RSS Feed for Cắt giảm nhiệt điện than trên thế giới: Nhìn từ thực tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 21:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cắt giảm nhiệt điện than trên thế giới: Nhìn từ thực tế

 - Trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, báo cáo đưa nhiều thông tin về phong trào cắt giảm nhiệt điện than trên thế giới dưới tiêu đề gọi là "xu hướng cắt giảm nhiệt điện than của thế giới" với hàm ý là trào lưu, xu thế để cảnh báo cho Việt Nam phải noi theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cái gọi là "thế giới đang quay lưng lại", hay "thế giới đang bỏ dần" nhiệt điện than... là điều không thực tế.

Thực hư thông tin 4.300 người chết mỗi năm do nhiệt điện than


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Báo Dân trí (11/1/2018) đưa tin Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói: "Việt Nam không thể sử dụng nguồn lực nhiệt điện than 30 năm nữa trong khi thế giới đang quay lưng lại", "Trung Quốc đang là quốc gia lớn nhất về phát triển kinh tế năng lượng mặt trời, họ thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi".

Đài Truyền hình Việt Nam (17/11/2017 07:26 GMT+7): "Hôm qua 16/11/2017, 20 quốc gia và 2 bang của Mỹ đã tham gia vào một liên minh quốc tế để loại bỏ than đá khỏi sản xuất điện vào trước năm 2030".

Báo Thanh niên ngày 19/11/2017 trong bài "Thiên tai không chừa 1 ai" nêu trong ngày 17/11/2017, ngày cuối cùng của COP23: "Đáng chú ý nhất là 20 nước quyết định không sử dụng than kể từ năm 2030 và sự ra đời của một liên minh chống sử dụng than đá. Theo đó, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Ý, New Zeland, Costa Rica, Fiji, Mexico, Canađa và khoảng 10 quốc gia khác đã cam kết chấm dứt dùng than để sản xuất điện vào năm 2030. Riêng Pháp, trong 3 năm nữa sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện dùng than".

Báo Công an Nhân dân ngày 18/11/2017: 20 nước tuyên bố thành lập "Liên minh chống sử dụng than đá".

Báo điện tử VTV (vtv.vn) Chủ nhật, ngày 26/03/2017 12:54 GMT+7 trong bài: Các nhà máy nhiệt điện than đã "hết thời"? nêu: "Theo thống kê, số dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu đã giảm gần 1 nửa trong năm 2016. Số liệu báo cáo của BBC cho thấy, ngoài việc số đề án trong giai đoạn tiền xây dựng giảm 48%, năm 2016 cũng chứng kiến những công trình xây mới các nhà máy nhiệt điện than giảm 62%. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này phần lớn là do những thay đổi chính sách cũng như điều kiện kinh tế tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước sản xuất nhiệt điện từ than đá lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại (tức đầu năm 2017), nước này đã đóng cửa 250 nhà máy điện than".

TBKTSG Online thứ Ba,  21/7/2015, 09:17 đưa tin: Tại hội thảo "Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" được tổ chức ngày 17-7-2015 tại Cần Thơ, ông Lâm Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, đặt vấn đề: "Nhiệt điện than tuy có điều kiện phát triển, nhưng qua phân tích của một số nhà chuyên môn, nó là mối đe dọa, thế giới đang bỏ dần. Như vậy, tại sao chúng ta lại đi theo điện than mà không tìm giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối, điện gió hay điện mặt trời?", vv. và vv...

Vậy thực tế thực hiện phong trào này thế nào và kết quả ra sao để qua đó rút ra điều cần tham khảo cho Việt Nam và xem xét liệu chúng ta có đi ngược xu thế đó hay không?

Để trả lời câu hỏi đó, trong bảng dưới đây nêu tình hình sản xuất điện nói chung cũng như nhiệt điện than nói riêng trong năm 2016 - 2017 của thế giới và của các nước đại diện, trong đó có một số nước thành viên Liên minh chống sử dụng than đá, hoặc phong trào giảm điện than, hay từ bỏ sử dụng than đá được nêu trong các bản tin trên đây.

 

Nước

Tổng sản lượng điện, tỷ kWh

Sản lượng nhiệt điện than, tỷ kWh

2016

2017

2017 so với 2016

2016

2017

2017 so 2016

Tỷ kWh

%

Tỷ kWh

%

Tỷ kWh

% tổng SL điện

Thế giới

24930,2

25551,3

621,1

2,5

9451,0

9723,4

38,1

272,3

2,9

Mỹ

4347,9

4281,8

-66,1

-1,5

1346,2

1314,0

30,7

-32,2

-2,4

Canađa

664,6

693,4

28,8

4,3

65,8

76,1

11,0

10,3

15,65

Mêxicô

320,3

315,0

-5,3

1,7

34,4

31,0

9,8

-3,4

-9,9

Brazil

578,9

590,9

12,0

2,1

26,1

25,2

4,3

-0,9

-3,4

LB Đức

649,1

654,2

5,1

0,8

261,7

242,2

37,0

-19,5

-7,5

Ý

289,8

295,4

5,6

1,9

38,4

32,8

11,1

-5,6

-14,6

Hà Lan

115,2

116,6

1,4

1,2

36,7

31,4

26,9

-5,3

-14,4

Ba Lan

166,6

170,3

3,7

2,2

132,9

134,1

78,7

1,2

0,9

Tây Ban Nha

274,6

275,4

0,8

0,3

37,4

45,1

16,4

7,7

20,6

VQ Anh

339,4

335,9

-3,5

-1,0

30,7

22,6

6,7

-8,1

-26,4

Thổ Nhĩ Kỳ

274,4

295,5

21,1

7,7

92,3

97,6

33,0

5,3

5,7

Các nước châu Âu khác

1748,6

1758,0

9,4

5,4

230,8

235,6

13,4

4,8

2,1

EU

3254,6

3286,6

32,0

1,0

719,4

693,8

21,1

-25,6

-3,6

Kazắkhxtan

94,6

103,0

8,4

8,8

60,6

64,3

62,4

3,7

6,1

LB Nga

1091,0

1091,2

0,2

0,02

149,3

153,3

14,0

4,0

2,7

Ucraina

164,6

157,1

-7,5

-4,6

61,2

50,6

32,2

-10,6

-17,3

Nam Phi

252,7

255,1

2,4

0,95

223,2

223,8

87,7

0,6

0,3

Úc

259,4

259,4

0

0

162,3

159,1

61,3

-3,2

-2,0

Trung Quốc

6133,2

6495,1

361,9

5,9

4163,6

4360,9

67,1

197,3

4,7

Ấn Độ

1421,5

1497,0

75,5

5,3

1090,4

1141,4

76,2

51,0

4,7

Hàn Quốc

561,0

571,7

10,7

1,9

235,6

264,4

46,2

28,8

12,2

Nhật Bản

1002,3

1020,0

17,7

1,8

330,9

342,5

33,6

11,6

3,5

Đài Loan

264,1

270,3

6,2

2,3

120,0

126,4

46,8

6,4

5,3

Inđônêxia

248,6

260,4

11,8

4,7

135,4

152,3

58,5

16,9

12,5

Malaysia

159,3

162,3

3,0

1,9

70,9

72,5

44,7

1,6

2,3

Thái Lan

179,7

176,6

-3,1

-1,7

37,1

35,7

20,2

-1,4

-3,8

 


 

 Nguồn: [1]. Ghi chú: Các nước châu Âu khác (1) là các nước còn lại, không bao gồm 7 nước: Đức, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và khối Cộng đồng các quốc gia độc lập - CIS.


Qua số liệu ở bảng trên cho thấy: năm 2017 so với 2016 có nhiều nước tăng sản lượng điện nói chung và nhiệt điện than nói riêng, ngược lại cũng có nhiều nước giảm cả sản lượng điện và nhiệt điện than, song xu hướng tăng vẫn mạnh hơn, dẫn đến tính chung toàn thế giới tổng sản lượng điện tăng thêm là 621,1 tỷ kWh, bằng 2,5%, trong đó sản lượng nhiệt điện than tăng 272,3 tỷ kWh, bằng 2,9%.

Như vậy, sản lượng nhiệt điện than toàn thế giới có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của tổng sản lượng điện và chiếm tới 43,8% sản lượng tăng thêm của tổng sản lượng điện. Đặc biệt, vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất tới 38,1%, vượt xa điện khí đứng thứ hai 23,1%; thủy điện thứ ba 15,9%; điện hạt nhân thứ tư 10,3%.   

Một thực tế có liên quan cần quan tâm thêm để có sự nhận thức cho đầy đủ, thấu đáo trước khi "xem số bắt chữ" là: Năm 2017 sản lượng điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) tăng thêm 309,1 tỷ kWh, chiếm 49,8% sản lượng điện tăng thêm, các nguồn điện còn lại tăng thêm 39,7 tỷ kWh, chỉ đóng góp 6,5% sản lượng điện tăng thêm. Có điều, tuy sản lượng điện NLTT tăng đáng kể nhưng tổng sản lượng điện NLTT cũng mới chỉ chiếm 8,4% tổng sản lượng điện toàn thế giới. Hơn nữa điện NLTT chủ yếu chỉ tăng tương đối đáng kể ở một số nước như Trung Quốc tăng 110,8 tỷ kWh (chiếm 35,8% sản lượng điện NLTT tăng thêm của toàn thế giới). Tiếp theo là: Mỹ: tăng 51,5 tỷ kWh (chiếm 16,7%), Đức: tăng 29,0 tỷ kWh (chiếm 9,4%), Ấn Độ: tăng 15,7 tỷ kWh (chiếm 5,1%), Nhật Bản và Anh đều tăng 15,1 tỷ kWh và chiếm 4,9%. Tổng cộng 6 nước tăng 253,8 tỷ kWh, chiếm 82,1%; còn lại các nước tăng 55,3 tỷ kWh, chiếm 17,9%.  

Điều đó cho thấy cái gọi là "thế giới đang quay lưng lại", hay "thế giới đang bỏ dần" nhiệt điện than... là điều không thực tế và "vơ đũa cả nắm" như sẽ nêu dưới đây.

Các nước có xu hướng tăng nhiệt điện than gồm có: Trung Quốc tăng 197,351 tỷ kWh, bằng 4,7%; Ấn Độ: tăng 51 tỷ kWh, bằng 4,7%; Nam Phi: tăng 0,6 tỷ kWh, bằng 0,3%; Nhật Bản: tăng 11,6 tỷ kWh, bằng 3,5%; Inđônêxia: tăng 16,9 tỷ kWh, bằng 12,5%; Malaixia: tăng 1,6 tỷ kWh, bằng 2,26%; Hàn Quốc: tăng 27,8 tỷ kWh, bằng 11,8%; Đài Loan: tăng 6,4 tỷ kWh, bằng 5,3%; Ba Lan: tăng 1,3 tỷ kWh, bằng 0,9%; Tây Ban Nha: tăng 7,7 tỷ kWh, bằng 20,6%; Thổ Nhĩ Kỳ: tăng 5,3 tỷ kWh, bằng 5,7 %. Còn các nước châu Âu khác (1): tăng 4,8 tỷ kWh, bằng 2,1%; LB Nga: tăng 4,0 tỷ kWh, bằng 2,7%; Kazắkhxtan: tăng tỷ 3,7 tỷ kWh, bằng 6,1 %; Canađa: tăng 10,3 tỷ kWh, bằng 15,7%, vv...

Như vậy, các nước tăng nhiệt điện than có đủ các thành phần, bao gồm: 

1/ Có cả ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

2/ Các nước có tài nguyên than và không có tài nguyên than phải nhập khẩu than (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaixia…).

3/ Các nước phát triển và đang phát triển.

4/ Các nước có nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao, trung bình và thấp (Canađa, LB Nga, Tây Ban Nha) trong cơ cấu nguồn điện.

5/ Các nước có mức phát thải cao (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ka-dắc-xtan, LB Nga…), trung bình và thấp.

6/ Các nước không và có tham gia "Liên minh chống sử dụng than đá" (Canađa).

Tóm lại, nhiệt điện than tăng chủ yếu do nhu cầu và điều kiện của từng nước, trong đó nhân tố chủ đạo là nguồn tài nguyên than sẵn có trong nước và khả năng tiếp cận nguồn than ở nước ngoài. Ngay như Canađa có tiềm năng thủy điện lớn, chiếm tới 57,2% và tham gia Liên minh chống sử dụng than đá, cam kết sẽ chấm dứt sử dụng than vào năm 2021-2022, song vẫn tăng nhiệt điện than và sản lượng than năm 2017 vẫn khoảng 65 triệu tấn (chỉ giảm 2,2% so với 2016), trong khi điện NLTT - gió, mặt trời mới đạt 6,6% tổng sản lượng điện.

Điều đó cho thấy, những thông tin: "Trung Quốc thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi", hay "Số đề án trong giai đoạn tiền xây dựng giảm 48%, năm 2016 cũng chứng kiến những công trình xây mới các nhà máy nhiệt điện than giảm 62%. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này phần lớn là do những thay đổi chính sách cũng như điều kiện kinh tế tại Ấn Độ và Trung Quốc", v.v… Nếu không phải là tin đồn thất thiệt thì cũng thiếu tin cậy và chỉ có dụng ý quảng cáo, tuyên truyền, cổ súy cho mục tiêu phi thực tế. Rõ ràng nhiều nước đang vì lợi ích của đất nước mình là trên hết với mục tiêu "Đảm bảo an ninh năng lượng và tiết kiệm chi phí" mà "liệu cơm, gắp mắm" tùy theo điều kiện thực tế của mình chứ không phải liều mình "nhắm mắt đưa chân".

Các nước có xu hướng giảm nhiệt điện than gồm có: Mỹ: giảm 32,2 tỷ kWh, bằng -2,4%; Mêxicô: giảm 3,4 tỷ kWh, bằng -9,9%; Brazil: giảm 0,9 tỷ kWh, bằng -3,4%; LB Đức: giảm 19,5 tỷ kWh, bằng -7,5%; Ý: giảm 5,6 tỷ KWh, bằng -14,6%; Hà Lan: giảm 5,3 tỷ kWh, bằng -14,4%, Vương quốc Anh: giảm 8,1 tỷ kWh, bằng -26,4%. Tổng cộng các nước EU: giảm -25,6 tỷ kWh, bằng 3,6%; Ucraina: giảm 10,6 tỷ kWh, bằng -17,3%; Úc: giảm 3,2 tỷ kWh, bằng -2%; Thái Lan: giảm 1,4 tỷ kWh, bằng -3,8%.

Các nước giảm nhiệt điện than do nhiều nguyên nhân và tùy theo từng nước, có nước là do mục đích giảm phát thải, nhưng cũng có nước do cạn kiệt nguồn than trong nước, do giảm sản lượng điện, do có nguồn điện khí, điện nguyên tử, thủy điện... có lợi hơn thay thế.

Chẳng hạn, một số nước giảm nhiệt điện than chủ yếu vì mục tiêu giảm phát thải được thể hiện qua mức giảm nhiệt điện than và mức tăng điện NLTT như: Mỹ tương ứng là: giảm 32,2 tỷ kWh và tăng 51,5 tỷ kWh; Đức: giảm 19,5 kWh và tăng 29,0 kWh, Vương quốc Anh: giảm 8,1 kWh và tăng 15,1 kWh, vv...

Tuy nhiên, Mỹ với tư cách là nước có mức phát thải CO2 cao thứ 2 thế giới về quy mô cả nước (sau Trung Quốc) và tính theo đầu người (sau Úc), lẽ ra Mỹ phải cắt giảm mạnh phát thải hơn nữa, trong đó có phát thải từ nhiệt điện than, song quốc gia này đã tuyên bố rút khỏi cam kết COP21-Pari và bỏ quy định hạn chế khai thác than, dầu, khí.

Ngoài ra, việc giảm nhiệt điện than năm 2017 cũng có phần do giảm tổng sản lượng điện tới 66,1 tỷ kWh.

Còn một số nước giảm nhiệt điện than không hẳn vì mục tiêu giảm phát thải mà chủ yếu vì lý do khác (như giảm sản lượng điện và có các nguồn điện chủ lực khác thay thế). Chẳng hạn như Ucraina (sản lượng điện giảm 7,5 tỷ kWh; điện NLTT chỉ tăng 0,1 tỷ kWh và tỷ trọng chiếm 1,1%, điện hạt nhân chiếm 54,5%), Thái Lan (nhiệt điện than giảm 1,4 tỷ kWh không đáng kể, sản lượng điện giảm 3,1 tỷ kWh, điện khí mặc dù tỷ trọng chiếm tới 68,5% cũng giảm 5,1 tỷ kWh), Úc (nhiệt điện than giảm 3,2 tỷ kWh không đáng kể so với sản lượng điện than, còn điện NLTT chỉ tăng 1,1 tỷ kWh, mặc dù là nước có mức phát thải CO2 tính theo đầu người cao nhất), vv...

Điều đáng lưu ý là trong số các nước giảm nhiệt điện than, có nước nhiệt điện than tuy giảm nhưng quy mô vẫn rất lớn và vẫn giữ vai trò chính, chiếm tỷ trọng cao trên tổng sản lượng điện, như Úc (chiếm tỷ trọng cao nhất 61,3%), LB Đức (chiếm tỷ trọng cao nhất 37%; công suất đặt của nhiệt điện than từ năm 2012- 2018 chỉ giảm từ 46.450 MW xuống 46.250 MW) [4], Mỹ (tỷ trọng 30,7%, chỉ đứng sau điện khí chiếm 32%), Hà Lan (tỷ trọng 26,9%, chỉ thấp hơn điện khí chiếm 48,3%)…  Còn một số nước nhiệt điện than quy mô nhỏ và chiếm tỷ trọng rất thấp, thậm chí không đáng kể. Ví dụ như Brazil (chỉ chiếm 4,3%, trong khi thủy điện chiếm tới 62,5%), Mêxicô (9,8%, trong khi nhiệt điện khí chiếm tới 57,5%), Ý (11,1%, trong khi điện khí chiếm 49,0%), Vương quốc Anh (6,7%, trong khi điện khí chiếm 39,7%, điện nguyên tử 20,9% và điện NLTT 27,7%), vv...

Đặc biệt, các nước EU nhìn chung việc giảm nhiệt điện than vừa do phát thải quá mức nên phải giảm, còn do tài nguyên than cạn kiệt và được thay thế bằng các nguồn điện từ các nguồn năng lượng khác ngoài than như điện khí, điện nguyên tử, đồng thời có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển điện NLTT nhờ trình độ phát triển kinh tế cao và do có lưới điện liên kết giữa các nước trong khối nên có thể điều tiết cho nhau. Đây là điều kiện thuận lợi mà các nước ở các khu vực khác chưa có được.

Chẳng hạn LB Đức khi thừa thì xuất khẩu, khi thiếu thì nhập khẩu. Ví dụ năm 2017, Đức đã bán phần dư thừa công suất (68.454GWh) trong từng thời điểm của điện gió và điện mặt trời cho các nước trong khu vực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời mua lại phần công suất thiếu hụt (15.615 GWh) từ Pháp (có 71,61% sản lượng là điện hạt nhân) và một số nước khác để đảm bảo ổn định hệ thống điện mà không phải thay đổi công suất phát của các nguồn điện truyền thống [4], nhờ đó mà điện NLTT của Đức chiếm tới 30,3%, chỉ đứng sau điện than.

Tương tự, các nước khác trong EU cũng có được điều kiện thuận lợi đó.

Về "Liên minh chống sử dụng than đá - PPCA" được thành lập tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) (năm 2017) tại thành phố Bonn, miền Nam nước Đức, gồm 20 quốc gia, trong đó có Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Ý, Canađa, Mêxicô, Costa Rica, El Salvador, Fiji, Quần đảo Mashall, New Zealand,… theo sự khởi xướng của Anh, Canađa và quần đảo Marshall. Theo các cam kết ban đầu, Anh sẽ dừng dùng than từ năm 2023, Canađa và Pháp sẽ chấm dứt sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch "bẩn" này sớm hơn, vào năm 2021-2022.

Về vấn đề này, có nhận xét là: Trong số các nước tham gia Liên minh, trừ Canađa và Mêxicô, còn lại các nước khác hầu như không có, hoặc sắp hết tài nguyên than và nhiệt điện than chiếm tỷ trọng nhỏ, hoặc không đáng kể, cho nên việc "chống sử dụng than đá" chỉ là hình thức. Ví dụ như Anh là một trong 3 nước khởi xướng chỉ có trữ lượng than còn lại 70 triệu tấn và nhiệt điện than chỉ chiếm 6,7% sản lượng điện năm 2017, do đó việc cam kết giảm dần và dừng dùng than từ năm 2023 chẳng khác gì một người đang lớn biết chiếc áo đang mặc trên mình sắp hết thời và quá chật, cam kết rằng sau 1 năm nữa sẽ bỏ chiếc áo đó.

Tương tự, Pháp cũng vậy, không còn than, trong cơ cấu nguồn điện chủ yếu là điện hạt nhân, chiếm tới 71,61% tổng sản lượng điện. Còn Canađa cam kết sẽ chấm dứt sử dụng than vào năm 2021-2022, nhưng thực tế như đã nêu trên, năm 2017 nhiệt điện than không những không giảm mà còn tăng so với 2016 là 10,3 tỷ kWh, bằng 15,7%, trong khi sản lượng than năm 2017 của nước này khoảng 65 triệu tấn.

Còn tất cả các nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới, có nhiều tài nguyên than như: Trung Quốc, Đức, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Úc, U-crai-na, In-đô-nê-xia, Ka-dắc-xtan, Ba Lan và các nước nhập khẩu than nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, vv... đều không tham gia Liên minh.

Như vậy, chúng ta cần tỉnh táo xem xét cái gọi là: "Liên minh chống sử dụng than đá", hay "Nhiều quốc gia dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá" để đừng "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" mà "xôi hỏng bỏng không" hoặc "sa cơ lỡ vận".

Từ thực tế cắt giảm nhiệt điện than của thế giới nêu trên phản ánh một điều rằng, giảm phát thải CO2 nói chung, trong đó có giảm phát thải từ nhiệt điện than là cuộc chiến lâu dài của toàn nhân loại. Thực tế thực hiện của các nước cho thấy cũng phải tùy theo hoàn cảnh của nước mình mà có lộ trình, cách ứng xử cho phù hợp với phương châm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước là trên hết.   

Việc cắt giảm lượng phát thải CO2 nói chung, trong đó có giảm nhiệt điện than, trách nhiệm trước hết là các nước hiện có mức phát thải cao quá mức (như Mỹ, Úc, Trung Quốc và các nước phát triển). Với các nước này phải thực hiện ngay việc giảm phát thải, trong đó có giảm nhiệt điện than (giống như người đã bị bệnh nặng phải uống thuốc liều cao điều trị ngay).

Còn đối với các nước có mức phát thải thấp thì chủ yếu chỉ phòng ngừa, chưa phải giảm phát thải (tức chưa cần uống thuốc điều trị bệnh), mà vẫn có thể phát triển nhiệt điện than một cách hợp lý tùy theo điều kiện thực tế của mình để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân. Do đó không thể lấy việc giảm phát thải của các nước có mức phát thải cao để áp đặt cho các nước có mức phát thải thấp phải thực hiện. 

Thế giới cũng không quy định như vậy, điều đó được thể hiện rõ ở Nghị định Kyoto trước đây và COP21 hiện nay. Chẳng hạn, Việt Nam cam kết COP21 đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính bằng nội lực trong nước và nếu có hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế (song phương và đa phương) thì phấn đấu giảm 25%. Mức giảm này không phải là so với mức phát thải hiện có tại thời điểm cam kết (năm 2015) mà là so với mức phát thải theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội nói chung và năng lượng nói riêng đã đề ra đến năm 2030.

Thực hiện cam kết đó, trong ngành năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 bằng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/Q Đ-TTg ngày 18/3/2016. Theo đó, ngoài việc tăng cường phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đã điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than xây dựng mới.

Cụ thể, đến năm 2020 giảm tổng công suất từ 36.000 MW và sản lượng điện 156 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (trước đây) xuống còn tương ứng là 26.000 MW và 131 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (điều chỉnh); năm 2030 giảm từ 75.000 MW và 394 tỷ kWh xuống còn 55.300 MW và 304 tỷ kWh. Theo đó, sản lượng than tiêu thụ cho sản xuất điện đã giảm tương ứng: năm 2020 từ 67,3 triệu tấn xuống 63 triệu tấn, giảm 4,3 triệu tấn, bằng 6,4%; năm 2030 từ 171 triệu tấn xuống 129 triệu tấn than, giảm 42 triệu tấn, bằng 24,6%.

Như vậy, xét về mặt lý, từ tỷ lệ % giảm sản lượng than cho sản xuất điện có thể suy ra Việt Nam trên thực tế đã triển khai thực hiện mục tiêu giảm mức phát thải theo cam kết COP21 trong lĩnh vực nhiệt điện than. Nói như thế không có nghĩa là mục tiêu đã chốt và mọi vấn đề của nhiệt điện than Việt Nam đã được giải quyết. Trên thực tế quả thực còn bề bộn nhiều vấn đề và mục tiêu đạt được sẽ tùy thuộc vào mức độ thành công trong việc giải quyết các vấn đề đó.   

Một điều quan trọng nữa là, việc giảm phát thải nhiệt điện than không chỉ nhất thiết là giảm quy mô nhiệt điện than mà còn thông qua cải tiến công nghệ sản xuất điện than theo hướng nâng cao hiệu suất, nhờ đó giảm tiêu hao than, giảm mức phát thải, nâng cao hiệu quả và sạch hơn để vẫn phát triển nhiệt điện than nhưng mức phát thải giảm đi, không tăng theo quy mô nhiệt điện than tăng thêm. Điều này đặc biệt cần quan tâm đối với các nước hiện có mức phát thải thấp, trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ thích đáng về tài chính, công nghệ để thực hiện.


Tài liệu tham khảo:

1/ BP Statistical Review of World Energy 2017 &2018.

2/ Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online ngày 31/01/2018.

3/ Nguyễn Đức Thắng - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là rất có hại cho đất nước.

4/ Lã Hồng Kỳ - Đỗ Thị Minh Ngọc: Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện (Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 2018).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động