Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho 2 dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam
07:56 | 11/02/2025
![]() Như chúng ta đều biết, Chỉ thị đầu tiên của năm 2025 (số 1/CT-TTg, ngày 3/1) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, câu hỏi được dư luận quan tâm là: Trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể hoàn thành được không? Để giải đáp phần nào cho nội dung này, bước đầu, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số trao đổi, nhận định, đề xuất dưới đây. |
Tờ trình của Chính phủ:
1. Đối tác thực hiện, cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thoả thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc hiệp định/thoả thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
2. Về lựa chọn nhà thầu, cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án. Hợp đồng bao gồm các công việc lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình theo quy định mà có bổ sung thêm. Cụ thể là mua bảo hiểm cho toàn bộ vật tư, thiết bị, dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay và được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập, hoạt động tại Việt Nam; cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho khối lượng nạp đầu tiên.
3. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu được nêu tên trong Hiệp định liên Chính phủ theo quy trình chỉ định thầu rút gọn (được tổ chức đàm phán trực tiếp trên cơ sở dự thảo hợp đồng gửi cho nhà thầu).
4. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Cụ thể:
- Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khoá trao tay.
- Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn thẩm tra dự án đầu tư (FS), hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD), thiết kế kỹ thuật (TKKT), thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC), các báo cáo chuyên ngành.
- Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công.
5. Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác để mua nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy.
6. Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 5 năm (kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng).
7. Chỉ định thầu/lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt/chỉ định thầu rút gọn để thẩm định công nghệ, các báo cáo về môi trường, an toàn, an ninh, cũng như kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù như sau:
- Trình tự thực hiện.
- Áp dụng định mức, đơn giá.
- Thủ tục trình, duyệt của đại diện chủ sở hữu.
- Phương án tài chính và thu xếp vốn.
- Công tác lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
- Cơ chế, chính sách đối với tỉnh Ninh Thuận.
- Cho phép miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
- Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội:
Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết: Một số cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hoặc không liên quan trực tiếp đến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như: Cơ chế, chính sách về vay vốn tín dụng và phân bổ ngân sách đối với UBND tỉnh Ninh Thuận; cơ chế về miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư và trình tự thực hiện.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với nguồn nhân lực (đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực…), hay về đất đai, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Do đây là ngành có đặc thù, đòi hỏi chuyên môn, trình độ cao, nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp sẽ khó chủ động triển khai thực hiện và vận hành dự án trong trước mắt, cũng như dài hạn.
Về đối tác thực hiện, Thường trực Ủy ban nhận thấy: Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn trước đây. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các đối tác, công nghệ, bảo đảm phù hợp với các hiệp định đã ký kết, công ước, điều ước quốc tế có liên quan, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang và dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro.
Về lựa chọn nhà thầu, theo Thường trực Ủy ban: Việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ như. Cụ thể:
1. Công khai danh sách nhà thầu và tiêu chí lựa chọn để tăng tính minh bạch.
2. Thành lập hội đồng giám sát độc lập để kiểm tra quy trình chỉ định thầu.
3. Xây dựng cơ chế báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện hợp đồng.
4. Áp dụng chế tài nghiêm ngặt (nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng).
Theo đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.
Liên quan đến mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Thường trực Ủy ban thấy rằng: Việc Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo Tờ trình là khó khả thi. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm quốc tế phải mất khoảng 8 năm để hoàn thiện một dự án điện hạt nhân. Với dự án có quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, đòi hỏi nguồn lực lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM