RSS Feed for Đề xuất cơ chế, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất cơ chế, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí Việt Nam

 - Trên cơ sở các nội dung tham luận và các ý kiến thảo luận tại “Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai - Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được tổ chức hồi đầu tháng 4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương... một số nội dung liên quan về cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án năng lượng sạch Việt Nam.
Trả lời từ Bộ Công Thương về điều kiện kinh doanh điện mặt trời mái nhà Trả lời từ Bộ Công Thương về điều kiện kinh doanh điện mặt trời mái nhà

Sau Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 489/ĐTĐL-CP ngày 29/4/2022 về việc hướng dẫn xác định điều kiện kinh doanh đối với điện mặt trời mái nhà của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam

Ngày 7/4/2022, tại Hà Nội, với sự tham gia, chủ trì của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, Uỷ Ban khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế… Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021”.

Dưới sự chỉ đạo về chiến lược của Đảng, cơ chế chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong hơn 20 năm qua ngành điện đã có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sự phát triển KTXH. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khối các nước Đông Nam Á về công suất nguồn điện. Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc 225,3 tỷ kWh và tính trên đầu người đạt gần 2.500 kWh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Tính đến ngày 1/11/2021 số lượng các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) do tư nhân và doanh nhiệp nhà nước đầu tư đã đưa vào vận hành, bao gồm 84 nhà máy điện gió với công suất 3.695 MW và 146 nhà máy điện mặt trời nối lưới với công suất 8.983 MW. Đến nay các dự án nguồn điện sạch đang được đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện đã vượt 100.000 MW, cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của đầu tư vào năng lượng sạch. Tuy nhiên, các dự án NLTT không kịp hòa lưới trước ngày 1/11/2021, các dự án NLTT mới đầu tư sau này và các dự án điện khí lớn đang chuẩn bị đầu tư tại các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, theo đó, Việt Nam sẽ hướng tới trung hoà carbon năm 2050, Việt Nam cần nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng sạch (NLTT và điện khí) nhằm đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050, và tìm kiếm các giải pháp cho phát triển năng lượng sạch, ngày 7/4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam, với các cơ quan đồng chủ trì là Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai. Chủ đề của Diễn đàn lần này là "Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí".

Tham gia Diễn đàn có nhiều bài tham luận của các cơ quan quản lý nhà nước (Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội, Cục Biển đổi khí hậu - Bộ TN&MT, Cục Điện lực và NLTT, Văn phòng BCĐ Quốc gia về Phát triển Điện lực, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế - Ngân hàng Nhà nước), các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và cơ quan Tư vấn. Các tham luận tập trung vào một số nội dung chính sau:

(i) Ngành năng lượng hiện chiếm tỷ trọng cao trong phát thải khí CO2, đồng thời nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng trưởng cao, nên chuyển đổi năng lượng là cần thiết để đạt cam kết quốc tế của Chính phủ về trung hòa các bon vào năm 2050.

(ii) Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng GDP từ nay cho đến 2030 và có thể bằng tốc độ tăng trưởng GDP sau 2030. Vì vậy, phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải phải tăng tương ứng. Đối với kịch bản theo COP26, vốn đầu tư sẽ phải tăng cao hơn so với kịch bản thông thường khoảng 33%.

(iii) Dịch chuyển từ điện than sang các nguồn điện NLTT và điện khí là một phần của Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, đang được Bộ TN&MT hoàn thiện để trình Chính phủ, tuân thủ các cam kết quốc tế. Điện khí là nguồn dự phòng linh hoạt có thể cho phép hệ thống hấp thụ nhiều nguồn NLTT.

(iv) Trước mắt, trong số 146 dự án điện gió đã đăng ký chỉ có 84 dự án vào vận hành (toàn bộ hoặc từng phần) kịp trước ngày 1/11/2021. Những dự án còn lại đang thi công dở dang hoặc đến nay chuẩn bị hoàn thành nhưng đang chờ cơ chế, chính sách giá mua điện. Nếu giá FIT như cũ sẽ mất cân đối hệ thống điện. Nhưng giá mới như thế nào để vẫn khuyến khích đầu tư mà không mất cân đối, đồng thời chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bị chậm tiến độ vì lý do bất khả kháng?

(v) Các dự án năng lượng sạch cần nguồn vốn đầu tư dài hạn 5-10 năm và lâu hơn. Tiềm năng huy động nguồn vốn cho năng lượng sạch còn nhiều, nhưng độ rủi ro vẫn cao khiến nhà đầu tư quốc tế ngần ngại. Vốn trong nước có tỷ lệ ngắn hạn cao nên khó bố trí vốn cho dự án lớn.

(vi) Các công ty Việt Nam có đủ năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị điện gió, điện mặt trời, kể cả sản xuất nhiên liệu hydro. Hiện tại vẫn còn nhiều nhà thầu nước ngoài được làm tổng thầu EPC cho điện gió, điện mặt trời, điện khí.

Trên cơ sở các nội dung tham luận và các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam kính báo cáo một số nội dung liên quan về cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án năng lượng sạch và một số kiến nghị về chính sách như sau:

I. Năng lượng sạch trong hệ thống điện Việt Nam:

Với tốc độ phát triển bùng nổ của các nguồn điện mặt trời, điện gió vừa qua, năm 2021 sản lượng điện từ NLTT đạt khoảng 30 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung ứng điện năm 2021 và tạo đà cho tiếp tục tăng trưởng các nguồn NLTT các năm tới. Tuy nhiên, còn nhiều dự án không kịp vận hành vào ngày hết hạn FIT và dự án đã vận hành bị giảm sản lượng vì hạn chế truyền tải và các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống điện.

Với giá nhiên liệu tăng mạnh từ cuối 2021 và nhất là sau khi có xung đột Nga - Ukraina từ tháng 2 năm 2022 đến nay, việc đầu tư xây dựng điện khí sử dụng LNG dự kiến sẽ có nhiều rủi ro về cung cấp nhiên liệu do Việt Nam không chủ động được. Điện hạt nhân lại trở thành nguồn điện có tính an ninh năng lượng cao do nạp nhiên liệu một lần có thể chạy 12-18 tháng, và hoàn toàn có thể dự trữ nhiên liệu cho 3-4 năm sau.

II. Các thách thức trong phát triển NLTT:

Mức giá FIT đưa ra cho điện mặt trời (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg) và điện gió (theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg), cùng thời hạn hợp đồng 20 năm và các ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất... rất hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng chúng đã hết hạn áp dụng. Giá FIT cho điện mặt trời hết hạn ngày 31/12/2020 và giá FIT cho điện gió hết hạn ngày 31/10/2021. Từ đó đến nay chưa có chính sách giá mua điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hoặc thay thế.

Giải phóng mặt bằng luôn là trở ngại lớn trong xây dựng. Nhưng trong xây dựng điện gió, đó còn là vấn đề tạo hành lang di chuyển cho các thiết bị siêu trường, siêu trọng. Trong việc xây dựng đường truyền tải điện, giải phóng mặt bằng đang làm chậm tiến độ nhiều công trình đường dây do người dân yêu cầu trả tiền đền bù cao hơn so với quy định, dẫn đến những bất cập trong đồng bộ giữa xây dựng nguồn NLTT với đường dây truyền tải. Điện gió ngoài khơi mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị nhưng đã gặp phải khó khăn do chưa có quy hoạch điện gió ngoài khơi hoặc quy hoạch không gian biển.

Thu xếp vốn ngày càng khó khăn cho các dự án, nhất là đối với các dự án yêu cầu nguồn vốn lớn, huy động dài hạn, do hạn mức tín dụng cho vay từ ngân hàng trong nước đều vượt quy định, khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư.

Những trở ngại về kỹ thuật vận hành hệ thống khi nguồn NLTT tích hợp ngày càng cao với nhiều yếu tố bất định thiếu ổn định, đòi hỏi tăng cơ cấu nguồn dự phòng linh hoạt, cũng như kéo theo gia tăng khối lượng lưới điện truyền tải.

III. Những khó khăn trong phát triển điện khí:

Khác với năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có ưu điểm linh hoạt, có thể vận hành từ dải công suất thấp tới 100% công suất đặt, không phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời, thuận lợi cho phối hợp với các nguồn NLTT này. Lượng phát thải cac-bon của điện LNG ít hơn một nửa so với điện than. Tuy vậy, các dự án điện khí LNG đầu tiên là Nhơn Trạch 3 và 4 - 1.500 MW đến nay vẫn chưa được khởi công xây dựng, mặc dù nhiều khâu chuẩn bị đã khá tốt (như Cảng - Kho LNG Thị Vải, hợp đồng EPC dự án nhà máy điện đã ký); Trung tâm điện khí LNG Bạc Liêu - 2.400 MW đàm phán nhiều năm nhưng chưa thể khởi công do yêu cầu của nhà đầu tư có nhiều khác biệt với quy định chung của Việt Nam. Với giá LNG đang cao như hiện nay và trong tương lai, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi giá bán điện cao hơn so với cam kết trước năm 2020.

Chuỗi dự án điện - khí dùng khí trong nước cần phải phát triển đồng bộ tất cả các dự án - mắt xích từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Các dự án thường có vốn đầu tư lớn, có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, nên mất rất nhiều thời gian cho thủ tục do nhiều luật điều chỉnh.

IV. Một số đề xuất, kiến nghị cho phát triển năng lượng sạch:

Thông qua các trao đổi và thảo luận tại Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam lần thứ Hai, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

1. Để phát triển tốt NLTT cần tăng cường nâng cấp và xây mới hệ thống truyền tải với sự đóng góp của vốn đầu tư tư nhân. Do đó kiến nghị khẩn trương có cơ chế, chính sách rõ ràng và dài hạn cho tư nhân tham gia vào xây dựng lưới truyền tải điện.

2. Sau khi cơ chế FIT hết hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoàn thành các dự án nguồn điện mặt trời và điện gió. Kiến nghị có cơ chế giá mới với tính chất ổn định, không đứt gãy và dự đoán được để nhà đầu tư nhìn thấy khả năng hoàn vốn, tiếp tục đầu tư. Hiện tại, Mức giá mua điện trong dự thảo cơ chế sau FIT có thời hạn quá ngắn nên tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư.

3. Cơ chế bán điện trực tiếp DPPA, đã được Bộ Công Thương soạn thảo trình Chính phủ, Kiến nghị rất cần được sớm ban hành, vừa là giải pháp khuyến khích sản xuất điện từ nguồn NLTT trong trung hạn, vừa là cơ chế phù hợp trong thị trường điện bán buôn cạnh tranh.

4. Nguồn điện khí LNG được đề xuất đầu tư rất nhiều nhưng chưa có một dự án nào khởi công. Mặc dù giá LNG cao làm cho giá điện tính toán từ điện LNG cao hơn giá điện bán lẻ hiện hành. Để có thể xây dựng được trên 20.000 MW loại nguồn này đến năm 2030, kiến nghị có cơ chế thông thoáng, vận dụng luật hợp lý để các nhà đầu tư và EVN có cơ sở đàm phán được giá bán điện.

5. Có nhiều cơ hội huy động tài chính quốc tế và trong nước với các hình thức phong phú. Nhưng nhà đầu tư và tổ chức tài chính còn thấy nhiều rủi ro, kể cả về pháp lý. Kiến nghị chính sách huy động tài chính cần có tính liên tục và dự đoán được.

6. Cần sớm hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia để các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi có cơ sở phát triển dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có các dự án sản xuất nhiên liệu hydro xanh.

7. Có thể xem xét lại để đưa điện hạt nhân vào kế hoạch phát triển nguồn điện dài hạn. Trong đó chưa nên xét lò phản ứng cỡ nhỏ SMR vì chưa chín muồi công nghệ và không thích hợp với đất nước đông dân, diện tích hẹp và dài như Việt Nam.

8. Trong Quy hoạch điện cần tính đến mức tiêu thụ điện sẽ tăng cao hơn do lượng ô tô lớn sẽ chuyển sang dùng điện, trước khi có thể chuyển sang dùng pin nhiên liệu hydro.

Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam kính báo cáo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương và các bộ, ngành xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động