Định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam
09:57 | 22/07/2019
Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản?
Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam
TS. LÊ MẠNH HÙNG - TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nòng cốt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có những đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tham gia có hiệu quả trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Ngành dầu khí cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước để ngày một phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công nghiệp khí là một ngành mũi nhọn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ thời điểm năm 1995, khi dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi mỏ Bạch Hổ được đưa về bờ, ngành công nghiệp khí Việt Nam đã hình thành, từng bước phát triển để góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững kinh tế của các địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Tính đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khai thác, đưa vào bờ hơn 110 tỷ m3 khí, trong đó hơn 80% sản lượng khí được cung cấp cho sản xuất điện, gần 10% cho sản xuất đạm và gần 5% cho các khu công nghiệp, giao thông vận tải.
Về cơ bản đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư xây dựng và hoàn thành hệ thống hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý và phân phối khí ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Bắc bộ và trong tương lai gần sẽ là hạ tầng tại khu vực Trung bộ. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khí đồng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là nền tảng để phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tổng thể phát triển của ngành dầu khí
Trong cán cân năng lượng quốc gia, khí tự nhiên có vai trò ngày càng quan trọng, được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu cho phát điện, sản xuất đạm, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, dân sinh và thương mại… đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế đất nước và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ngành công nghiệp khí Việt Nam được hình thành và xây dựng từ năm 1995, khi nguồn khí tại mỏ Bạch Hổ bắt đầu được thu gom, xử lý và vận chuyển vào bờ bằng hệ thống đường ống Bạch Hổ - Long Hải - Dinh Cố cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Bà Rịa. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, kết cấu hạ tầng của ngành công nghiệp khí Việt Nam đã được đầu tư, xây dựng đồng bộ với các hệ thống đường ống tại các khu vực như:
1/ Hệ thống đường ống PM3 đưa khí từ Bể PM3 - CAA về cung cấp khí cho các nhà máy điện - đạm tại Cà Mau khu vực Tây Nam bộ.
2/ Hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1, cùng với Hệ thống đường ống Bạch Hổ - Bà Rịa - Phú Mỹ - Nhơn Trạch, đưa khí từ bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long về bờ cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam bộ.
3/ Hệ thống đường ống Hàm Rồng - Thái Bình để cung cấp khí thấp áp và CNG cho các khách hàng sản xuất công nghiệp và giao thông vân tải tại khu vực Thái Bình và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng...
Với mục tiêu phát triển đồng bộ, hiệu quả thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp khí, trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp khí nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước. Các dự án hạ tầng khí đang được gấp rút triển khai:
1/ Dự án phát triển mỏ và xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn để đưa khí từ khu vực bể Ma Lay - Thổ Chu về cung cấp khí cho các nhà máy điện khí tại Ô Môn - Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ.
2/ Dự án phát triển mỏ và đường ống dẫn khí từ mỏ Cá Voi Xanh - Quảng Nam về cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Quảng Nam - Quảng Ngãi và phục vụ nhu cầu chế biến sâu nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng khí tại khu vực miền Trung.
3/ Dự án hạ tầng nhập khẩu LNG tại Thị Vải để cung cấp khí cho các Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, cũng như bù đắp lượng khí thiếu hụt giai đoạn sau 2023 khi các mỏ khí tự nhiên bắt đầu suy giảm sản lượng khai thác.
4/ Dự án hạ tầng nhập khẩu LNG tại Sơn Mỹ - Bình Thuận để cung cấp cho các nhà máy điện tại Sơn Mỹ…
Định hướng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao chủ trì xây dựng tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, xác định phát triển ngành công nghiệp khí trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý tài nguyên trong nước; đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng khí và chuẩn bị hạ tầng nhập khẩu khí để đảm bảo mục tiêu về an ninh năng lượng.
Một số mục tiêu trọng tâm:
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017, xác định rõ mục tiêu gồm:
Thứ nhất: Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu, từ khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí trên toàn quốc; bảo đảm thu gom 100% sản lượng khí của các lô/mỏ mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam.
Thứ hai: Sản lượng khai thác khí phấn đấu đạt 10 - 11 tỷ m3/năm (giai đoạn 2016 - 2020); 13 - 19 tỷ m3/năm (giai đoạn 2021 - 2025); 17 - 21 tỷ m3/năm (giai đoạn 2026 - 2035).
Thứ ba: Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu đạt 1 - 4 tỷ m3/năm (giai đoạn 2021 - 2025) và đạt 6 - 10 tỷ m3/năm (giai đoạn 2026 - 2035).
Thứ tư: Về phát triển thị trường tiêu thụ khí: tiếp tục phát triển thị trường điện là thị trường trọng tâm tiêu thụ khí (bao gồm LNG nhập khẩu) với tỷ trọng khoảng 70 - 80% tổng sản lượng khí, đáp ứng nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất điện. Phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu. Tiếp tục duy trì và mở rộng hệ thống phân phối khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt đô thị nhằm mục đích bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sử dụng của khí. Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối khí thấp áp và hệ thống phân phối khí thiên nhiên nén (CNG) làm tiền đề để phát triển hệ thống phân phối khí cung cấp cho giao thông vận tải. Phấn đấu phát triển thị trường khí với quy mô đạt 11 - 15 tỷ m3/năm (giai đoạn 2016 - 2020); 13 - 27 tỷ m3/năm (giai đoạn 2021 - 2025); 23 - 31 tỷ m3/năm (giai đoạn 2026 - 2035).
Thứ năm: Về cơ sở hạ tầng tồn trữ, kinh doanh, phân phối LPG, Chính phủ yêu cầu mở rộng công suất các kho LPG hiện hữu kết hợp với xây dựng các kho LPG mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước với quy mô khoảng 3,5 - 4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và đạt quy mô khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp; phấn đấu đáp ứng 70% thị phần LPG toàn quốc.
Giải pháp tổng thể phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam:
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, dự báo cung - cầu khí của cả nước và từng khu vực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng: Giai đoạn sau năm 2020 khi nguồn khí khai thác trong nước không đáp ứng toàn bộ bộ nhu cầu thị trường, cần phải nhập khẩu LNG để bù đắp sản lượng khí bị thiếu hụt và đảm bảo cung cấp khí cho các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Hiện nay, xu hướng giá khí khai thác trong nước đang tăng cao do nguồn khí từ một số mỏ đang chuẩn bị phát triển nằm ở khu vực nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất phức tạp; thành phần tạp chất (CO2, H2S, Hg) cao; chi phí đầu tư lớn, nằm xa tuyến ống trục... Do đó, để bảo đảm việc duy trì phát triển ổn định, đồng thời, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng cao, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xác định cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: Kiểm soát chặt chẽ kế hoạch sản lượng khí/dầu, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống khai thác, thu gom, nhằm tối đa hiệu quả đầu tư các dự án khí mới… một trong những giải pháp đề ra là tăng cường đầu tư tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng để gia tăng trữ lượng xác minh nhằm bảo đảm nguồn cung cấp khí ổn định, lâu dài, tiếp tục hoàn thiện xây dựng các hệ thống đường ống nội mỏ/mạng lưới thu gom khí ngoài biển.
Thứ hai: Khẩn trương đưa các dự án khí cấp bách vào hoạt động đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, cụ thể:
1/ Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 và đường ống Sao Vàng - Đại Nguyệt (đang lựa chọn nhà thầu EPC xây lắp tuyến ống - dự kiến hoàn thành vào năm 2020).
2/ Dự án LNG Thị Vải (đã ký hợp đồng EPC ngày 24-6-2019, dự kiến hoàn thành vào 2022).
3/ Chuỗi dự án khí Lô B (dự kiến hoàn thành vào 2022).
4/ Dự án Cá Voi Xanh (dự kiến hoàn thành vào 2023).
5/ Dự án LNG Sơn Mỹ (dự kiến hoàn thành vào 2023)…
Thứ ba: Xây dựng lộ trình và chính sách giá khí hợp lý: các nguồn khí đang khai thác trong nước với giá rẻ ngày càng giảm, nguồn cung cấp khí giai đoạn 2019 - 2035 có giá khí cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn dẫn đến tăng chi phí sản xuất điện, đạm, vì vậy, cần có chính sách giá khí phù hợp cho từng đối tượng khách hàng điện, đạm và chế biến sâu khí. Ngoài ra, kiến nghị Nhà nước phê duyệt cơ chế, chính sách thuế xuất (đặc biệt là chính sách giá khí) hợp lý và lộ trình giá khí đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí, làm tiền đề để triển khai hạ tầng nhập khẩu LNG.
Thứ tư: Về giải pháp triển khai thực hiện các dự án hạ tầng công nghiệp khí: thường xuyên cập nhật, xây dựng dữ liệu dự báo cung - cầu và thị trường khí đảm bảo độ tin cậy; đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại mua bán khí; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ cho cả chuỗi các dự án hạ tầng công nghiệp khí.
Thứ năm: Nâng cao giá trị sử dụng khí thiên nhiên - đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng: Nên xem xét phát triển công nghiệp khí theo chiều sâu - có nghĩa là nên tăng cường đầu tư khâu chế biến khí theo hướng càng sâu càng tốt do đầu tư chế biến sâu khí sẽ tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn, sản xuất nhiều sản phẩm có lợi cho nền kinh tế và phù hợp với việc khai thác đối với quy mô các mỏ khí tại Việt Nam. Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí đã đề cập đến việc cung cấp cho khí chế biến sâu. Cụ thể: cung cấp từ 0,5 - 1 tỷ m3 khí Cá Voi Xanh cho sản xuất hóa dầu tại khu vực miền Trung và 0,4 - 0,5 tỷ m3 khí từ khu vực Đông Nam bộ cho Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (sản xuất NH3 và các dẫn xuất, sản xuất ethane…).
Thứ sáu: Thu hút đầu tư đối với lĩnh vực khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tập trung cho đầu tư cơ bản, các công trình cơ sở hạ tầng có ý nghĩa chiến lược quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài/các thành phần kinh tế khác đầu tư vào khâu thượng nguồn, trung nguồn (nhà máy xử lý khí, hệ thống đường ống, kho chứa LNG, LPG…) và các hoạt động hạ nguồn mới như phân phối khí đô thị (citygas), CNG… để đa dạng hóa/xã hội hóa nguồn vốn đầu tư.
Thứ bảy: Về khoa học - công nghệ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tăng cường nghiên cứu phát triển các phần mềm mô hình hóa, mô phỏng hóa, tối ưu, phân tích quản lý rủi ro, quản lý hiệu quả đầu tư, phân tích thị trường, dự báo… Khuyến khích đầu tư thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, có triển vọng ứng dụng tại Việt Nam. Nghiên cứu các nhiên liệu thay thế khí thiên nhiên, nhất là sản xuất khí sinh học quy mô lớn/vừa để bổ sung cho trữ lượng khí thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.
Thứ tám: Về phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công nhân viên hiện có, đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, còn yếu. Xây dựng chiến lược, quy hoạch nhân sự; thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực theo yêu cầu chức danh công việc kết hợp với đào tạo chuyên sâu trong nước cũng như quốc tế.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của của Đảng, Nhà nước với định hướng về “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị chỉ và “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp khí đồng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là nền tảng để phát triển bền vững của Tập đoàn nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng.
Với các mục tiêu đã đề ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai chi tiết với các giải pháp cụ thể để có thể duy trì, phát triển ổn định ngành công nghiệp khí, cũng như bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã được Đảng và Nhà nước giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM