RSS Feed for Chính sách nhập khẩu điện của Singapore và khả năng hợp tác của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 02/05/2024 15:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách nhập khẩu điện của Singapore và khả năng hợp tác của Việt Nam

 - Do dựa chủ yếu khí tự nhiên, còn thủy điện bị hạn chế nên Singapore đang có kế hoạch nhập khẩu điện từ quốc tế. Dưới đây là những thông tin mới nhất về lĩnh vực năng lượng của Singapore và khả năng hợp tác, đặc biệt là nhập khẩu điện gió từ Việt Nam vừa được chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật.
Khởi động kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore Khởi động kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore

Sáng ngày 10/2, trong chương trình chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tow Heng Tan - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sembcorp và chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.

Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường và định giá carbon Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường và định giá carbon

Bên lề Hội nghị COP27 tại Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với ông Ravi Menon - Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường các bon tại Việt Nam trong thời gian tới.

Singapore có thể nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam vào năm 2035 Singapore có thể nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam vào năm 2035

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi làm việc với ông Tan See Leng - Bộ trưởng Bộ Nhân lực, kiêm Thứ trưởng Bộ Công Thương Singapore, cùng đoàn công tác của Singapore tới Hà Nội trao đổi về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tại buổi làm việc, hai bên kỳ vọng, đến năm 2035 có thể kết nối lưới điện giữa Việt Nam - Singapore và Singaore có thể mua điện gió ngoài khơi từ Việt Nam.

Vài nét về câu chuyện năng lượng của Singapore:

Theo Cơ quan Điều tiết Quản lý Thị trường Năng lượng (Energy Market Authority- EMA) - đơn vị trực thuộc dưới quyền của Bộ Công Thương Singapore: Ngành năng lượng của Singapore đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đầu thành lập. Trong 50 năm qua, quốc đảo này đã chuyển từ dầu mỏ sang khí đốt tự nhiên để phát điện sạch hơn. Và gần đây là việc sử dụng năng lượng mặt trời nhiều hơn, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi.

Với những thách thức do biến đổi khí hậu, Singapore đã nhanh chóng thay đổi cách sử dụng và sản xuất năng lượng. Singapore đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng để hướng tới một tương lai bền vững.

Theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lawrence Wong: Singapore đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong đó, ngành điện đóng vai trò quan trọng, vì nó chiếm khoảng 40% lượng khí thải carbon của Singapore. Giảm khí thải của ngành điện, đồng thời đảm bảo rằng: Hệ thống điện vẫn an toàn, đáng tin cậy và bền vững là vấn đề được Singapore quan tâm. Để đạt mục tiêu nói trên, Singapore đang chú trọng tới 4 giải pháp: Khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời, lưới điện khu vực và các giải pháp thay thế ít carbon để chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng của quốc gia, đồng thời thúc đẩy hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu.

Trong 4 giải pháp “điểm nhấn” năng lượng, Singapore đặc biệt chú ý đến kết nối lưới điện khu vực. Để khắc phục những hạn chế về đất đai, Singapore đang tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hơn từ bên ngoài biên giới. Lưới điện khu vực có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, mang lại tăng trưởng kinh tế và tăng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Nhập khẩu điện cũng sẽ giúp Singapore đa dạng hóa các nguồn năng lượng để sớm “đoạn tuyệt” với khí đốt và cải thiện độ linh hoạt năng lượng của đất nước.

Về các lựa chọn thay thế carbon thấp mới nổi, Singapore đang khám phá các công nghệ carbon thấp như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) để giúp giảm lượng khí thải carbon trong dài hạn. Bên cạnh việc thay đổi về sản xuất năng lượng, việc quản lý nhu cầu năng lượng cũng là chìa khóa giúp ngành điện Singapore đạt tới một tương lai bền vững hơn.

Chính sách nhập khẩu năng lượng của Singapore:

Singapore đã công bố mục tiêu có công suất nhập khẩu lên tới 4 gigawatt (GW) điện carbon thấp vào năm 2035, chiếm khoảng 30% nguồn cung điện dự kiến của Singapore vào thời điểm nói trên. Mục tiêu được thực hiện thông qua quy trình mời thầu (RFP) cạnh tranh, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Chẳng hạn như đa dạng hóa các nguồn nhập ngoại và đảm bảo tính có sẵn nguồn dự phòng để giảm thiểu gián đoạn nguồn cung.

Để giúp cho việc nhập khẩu điện thuận lợi, EMA đã làm việc với nhiều đối tác để thử nghiệm. Những thử nghiệm này cho phép Singapore đánh giá và tinh chỉnh các khuôn khổ kỹ thuật và quy định về nhập khẩu điện.

Cụ thể, bao gồm thử nghiệm nhập khẩu công suất 100 MW điện từ Malaysia, cũng như thử nghiệm nhập khẩu công suất 100 MW điện năng lượng mặt trời từ Pulau Bulan, Indonesia. Dự án tích hợp điện năng CHDCND Lào - Thái Lan - Malaysia -Singapore (LTMS-PIP), nhập khẩu công suất lên tới 100 MW thủy điện từ CHDCND Lào đến Singapore qua Thái Lan và Malaysia thông qua các kết nối hiện có (từ ngày 23/6/2022). Và gần đây, đầu năm 2023, Chính phủ Singapore và Chính phủ Việt Nam đã đàm phán để nhập khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam.

Vào ngày 25/10/2021, EMA công bố hai bản mời thầu (Requests for Proposal- RFP) để phục vụ cho việc nhập khẩu điện carbon thấp, mức nhập lên tới 4 GW cho tới giai đoạn trước năm 2035, dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung cấp điện của Singapore. Đây là một phần trong nỗ lực của Singapore nhằm tăng cường an ninh năng lượng theo cách đa dạng hóa nguồn cung. Phần còn lại sẽ đến từ nhiều nguồn nội địa khác, từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên hiện tại cho đến năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng từ chất thải.

Các công ty muốn tham gia chào thầu có thể tham khảo để biết chi tiết và quy trình gửi đề xuất thứ nhất và thứ hai tương ứng (gồm RFP1 và RFP2). Để giúp khách hàng hiểu rõ quy định về nhập khẩu điện của Singapore, EMA đưa ra hướng dẫn liên quan chi tiết đến việc nhập khẩu năng lượng nói chung và điện nói riêng vào Singapore. EMA có quyền sửa đổi hướng dẫn khi cần thiết, để đảm bảo việc nhập khẩu điện đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của Singapore.

Các bước phục vụ cho nhập khẩu điện trong tương lai của Singapore bao gồm cả chuẩn bị cho truyền tải điện.

Là đơn vị được cấp phép truyền tải điện và đơn vị được cấp phép đại lý truyền tải do EMA quản lý, SP PowerAssets Ltd (SPPA) và SP PowerGrid Ltd (SPPG) sẽ cùng nhau thực hiện hoạt động kinh doanh ủy quyền của họ là cung cấp dịch vụ lưới điện.

Ngoài ra, các điều kiện trong giấy phép của SPPA và SPPG nghiêm cấm SPPA và SPPG tiết lộ thông tin bí mật cho bất kỳ mục đích nào, ngoài mục đích được cho phép theo giấy phép, quy tắc, hoặc quy tắc thị trường.

Đối với nhập khẩu điện, SPPA, SPPG (với tư cách là bên được cấp phép truyền tải điện và bên được cấp phép đại lý truyền tải do EMA quy định) sẽ hướng dẫn kỹ thuật, thông số kỹ thuật lưới điện, cũng như giải thích rõ ràng cho các bên quan tâm đấu thầu giấy phép nhập khẩu và sẽ không dành ưu tiên quá mức cho bất kỳ bên nào.

Một cách riêng biệt, SP Group có thể làm việc với các đối tác để phát triển nguồn điện ở các quốc gia khác và xây dựng, vận hành hệ thống truyền tải điện (bao gồm cả cáp truyền tải ngầm ngoài khơi) nhằm củng cố kiến trúc lưới điện khu vực và lập kế hoạch tốt hơn cho các yêu cầu mạng trong tương lai để duy trì các tiêu chuẩn về độ tin cậy. Các dự án này sẽ được đặt trong các thực thể của Tập đoàn SP tách biệt và khác biệt với SPPA và SPPG. SP Group sẽ tuân thủ các điều kiện do EMA đặt ra (bao gồm việc duy trì bất kỳ sự tách biệt chức năng/hoạt động cần thiết nào).

Khả năng tham gia của Việt Nam vào chương trình nhập khẩu điện của Singapore:

Như tin đã đưa, đầu tháng 2/2023, trong chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tow Heng Tan - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sembcorp, chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.

Tại buổi tiếp, ông Tow Heng Tan cho biết: Sembcorp đầu tư vào Việt Nam thông qua Sembcorp Development (SCD) trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản… Còn Sembcorp Utilities (SCU) hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, SCU đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều pháp nhân như: Công ty Điện lực Phú Mỹ 3, Sembcorp Energy Việt Nam và Sembcorp Solar Vietnam…

Liên quan đến sự kiện trên, hãng tin Reuters đưa tin thêm về việc Việt Nam đàm phán với Sembcorp của Singapore để xây dựng một đường dây tải điện ngầm giữa hai nước. Sembcorp Utilities và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) một đơn vị thành viên của PVN đã đạt được thỏa thuận phát triển các dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore. Còn trong một tuyên bố riêng, PVN cho biết: Thỏa thuận này sẽ mở đường cho các công ty phát triển các trang trại điện gió với tổng công suất 2,3 GW vào năm 2030.

Thỏa thuận giữa Sembcorp và PTSC quy định chi tiết về cơ chế hợp tác, cơ chế ra quyết định, tỷ lệ góp vốn giữa các bên, kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị, triển khai dự án, cũng như kế hoạch thành lập công ty liên doanh khi đạt đầy đủ các điều kiện.

Sau thỏa thuận hợp tác, Sembcorp và PTSC sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn quốc tế chuyên nghiệp để bắt tay ngay vào việc triển khai nghiên cứu và thực hiện dự án.

Đối với những khó khăn về mặt kỹ thuật, bởi đường cáp ngầm xuyên biển đưa điện từ Việt Nam đến Singapore khá dài, ông Lê Mạnh Cường - Tổng giám đốc PTSC cho biết: Đây là một trong những thách thức của dự án, tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều dự án tương tự được triển khai, như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720 km, truyền tải 1.400 MW điện năng lượng tái tạo từ Na Uy tới Vương quốc Anh.

Được biết, hiện PTSC đã nộp hồ sơ xin khảo sát lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Tổng giám đốc PTSC: Trường hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép tiến hành khảo sát, sử dụng vùng biển, cũng như xuất khẩu điện, nhà đầu tư sẽ sớm triển khai dự án để có thể có nguồn điện gió thương mại vào năm 2030./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(THEO: CNC/EMA/VEA/Reuters - 2/2023)


Link tham khảo:

1/ https://www.channelnewsasia.com/singapore/singapore-electricity-sources-natural-gas-renewable-solar-energy-import-3252076

2/ https://www.ema.gov.sg/electricity-imports.aspx

3/ https://www.ema.gov.sg/ourenergystory

4/ https://nangluongvietnam.vn/khoi-dong-ke-hoach-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-viet-nam-de-xuat-khau-sang-singapore-30226.html

5/ https://www.reuters.com/business/energy/vietnam-talks-with-sembcorp-build-power-line-linking-singapore-2023-02-10/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động