RSS Feed for EVN: Thị trường phát điện cạnh tranh, những kết quả bước đầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 08:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN: Thị trường phát điện cạnh tranh, những kết quả bước đầu

 - Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức vận hành từ 1/7/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 202/TB-VPCP ngày 4/6/2012 và văn bản số 5742/BCT-ĐTĐL ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương. Tham gia VCGM ban đầu bao gồm 32 nhà máy điện (NMĐ) có tổng công suất là 8.965MW chiếm khoảng 37% công suất đặt của hệ thống. Các NMĐ còn lại gián tiếp tham gia VCGM và do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện) trực tiếp vận hành.

 

DƯƠNG QUANG THÀNH
Phó tổng giám đốc 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức vận hành từ 1/7/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 202/TB-VPCP ngày 4/6/2012 và văn bản số 5742/BCT-ĐTĐL ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương. Tham gia VCGM ban đầu bao gồm 32 nhà máy điện (NMĐ) có tổng công suất là 8.965MW chiếm khoảng 37% công suất đặt của hệ thống. Các NMĐ còn lại gián tiếp tham gia VCGM và do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện) trực tiếp vận hành.

Tính đến cuối năm 2013, trên toàn hệ thống điện có 102 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất đặt là 26.901 MW (không xét đến các nhà máy điện nhỏ có công suất dưới 30 MW và các nguồn nhập khẩu). Trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường, với tổng công suất đặt là 11.947 MW chiếm 44,4% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp, bao gồm: các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu bao gồm Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Trị An, Ialy và các nhà máy thủy điện thuộc bậc thang dưới của Ialy (6.721 MW, chiếm 25% tổng công suất); các nhà máy điện BOT; các nhà máy nhiệt điện chạy dầu/than nhập đắt tiền và các nhà máy điện được hưởng cơ chế vận hành đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ (Cà Mau 1, Cà Mau 2). Ngoài ra, hiện còn 29 nhà máy điện (tổng công suất đặt 2.971 MW, chiếm 11% công suất đặt hệ thống) đang tạm được xếp vào diện gián tiếp tham gia thị trường, do đây là các nhà máy điện mới đưa vào vận hành, chưa hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và các yêu cầu khác để tham gia thị trường; và các nhà máy thủy điện miền Bắc có đấu nối vào lưới điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Như vậy, so với thời điểm mới vận hành thị trường (01/7/2012), số lượng nhà máy điện trực tiếp chào giá đã tăng thêm 12 nhà máy, nâng công suất đặt của các nhà máy trực tiếp chào giá tăng từ 9.312 MW (39% tổng công suất hệ thống tại thời điểm 01/7/2012) lên 11.947 MW vào cuối năm 2013 (tương đương 44,4% tổng công suất đặt toàn hệ thống).

Chỉ tính riêng năm 2013:

- Tổng sản lượng thực phát của các NMĐ tham gia TTĐ trong năm 2013 là 52,86 tỷ kWh. Trong đó sản lượng thực phát của các NMTĐ tham gia TTĐ là 11,84 tỷ kWh và các NMNĐ là 44,03 tỷ kWh.

- Tổng số tiền thanh toán sau 1 năm vận hành theo cơ chế TTĐ gần 54.371 tỷ đồng, cao hơn so với thanh toán theo cơ chế thanh toán bằng giá hợp đồng là 827,4 tỷ đồng. Theo đó, giá thanh toán trung bình theo cơ chế TTĐ là 1028,6 đ/kWh, cao hơn 15,7 đ/kWh so với thanh toán trung bình theo giá hợp đồng.

Kết quả hoạt động Thị trường điện năm 2013 cho thấy:

- Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành VCGM thuộc dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát thị trường điện (TTĐ) giai đoạn 1 và bước 1 giai đoạn 2 do EVN đầu tư theo thiết kế do Bộ Công Thương phê duyệt đã hoạt động tốt, đảm bảo VCGM vận hành tin cậy, liên tục và ổn định theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương. Các hệ thống này bao gồm: Hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu đo đếm; Hệ thống điều độ điện tử (DIM); Hệ thống chào giá; Hệ thống hỗ trợ thanh toán; Hệ thống Lan&Wan; Mạng thông tin kết nối nội bộ TTĐ và các phần mềm TTĐ.

- Giá VCGM từng giờ đã được công bố công khai trên trang Web của TTĐ theo đúng Quy định TTĐ, tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa chi phí mua điện của nhóm các NMĐ tham gia VCGM.

- Theo đánh giá của Tư vấn quốc tế IES, cơ quan vận hành hệ thống và vận hành TTĐ đã tổ chức vận hành VCGM theo đúng các quy định của TTĐ, tạo cơ sở cho việc xây dựng một cơ quan vận hành hệ thống và vận hành TTĐ chuyên nghiệp đảm bảo vận hành TTĐ công bằng, minh bạch cho các giai đoạn phát triển TTĐ.

- Nhìn chung các NMĐ tham gia VCGM đã tuân thủ theo đúng Quy định TTĐ, tìm kiếm các cơ hội trên TTĐ để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ các ràng buộc pháp lý khác như đảm bảo nước tưới tiêu cho hạ du đối với các nhà máy thủy điện tham gia TTĐ. Tham gia TTĐ đã làm thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của các NMĐ. Nếu như trước kia, để gia tăng lợi nhuận, các NMĐ chỉ có một cách duy nhất là giảm chi phí sản xuất do giá điện đã được hình thành trong các PPA dài hạn. Nay khi tham gia thị trường điện, lợi nhuận của các NMĐ phụ thuộc đồng thời cả hai chiến lược: (i) chiến lược cắt giảm chi phí và (ii) chiến lược chào giá. Thành công của các NMĐ trên TTĐ thực tế có nguyên nhân từ việc lãnh đạo các đơn vị trên thấy được tầm quan trọng của chiến lược chào giá, đã tổ chức tốt công tác chào giá từ việc đầu tư các công cụ hỗ trợ đến đào tạo nguồn nhân lực tham gia công tác này.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như sau:

- Nguồn cung trên TTĐ chưa được dồi dào như yêu cầu, đặc biệt là việc mất cân đối nguồn điện trong khu vực miền Nam.

- Hệ thống truyền tải điện yếu, đặc biệt hiện tượng quá tải và nghẽn mạch diễn ra rất phổ biến trên lưới 500kV, 220kV gây cản trở cho việc đưa cạnh tranh vào khâu phát điện và làm giảm tính minh bạch trên TTĐ. Chất lượng cung cấp điện cho đến người tiêu thu cuối cùng chưa cao và cần đang được đầu tư và cải thiện. Kinh nghiệm các nước cho thấy, họ giải quyết tất cả các vấn đề này trước khi đưa cạnh tranh vào ngành điện.

- Cạnh tranh được đưa vào khâu phát điện, một khâu chi phí trung gian trong đó đầu vào là năng lượng sơ cấp (như than, dầu, khí) và đầu ra là giá bán lẻ thì cả hai khâu này chưa được thị trường hoá một cách tương ứng, mặc dù đối với giá bán lẻ, Chính phủ đã có lộ trình nâng dần mức giá bán lẻ đến mức thị trường điện vào 2015.

- Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến VCGM đang trong quá trình hoàn thiện nên đã bộc lộ các bất hợp lý cần phải sửa đổi bổ sung như tính đồng bộ của các văn bản, các bất cập trong thiết kế VCGM từ lập kế hoạch vận hành VCGM đến thanh toán TTĐ. Ví dụ điển hình nhất là các cơ chế theo Quy định của VCGM hiện nay đã không xử lý tốt các vấn đề đảm bảo an ninh hệ thống, chống lũ và tưới tiêu cho hạ du của các NMTĐ và đảm bảo vận hành kinh tế hệ thống khi gián đoạn nguồn cung cấp khí.

Do vậy để tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh thì cần phải:

- Chỉ chuyển sang mức cạnh tranh cao hơn khi hoàn thành xong các điều kiện tiên quyết về nguồn cung trên TTĐ; thị trường năng lượng sơ cấp và giá bán lẻ được điều chỉnh ở mức tương ứng, hạ tầng CNTT và hệ thống SCADA/EMS phục vụ vận hành hệ thống và TTĐ; hạ tầng lưới điện truyền tải được củng cố giảm thiểu nghẽn mạnh trên hệ thống; hệ thống văn bản pháp lý được hoàn thiện trên cơ sở tổng kết và khắc phục các bất cập phát sinh trong giai đoạn trước và nguồn nhân lực tham gia phát triển và vận hành TTĐ được đào tạo.

- Một vấn đề trong thiết kế VCGM hiện nay đó là chỉ tập trung vào việc đưa cạnh tranh vào khâu phát điện - đối với các NMĐ đã đi vào vận hành. Trong bối cảnh yêu cầu tốc độ phát triển nguồn mới cao như hiện nay, thì tiềm năm giảm chi phí vận hành của các NMĐ đã được xây dựng ở mức hạn chế trong khi tiềm năng giảm chi phí đầu tư đối với đầu tư mới là rất quan trong. Do vậy, nên có cơ chế đưa cạnh tranh vào khâu đầu tư, ví dụ việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án theo Tổng sơ đồ phát triển điện lực là một giải pháp nên được áp dụng.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động