RSS Feed for Điện hạt nhân: Kinh nghiệm người Việt tại Pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân: Kinh nghiệm người Việt tại Pháp

 - Lĩnh vực xây dựng chiếm 25% tổng đầu tư dự án điện hạt nhân. Do đó việc tổ chức, quản lý dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế phụ trội vốn đầu tư dự tính ban đầu, một trong những yếu tố quyết định thành công của dự án.

Nhiều ưu đãi cho người học lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Việt-Nga hợp tác nghiên cứu, tuyên truyền điện hạt nhân

Khi nói đến năng lượng hạt nhân, chúng ta thường chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực vật lý hạt nhân và cơ học của lò phản ứng mà ít chú ý đến các công trình xây dựng. Thực tế, tầm quan trọng của các công trình xây dựng này nằm ở việc vừa giữ vai trò vỏ bọc bảo vệ các cấu kiện và máy móc bên trong trước tác động của môi trường, vừa giữ vai trò bảo vệ cho môi trường xung quanh tránh rò rỉ phóng xạ trong các tình huống tai nạn trong nhà máy.

Nhà máy điện hạt nhân Cattenom của Pháp. Ảnh: AFP

Các công trình xây dựng vì vậy phải đảm bảo các tiêu chí về độ bền, độ ổn định và khả năng chống rò rỉ (đối với vỏ lò, bể chứa nhiên liệu) không những trong các kịch bản tai nạn bên trong nhà máy mà còn trước tác động bên ngoài, như động đất, sóng thần, lũ lụt, máy bay rơi, xâm thực lý hóa của môi trường…

Hơn nữa, các công trình xây dựng một khi xuống cấp và hư hỏng thì không thể thay thế được mà phải sửa chữa tại hiện trường, kéo theo việc ngừng hoạt động tại nhà máy trong thời gian dài, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chủ đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm Pháp - Việt

Trong lĩnh vực công trình xây dựng hạt nhân tại Pháp có một đội ngũ trí thức Việt Nam đang công tác trong các cơ quan khác nhau, có từ 3 đến 8 năm kinh nghiệm.

Các trí thức này đều đã trải qua quá trình đào tạo thạc sĩ và đa số đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Pháp. Công việc của họ là giải quyết các bài toán kỹ thuật liên quan đến các công trình xây dựng trong công nghiệp hạt nhân, nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân.

Nhằm trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực công trình xây dựng hạt nhân giữa thế hệ tri thức Việt Nam tại Pháp và các cơ quan liên quan của Việt Nam, tạo tiền đề cho hợp tác sau này, ngày 4/3 tại Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ Vinstech đã phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên ngành: “Đặc trưng kỹ thuật công trình xây dựng năng lượng hạt nhân”.

TỔNG QUAN VỀ NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Nhà máy điện hạt nhân là loại hạng mục công trình đặc biệt về mọi mặt (vốn, hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, nhân lực, tổ chức và quản lý, tiêu chuẩn, rủi ro…).

Tiến sĩ Trần Như Cương, Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Pháp và Thạc sĩ Đỗ Trọng Cường, Công ty DCNS (Công ty đóng tàu quốc phòng của Pháp, doanh nghiệp đầu tư rất mạnh vào năng lượng biển) cho biết, riêng lĩnh vực xây dựng chiếm 25% tổng đầu tư của dự án, có thể hơn nếu cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đặc biệt là những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Có rất nhiều công trình được bố trí trong các nhà máy điện hạt nhân. Sự lựa chọn các công trình cần thiết và cách bố trí dựa trên nhiều yếu tố như: phải bảo đảm được toàn bộ các yêu cầu về mặt an toàn, độc lập khi có các sự cố khác nhau, dễ dàng trong quá trình khai thác, và xử lý gấp khi có sự cố…Chúng được phân chia thành nhiều khu khác nhau, với những vai trò khác nhau trong quá trình hoạt động và xử lý sự cố của nhà máy điện hạt nhân.

Ví dụ về EPR, để giảm tác động do máy bay đâm, hai nhà diesel được thiết kế cách xa nhau, tách biệt với đảo hạt nhân và mỗi nhà được đặt ở một bên của đảo. Trong mỗi nhà lại có hai nhóm động cơ diesel, mỗi nhóm đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống riêng biệt.

Lưu trữ chất thải hạt nhân

Tiến sĩ Vũ Minh Ngọc - Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp cho hay, tại Pháp, Viện quản lý tất cả các chất thải hạt nhân trên cả nước, với ba nhiệm vụ chính về nghiên cứu, công nghiệp và thông tin.

Theo đó, Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp nghiên cứu và đưa ra các biện pháp quản lý, giám sát chất thải hạt nhân, đặc biệt là nghiên cứu khả năng xây dựng công trình lưu cất chất thải hoạt tính cao và thời gian sống dài trong các lớp địa chất sâu dưới lòng đất.

Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với các quy định về an toàn, về đóng kiện và lưu giữ chất thải: thiết kế, quản lý và giám sát các công trình lưu giữ.

Cùng với đó, Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp cũng lưu trữ thông tin về vị trí, tính chất và khối lượng tất cả các chất thải hạt nhân đang tồn tại tại Pháp, cũng như thông tin đến công chúng về các hoạt động của mình.

Các công trình lưu trữ chất thải hạt nhân được nghiên cứu, thiết kế và xây dựng tùy thuộc vào độ phóng xạ của chất thải. Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp đang quản lý, khai thác và giám sát ba trung tâm lưu giữ chất thải.

Cụ thể, Trung tâm lưu giữ chất thải hoạt tính rất thấp tuổi thọ ngắn tại Aube chứa chất thải hoạt tính rất thấp và tuổi thọ ngắn. Thứ hai, Trung tâm lưu giữ chất thải hoạt tính thấp và trung bình tuổi thọ ngắn chứa chất thải hoạt tính thấp và trung bình có tuổi thọ ngắn. Trong đó, Trung tâm lưu giữ chất thải hoạt tính thấp và trung bình tuổi thọ ngắn đã ngừng nhận chất thải từ năm 1994 và bắt đầu giai đoạn theo dõi từ năm 2003. Dự kiến, trung tâm sẽ bão hòa sau năm 2050. Hiện nay nghiên cứu đang được thực hiện để kéo dài tuổi thọ của Trung tâm lưu giữ chất thải hoạt tính thấp và trung bình tuổi thọ ngắn.

Đặc biệt, Viện quản lý chất thải hạt nhân Pháp đang thực hiện hai dự án rất lớn về trung tâm lưu trữ chất thải hạt nhân hoạt tính thấp và tuổi thọ dài tại Aube (Dự án lưu giữ chất thải hạt nhân hoạt tính thấp tuổi thọ dài) và chất thải hoạt tính cao, trung bình, tuổi thọ dài (HA-MAVL) tại dự án lưu giữ chất thải hạt nhân hoạt tính cao và trung bình tuổi thọ dài hiện nay đang trong giai đoạn trình chính phủ để quyết định xây dựng vào năm 2050.

Để nghiên cứu tính khả thi của dự án lưu giữ chất thải hạt nhân hoạt tính cao và trung bình tuổi thọ dàiViện quản lý chất thải hạt nhân Pháp đã xây dựng một phòng thí nghiệm dưới lòng đất tại Trung tâm lưu giữ chất thải hoạt tính cao và trung bình tuổi thọ dàiđể nghiên cứu tính khả thi của dự án và đưa ra phương án xây dựng.

Tất cả các thí nghiệm vật lý, hóa học, cơ học, nhiệt… được thực hiện trực tiếp trên lớp địa chất đất sét để đánh giá khả năng giam hãm và cô lập tia phóng xạ của công trình.

Thiết kế theo chuẩn kỹ thuật

Tiến sĩ Đỗ Trọng Cường và Lê Quốc Việt, chuyên tính toán thiết kế công trình xây dựng nhà máy điện nhận định, nhà máy điện hạt nhân là loại hạng mục công trình đặc biệt, cần vốn đầu tư lớn, điều kiện cơ sở hạ tầng và công nghiệp phát triển, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, yêu cầu tổ chức và quản lý dự án tinh vi, đảm bảo các quy định khắt khe về chất lượng, an toàn và quản lý rủi ro.

Trong giá thành của dự án điện hạt nhân, chi phí xây dựng và kết cấu chiếm một phần không nhỏ, khoảng 1/5 tổng chi phí của dự án. Vì vậy, thiết kế, thi công và nghiệm thu đảm bảo chất lượng, an toàn về kinh tế, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định đặc thù đối với công trình nhà máy điện hạt nhân, góp phần quan trọng trong việc giảm giá thành của dự án.

An toàn điện hạt nhân là một tổng thể tất cả các yếu tố thiết yếu trong các quá trình: thiết kế, xây dựng, vận hành và phá hủy các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm sự an toàn cho con người và môi trường trước hiểm họa của phóng xạ hạt nhân.

Để đảm bảo chất phóng xạ không thoát ra môi trường ngoài, các lò phản ứng được thiết kế bảo vệ theo chiều sâu, với ba lớp liên tiếp gồm: Vỏ bọc thanh nhiên liệu uranium, mạch sơ cấp kín và lớp vỏ bê tông bọc thép và ứng suất trước.

Trong trường hợp có tai nạn xảy ra thì kết cấu của vỏ lò phản ứng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm giảm thiểu phóng xạ khuyếch tán ra ngoài môi trường ngoài.

Kinh nghiệm thi công, lắp đặt

Thạc sĩ Đỗ Trọng Cường và Tiến sĩ Hoàng Minh Tâm - Công ty Geodynamique et Structure  - Pháp cho rằng việc tổ chức, quản lý dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế phụ trội của vốn đầu tư dự tính ban đầu của dự án, một trong những yếu tố quyết định đến thành công đầu tiên của dự án.

Cách tổ chức thi công, chia gói thầu, quy định an toàn trên công trường, yếu tố tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành dự án.

Ba dự án EPR mà EDF (Tập đoàn Năng lượng Pháp) tham gia có ba cách tổ chức thi công khác nhau, tiến độ công trường cũng hoàn toàn khác nhau. Vì thế, giá thành cập nhật hiện tại của mỗi dự án cũng vì thế mà tăng gấp đôi, gấp ba so với dự toán ban đầu. Có một điểm chung, do tận dụng được bài học từ dự án đầu tiên, nên dự án sau thi công nhanh hơn.

Với kinh nghiệm làm việc tại Pháp, các tác giả đưa ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, kế hoạch xây dựng lắp đặt chi tiết của các dự án, các hạng mục công trình xây dựng

Kỹ thuật khai thác an toàn

Giới tiệu sơ lược về một số công tác kỹ thuật đảm bảo khai thác an toàn nhà máy, TS Trần Như Cương và Tiến sĩ Hoàng Minh Tâm cho hay, các công trình chủ yếu bằng vật liệu bê tông và phải chịu tác động trực tiếp từ môi trường trong quá trình sử dụng.

Bản thân bê tông cũng là vật liệu mà tính chất của nó biến đổi theo thời gian. Vì vậy, trong quá trình sử dụng các công trình xây dựng hạt nhân sẽ chịu các vấn đề về già hóa và xuống cấp.

Để bảo đảm các tiêu chí an toàn, công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên phải được thực hiện. Nếu thấy cần thiết, các chương trình bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp cũng sẽ được thực hiện.

Trong quá trình khai thác nhà máy, các tiêu chuẩn an toàn cũng thường xuyên được cập nhật, nhiều yêu cầu mới được đặt ra cho các công trình nhà máy. Điều này đòi hỏi phải có sự phân tích, đánh giá lại các khả năng của nhà máy, từ đó có thể đưa ra các giải pháp gia cường nâng cấp cần thiết.

Sau sự cố Fukushima, theo hai vị tiến sĩ, việc đánh giá lại các công trình và nâng cấp lại càng trở nên hết sức quan trọng.

Ứng dụng thống kê, thực nghiệm

Trong bối cảnh EVN đang chuẩn bị, trong một khuôn khổ lớn, thiết kế/xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Hoàng Minh Tâm, yêu cầu cấp thiết là ghi lại các mã kỹ thuật cho việc thiết kế các công trình trong các nhà máy điện hạt nhân.

Trong việc đánh giá kiểm tra an toàn kết cấu chịu động đất, những hỗ trợ kỹ thuật mới là cần thiết đối phó với yêu cầu mới do các thông tin phản hồi làm thay đổi các điều kiện thiết kế.

Các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Pháp có hai loại điều kiện thiết kế khác nhau phải giải quyết là thiết kế cơ sở và thiết kế mở rộng.

Từ quan điểm địa chấn, điều kiện thiết kế cơ sở đề cập đến mức độ hiện tại của các trận động đất tại Pháp, có nghĩa là mức độ cơ sở được mô tả trong an toàn nội quy của Pháp (PFS 2001-01) là cấp địa chấn để thiết kế các cấu trúc liên quan đến sự an toàn và thiết bị.

Điều kiện thiết kế mở rộng đề cập đến một mức độ cao hơn của trận động đất có quy mô từ 1,5 đến gần 2 lần so với mức độ cơ sở.

Tiến sĩ Tâm đã cung cấp một trạng thái thực hành cho việc đánh giá địa chấn (Seismic Margin Assessment) và đánh giá rủi ro xác suất (Probabillstic Risk Assessment/PRA). Phương pháp tiếp cận có thể được sử dụng để biện minh cho thiết kế kết cấu và thiết bị đối với điều kiện thiết kế mở rộng.

Trong đó, phần đầu tiên được cấp lịch sử ngắn gọn của SMA và phát triển PRA ở Mỹ, sau đó trình bày tổng quan về kỹ thuật xác suất dựa trên được sử dụng trong việc thiết kết và đánh giá các công trình liên quan đến an toàn, thiết bị. Cuối cùng, cung cấp các thủ tục chung để đánh giá địa chấn cho các công trình nhà máy điện hạt nhân (PWR).

NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG 

Theo Tiến sĩ Trần Như Cương và Tiến sĩ Vũ Minh Ngọc, năng lượng hạt nhân là ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật công nghiệp cao. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành, cần có hiểu biết sâu sắc về các ứng xử của các bộ phận cấu thành nhà máy.

Mục đích của các chương trình nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực hạt nhân nhằm nâng cao hiểu biết về ứng xử và đặc tính của các bộ phận trong nhà máy, từ đó phát triển các phương pháp, công cụ nhằm kiểm soát và không ngừng nâng cao an toàn, đảm bảo sự ổn định trong vận hành và tối ưu hóa các thiết kế xây dựng mới.

Đối với các công trình xây dựng, ngoài các công trình đảm bảo chức năng an toàn như vỏ lò phản ứng, bể chứa nhiên liệu để hứng uranium trong trường hợp nóng chảy, các công trình khác (tháp làm lạnh, đường ống dẫn…) có nhiệm vụ đảm bảo vận hành của nhà máy.

Sự hư hại của các công trình này kéo theo tổn thất kinh tế lớn do việc ngừng hoạt động của nhà máy, vì các công trình không thể thay thế trong thời gian ngắn mà phải sửa chữa tại hiện trường trong thời gian dài.

Hai vị tiến sĩ đưa đến ba lĩnh vực nghiên cứu phát triển tiêu biểu cho các công trình xây dựng: già hóa vật liệu theo thời gian chịu tác động của môi trường, phân tích kết cấu chịu tải trọng đặc biệt, công nghệ kiểm tra không phá hủy công trình.

Theo hai tiến sĩ này, sự bổ sung lẫn nhau giữa ba lĩnh vực này sẽ minh chứng vai trò quan trọng của việc tiến hành đồng bộ trong các chương trình nghiên cứu phát triển.

Tiến sĩ Trần Như Cương đề cập về những vấn đề khác nhau của bê tông và cốt thép, bao gồm sự co ngót từ biến của bê tông, sự xuống cấp của bê tông do nguyên nhân hóa học (các phản ứng gây trương nở bên trong, sự ăn mòn của thép).

Một điểm đặc biệt nữa của bê tông là các tính chất cơ học phát triển theo thời gian (do quá trình thủy hóa xi măng có thể diễn ra rất lâu).

Đối với mỗi vấn đề, các nguyên nhân và cơ chế gây ra sẽ được phân tích, các nghiên cứu cụ thể để giải quyết vấn đề sẽ được giới thiệu, cuối cùng sẽ là các ứng dụng và sẽ được tiến hành cho các công trình nhà máy.

Tính toán kết cấu

Ngày nay, theo Tiến sĩ Vũ Minh Ngọc và Tiến sĩ Trần Như Cương, việc đánh giá kết cấu dựa nhiều vào các công cụ tính toán.

Trong lĩnh vực công trình năng lượng hạt nhân, các phân tích kết cấu quan trọng nhằm đánh giá ứng xử và độ bền của công trình trong các kịch bản tải trọng đặc biệt, gồm tai nạn giả định trong nhà máy (sự tăng cao của áp suất và nhiệt độ, động đất, va chạm (ví dụ do máy bay rơi), sự biến đổi khả năng chịu lực kết cấu do trao đổi lý - hóa với mô trường.

Các phân tích này cần tính đến các nghiên cứu về sự già hóa của vật liệu. Các tiêu chí cần đánh giá đối với các công trình: Các vùng có nguy cơ nứt gây rò rỉ, nguy cơ đổ vỡ công trình do khả năng chịu tải không đảm bảo.

Liên quan đến vấn đề này, hai tiến sĩ giới thiệu một số ứng dụng cụ thể về ửng xử vỏ lò phản ứng, đường ống lưu trữ chất thải. Các phân tích này được thực hiện với phần mềm phân tích chuyên sâu kết cấu Code_Aster phát triển bởi EDF R&D.

Tổng hợp đánh giá công trình

Tiến sĩ Trần Như Cương cho rằng, đánh giá một công trình đã được xây dựng và đang trong quá trình sử dụng đòi hỏi nhiều thông tin bổ sung so với thông tin cơ bản trong hồ sơ thiết kế ban đầu.

Để đánh giá thực trạng hiện nay của kết cấu, tính đến sự xuống cấp và già hóa, EDF R&D đã đề xuất và ứng dụng một phương pháp đánh giá tổng hợp. Phương pháp này kết hợp đồng thời cả ba lĩnh vực: Phân tích đánh giá vật liệu, tính toán kết cấu và đo đạc kiểm định ngoài hiện trường.

Việc kết hợp cả ba kỹ năng này là tối quan trọng để có thể đánh giá chính xác tình trạng kết cấu và ra các quyết định duy tuy bảo dưỡng. Ví dụ, đánh giá phân loại các tháp làm lạnh trong các nhà máy hạt nhân.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHO ĐIỆN HẠT NHÂN VIỆT NAM

Ứng dụng Code _Aster phân tích tính an toàn

Theo các Tiến sĩ Cương, Việt và Ngọc, để đánh giá an toàn các bộ phận và kết cấu trong các công trình liên quan đến ngành công nghiệp điện hạt nhân, công cụ tính toán và phân tích là không thể thiếu. Nó phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu phát triển cũng như tính toán của các kỹ sư trong các bài toán thực tế.

Các vị tiến sĩ đề cập đến một cơ hội tốt để ứng dụng phần mềm Code_Aster được phát triển bởi EDF R&D hơn 20 năm qua. Phần mềm được phát triển để giải quyết các bài toán chuyên dụng cho các công trình và máy móc thiết bị trong ngành năng lượng đặc biệt là ngành năng lượng hạt nhân.

EDF cũng như các công ty, trường đại học đối tác thường xuyên sử dụng Code_Aster trong các bài toán nghiên cứu và thực tế. Đặc biệt, phần mềm được EDF phát hành miễn phí nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và hợp tác trong ngành năng lượng.

Do vậy, đây là cơ hội tốt để các đơn vị liên quan ở Việt Nam có thể trang bị một công cụ tính toán mạnh chuyên dụng cho việc đánh giá an toàn kết cấu.

Lưu ý chọn vật liệu, kiểm tra vật liệu và kết cấu

Do tính chất đặc thù, Tiến sĩ Trần Như Cương cho rằng, việc bảo đảm an toàn, bền vững của nhà máy điện hạt nhân là hết sức quan trọng. Vì vậy, việc lựa chọn vật liệu, các thiết bị thí nghiệm/đo đạc theo dõi vật liệu và kết cấu cần được chú ý trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy.

Việc lưu trữ một cách khoa học đồng bộ tất cả các dữ liệu thu được về vật liệu và kết cấu trong quá trình xây dựng cũng như khai thác, vận hành sẽ hữu ích cho việc kiểm tra, giám sát an toàn nhà máy trong tương lai.

Đối với các công trình xây dựng, ông Cương cho rằng “điều này hết sức quan trọng” vì chịu tác động trực tiếp khí hậu duyên hải nhiệt đới, nóng ẩm đặc trưng của Việt Nam và nguồn vật liệu phụ thuộc nhiều vào địa phương.

Chẳng hạn, một trong những hiện tượng già hóa quan trọng nhất là sự co ngót và từ biến của bê tông (biến dạng của kết cấu tăng dần theo thời gian) có cơ cấu phức tạp và đến nay chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều nghiên cứu vẫn đang đánh giá về hiện tượng này. Hiện nay, với các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, co ngót từ biến chỉ được đánh giá một cách đơn giản.

Với nhà máy điện hạt nhân, vỏ lò phản ứng là một kết cấu đóng vai trò quan trọng, là vành đai bảo vệ cuối cùng chống rò rỉ phóng xạ ra môi trường. Hiện tượng co ngót và từ biến của bê tông sẽ kéo theo biến dạng vỏ lò tăng dần theo thời gian và làm giảm dần khả năng chống rò rỉ phóng xạ.

Để bảo đảm kiểm soát tốt hơn vỏ lò phản ứng, với lợi thế là nước đi sau, Việt Nam có thể đầu tư một số thiết bị thí nghiệm co ngót từ biến và tiến hành các thí nghiệm đo trên các mẫu bê tông được đúc cùng với quá trình thi công nhà máy. Như vậy, chắc chắn có một vật liệu như vỏ lò phản ứng và có thể đo co ngót từ biến song song với cùng thời gian hoạt động của nhà máy.

Các dữ liệu này hết sức quan trọng cho việc tính toán phân tích an toàn trong quá trình khai thác. Từ đó, giúp chủ đầu tư ra các quyết định nâng cấp và gia cố vỏ lò một cách chính xác.

Làm chủ công nghệ và quản lý công trình

Trong tương lai, theo nhóm trí thức, khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần từng bước làm chủ công nghệ và thực hiện một số hạng mục xây trong nhà máy.

Tuy nhiên, để làm chủ một công nghệ, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt và làm chủ lý thuyết ở mức độ chuyên gia hàng đầu mà còn phải làm sao để công nghệ đó được triển khai và nắm bắt ở nhiều bộ phận khác của nền kinh tế, như các trường đại học, dạy nghề và quan trọng nhất là khả năng lĩnh hội và thực hành của doanh nghiệp trong nước.

Trong các hạng mục khác nhau của nhà máy, các công trình xây dựng có điều kiện để có thể thực hiện được bởi các đơn vị của Việt Nam trong thời gian tới.

Điều kiện thuận lợi ở đây là ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam đã phát triển đi trước một bước so với ngành cơ khí chính xác hay điều kiển tự động. Trình độ phát triển của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể làm chủ được việc thiết kế, thi công trình xây dựng nếu có một trương trình đầu tư dài hạn, đồng bộ và hiệu quả.

Chương trình này sẽ gồm cả việc đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư nghiên cứu, thí nghiệm, cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời thí điểm các phương pháp thi công và đo đạc kiểm tra chất lượng.

N.VĂN ghi

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động