RSS Feed for Chiến lược năng lượng quốc gia: Những vấn đề cần quan tâm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 20:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chiến lược năng lượng quốc gia: Những vấn đề cần quan tâm

 - Ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1835/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định gồm 4 điều: Điều 1, Phê duyệt chiến lược với 5 nội dung; Điều 2, Nhiệm vụ các bộ, ngành và các đơn vị liên quan; Điều 3, Hiệu lực của Quyết định; Điều 4, Trách nhiệm thi hành Quyết định. Ta cần quan tâm đặc biệt đến Điều 1, dưới đây nêu tóm tắt 5 nội dung của Điều 1.

Giảm nhiệt điện than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Phát triển nhiệt điện than trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Nên công bằng với thủy điện

ThS. TÔ QUỐC TRỤPhó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng VEA (VESB)

Quan điểm phát triển

- Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước;

- Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước;

- Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh hướng tới thỏa mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng;

- Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo;

- Ứng dụng các thành tựu của kinh tế trí thức. Coi trọng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng, giảm tỷ lệ tổn thất;

- Phát triển năng lượng gắn chặt với gìn giữ môi trường sinh thái.

Mục tiêu phát triển

Quyết định nêu mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu tổng quát là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ta cần quan tâm đến 11 mục tiêu cụ thể của Chiến lược là:

- Đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Năm 2010: 47,5 ~ 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); Năm 2020: 100 ~ 110 triệu TOE; Năm 2025: 110 ~ 120 triệu TOE; Năm 2050: 310 ~ 320 triệu TOE.

- Đánh giá chính xác các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và uranium).

- Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Công suất các nhà máy lọc dầu đạt khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020.

- Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt tiêu chuẩn bình quân 45 ngày vào năm 2010; 60 ngày vào năm 2020 và 90 ngày vào năm 2025.

- Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo trên tổng năng lượng thương mại sơ cấp 3% vào năm 2010; 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

- Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi. Năm 2010 đạt 95% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

- Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường phù hợp với khu vực và thế giới. Đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

- Chuyển mạnh các phân ngành than, dầu khí, điện sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Sau năm 2022 hình thành bán lẻ điện cạnh tranh. Từ nay đến năm 2015 hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí.

- Đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành năm 2020. Đến năm 2050 năng lượng điện hạt nhân chiếm 15-20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại trên toàn quốc.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Năm 2010 -2015: liên kết lưới điện khu vực bằng cấp điện áp 500 kV; Năm 2015~2020: liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực.

Định hướng phát triển

Quyết định đã nêu rõ định hướng phát triển của từng phân ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo.

Các chính sách

Quyết định nêu lên 5 chính sách là: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; Giá năng lượng; Đầu tư các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân; Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Các giải pháp thực hiện

Quyết định đã đưa ra 4 giải pháp thực hiện là: Đầu tư phát triển; Cơ chế tài chính; Phát triển nguồn nhân lực và Cơ chế tổ chức.

Việc thực thi Quyết định số 1855/QĐ-TTg nói trên tính đến thời điểm này đã gần 9 năm, nhận thấy nhiều mục tiêu cụ thể của Chiến lược không còn phù hợp, vì vậy rất cần thiết phải xây dựng hoàn chỉnh Chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia trên cơ sở chuẩn xác được tiềm năng các loại nguồn năng lượng, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ với Chiến lược - Quy hoạch phát triển của các phân ngành, chuyên ngành năng lượng của Việt Nam đã ban hành. Ta cần phân tích để đi đến đề nghị này là hợp lý và cấp thiết như trình bày ở dưới đây:

1. Tầm quan trọng của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Ngành Năng lượng là hạ tầng cơ sở quan trọng của nền kinh tế - xã hội, quan điểm phát triển ngành năng lượng là phải đảm bảo đi trước một bước. Ngành Năng lượng gồm các phân ngành Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo, Điện (trong phân ngành lại có các chuyên ngành, ví dụ: các chuyên ngành của phân ngành Năng lượng tái tạo là: gió, mặt trời, sinh khối, sinh khí, thủy triều, địa nhiệt; các chuyên ngành của phân ngành Điện là thủy điện, nhiệt điện, lưới điện,…) là một hệ thống lớn và thống nhất có mối quan hệ mật thiết với nhau, đầu ra của của phân ngành này là đầu vào của phân ngành kia và ngược lại.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải được Bộ Chính trị ban hành thành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là văn bản quan trọng nhất, là cơ sở pháp lý để xây dựng theo đúng trình tự và phải đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ khi triển khai lập Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch các phân ngành, chuyên ngành của ngành Năng lượng.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là căn cứ duy nhất để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quản lý ngành kinh tế quan trọng này, đồng thời cũng là cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước; các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đề xuất dự án thuộc các phân ngành, chuyên ngành năng lượng phù hợp, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của Chiến lược, Quy hoạch.

2. Thực trạng việc xây dựng Chiến lược, Quy hoạch ngành Năng lượng Việt Nam

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007, đưa ra định hướng phát triển từng phân ngành để các phân ngành dựa vào đó xây dựng quy hoạch phát triển cho giai đoạn đến năm 2020, đồng thời vạch ra mục tiêu lâu dài tầm nhìn đến năm 2050. Nếu các phân ngành hoàn thành tốt các dự án những năm đầu đến năm 2020 của Quy hoạch mà không phải điều chỉnh thì chắc chắn sẽ có tác động tốt đến việc thực hiện Chiến lược.

Nhìn lại thời gian qua, ngoài Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nêu trên, để đáp ứng yêu cầu và đặc thù của từng phân ngành, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan xây dựng và cho ban hành các Chiến lược, Quy hoạch phát triển các phân ngành Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo, Điện. Cụ thể nêu ra ở dưới đây:

Chiến lược

- Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015 định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 07/7/2008.

- Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/2006/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 sau khi có kết luận số 41-KL/TW ngày 19/01/2006 của Bộ Chính trị.

- Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 sau khi có Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị.

- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012.

- Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.

Quy hoạch

- Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030; Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 (QHT 60).

- Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 (QHT 60 điều chỉnh).

- Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 định hướng đến năm 2025; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011.

- Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 (QHĐ VI).

- Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 (QHĐ VII).

- Điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy hoạch một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013.

- Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (QHĐ VII điều chỉnh).

Từ thực trạng việc xây dựng chiến lược, quy hoạch của ngành Năng lượng diễn ra ở trên ta có một số nhận định sau:

a) Chưa đảm bảo đúng trình tự

Chiến lược năng lượng quốc gia phải thực sự đóng vai trò chỉ đạo, phải là chiến lược tổng thể của toàn ngành và cơ sở pháp lý cho việc lập chiến lược, quy hoạch các phân ngành. Quy hoạch Điện phải được lập sau Chiến lược, Quy hoạch các phân ngành Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo.

b) Chưa đảm bảo tính đồng bộ

Phân ngành Than và chuyên ngành Khí của phân ngành Dầu khí xây dựng cả Chiến lược, Quy hoạch trong khi chuyên ngành Dầu của phân ngành Dầu khí và phân ngành Năng lượng tái tạo chỉ xây dựng Chiến lược không xây dựng Quy hoạch, còn phân ngành Điện lại chỉ xây dựng Quy hoạch không xây dựng Chiến lược.

Được biết mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2016; sau khi Chiến lược này được phê duyệt sẽ là cơ sở để phân ngành Điện xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2040.

c) Chưa đảm bảo tính thống nhất

Các Chiến lược, Quy hoạch của các phân ngành không được xây dựng thống nhất cùng một thời kỳ chiến lược, thời kỳ quy hoạch phù hợp với thời kỳ của chiến lược năng lượng quốc gia là 2020-2050. (2015-2025; 2020-2030; 2025-2035; 2030-2050).

Việc sử dụng cụm từ về mục tiêu xem xét trong Chiến lược, Quy hoạch cũng không thống nhất (tầm nhìn đến, định hướng đến, có xét đến triển vọng đến, có xét đến…)

3. Sự cần thiết hoàn chỉnh Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg)

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg đến nay trên thực tế nhiều mục tiêu không còn phù hợp với tình hình mới. Việc hoàn chỉnh Chiến lược này là rất cấp thiết nhằm đảm bảo để Chiến lược giữ được vai trò chiến lược chủ đạo của toàn ngành Năng lượng, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch của các phân ngành Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo, Điện.

Những nội dung cần nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh tiến tới hoàn chỉnh để ban hành là:

a) Cập nhật triển vọng và phát triển nền kinh tế - xã hội của Việt Nam được thể hiện tại Báo cáo Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Đại hội Đảng XII thông qua; trong đó có nêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm này là 6,5~7%/năm, năm 2020 GDP đầu người đạt khoảng 3200~3500 USD, tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1~1,5%, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt 85%, phát triển cao ngành có lợi thế cạnh tranh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường…

b) Cập nhật các lợi thế của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sâu rộng từ năm 2015 đến nay (ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP, các Hiệp định thương mại tự do FTA với Liên minh Á - Âu, Liên minh châu Âu… và là thành viên của Cộng đồng ASEAN); tiếp cận các thành tựu của ngành năng lượng thế giới, đặc biệt là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; vượt qua những thách thức tác động xấu đến ngành Năng lượng do biến đổi khí hậu.

c) Cập nhật và xử lý để đi đến thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch các phân ngành đang có hiệu lực thi hành nêu ở Mục 2 trên (trừ một Chiến lược và ba Quy hoạch đã loại bỏ là: Quyết định 386/2006/QĐ-TTg; QHT 60, QHĐ VII và Quyết định 2414/QĐ-TTg).

d) Sửa chữa, điều chỉnh một số mục tiêu phát triển của Chiến lược sau đây:

- Thời gian đưa vào vận hành tổ máy điện hạt nhân đầu tiên (năm 2028).

- Lộ trình phát triển thị trường điện và thị trường kinh doanh than, dầu khí.

- Theo Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương): Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM) thí điểm: 2021-2023; chính thức: Từ 2023.

- Xem lại thời gian liên kết lưới điện khu vực bằng cấp điện áp 500 kV và liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực.

đ) Chỉ xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than có công nghệ hiện đại, thông số hơi mới siêu và cực siêu tới hạn, hiệu suất cao, giảm tối đa tác động xấu đến môi trường.

e) Giải trình về phân ngành Năng lượng tái tạo và chuẩn xác tỷ trọng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo trên tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu.

Trong Chiến lược đề cập đến nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân.

Đề nghị gọi đây là phân ngành Năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch gồm các chuyên ngành: thủy điện nhỏ (không gây tác động xấu đến môi trường), gió, mặt trời, sinh khối - sinh khí, địa nhiệt, thủy triều. Các chuyên ngành điện hạt nhân, thủy điện lớn và vừa - thủy điện tích năng đưa vào phân ngành điện.

Về tỷ trọng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo trên tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu cần rà soát lại Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) và QHĐ VII điều chỉnh (Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016) có khác nhau, do đó cần thẩm tra lại trước khi đưa chỉ tiêu tỷ trọng này vào Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

g) Bổ sung các chỉ tiêu về nhu cầu năng lượng

Về mục tiêu đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị bổ sung các chỉ tiêu về nhu cầu than (triệu tấn), dầu (triệu tấn), khí (tỷ m3), điện (tỷ kWh).

h) Về chính sách

Bổ sung Chính sách chủ trương nội địa hóa hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo mới về năng lượng của thế giới trong tương lai (theo từng chuyên ngành).

4. Sáu đề nghị

Cơ sở hạ tầng năng lượng là một trong các yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên Chiến lược phát triển ngành năng lượng, Chiến lược và Quy hoạch phát triển các phân ngành Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo, Điện đã được Đảng và Chính phủ ban hành không những chỉ các bộ, ngành, các cơ quan, các tổ chức có liên quan đến ngành Năng lượng mà còn cả cộng đồng xã hội và mọi người dân quan tâm, luôn theo sát quá trình thực hiện cũng như hy vọng vào thành quả đạt được.

Từ những nhận định, phân tích để tìm ra những thành tích nên phát huy cũng như những bất cập còn tồn tại, cần khắc phục và xét thấy phải xác định đúng tầm nhìn mới về ngành Năng lượng Việt Nam trong ngắn hạn, dài hạn một cách đồng bộ, thống nhất hoàn chỉnh.

Dưới đây là sáu đề nghị khi xây dựng hoàn chỉnh Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong năm 2017.

(1) Khẩn trương đánh giá rút kinh nghiệm về việc thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 ban hành năm 2007, đồng thời rà soát các Chiến lược, Quy hoạch các phân ngành đang có hiệu lực thi hành, từ đó triển khai xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ cả hệ thống văn bản Chiến lược, Quy hoạch của ngành năng lượng, thống nhất về Kỳ Chiến lược và Kỳ Quy hoạch.

Trước mắt hoàn thành Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Chính trị trong Quý I năm 2017.

(2) Bộ Chính trị có Nghị quyết về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược này trong năm 2017.

Do áp dụng biện pháp triển khai song song nên các chiến lược quy hoạch của các phân ngành cũng được hoàn chỉnh đồng bộ với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới và ban hành đồng loạt trong năm 2017. Thống nhất thời điểm có xét triển vọng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

(3) Năng lượng ngày càng quý hiếm, việc triển khai và sử dụng hài hòa, lâu dài các nguồn năng lượng là yêu cầu cấp bách không chỉ với một quốc gia mà còn có ý nghĩa toàn cầu, chi phí năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn xã hội xét dưới góc độ an ninh năng lượng thì còn ảnh hưởng tới độc lập tự chủ của mỗi quốc gia. Vì thế, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng là điều không thể trì hoãn.

Trong lúc chưa có Bộ chuyên ngành, Bộ Công Thương dành sự quan tâm đến chỉ đạo ngành Năng lượng, vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn vừa là động lực vừa là nền tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển phục vụ đời sống nhân dân.

Việc thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia do Phó Thủ tướng phụ trách ngành là Trưởng ban là vô cùng cần thiết. Ban chỉ đạo ra đời, hoạt động hiệu quả sẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với việc thực hiện tốt nhất Đề án Chiến lược quan trọng này.

(4) Đảng và Chính phủ có cơ chế chính sách thiết thực nhằm đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, trước mắt có chủ trương rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến hỗ trợ phát triển năng lượng, loại bỏ các văn bản không còn phù hợp, ban hành kịp thời các văn bản mới hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư vào ngành Năng lượng.

(5) Chính sách sử dựng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được nhấn mạnh và đưa ra biện pháp mạnh để thực hiện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt vào năm 2017. Trên phương diện tổng thể, Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng có cường độ năng lượng thấp, áp dụng công nghệ mới, sản xuất các trang thiết bị hiệu suất cao, khuyến khích về thuế cho các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm năng lượng, trợ giá cho đầu tư các dây chuyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các dự án tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng cho thiết bị…

Đối với các tập đoàn có chức năng sản xuất năng lượng sơ cấp cần triệt để tiết kiệm chi phí trong cả quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng; đối với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất điện cần phấn đấu giảm tổn thất điện năng tự dùng trong vận hành ở các nhà máy điện, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phấn đấu giảm tổn thất truyền tải, phân phối điện và phát triển lưới điện thông minh nhằm khai thác hiệu quả tối đa hệ thống năng lượng.

(6) Chính sách nội địa hóa ngành năng lượng Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới về lĩnh vực này của thế giới, tạo điều kiện cho ngành Cơ khí phát triển; đây là ngành công nghiệp nền tảng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước. Đối với ngành Năng lượng Việt Nam, công nghiệp cơ khí luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình nỗ lực phấn đấu để thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động