Dầu khí Việt Nam trong xu hướng phát triển năng lượng sạch
08:31 | 14/08/2019
Vai trò Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phát triển điện tái tạo
PGS, TS. PHẠM TIẾN ĐẠT; THS. NGÔ THÀNH BÌNH
1. Xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên thế giới
“Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của thế giới trong vòng hai thập kỷ tới và đang tạo dựng chỗ đứng trong hệ thống năng lượng toàn cầu, nhanh hơn bất kỳ nhiên liệu nào trong lịch sử. Ước tính vào năm 2040, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các năng lượng tái tạo khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện năng trên thế giới, đặc biệt ở khu vực các nước châu Âu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%” - Theo Bristish Petroleum (BP) - một trong những tập đoàn dầu khí đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, BP cũng đặt nhiều kì vọng vào tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo: “Trong khi dầu mất gần 45 năm để tăng từ mức 1% năng lượng toàn cầu lên 10% và khí đốt mất hơn 50 năm, thì năng lượng tái tạo dự kiến sẽ làm điều này trong vòng 25 năm”. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong hai thập kỷ tới, cuối cùng thay thế than đá trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.
Gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới, cụ thể:
Năng lượng sinh học hiện đại (không bao gồm sử dụng sinh khối truyền thống) chiếm nửa mức tiêu thụ năng lượng tái tạo trong năm 2017. Hầu hết năng lượng sinh học hiện đại được sử dụng vào mục đích cung cấp nhiệt cho tòa nhà hay cho ngành công nghiệp.
Năm 2023, năng lượng sinh học sẽ vẫn là nguồn năng lượng tái tạo chiếm ưu thế, mặc dù đóng góp của nó trên tổng năng lượng tái tạo giảm từ 50% trong năm 2017, xuống còn 46% do có sự tăng lên của pin mặt trời và năng lượng gió trong ngành điện.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1/5 trong 5 năm tới để đạt 12,4% vào năm 2023. Năng lượng tái tạo hiện đại được sử dụng trong 3 lĩnh vực: Sản xuất điện, tạo nhiệt, giao thông vận tải.
Năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành điện, cung cấp gần 30% nhu cầu điện trong năm 2023 (từ mức 24% năm 2017). Trong giai đoạn này, năng lượng tái tạo được dự báo sẽ đáp ứng hơn 70% mức tăng trong sản xuất điện toàn cầu, dẫn đầu là năng lượng mặt trời và tiếp theo là gió, thủy điện và năng lượng sinh học.
Thủy điện vẫn là nguồn tái tạo lớn nhất, đáp ứng 16% nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2023, tiếp theo là gió (6%), điện mặt trời (4%) và năng lượng sinh học (3%).
Mặc dù tăng trưởng chậm hơn ngành điện, ngành nhiệt (bao gồm sưởi ấm cho các tòa nhà, hoặc cho ngành công nghiệp) sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng vào năm 2023. Mức tiêu thụ năng lượng tái tạo trong ngành nhiệt dự kiến sẽ tăng 20% nhưng chỉ đáp ứng 12% nhu cầu của ngành nhiệt vào năm 2023, do nhu cầu về nhiệt sẽ tăng mạnh, bởi sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số.
Năng lượng tái tạo sử dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhu cầu năng lượng, vì các phương tiện, sản phẩm sử dụng xăng dầu vẫn nhiều. Năng lượng tái tạo sử dụng trong giao thông vận tải chủ yếu đến từ nhiên liệu sinh học.
2. Tiềm năng và thực trạng khai thác các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được mức độ phát triển ấn tượng, năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong 10 năm qua. Thời gian tới, với việc ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do lớn, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư FDI dựa trên những thế mạnh nội tại và tác động từ các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sự bứt phá của khối doanh nghiệp tư nhân và cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh khối doanh nghiệp nhà nước qua cổ phần hóa sẽ là những nhân tố để kinh tế Việt Nam bứt phá. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về năng lượng để phục vụ cho quá trình tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ tăng mạnh.
Tại Việt Nam, một số nguồn năng lượng tái tạo đã được quan tâm đưa vào khai thác như sau:
Năng lượng mặt trời:
Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE [1].
Với những thuận lợi như vậy, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch khai thác điện mặt trời tăng mạnh trong thời gian tới, năm 2020 được khoảng 850 MW; 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Hiện nay, năng lượng mặt trời được ứng dụng chủ yếu là điện mặt trời trên mái nhà vì mang lại nhiều lợi ích. Đối với hộ gia đình khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà vừa có thể làm giảm nhiệt trong phòng, vừa có thu tiền từ việc bán điện lại cho EVN…
Mặc dù có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ và khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên việc ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà hiện nay còn rất khiêm tốn, sau hai năm triển khai mới có mới có 1.800 hộ dân tham gia với công suất lắp đặt 30 MW [2].
Năng lượng gió:
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Với những ưu đãi về điều kiện thiên nhiên như vậy, Việt Nam đã đặt ra lộ trình sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, điện gió chưa đạt được sự phát triển như kì vọng khi tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam mới đạt khoảng 228 MW (tính đến cuối năm 2018), đây là con số khiêm tốn với các thị trường phát triển trên thế giới.
Thủy điện nhỏ:
Bên cạnh những hệ thống sông chính như sông Hồng, sông Mã, sông Đà, sông Đồng Nai, sông Cửu Long… Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc phân bổ trên khắp cả nước nên có tiềm năng lớn trong phát triển thủy điện nhỏ. Ngoài ra, công nghệ thủy điện nhỏ đã được phát triển từ lâu, tới mức hoàn thiện nên có mức độ khả thi về mặt kinh tế cao. Chính vì vậy, loại hình này khá phổ biến, đặc biệt ở các nước đang phát triển vì có vai trò hết sức quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và gia tăng chỉ số tiếp cận điện năng.
Theo đánh giá, tiềm năng thủy điện nhỏ của Việt Nam vào khoảng 7.000MW, trong đó loại nguồn có công suất từ 100kW-30MW chiếm 93-95%, còn loại nguồn có công suất dưới 100kW chỉ chiếm 5 - 7%, với tổng công suất trên 200MW [3].
Năng lượng sinh khối:
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng sinh khối. Các nguồn nhiên liệu chính của sinh khối gồm có gỗ, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị và các chất hữu cơ khác. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm, bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Trong đó, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô.
Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt, nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu khá khiêm tốn với phát triển điện sinh khối, cụ thể đến năm 2020, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 1%, năm 2025 là 1.2% và năm 2030 là 2.1%.
Ngoài các nguồn nhiên liệu phổ biến kể trên, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng trong phát triển năng lượng địa nhiệt và năng lượng biển như thủy triều, tuy nhiên các nguồn năng lượng này vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu tính thương mại trước khi đưa vào áp dụng.
3. Vị trí, vai trò của ngành Dầu khí Việt Nam trong xu hướng phát triển năng lượng tái tạo thế giới
Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam luôn đạt con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng, là một trong những điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại như đã nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị.
Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì năng lượng là không thể thiếu và ngày càng tăng cao, do đó tất yếu nhu cầu trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt khi nước ta đặt mục tiêu giảm điện than từ 53% xuống còn 40%. Thêm vào đó, với thực trạng hiện tại trang thiết bị lạc hậu, cơ cấu kinh tế thâm dụng nguyên vật liệu, ý thức tiết kiệm chưa cao, cơ cấu năng lượng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu khí và than đá nên mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhưng vẫn chưa đủ tiềm lực, năng lực để tận dụng tốt các tiềm năng này, việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn là chủ yếu trong thời gian tới. Vì vậy, dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất: Ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục là một trong những trụ cột chính đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Theo báo cáo triển vọng năng lượng 2019, cùng với sự phát triển nền kinh tế thế giới, nhu cầu về năng lượng toàn cầu sẽ tăng mạnh khoảng 1/3 vào năm 2040. Trong đó, nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng thế giới.
Theo Bristish Petroleum (2018), trong tổng năng lượng sơ cấp mà Việt Nam sử dụng, năng lượng từ dầu khí hiện chiếm tỷ lệ rất cao, tới 40%. Như vậy, có thể thấy vai trò của ngành dầu khí hiện nay trong an ninh năng lượng quốc gia và tầm quan trọng của ngành này sẽ còn giữ vững trong tương lai.
Thứ hai: Cung cấp nguồn nhiên liệu cho phát triển nhiệt điện khí nhằm giảm thiểu tác hại môi trường.
Trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, một trong những quan tâm hàng đầu khi khai thác, sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch đó là môi trường. Phát triển nhiệt điện khí trở thành cách thức giảm thiểu tác hại với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chi phí giá thành cho sản xuất điện theo hình thức này vẫn còn cao do Việt Nam chưa chủ động trong nguồn nhiên liệu.
Ngành dầu khí với việc triển khai các dự án khí đã góp phần để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhiên liệu khí này. Hiện có 2 dự án khí: Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn, đang trong giai đoạn phát triển. Vào năm 2023, khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn cung sẽ được bổ sung hàng chục tỷ m3 mỗi năm, bảo đảm nhiên liệu cho 6-7 nhà máy nhiệt điện khí, với công suất đến 6.000-7.000 MW [5].
Thứ ba: Đóng góp trong việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, việc duy trì vai trò của các nguồn nguyên liệu hóa thạch trong cung cấp năng lượng là cần thiết, tuy nhiên về lâu dài phát triển năng lượng tái tạo mới là hướng đi bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam.
Hiện nay, năng lượng gió ngoài khơi đang là một xu thế mới có nhiều triển vọng. Trong đó, dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà do Enterprise Energy UK đề xuất có thể là đột phá mới cho năng lượng Việt Nam. Nếu thành công, dự án này sẽ mở ra một nguồn năng lượng xanh có công suất tới hàng chục ngàn MW; sẽ hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mới có giá trị đến hàng 100 tỷ USD. Trong đó, ngành dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn trong việc khiến các dự án về điện gió ngoài khơi có triển vọng đi vào hiện thực góp phần giúp đang hóa nguồn nguyên liệu cho năng lượng tái tạo và củng cố thêm cho an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Thứ tư: Ngành dầu khí cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng đầu tư khai thác bên ngoài, đưa Việt Nam vào danh sách các nhà xuất khẩu dầu khí trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành dầu khí phát triển góp phần bảo đảm môi trường tăng trưởng và giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Việc khai thác dầu khí trên biển góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045. Các nguồn lực đem lại từ phát triển ngành dầu khí góp phần cân đối vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nền kinh tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: