RSS Feed for Các thử nghiệm mua bán điện xuyên biên giới và kế hoạch nhập khẩu điện của Singapore | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 26/11/2024 22:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các thử nghiệm mua bán điện xuyên biên giới và kế hoạch nhập khẩu điện của Singapore

 - Singapore có kế hoạch nhập khẩu điện để tăng cường an ninh, đa dạng hóa nguồn cung, nhập khẩu tới 4 gigawatt (GW) điện carbon thấp vào năm 2035, tương đương khoảng 30% tổng nguồn cung. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật về kế hoạch nhập khẩu điện sạch, các thử nghiệm mua bán điện xuyên biên giới của Singapore và trả lời cho câu hỏi: Vì sao truyền tải bằng cáp ngầm lại được quốc gia này lựa chọn?...
Những sửa đổi cần có để Việt Nam xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore Những sửa đổi cần có để Việt Nam xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore

Liên danh PTSC - Sembcorp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khảo sát vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án điện gió ngoài khơi, xuất khẩu sang Singapore. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến chủ trương xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt nội dung báo cáo để bạn đọc tham khảo.

Singapore hướng tới mục tiêu 4 GW điện tái tạo vào năm 2035:

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nguồn tin từ Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore cho biết: Quốc đảo này sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 GW điện năng lượng tái tạo từ Việt Nam, đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ hàng năm. Cụ thể, tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, ông Tan See Leng - Bộ trưởng Nhân lực, kiêm Bộ trưởng (thứ hai) về Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết: Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) đã cấp phép có điều kiện để Sembcorp Utilities nhập khẩu điện từ Việt Nam thông qua Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Sembcorp hiện là một trong những tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng hàng đầu Singapore có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực châu Á. Đánh giá về tiềm năng điện sạch của Việt Nam, Sembcorp cho biết: Là quốc gia nằm bên bờ Biển Đông, có tiềm năng điện gió rất dồi dào, các trang trại gió ngoài khơi ở Việt Nam có thể bắt đầu sản xuất điện từ năm 2033 với giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu của Singapore.

Sembcorp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ bắt tay vào việc phát triển đề xuất dự án và nỗ lực để đạt được giấy phép có điều kiện và giấy phép nhập khẩu từ EMA, cũng như giấy phép xuất khẩu từ Việt Nam. Hợp đồng với Việt Nam dựa theo các thỏa thuận tương tự với Indonesia (2 GW) và Campuchia (1 GW). Việc nhập khẩu năng lượng sạch đầu tiên vào Singapore đã bắt đầu vào tháng 6 năm ngoái, Cụ thể, quốc gia này đã nhập khẩu 100 MW thủy điện từ Lào thông qua dự án Tích hợp Điện lực Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore.

Với sự kiện nói trên, Singapore có thể đạt được mục tiêu nhập khẩu 4 GW điện carbon thấp vào năm 2035, khi các dự án này được triển khai. Hoạt động có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2033, tùy thuộc vào sự chấp thuận của chính quyền. “Với sáng kiến này, Singapore tiếp tục nghiên cứu khả năng thực hiện nhiều dự án nhập khẩu điện hơn, có tính đến an ninh năng lượng và cân nhắc chi phí” - Ông Tan See Leng nói trước báo giới hôm 24/10.

Vì sao truyền tải bằng cáp ngầm được chọn?

Theo Sembcorp, sở dĩ dự án chọn truyền tải thông qua các tuyến cáp ngầm có chiều dài khoảng 1.000 km là có tính đến nhiều lý do. Một nghiên cứu giữa Singapore và Hoa Kỳ cho thấy: Các kết nối dưới biển trong khu vực sẽ giúp giảm phát thải, giảm chi phí vốn và chi phí O&M (vận hành, bảo trì), đồng thời tăng cường triển khai năng lượng tái tạo. Hơn nữa, còn có cơ hội đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải dưới biển. MTI và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết: Những kết quả của nghiên cứu này sẽ thúc đẩy sự thay đổi tư duy về cách kết nối lưới điện khu vực và các dự án xuyên biên giới có thể giải phóng tiềm năng năng lượng tái tạo. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển của lưới điện ASEAN, vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm.

Ông Tan See Leng cũng thông báo: Cả hai quốc gia sẽ lên kế hoạch cho giai đoạn hai của nghiên cứu, trong đó sẽ tập trung vào khuôn khổ quản trị và tài chính để thực hiện các dự án buôn bán năng lượng xuyên biên giới. Để quản lý tốt hơn nhu cầu năng lượng, EMA và Singapore Power (SP) sẽ thí điểm một chương trình, trong đó các hộ gia đình có thể theo dõi mức tiêu thụ điện của mình bằng đồng hồ thông minh và giảm mức sử dụng bất cứ khi nào, vào lúc nhu cầu cao điểm của hệ thống.

EMA đã và đang thực hiện chương trình này dành cho hộ tiêu dùng thương mại và công nghiệp - những người nhận khoản thanh toán như một động lực để giảm mức sử dụng điện trong những khoảng thời gian nhất định. Nguồn lực phía cầu đã tăng 1,5 lần ở mức khoảng 100 MW. Việc mở rộng chương trình tới các hộ gia đình dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm tới. Các hộ gia đình tham gia thí điểm đáp ứng nhu cầu này sẽ nhận được thông báo từ ứng dụng di động của SP để tạm thời giảm, hoặc trì hoãn mức tiêu thụ điện của họ trong thời gian có nhu cầu cao điểm để đổi lấy một số khoản thanh toán.

Bên cạnh việc nhập khẩu điện có hàm lượng carbon thấp, Singapore cũng đang tăng cường nguồn năng lượng mặt trời trong nước.

Theo MTI, hiện tại họ đã vượt qua mức 1 GWp về triển khai năng lượng mặt trời - hơn một nửa mục tiêu là đạt mức 2 GWp về triển khai năng lượng mặt trời vào năm 2030. Do các hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng phân tán (DER) quy mô nhỏ khác (như xe điện) sẽ tăng số lượng trong vài năm tới, SP đã đưa ra một hệ thống thí điểm để quản lý chúng tốt hơn.

Được gọi là hệ thống quản lý DER, nền tảng này nhằm mục đích giám sát và kiểm soát các DER này để hỗ trợ các nhà vận hành mạng lưới thông tin theo thời gian thực và khả năng kiểm soát để vận hành, hẹn giờ kết nối DER. “Khi được phát triển hoàn chỉnh, hệ thống này sẽ cho phép tích hợp liền mạch các DER vào lưới điện của chúng tôi, quản lý tác động của chúng đến độ tin cậy và chi phí của hệ thống, đồng thời giảm nguy cơ tắc nghẽn lưới điện mà chúng tôi thấy ở các quốc gia khác” - MTI cho hay.

Cùng với việc xây dựng năng lực của lưới điện, SP đang có kế hoạch thí điểm một công cụ kỹ thuật số có thể giám sát và phân tích từ xa tình trạng cũng như hiệu suất của lưới điện, cũng như dự đoán những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của lưới điện. SP có kế hoạch triển khai công cụ này dưới dạng thí điểm vào năm 2025. Khi chi phí của cảm biến, giải pháp kỹ thuật số và truyền thông giảm, chúng có thể được áp dụng cho một số lượng lớn lưới phân phối (chẳng hạn như 18.000 máy biến áp trên 12.000 trạm biến áp của SP).

Nhà điều hành lưới điện đang tìm cách triển khai một giải pháp kỹ thuật số khác sử dụng mô hình hóa và mô phỏng để xác định tác động của các phụ tải và DER bổ sung lên lưới điện. Giải pháp phần mềm sẽ giúp đánh giá tác động của những thay đổi đáng kể về nhu cầu dự kiến trong lưới phân phối khi ngành năng lượng giảm lượng cacbon.

Nhập khẩu điện sạch và các thử nghiệm mua bán điện xuyên biên giới:

Theo Reuters: Singapore có kế hoạch nhập khẩu điện để tăng cường an ninh, đa dạng hóa nguồn cung, nhập khẩu tới 4 GW điện carbon thấp vào năm 2035, tương đương khoảng 30% tổng nguồn cung. Quốc gia châu Á này sẽ bắt đầu thử nghiệm để giải quyết các vấn đề kỹ thuật và quy định đối với hoạt động mua bán điện xuyên biên giới, chẳng hạn như kế hoạch nhập khẩu 100 MW điện từ nước láng giềng Malaysia và 100 MW điện năng lượng mặt trời từ Pulau, Bulan ở Indonesia.

Hôm 24/10 vừa qua, Công ty dịch vụ công cộng YTL PowerSeraya cho biết, họ đã được chỉ định làm nhà nhập khẩu điện cho cuộc thử nghiệm kéo dài hai năm nhằm nhập khẩu 100 MW điện từ Malaysia thông qua các bộ kết nối hiện có. “Những thử nghiệm này cho phép chúng tôi tìm hiểu và cải thiện hệ thống, cũng như quy trình của mình khi chúng tôi tăng cường nhập khẩu. Chúng tôi cũng sẽ nhập khẩu các loại năng lượng carbon thấp từ các nơi khác nhau trên thế giới để đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường an ninh năng lượng” - YTL PowerSeraya cho biết.

Singapore sẽ đưa ra hai yêu cầu đề xuất (RFP) cho 4 GW nhập khẩu điện có hàm lượng carbon thấp trong nỗ lực của mình, tương tự như cách tiếp cận hiện nay là đa dạng hóa các nguồn khí đốt tự nhiên. Đề xuất đầu tiên sẽ được đưa ra vào tháng 11 này trong khi đề xuất thứ hai dự kiến ​​vào quý 2 năm sau. Singapore sẽ để một số tua bin khí tự nhiên chu trình hỗn hợp ngừng hoạt động để dự phòng trong trường hợp nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn lâu dài.

EMA và Tập đoàn JTC sẽ đưa ra yêu cầu trị giá 6 triệu USD cho đề xuất thử nghiệm năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng và các giải pháp carbon thấp trên đảo Jurong của Singapore. EMA cũng đang hợp tác với ngành công nghiệp để thử nghiệm khí tự nhiên giàu hydro để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hiện có, cũng như nhập khẩu hydro có hàm lượng carbon thấp.

Theo ông Gan Kim Yong - Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore: Mặc dù nhập khẩu điện sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng Singapore không thể chỉ dựa vào đó để khử cacbon trong điện của mình. Ông nói: “Chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp năng lượng mới để đáp ứng cả nhu cầu năng lượng lâu dài và mục tiêu phát thải thấp. Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận trung lập về công nghệ, hợp tác toàn cầu để tìm những giải pháp hứa hẹn nhất cho lộ trình phát triển điện”.

Theo ông Gan Kim Yong: Singapore cũng đang chuẩn bị luật để trao quyền cho Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) áp dụng các tiêu chuẩn phát thải đối với các công ty sản xuất điện. Ngoài nhập khẩu điện, Singapore đang thực hiện các giải pháp năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu dài hạn và cắt giảm khí thải. Chính phủ đã trao 55 triệu đô la Singapore theo Sáng kiến tài trợ nghiên cứu năng lượng carbon thấp để hỗ trợ 12 dự án về giải pháp công nghệ năng lượng carbon thấp. Chúng bao gồm các dự án nghiên cứu, phát triển và trình diễn. 12 dự án được trao giải sẽ cải thiện tính khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế của việc triển khai các công nghệ carbon thấp nhằm hỗ trợ quá trình khử cacbon trong các ngành công nghiệp, điện lực của Singapore, trên các lĩnh vực chính là thu hồi, sử dụng, lưu trữ hydro và carbon.

Singapore nhập khẩu điện sạch từ những nước nào trong khu vực?

Việc phê duyệt có điều kiện cho Sembcorp Utilities nhập khẩu 1,2 GW điện từ Việt Nam - thỏa thuận mới nhất này nhằm đa dạng hóa nguồn điện và xanh hóa danh mục sản xuất điện. 95% nguồn điện hiện nay được cung cấp nhiên liệu bằng khí đốt. Các thỏa thuận nhập khẩu điện gần đây bao gồm:

Từ Indonesia: Ngày 8/9/2023, EMA đã phê duyệt có điều kiện cho việc nhập khẩu 2 GW điện có hàm lượng carbon thấp từ một dự án điện mặt trời ở Indonesia. Nguồn cung sẽ đến từ các dự án được phát triển bởi 5 công ty của Indonesia và Singapore (gồm Pacific Medco Solar Energy, Adaro Solar International, EDP Renewables APAC, Vanda RE và Keppel Energy).

Theo thỏa thuận, Keppel Corp sẽ bắt đầu nhập khẩu 300 MW điện có hàm lượng carbon thấp hơn từ Indonesia, dự kiến bắt đầu nhập khẩu vào cuối năm 2027. Điện sẽ được truyền qua hệ thống cáp truyền tải dưới biển, được phát triển bởi Keppel, EDP và Vanda Re.

Từ Campuchia: Vào tháng 3/2023, Keppel Energy đã nhận được sự chấp thuận có điều kiện từ EMA cho việc nhập khẩu và bán dài hạn 1 GW điện carbon thấp từ Campuchia. Theo thỏa thuận dài hạn với Tập đoàn Điện lực Hoàng gia Campuchia, Keppel sẽ nhập khẩu chủ yếu điện năng lượng mặt trời thông qua đường dây truyền tải điện áp cao trên đất liền và cáp truyền tải điện áp cao dưới biển từ Campuchia.

Từ Lào: Vào tháng 6/2022, Singapore lần đầu tiên nhập khẩu 100 MW năng lượng tái tạo từ Lào, sau thỏa thuận đạt được vào tháng 9/2021 giữa Keppel Electric và Electricite du Lào. Vào tháng 10 năm ngoái, Keppel Energy đã ký thỏa thuận ràng buộc với PSG Corporation Public Co Ltd (PSGC) để cùng tìm hiểu cơ hội nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Lào./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1/ https://www.straitstimes.com/singapore/s-pore-to-import-12gw-of-low-carbon-energy-from-vietnam-to-help-meet-renewable-imports-target

2/ https://www.businesstimes.com.sg/esg/singapore-import-low-carbon-electricity-vietnam

3/ https://www.reuters.com/business/energy/singapore-plans-electricity-imports-up-4-gw-by-2035-2021-10-25/

4/ https://www.channelnewsasia.com/singapore/electricity-imports-singapore-low-carbon-sources-2035-2266036

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động