảm tới 30% so với trước đây. Xin Bộ trưởng cho biết một số ý kiến liên quan đến mâu thuẫn này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, cân nhắc đến lợi ích chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã có nhiều thay đổi về tư duy và cách tiệm cận trong quy hoạch phát triển ngành than. Theo đó, sản lượng than khai thác trong nước không phải là lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển tối đa và bằng mọi giá như trong các quy hoạch trước đây. Cơ sở của cách tiệm cận này là: (i) Trong lĩnh vực năng lượng, than là ngành có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất, từ khâu khai thác (môi trường đất) đến khâu sử dụng (môi trường không khí); (ii) Trữ lượng than (có thật) của Việt Nam không còn nhiều; (iii) Điều kiện mỏ - địa chất và mỏ - kỹ thuật của các mỏ than ở Việt Nam rất khó khăn, chi phí khai thác và chế biến cao, khả năng cạnh tranh rất thấp; (iv) Than được dùng chủ yếu (trên 70%) cho phát điện. Trong khi đó, than nội địa của TKV và Đông Bắc đang cấp cho các nhà máy nhiệt điện có độ tro cao, chất bốc lại thấp. Điều này dẫn đến lượng tro xỉ thải ra môi trường lớn hơn (đến 3 lần), chi phí phát điện cũng lớn hơn so với dùng than nhập khẩu. Việc nhập khẩu than đang ngày càng có hiệu quả. Giá CIF hay CFR của than nhập khẩu tại khu vực phía Nam (quy đổi theo nhiệt năng và giá trị sử dụng để phát điện) thấp hơn nhiều so với than nội địa.

Thứ hai, về mặt khách quan, nhu cầu than của nền kinh tế được dự báo thấp hơn so với trước đây khoảng 25-30%. Theo quy hoạch cũ (gọi tắt là QH 60), tổng nhu cầu than của các ngành kinh tế trong nước đến năm 2020 khoảng 114,4 triệu tấn; năm 2025 khoảng 145,5 triệu tấn; năm 2030 khoảng 220,3 triệu tấn. Theo quy hoạch mới (gọi tắt là QH403), tổng nhu cầu than của nền kinh tế năm 2020 khoảng 86,4 triệu tấn (giảm 28 triệu tấn so với QH60); năm 2025 khoảng 112,5 triệu tấn (giảm 24 triệu tấn so với QH60); năm 2030 khoảng 156,6 triệu tấn (giảm khoảng 63,7 triệu tấn so với QH60).

Thứ ba, về bản thân ngành than. Nếu chỉ xét về kỹ thuật, mức sản lượng tối ưu đảm bảo phát triển bền vững của ngành than cần được quy hoạch có lẽ còn thấp hơn nữa. Tuy nhiên, QH403 sau khi xem xét cân đối về các mặt khác (duy trì việc làm cho thợ mỏ, tận dụng các công suất/năng lực hiện có, tránh những biến động lớn về xã hội) đã xác định mức sản lượng có giảm so với QH60, nhưng phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cụ thể, theo QH60, than thương phẩm toàn ngành năm 2020 từ 60÷65 triệu tấn; năm 2025 từ 66÷70 triệu tấn; năm 2030 trên 75 triệu tấn. Còn theo QH403, sản lượng than thương phẩm toàn ngành năm 2020 từ 47÷50 triệu tấn; năm 2025 từ 51÷54 triệu tấn; năm 2030 từ 55÷57 triệu tấn.

Năng lượng Việt Nam: Xu thế chung của thế giới cũng là giảm than, nhưng tăng cường sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Vấn đề này đã được Bộ Công Thương tính đến trong Quy hoạch năng lượng mới như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, LNG là nguồn năng lượng sạch đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu mỏ đang trên đà suy giảm mạnh. Vì vậy, trong Quy hoạch của ngành năng lượng, chúng tôi đã đề ra quan điểm phát triển ngành công nghiệp khí theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, đồng thời với việc từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống kho chứa, cảng nhập khẩu, trạm phân phối LNG.

Sản lượng nhập khẩu LNG được tính toán trên cơ sở sản lượng khí sản xuất trong nước, nhu cầu về khí để sản xuất điện và nhu cầu nhiên liệu sơ cấp khác đã được sơ bộ xác định cho giai đoạn 2021/2025 khoảng 1÷4 tỷ m3/năm, và giai đoạn 2026/2036- 6÷10 tỷ m3/năm.

Năng lượng Việt Nam: Năng lượng là lĩnh vực hạ tầng của nền kinh tế, có nhu cầu phát triển mạnh và đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì trong quy hoạch để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho ngành năng lượng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo Quy hoạch điện quốc gia, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 thì tốc độ tăng trưởng ngành điện phải đạt 7,5-10,5%. Tổng công suất nguồn điện đến năm 2020 phải đạt 60 GW (hiện tại 40 GW); đến năm 2030 phải đạt khoảng 130 GW. Điều này có nghĩa là từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm phải đưa vào vận hành gần 5 GW; giai đoạn 2021 - 2030 mỗi năm cần đưa vào vận hành khoảng 7 GW. Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện dự kiến rất lớn, từ nay đến năm 2030 phải đầu tư khoảng 140 tỷ USD.

Vì vậy, Quy hoạch của ngành điện đã tiếp tục xem xét việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn và lưới điện ở Việt Nam.

Có thể nói, trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, năng lượng (điện, than, dầu khí) là những lĩnh vực đầu tiên đã sớm "mở cửa" cho các nhà đầu tư ngoài ngành và các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Dự án Vietsopetro (liên doanh) đã được triển khai từ những năm 70 của thế kỷ trước. Dự án Than Viemindo (FDI), và dự án nhiệt điện Phú Mỹ (IPP) được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước. Gần đây, các dự án điện Mông Dương (BOT) và hàng loạt các dự án điện IPP lớn khác đã được triển khai và vận hành có hiệu quả.

Đặc biệt, các dự án điện BOT thường có tổng mức đầu tư hàng tỷ đô la, và rất nhậy cảm về mặt xã hội nên từ trước đến nay đã và đang được Bộ Công Thương và EVN xem xét thẩm định rất chi tiết và cụ thể ở tất cả các khâu, từ mua than đầu vào, bán điện đầu ra. Các hợp đồng BOT, hợp đồng mua - bán điện (PPA), hợp đồng mua - bán than (CPA) đều được ký kết theo các chuẩn mực quốc tế.

Năng lượng Việt Nam: Trong năm 2016 và 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả, những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác này và triển vọng của việc thực thi lộ trình thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực hiện Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành nghề điện để hình thành và phát triển các cấp độ Thị trường điện lực tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề ra kế hoạch từng bước triển khai Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) phù hợp với điều kiện và năng lực của các đơn vị trong từng giai đoạn.

Bước 1. Thí điểm mô phỏng trên giấy: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện trong các năm 2016 và 2017;

Bước 2. Thí điểm thanh toán thật thực hiện trong năm 2018 và,

Bước 3. Vận hành chính thức năm 2019.

Trong hai năm vận hành VWEM thí điểm trên giấy, 5 tổng công ty điện lực (miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) đã được phân bổ hợp đồng của 17 nhà máy điện để thực hiện tính toán, mô phỏng thanh toán theo cơ chế thị trường. Công tác thí điểm năm 2016 và năm 2017 đã đạt được một số kết quả quan trọng, như: năng lực của các tổng công ty điện lực được nâng cao trong các lĩnh vực tính toán thanh toán thị trường và hợp đồng; kiến thức về hợp đồng mua bán điện và quản lý rủi ro trong thị trường điện; dự báo phụ tải; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu vận hành và thanh toán trong thị trường điện.

Theo đánh giá tổng thể, về cơ bản, Bộ Công Thương đã sẵn sàng chuyển từ việc vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm trên giấy sang thí điểm thanh toán thật trong năm 2018: cho phép 5 tổng công ty điện lực tiếp tục thanh toán hợp đồng với một số nhà máy điện và thanh toán một phần điện năng theo giá thị trường điện giao ngay. Theo đó, bắt đầu từ năm 2018, thị trường điện Việt Nam chuyển từ thị trường một đơn vị mua buôn duy nhất sang thị trường nhiều đơn vị mua buôn điện.

Trong quá trình vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm, Bộ Công Thương sẽ liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho việc vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2019 theo kế hoạch.

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cám ơn Bộ trưởng. Nhân dịp Năm mới, xin kính chúc Bộ trưởng sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Kính chúc ngành Năng lượng của Việt Nam luôn phát triển và bền vững.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động