Những thuận lợi và khuyết thiếu cần bổ sung cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam
09:11 | 16/01/2025
Công tác vận hành thủy điện Việt Nam - Bài học từ năm 2024 Năm 2024, với điều kiện thủy văn thuận lợi hơn năm 2023, các nhà máy thủy điện đã phát huy được vai trò của mình là vận hành linh hoạt với sản lượng cao để cấp điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua đã xuất hiện những cơn bão, lũ lớn bất thường. Các nhà máy thủy điện trên sông Đà, sông Chảy, sông Gâm đã không thể cắt lũ, hay làm chậm lũ cho vùng hạ lưu công trình (dù đã thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng). Vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chúng ta cần vận hành hệ thống thủy điện như thế nào? Tổng hợp, phân tích, đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân cùng với phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050. Với định hướng đó, chiều ngày 30/11/2024, Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của Chính phủ).
Tiếp đó, Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc tại Ninh Thuận ngày 5/12/2024 đã đặc biệt nhấn mạnh: “Chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã có. Nhân dân đồng tình, thì cần xây dựng kế hoạch để bắt tay vào làm và triển khai có hiệu quả. Chậm là lãng phí”. Vì vậy, Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Với thời gian như vậy, lại là dự án điện hạt nhân đầu tiên sẽ xây dựng ở nước ta, thì những thuận lợi và thách thức mà Việt Nam gặp phải sẽ không ít, có thể nêu sơ bộ như sau:
I. Thuận lợi:
1. Sự thống nhất về chủ trương:
Như đã nêu trên, Đảng và Chính phủ đã quyết định chủ trương khởi động lại chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN). Cụ thể là thực hiện các bước cho triển khai xây dựng 2 nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Đây là yếu tố thuận lợi cốt lõi, quan trọng tới sự thành công của dự án.
2. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được chọn:
Việc chọn địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta rất quan trọng và phải mất khá nhiều thời gian lựa chọn, khảo sát điều kiện tự nhiên (điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn) và phải tính toán kỹ lưỡng. Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình Chính phủ vào đầu tháng 9/2015, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai Nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW). Tổng diện tích quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 1.642,22 ha, ảnh hưởng đến 1.100 hộ dân, với gần 4.000 người (số liệu tính đến tháng 9/2015).
Tính đến thời điểm năm 2015, một số việc chính của dự án đã được triển khai gồm:
- EVN đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Còn Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.
- Hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và văn phòng làm việc của Ban quản lý Dự án đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện.
- Dự án di dân tái định cư các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do UBND tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2015. Đã hoàn hành công tác khảo sát, thiết kế các khu tái định cư.
Kế thừa Báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 9/2015), thì địa điểm xây dựng điện hạt nhân sẽ không phải lựa chọn lại, đó là tại Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) và các khu tái định cư. Theo đánh giá của tư vấn cho chủ đầu tư: Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Việc có sẵn hai địa điểm để đặt nhà máy và các vùng tái định cư sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi quay trở lại tiếp tục triển khai các dự án ĐHN Ninh Thuận, chủ đầu tư sẽ phải khảo sát đo đạc bổ sung một số thông số liên quan địa điểm, cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ đánh giá địa điểm, báo cáo khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư xây dựng theo quy định. Việc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân và môi trường sẵn sàng hạ tầng pháp lý, cũng như nguồn lực tiến hành thẩm định hay không sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ của quá trình này.
3. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận:
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (lập năm 2015), mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cần khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 500 người yêu cầu tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư trở lên, chiếm 40% đội ngũ vận hành.
Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga. Đã thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài (3 tháng) cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và cử 32 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản. Đây là lực lượng nhân sự nòng cốt và rất quý giá để tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ đã được đào tạo này đang làm việc ở các lĩnh vực khác.
4. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân:
Điều đáng phấn khởi là ngày 10/1/2025 Thủ tướng Chính phủ Phạm minh Chính đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Các Phó trưởng Ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Bộ Công Thương. Các thành viên Ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Trong thành phần Ban chỉ đạo có Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc EVN. (Vì giai đoạn 2010-2016, EVN đã là chủ đầu tư của 2 dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận).
II. Thách thức:
1. Vốn đầu tư:
Tham khảo mức vốn đầu tư của ĐHN với công nghệ thế hệ III và III+ được tổng hợp từ nhiều quốc gia, trong đó trung bình ở Mỹ, châu Âu là khoảng 6 triệu USD/MW, con số này ở Trung Quốc, Ấn Độ là 2,7 triệu USD và ở Nga, Hàn Quốc khoảng 3,0-3,5 triệu USD đầu tư trong nước.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ĐHN Ninh Thuận (năm 2015), trung bình suất đầu tư danh nghĩa cho ĐHN loại lò AES2006/V491 (Nga) cho Ninh Thuận 1 và AP 1000 Westinghouse (Mỹ) cho Ninh Thuận 2 là 5,06 triệu USD/MW. Đến nay tổng mức đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như quy mô công suất, yêu cầu công nghệ và đòi hỏi về các yếu tố an toàn.
Nếu chúng ta vẫn chọn quy mô công suất 2x1.000 MW cho dự án điện hạt nhân đầu tiên, theo “Cẩm nang công nghệ sản xuất điện Việt Nam 2023” [1], giai đoạn đến năm 2030, tổng mức đầu tư cho dự án có quy mô 2.000 MW (chưa bao gồm chi phí quản lý, tư vấn, chuẩn bị mặt bằng, thuế, lãi vay trong quá trình thi công) ước khoảng 9,6 tỷ USD tương đương 240 nghìn tỷ VNĐ.
Kinh nghiệm một số nước cho thấy, cần giữ đúng tiến độ, hoặc rút ngắn thời gian xây dựng công trình để không bị đội vốn. Bởi nếu thời gian xây dựng ĐHN bị kéo dài, vốn đầu tư sẽ đội lên rất cao. (Các dự án ĐHN vừa xây dựng gần đây nhất tại Mỹ và Pháp cho thấy điều đó).
2. Thời gian xây dựng:
Theo kinh nghiệm quốc tế, thời gian thi công nhà máy ĐHN khoảng 6 năm. Đối với các nước đã làm chủ công nghệ ĐHN, thời gian xây dựng công trình từ 6-7 năm là khá thông thường, trong khi một số nước bị kéo dài thời gian do thủ tục và quản lý xây dựng chưa tốt đã gây đội vốn rất lớn, thậm chí phải hủy dự án.
Trung Quốc, với khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa tới trên 70% các thành phần của ĐHN, một số dự án gần đây đã hoàn thành xây dựng trong 5-6 năm [2].
Liên bang Nga hiện nay là nước xuất khẩu các lò hạt nhân sang các nước nhiều nhất. Tuy nhiên, thời gian xây dựng cũng không thể quá nhanh, vì luôn phải đảm bảo quy định và chất lượng công trình (cũng liên quan đến an toàn).
Ví dụ dự án điện hạt nhân tại Belarus do Nga thực hiện, thời gian xây dựng cũng cần 6-7 năm. Dự án của Nga tại Ruupur (Bangladesh) bắt đầu khởi công xây dựng cuối năm 2017, và dự kiến năm 2025 sẽ nối lưới điện (khoảng 7 năm).
Theo ý kiến của các chuyên gia, với những nước nhập khẩu công nghệ và nhất là dự án ĐHN đầu tiên như nước ta, sẽ là rất khó rút ngắn thời gian xây dựng trong 5 năm.
3. Vấn đề hạ tầng pháp lý:
Quá trình triển khai các dự án ĐHN Ninh Thuận giai đoạn trước 2016 đã bộc lộ một số bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, gây những lo ngại đối với đối tác Nga, Nhật Bản, đặc biệt trong việc áp dụng các tiêu chuẩn của Việt Nam và nước ngoài đối với các loại công nghệ khác nhau. Hiện tại, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt việc phải trình Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV nhằm giải quyết triệt để những bất cập này.
Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực lớn để có thể có được một dự thảo Luật chất lượng trong thời gian ngắn. Đồng thời, Chính phủ cũng phải sẵn sàng các văn bản dưới luật để có thể trình ban hành sớm, đồng bộ với Luật, cũng như đi trước thực tiễn triển khai dự án điện hạt nhân.
Mặt khác, việc Việt Nam chưa tham gia công ước về đền bù thiệt hại hạt nhân cũng sẽ là một trở ngại lớn trong quá trình đàm phán các hợp đồng sau này vì những vướng mắc trong quá trình phân định trách nhiệm của các bên tham gia dự án ngay từ đầu.
4. Vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ công tác vận hành:
Theo hướng dẫn của IAEA, 3 trụ cột chính tham gia vào một chương trình ĐHN của quốc gia sẽ bao gồm: Chủ đầu tư/tổ chức vận hành; Cơ quan pháp quy quản lý an toàn an ninh hạt nhân, và các Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, khoa học (cho cả Cơ quan pháp quy và Chủ đầu tư - TSO).
Sau khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư ĐHN Ninh Thuận vào tháng 11/2016, chính sách phát triển điện hạt nhân không rõ ràng đã khiến một lượng lớn cán bộ, nhà nghiên cứu của Cơ quan pháp quy, Tổ chức TSO đã rời bỏ công việc. Các đề tài nghiên cứu về an toàn và công nghệ điện hạt nhân cũng không được ủng hộ khiến năng lực của các nhà nghiên cứu cũng không được duy trì và phát triển. Hiện tại, Việt Nam có rất ít chuyên gia về công nghệ ĐHN và an toàn hạt nhân.
Do đó, trong giai đoạn đầu của dự án, bên cạnh việc tận dụng nguồn lực hạn chế trong nước, việc tham gia của tư vấn nước ngoài là bắt buộc để chúng ta có thể bổ sung khuyết thiếu, cũng như giúp các cán bộ của Việt Nam được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần triển khai ngay một chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý vận hành an toàn, hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án ĐHN. Đào tạo đội ngũ chuyên gia về công nghệ và an toàn hạt nhân để có đủ năng lực dự báo/phòng ngừa, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn (nếu có xảy ra) đòi hỏi thời gian dài với một kế hoạch đào tạo bài bản, từng bước. Đội ngũ chuyên gia về ĐHN là thiết yếu và vô cùng quan trọng để có thể vận hành an toàn, cũng như kinh tế các nhà máy ĐHN.
Ngoài số lượng kỹ sư đã được đào tạo trước đây (hiện chưa rõ còn có bao nhiêu người) có thể sử dụng được khi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đưa vào vận hành. Do đó, chúng ta vẫn cần tiếp tục đào tạo thêm các kỹ sư về điện hạt nhân. Nếu đến năm 2030 sẽ hoàn thành công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như yêu cầu của Chính phủ, thì lúc đó các kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân cũng cần tốt nghiệp, ra trường để bổ sung vào lực lượng vận hành.
III. Những việc cần thực hiện ngay:
1. Bổ sung dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh:
Tất cả các dự án phát triển đều phải nằm trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, hoặc quy hoạch ngành. Hiện tại, điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII). Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế, xã hội. Cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, trong đó có điện hạt nhân và các nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước (hoàn thành trước ngày 28/2/2025).
Như vậy có thể khẳng định, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trong năm 2025.
2. Lựa chọn chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận:
Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể rất đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ các quá trình liên quan (từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện).
Trước đây (giai đoạn 2006-2015) Chính phủ đã giao cho EVN nghiên cứu xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tại hội nghị tổng kết ngày 6/1/2025, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị Thủ tướng giao cho EVN tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân xem xét, tiếp tục giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việc giao chủ đầu tư dự án điện hạt nhân là bước đầu tiên để thực hiện các công việc tiếp theo trong chương trình tái khởi động dự án này.
3. Lập lại Báo cáo nghiên cứu khả thi:
Tuy vị trí bố trí nhà máy điện hạt nhân không thay đổi, nhưng sau 8 năm đã qua, công nghệ phát triển điện hạt nhân đã có những bước tiến, do vậy cần tính toán lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, giá thành công nghệ, giá thành xây dựng cũng thay đổi, nên cần thiết phải lập lại Báo cáo nghiên cứu khả thi theo các số liệu công nghệ mới, cập nhật điều kiện tự nhiên (khí tượng, thủy văn, địa hình) có thể đã thay đổi trong thời gian qua.
Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi (lập tháng 9/2015), hiện nay EVN đã chủ động rà soát các nội dung cần điều chỉnh và bổ sung mới, tính toán tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn v.v… để sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi có yêu cầu. Từ đó làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo (như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu xây dựng, mua sắm thiết bị v.v…).
4. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực phục vụ công tác thẩm định và hệ thống pháp quy hạt nhân:
Một trong những bài học rút ra từ năm 2016 khi chúng ta tạm dừng triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, đó là do năng lực của cơ quan pháp quy hạt nhân còn hạn chế. Khi chủ đầu tư EVN nộp trình thẩm định báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ phê duyệt địa điểm thì cơ quan pháp quy hạt nhân đã mất rất nhiều thời gian để đưa ra các phương án thẩm định các báo cáo của 2 dự án.
IV. Lời kết:
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là công trình quan trọng của nước ta nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải CO2 cho giai đoạn từ năm 2030 và các năm tiếp theo.
Là dự án đầu tiên, nên chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đầu tư và thực hiện công tác đầu tư ĐHN. Nhưng chúng ta có những thuận lợi về sự thống nhất chủ trương và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; địa điểm được chọn đã đạt các tiêu chí cần thiết; có đội ngũ chuyên gia, cũng như kỹ thuật viên được đào tạo giai đoạn từ năm 2010 đến 2016; EVN là đơn vị có kinh nghiệm thực hiện tốt các dự án nguồn điện. Tuy nhiên, có một số yếu tố lưu ý và các thách thức cần vượt qua như:
1. Khi đã có chủ trương từ Đảng và Chính phủ, cần có chính sách phát triển ĐHN nhất quán, dài hạn, chuyển tiếp qua các nhiệm kỳ của Chính phủ. (Đây là bài học thành công từ quá trình phát triển ĐHN của Pháp).
2. Cần đánh giá lại nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân, trong đó có số lượng 381 sinh viên, cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo tại Liên bang Nga từ giai đoạn trước, hiện nay đang làm việc gì. Mặt khác, cũng cần sớm xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh liên quan đến công nghệ điện hạt nhân, an toàn hạt nhân nhằm phục vụ công tác thẩm định báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ phê duyệt địa điểm. Cần tiến hành tuyển chọn sinh viên để gấp rút đưa đi đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực kịp thời ngay từ thời điểm hiện nay.
3. Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp quy hạt nhân và củng cố đội ngũ cán bộ cho cơ quan pháp quy hạt nhân. Trước hết là chú trọng rà soát và hoàn hiện các nội dung liên quan đến ĐHN. Bên cạnh đó cần chuẩn bị ngay nguồn nhân lực, cũng như phương án thẩm định kịp thời đúng quy định báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ phê duyệt địa điểm dự án ĐHN Ninh Thuận.
4. Nguồn vốn và huy động vốn với quy mô khoảng 240 nghìn tỷ VNĐ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên là rất lớn. Cần thiết huy động nhiều nguồn lực như: Chính phủ huy động khoản vay ưu đãi từ nước xuất khẩu công nghệ - thiết bị; các tổ chức tín dụng hỗ trợ chuyển dịch năng lượng; phát hành trái phiếu; huy động tín dụng các ngân hàng trong nước; tín dụng hãng cấp thiết bị…
Ngoài ra, EVN mới vừa cân đối được tài chính sau mấy năm thâm hụt, cần có “cơ chế đặc thù” để EVN có thể huy động tài chính.
5. Cuối cùng, tiến độ khởi động và quá trình thi công cần phải được thực hiện kiểu tổng lực, có cơ chế đặc thù, tận dụng mọi nguồn lực, nhân lực của đất nước, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Ninh Thuận.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự đồng tình của xã hội, của nhân dân (nơi xây dựng nhà máy), sự quyết tâm cao của Bộ Công Thương và EVN, của Bộ Khoa học - Công nghệ và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), chúng ta sẽ xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với tiến độ nhanh nhất có thể.
Việc chúng ta xây dựng thành công dự án điện hạt nhân đầu tiên, song song với tuân thủ đầy đủ các quy định, cũng như nhiệm vụ theo thông lệ quốc tế về xây dựng cơ sở hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân) sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và lập thêm “mốc son mới” cho Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Cẩm nang Công nghệ Việt Nam về sản xuất điện, Cục Điện lực và NLTT phối hợp với Cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA), 2023
[2] https://world-nuclear.org/information-library/country-profiles/countries-a-f/china-nuclear-power#nuclear-technology-exports.
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM